Tuesday, June 26, 2018

HÃY CAN ĐẢM VỨT BỎ

Đinh Tấn Khương



Đã gần 30 năm mà tôi chưa quên được câu nói của cô dược sĩ có phòng thuốc bên cạnh phòng mạch của tôi lúc ấy, đó là lời phát biểu sau đợt dọn nhà: “Hãy can đảm vứt bỏ thì mới cảm thấy thoải mái trong cuộc sống”. Nghe thì nghe vậy chứ khó mà làm theo lời nhắn nhủ chân tình đó.

Hôm nay, nhân dịp có thời gian rãnh rỗi, quyết định dọn dẹp và sắp xếp lại cái nhà để xe. Nhà để xe nhưng không phải chỉ đậu xe mà còn chứa nhiều thứ, những thứ mà ít khi hay chưa bao giờ đụng tới. Dọn tới đâu thấy mệt tới đó vì cứ phân vân mãi là nên giữ lại hay là vứt bỏ chúng đi. Có lẽ xuất phát từ lòng tham, luôn muốn giữ chặt những gì mà mình đã và đang sở hữu cho nên đời mới khổ.


Thời gian mới đến Úc, những ngày được hội đồng thành phố cho xe tới thu nhận những vật dụng thừa ở từng căn hộ. Mỗi lần đi ngang qua những đống đồ chất dọc theo lề đường, thấy cái gì cũng còn tốt. Nhớ người xưa có nói “Rác của người nhưng là vàng của mình”. Thế là quyết định làm thay công việc của hội đồng thành phố, nai sức mang về rồi kiếm chỗ nhét cất. Trải qua bao nhiêu lần dọn nhà là bao lần tốn công tốn sức để mang những thứ đó đi theo. Và, trong khi dọn nhà để xe hôm nay cũng đã gặp lại nhiều món cũ năm xưa, những món mà hơn 30 năm rồi chưa được một lần đem ra sử dụng, những thứ mà mình cứ nghĩ sẽ có một ngày cần đến. Mà cũng có khi cần đến nó thật, nhưng lúc đó thì lại không nhớ là mình đang cất giữ, hoặc là có nhớ nhưng không biết đang nằm ở đâu, lục lọi mãi mà không tìm ra thì đành phải đi mua cái mới. Thế là, tiêu tốn thời gian tìm kiếm cũng như thời gian sắp xếp trở lại, chưa kể mấy tế bào não bị chết tức tưởi vì cố moi óc ra để ráng nhớ là nó đang nằm ở chốn nào. Đúng là, phí công lại còn tổn sức mà chẳng được gì!

Hơn 20 năm về trước, thời gian trùng tu căn nhà đang ở, lại phải mang những thứ không cần dủng đó đem gởi nhà người quen. Mất thời gian để dọn ra, sắp xếp lại vào thùng và phải lái tới lái lui nhiều lần mới tải hết những quyển sách, bài vở (với ý nghĩ là để dành cho các con sử dụng sau nầy) cùng với nhiều thứ linh tinh khác nữa. Gởi rồi thì lại đem về, không đủ chỗ cất thì xây thêm cái phòng chạy dọc phía sau nhà để xe mà chứa. Hai mươi năm rồi những thứ ấy vẫn còn yên vị ở đó, sách vở cất dành cũng không được các con đem ra sử dụng vì đã quá lỗi thời.

Nhớ lại, ngày mà cô con gái chúng tôi vừa mới hoàn tất kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, chưa có kết quả nhưng đã đăng tin bán sách. Thật sốc, vì nghĩ rằng mình đâu thiếu tiền đến độ để con mình phải bán sách như thế, cố khuyên cháu nhưng không nghe. Vào đại học cũng vậy, sau mỗi niên học là cháu bán hết sách, bài vở thì biếu luôn cho người mua. Vợ chồng tôi lo lắm mà không nói được, nhớ tới câu “cha làm thầy con bán sách” mà sợ vẩn vơ. Thế nhưng, bây giờ cô con gái đã hoàn tất hai văn bằng: cử nhân dược khoa và thạc sĩ y khoa, hiện đang dự tính theo học chuyên ngành, cho nên nỗi sợ đó cũng giảm dần đôi chút!

Khác với cô con gái, cậu con trai thì tính tình chắc giống cha, sách vở từ thời trung học và đại học đều được cất kỹ, mua thùng giấy đựng ngăn nắp và sắp xếp cẩn thận vào các kệ tủ trong nhà để xe.
Và hôm nay, chính những thứ nầy đã làm cho tôi khó xử, không biết là có nên giữ lại hay là cần vứt bỏ nó đi. Khổ nỗi, cậu con trai của chúng tôi cái gì cũng muốn giữ lại, coi trọng những vật dụng đang dùng của mình. Điển hình là cô con gái đăng tin cho thuê ngắn hạn căn phòng đang ở, căn phòng có đủ tiện nghi trong thời gian đi nghỉ xa khoảng chừng hai tháng. Ngược lại, cậu con trai thì có căn nhà 5 phòng ngủ vừa mới trùng tu đang tạm thời để trống, ở trung tâm thành phố nơi có giá thuê cao. Chúng tôi khuyên là nên cho thuê ngắn hạn để có thêm thu nhập nhưng nhất định không chịu vì sợ hư đồ nội thất và đồ dùng trong nhà. Khuyên, nếu có hư thì lấy tiền cho thuê mua mới vẫn còn lợi hơn rất nhiều nhưng cũng không nghe. Bây giờ nhìn lại mới thấy cô con gái có lối sống thực tế hơn, không chấp vướng, biết chia sẻ những gì người khác đang cần mà lại không bị thiệt thòi!
Quá khứ cũng như những món đồ cũ, nếu chúng ta không can đảm dứt bỏ thì sẽ mãi đeo mang tâm trạng tiếc nuối, buồn phiền hay lo âu. Bám chặt một quá khứ huy hoàng hay che dấu một quá khứ không hài lòng cũng đều dẫn đến bất an trong cuộc sống. Nhớ lại một gia đình quen biết ở trại tỵ nạn, khá thành công trong thương trường sau vài năm tới Úc, cô cũng thường nói về những thành đạt của gia đình trước 1975. Hôm đưa người mẹ đến khám bệnh, người mẹ vừa mới bảo lãnh từ Việt Nam sang Úc định cư. Phát hiện một bên chân bị thương tật, hỏi thì được cho biết là thời còn bé đang lúc chăn trâu thì không may bị hất ngã khi chúng báng lộn, khiến gãy chân. Cô con gái khá bối rối khi nghe mẹ mình bất ngờ nói ra cái quá khứ mà chắc rằng cô không muốn một ai biết đến, bởi sợ đánh giá thấp đấy chăng. Và kể từ đó không còn gặp lại những thành viên trong gia đình này nữa. Có lẽ cô chưa biết về quá khứ của tôi, cái quá khứ mà ngày xưa lúc nhà còn nghèo cũng đã từng phụ việc chăn bò vào những ngày nghỉ học, lúc mới qua Úc thì khởi đầu làm công mhân xí nghiệp rồi sau đó chuyển sang dọn dẹp vệ sinh cũng như lái taxi trong những ngày cuối tuần suốt thời gian học lại y khoa. Cái quá khứ đó đã giúp cho tôi vuợt qua những khó khăn để có được ngày hôm nay, với một gia đình mà 3 trong 4 thành viên có cùng title là dr. và nếu không có gì thay đổi thì sẽ thêm nữa trong một tương lai gần.

Nhưng mà, những gì hôm nay cũng sẽ là quá khứ trong tương lai, vạn vật luôn thay đổi và không có gì tồn tại mãi, ngay cả cái thân mà chúng ta đang sở hữu. Buông được thì lòng mới thanh thản, mãi chấp vướng thì càng bất an. Biết thì biết thế nhưng liệu mình có can đảm buông được hay không!?


Sydney, ngày 26/06/2018
đinh tấn khương

_____________________________

No comments:

Post a Comment