Bài và ảnh: ĐỨC TUẤN – HOA MINH
có một câu cửa miệng mà người Tây Tạng thường dùng để cảnh cáo nhau "Hãy coi chừng, kiếp sau của anh có thể đến trước ngày mai."
Câu nói thật ấn tượng và đầy đủ ý nghĩa, tôi lên mạng tìm thêm và tình cờ, có bài viết của anh Đức Tuấn đăng trên đó nên xin share lại để mọi người đọc thêm và tìm xem lại "Mê Kông Ký Sự".
HÀNH HƯƠNG ĐẾN “NÓC NHÀ THẾ GIỚI”
Tiếng nhạc dập dìu trong chiếc xe chật chội đung đưa lấn dần vào với mảnh đất Tây Tạng. Hai bên đường giờ đã trải dài những cánh đồng cỏ, những dẫy núi quanh năm tuyết phủ mờ xa, bầu trời trong vắt phản chiếu mạt hồ phẳng lặng và đàn bò Yak với bộ lông cùng chiếc đuôi dài lết phết nhẩn nha. Có cảm giác cả trời và đất đều đang tụ hội về đây, đường chân trời xa tít tắp.
Đỉnh thiêng của người Tạng
Khái niệm về không gian mà cao nguyên Tây Tạng mang lại thật vĩ đại. Nó không chỉ đủ cả ba chiều lập thể với những dãy núi tuyết cao từ 6 đến 7 ngàn mét mà còn có thêm một chiều thứ tư sâu thẳm, đó là sự thần bí ngự trị trong tâm thức con người. Những điều mà ta cho là mơ hồ như kiếp luân hồi, sự tồn tại của thần thánh hoặc những cuộc hành hương vô hình của các đấng siêu phàm lướt qua các đỉnh núi…là điều hiển nhiên đối với người Tạng. Niềm tin vào tôn giáo của họ thật đơn giản và mãnh liệt. Họ luôn nghĩ rằng, thần thánh đã ban cho họ ở tại nơi cao nhất này thì không cớ gì phải xuống núi sống chen chúc với phần còn lại của thế giới!
Lhasa- Thánh địa của Phật giáo
Xe vừa ra khỏi một hẻm núi ngoằn nghoèo thì Lhasa, kinh đô của vương quốc cổ xưa còn sót lại hiện ra trong một thung lũng xinh đẹp. Thành phố là sự kết hợp giữa nét hiện đại và vẻ thanh tao cổ kính. Dưới chân dãy núi là dòng sông Lhasa êm đềm uốn lượn.
Lhasa còn có một mệnh danh khác là “Thánh địa của Phật giáo”, nên đâu đâu cũng có những ngôi chùa cổ kính. Đằng sau nét phồn hoa đô hội là dáng vẻ tôn nghiêm của một cõi thiêng liêng Phật giáo Tạng truyền. Nổi bật và huy hoàng nhất là cung điện Potala đồ sộ giữa nền trời xanh thẳm, được xem là biểu tượng của Lhasa.
Potala trong tiếng Phạn có nghĩa là “Thánh địa Phật giáo”. Đây là nơi ở và làm việc của các vị Đạt Lai Lạt Ma, lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng. Potala được xây dựng trên núi Mabuge, cao hơn thành phố Lhasa tới 9m nên đứng tại bất kì phương hướng nào ở điểm cách xa vài cây số cũng đều có thể nhìn thấy cung. Potala cao 13 tầng lầu, tường sơn 2 màu trắng, đỏ với từng dãy cửa sổ và mái nhà cao thấp khác nhau. Từ trên nóc Potala ta có thể ngắm nhìn toàn bộ vẻ đẹp lộng lẫy của Lhasa.
Cách Potala không xa có hai ngôi chùa được xây vào thế kỷ thứ 7 là Tiểu Chiêu tự và Đại chiêu tự (Jokhang) đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới vào năm 2000. Cả Đại chiêu tự và Tiểu chiêu tự lưu giữ vô số tượng Phật quý hiếm, đáng chú ý là những bức tranh Mandala và Tangka có giá trị nghệ thuật cao. Việc Công chúa Văn Thành sai dê lắp đầm lầy xây Đại Chiêu tự và nơi bánh xe dê bị lún xây Tiểu Chiêu tự đều là những truyền thuyết về tấm lòng của công chúa Đường triều đối với người Tạng.
Ngược về phía Tây thành phố Lhasa khoảng 8km là Thiền viện Drepung do các đệ tử của Tông Khách Ba (nhà cải cách tôn giáo lớn nhất trong lịch sử Tây Tạng) xây dựng lớn bằng cả ngôi làng, lúc cao điểm có đến một vạn tăng sĩ từ các miền đến đây để học tập. Phật giáo du nhập vào Tây Tạng từ rất lâu, nhưng mãi đến thế kỷ 14, vị đại sư Tông Khách Ba mới sáng lập nên Tạng phái Cách Lỗ với những Đạt Lai Lạt Ma và Ban Thiền Lạt ma còn lưu truyền đến hôm nay. Ông là nhà cải cách tôn giáo quan trọng nhất, là vị chỉnh đốn giáo luật, rà soát lại toàn bộ kinh điển Phật giáo Tây Tạng và cũng là người xây dựng nhiều ngôi chùa, đền đài quan trọng.
Đoàn người Tây Tạng đến Lhasa hành hương kéo dài vô tận. Cứ vài bước, họ lại chắp tay quá khỏi đầu, hạ xuống trán, cằm, ngực vái lạy rồi rạp xuống mặt đất thành kính. Cách bái phần này gọi là ngũ thể nhập địa mà chỉ có người Tạng mới có. Mãi sau này chúng tôi mới thật sự hiểu tại sao phần đất cao nguyên này lại được coi là kỳ bí nhất trên trái đất, hiện tồn cả nơi thiên nhiên lẫn con người. Một kiểu tín ngưỡng nữa của người Tạng cũng vô cùng huyền bí, đó là cách niệm Phật, tụng kinh bằng hình thức “chuyển kinh luân”. Người Phật tử đến chùa, dùng tay xoay đều những khối trụ bằng kim loại, tức vật dùng để luân chuyển kinh Phật. Bên trong những hình trụ xoay tròn này là một văn bản kinh Phật Tạng truyền. Phật tử làm cho nó xoay vòng tức là đã thực hiện một hình thức tụng kinh, niệm Phật.
Xen kẽ giữa dòng người Tạng hành hương là du khách đến từ phương xa. Từ dưới chân Potala, bạn phải leo hàng trăm bậc thang mới lên đến tòa điện chính cao 117m. Potala có một tầng hầm bí mật mà không phải ai cũng đến được. Đó là khu cất giữ những quan tài cho những hiện thân của Lạt Ma qua đời. Khi một cao tăng viên tịch, xác ướp được bọc trong một lớp vàng gọi là Kim Táng, một trong 5 hình thức an táng của Tây Tạng. Sau này, người được coi là hiện thân tái sinh sẽ tới bên bức tượng để nhận dạng và nghe câu nói : “Đây là xác ướp của con thời tiền kiếp”.
Hầu hết đèn trong các đền đài ở Lhasa được thắp bằng nến làm từ bơ trâu lùn, không hề có khói. Các Phật tử hay người hành hương đến lễ chùa đều không quên đốt nến. Bởi họ tin rằng mỗi ngọn nến thắp lên đều mang lại một điều tốt lành. Chưa ở đâu có loại ánh sáng lung linh huyền ảo như thế này, nó làm cho tri giác của ta lênh đênh như đang lạc vào cõi Phật. Suốt hành trình ở Tây Tạng, tôi luôn băn khoăn suy nghĩ, điều gì cao cả nhất ngự trị trong tâm thức của người Tạng: Trời, Phật, kiếp sau hay nỗi lo toan cuộc sống hằng ngày? Và tôi đã được giải đáp khi nghe một câu cửa miệng thường được người Tạng dùng để cảnh báo lẫn nhau: “Hãy coi chừng, kiếp sau của anh có thể đến trước ngày mai”…!
Núi thiêng Kailash và Hồ thiêng Yamdrok
Khi đề cập đến tín ngưỡng tôn giáo của người Tạng chắc chắn phải nói đến hình thức hành hương của họ về núi thiêng Kailash, cách thủ phủ Lhasa trên 1.000km về hướng Tây. Dãy núi tuyết này được người Tạng cho là dãy núi của thần thánh, với mệnh danh “vũ trụ tâm linh”, nơi Kinh tạng Phật giáo gọi là núi Tu Di và cũng là nơi duy nhất ngày xưa Đức Phật và 500 vị A la hán đặt chân đến.
Chuyến hành hương Tây Tạng sẽ thiếu sót nếu không đến hồ Yamdrok, hồ lớn thứ ba của Tây Tạng, diện tích mặt nước khoảng 638 km2, nằm ở độ cao 4.441m và được xem là hồ thiêng của Tây Tạng. Từ Lhasa đến đây phải mất đến ba ngày với hành trình chừng vài trăm cây số.
Chúng tôi đến Yamdrok vào một ngày đẹp trời nhưng giá lạnh. Trước mắt tôi là hồ Yamdrok quanh năm mây phủ, còn được gọi là Ngọc Bích hồ, vì hồ có màu nước xanh biếc như cẩm thạch. Có một tục lệ tôn giáo kỳ bí liên quan đến sự thiêng liêng của Ngọc Bích hồ này: những vị cao tăng Tây Tạng khi được tấn phong phải lên ngồi thiền định ở bờ hồ. Với họ, hướng trôi huyền bí của những đám mây như mang một thông điệp của đất trời, của đấng Chí Tôn giúp họ hành đạo.
Bài và ảnh: ĐỨC TUẤN – HOA MINH
(Sưu tầm trên mạng)
_________________________________________
No comments:
Post a Comment