Bùi Bích Hà
Sinh trưởng ở thành phố Huế cổ kính, những
thập niên đầu và giữa thế kỷ 20, chúng tôi chịu một nền giáo dục hết sức nghiêm
khắc của gia đình. Cha mẹ và cả các anh chị, kiểm soát con em rất chặt chẽ về
cả hai phương diện hành vi và tư tưởng. Người lớn rất sợ chúng tôi tiêm nhiễm
những điều chất chứa trong nội dung các cuốn sách, nặng nhất là sách truyện hay
tiểu thuyết. Bàn học của chúng tôi không có sách nào khác ngoài tập vở liên
quan đến chương trình học ở nhà trường. Vài bạn may mắn được gia đình chăm sóc
kỹ thì có mấy cuốn sách hồng mỏng tang nêu cao gương đạo đức cho tuổi thiếu
niên.
Phần tôi, người tình cờ gợi ý cho tôi tò mò
muốn đọc sách từ tuổi lên bảy là chị cả của tôi. Bố mẹ tôi vì công việc, thường
vắng nhà. Khác với tôi bị một chị và một anh trên mình canh gác và trừng phạt
thay bố mẹ, chị không bị ai giám sát cả nên chị tự do đọc bất cứ sách gì chị
muốn. Tôi còn nhớ như in cảnh những buổi trưa mùa Hè gió hây hây mát, chị ngồi
dựa lưng trên cái ghế xích đu đặt ở mé hiên thấp thoáng nắng từ cái dàn thiên
lý lá xanh như ngọc, quyển sách úp hờ hững trên ngực, hai mắt chị lim dim, khuôn
mặt chị đằm đằm nét dịu dàng thỏa thuê của một bông hoa hé cánh. Chị ngưng đọc
từng lúc như thế khiến tôi thầm đoán chắc chị đang ôn lại những gì chị vừa thấy
mô tả qua mấy trang sách chị cầm trên tay. Điều này kích thích trí tưởng tượng
non nớt của tôi, khiến tôi liều giấu một cuốn của chị trên cái hộp nước trong
bồn cầu để tôi có chỗ đọc nó. Dần dần, bằng cách này, tôi đọc được nhiều sách
lắm, của Dương Thị Hạnh, Hoàng Ngọc Phách, Lê Văn Trương, Phạm Cao Củng, v.v... Nhiều nhất là của Tự Lực Văn Đoàn. Có những cuốn đối thoại giữa
các nhân vật rất hay và tôi bắt chước họ bằng cách một mình lần lượt đóng mấy
vai, một mình đối đáp qua lại, làm đủ cử chỉ như sách mô tả đằng sau cánh cửa
phòng vệ sinh tôi đã chốt kỹ. Sau này lớn lên, ăn nói trôi chảy, khẩu khiếu của
tôi chắc từ đây mà ra.
Năm tháng trôi qua, như các bạn bè cùng trang
lứa, thời mới lớn, tôi cũng có nhiều anh ngấm nghé. Có một anh du học bên Pháp
về, cứ mỗi lần đến thăm tôi, anh đều cho sách, những cuốn anh chọn mua ở nhà
sách Albert Portail (sau này là Xuân Thu) trên đường Catinat, Saigon. Nhờ anh,
tôi đọc hết những cuốn của Francoise Sagan và rải rác trong chương trình học
bên Văn Khoa, vài cuốn của Jean Paul Sartre, Albert
Camus, Somerset Maugham, Andre Gide (tôi bỏ nửa chừng) Alain Robbe-Grillet (tôi
không mấy thích). Riêng trong số sách anh cho, có một cuốn không thuộc loại văn
học nên tôi đặc biệt lưu ý, cuốn Sur Les Hauts Plateaux du Vietnam, viết về đời
sống của các bộ lạc thiểu số vùng cao.
Thấy anh qua lại đã lâu mà tôi thì lửng lơ, mẹ
tôi khuyến khích : “Này
con, mẹ thấy cậu Thụy được đấy. Trai gái quen nhau mà cậu ấy chỉ cho con sách.
Người quý sách tính tình nho nhã, thanh lịch và sâu sắc con ạ !”.
Tôi ngạc nhiên nghe nhận xét của mẹ trong cách
đánh giá một con người. Nhất là bà xuất thân từ một làng quê nghèo Bắc Ninh,
bản thân mù chữ, trưởng thành với công việc đồng áng lam lũ cho đến khi bước
vào ngôi nhà bề thế của bố tôi để sinh con cho ông. Mãi sau này, nghĩ lại, tôi
mới nghiệm ra niềm an ủi nuôi sống mẹ tôi qua suốt cuộc đời nhọc nhằn, cơ cực
của bà là mấy cuốn Truyện Kiều, Chinh Phụ Ngâm, Cung Oán Ngâm Khúc mà tôi thực
sự không biết nhờ đâu bà thuộc lòng không sót một câu !
Đến đời tôi, đứa con không ai chờ đợi trong
gia đình vì trên tôi đã có một chị xinh đẹp và một anh khôi ngô, tuấn tú. Từ
khi lọt lòng, tôi hẩm hút trong tay người đàn bà sinh ra tôi mà tôi chỉ được
gọi là chị, loanh quanh với “người chị” từ tinh mơ đến quá nửa đêm. Ngày nào như ngày nấy, phải làm trăm công ngàn
việc, nhiều lắm chỉ cho tôi thỉnh thoảng ngửi hơi áo đầy mùi mắm muối của chị,
không có thì giờ bế ẵm, chuyện trò với tôi, bỏ mặc tôi trong cái xe đẩy bằng
mây, lọc cọc bốn cái bánh gỗ trong gian bếp ám khói là nơi chị phải đánh vật
suốt ngày với mấy ông đầu râu để lo cơm nước cho mấy chục nhân khẩu. Biết đi rồi,
tôi vẫn một mình lủi thủi chơi với mấy con côn trùng vô hại, với cái chày giã
cua quấn cái tã cũ giả bộ làm búp bê, với cái bánh xe lăn vòng quanh cái sân gạch
và tôi luôn miệng mời chào : “Chị ơi, chị đi xe của
em lên chợ Đông Ba không?”. Lớn hơn tí nữa, tôi
lăn lóc từ sáng đến chiều tối với con cái những người thợ thuyền và công nhân
trong nhà, chơi đủ thứ trò chơi lảm nhảm của đám con nít không có ai giáo dục
như tôi. Phước đức tổ tiên để lại, nhờ chị cả, tôi bước vào thế giới sách và
học được bao nhiêu điều kỳ diệu qua ngôn ngữ và cách ứng xử của các nhân vật
tác giả vẽ ra trong những cuốn sách ấy. Cũng cắp sách đi học như nhiều trẻ con
khác nhưng vì có tình yêu chữ nghĩa, tôi với biển học như cá gặp nước, cha mẹ
không cần roi vọt đe nẹt, thúc bách. Hơn ai hết, tôi sớm biết sách là chìa khóa
mở cửa một thế giới huy hoàng, của ánh sáng, của tâm hồn, của trí tuệ, của trái
tim và của trí khôn nhân loại.
Mấy tháng nay, tôi có chị bạn đang loay hoay tìm hiểu, thu góp
mọi tài tiệu liên quan đến những vụ đốt sách xảy ra ở Sài Gòn những ngày đầu
tiên sau biến cố 30 Tháng Tư 1975, khi cả miền Nam bị Cộng Sản Bắc Việt trắng
trợn vi phạm Hiệp Định Paris, lợi dụng thời cơ đến trong tầm tay và xua quân
nuốt trọn phần lãnh thổ VNCH phía Nam vĩ tuyến 17. Chị nói với tôi : “Tội
đốt sách cũng ngang với tội diệt chủng. Lịch sử kết tội những lò hơi ngạt của
Hitler, sao không ai kết tội kẻ đốt sách ?”. Bạn tôi không quá lời nếu chúng ta hình dung
được mỗi con chữ, mỗi cuốn sách cũng có linh hồn.
(ảnh internet) |
Trận đốt sách đầu tiên tôi chứng kiến diễn ra
tại lề đường trước mặt rạp chiếu bóng Cao Đồng Hưng, gần chợ Bà Chiểu, Gia
Định. Tôi không biết có bao nhiêu cuốn sách và những loại nào được gom thành
đống có ngọn, cao chừng hơn một thước, đáy tòe ra chừng thước rưỡi. Nam nữ đoàn
viên đội băng đỏ xúm quanh, hăng hái diễn thuyết về nền văn hóa Mỹ - Ngụy đồi trụy cần phải được đốt sạch. Họ kêu
gọi dân chúng tự giác đem nộp sách cho ủy ban quân quản “xử lý” hay là chờ nhà cửa bị lục soát, sách bị tịch thâu và người mang
tội với “giải phóng và nhân dân” ?. Hiệu triệu xong, họ cùng nhau hò hét inh ỏi rồi châm lửa vào
nấm mộ sách. Ngọn lửa nhanh chóng bốc lên ngùn ngụt, khói bay khét lẹt. Tôi hơi
lạ, nghĩ sao sách mới in ra thơm mùi giấy, mùi mực là thế mà khi bị đốt, sách
không thơm nữa ? Mỗi tờ, mỗi trang là thịt da của sách chăng ?
Sau màn đốt sách này, tôi chờ đợi phải chứng
kiến thêm nhiều lần nữa nhưng không ! Có ai đó thông suốt về kinh tế tầm nhỏ, đã mách nước “chính quyền giải phóng” đừng dại dột đem sách ra đốt vì tiền đấy ! Đem bán ve chai hay giấy lộn sẽ thu được
khối tiền. Thế là lề đường đầy người trải những tấm bạt bày bán sách cân theo
kí lô và bạn hàng chạp phô các chợ xé sách xoàn xoạt để lấy giấy gói các vật
phẩm bán lẻ cho người mua. Đó là cách làm kinh tế cấp kỳ của những người chủ
mới của miền Nam Việt Nam sau “chiến thắng vĩ đại đưa họ lên đỉnh cao trí tuệ
của loài người”.
Không đốt sách nhưng sách vẫn là một hiểm họa
đáng sợ cho những kẻ không có khả năng đọc sách, hiểu sách để làm chủ sách.
Sách vẫn muôn đời là ngọn đuốc soi đường, là vũ khí tranh đấu hiệu quả trên mặt
trận xây dựng Tự Do/Dân Chủ/Nhân Quyền và Hạnh Phúc cho con người chống lại
bóng tối của ngu muội và của sự ác. Không triệt được sách, không bỏ tù được
sách thì triệt người viết sách, bỏ tù tác giả. Sau cuộc chiến đốt sách sớm tàn
lụi là cuộc chiến truy đuổi và bách hại các văn nghệ sĩ, nhà báo, học giả, trí
thức kẹt lại trong nước.
Viết đến đây, tôi sực nhớ mẹ tôi xuất thân mù
chữ. Rõ ràng bà không có khả năng đọc, hiểu và làm chủ sách nhưng sao mẹ tôi
không hằn thù, không sợ hãi sách mà trái lại, bà quí sách và ca tụng những người quí sách ? Sự khác biệt giữa mẹ tôi và các đội viên mang băng đỏ ở tay áo
ngày 30 Tháng Tư 1975, cả những kẻ ra lệnh cho họ đốt sách, là gì ? Phải chăng là trái tim của yêu thương con
người, của thiện ý muốn thấy cuộc đời này tươi đẹp hơn, tiến bộ hơn, sáng sủa
hơn ? Phải chăng là niềm tin vào khối óc con người
cần được nuôi dưỡng và phát triển thay vì triệt hạ nó ?
Thi sĩ Phùng Quán hạ bút viết những câu thơ để
đời : “Có
những phút ngã lòng, tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”. Mẹ tôi là nhân chứng cho thơ của ông khi bà
sống được như một người tử tế và đi trọn cuộc hành trình khốn khó của bà trên
mặt đất này cũng chỉ nhờ những câu thơ trong Kiều, Chinh Phụ Ngâm và Cung Oán
Ngâm Khúc, để bà vịn đứng lên và không qụy ngã. Chữ nghĩa là tường thành, là đá
tảng, là gậy thép, là sức mạnh sinh tồn vượt qua mọi thử
thách và đe dọa. Sợ là phải !
Mới đây, nhân chuyện con nhện giăng tơ ở vườn
sau nhà tôi, chúng tôi nhớ lại bài thơ cổ đăng trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư, mà người Việt Nam nào ra đời trong thế kỷ 20 đều
thuộc : “Đêm qua ra đứng bờ ao/ Trông cá cá lặn,
trông sao sao mờ/ Buồn trông con nhện giăng tơ/ Nhện ơi nhện hỡi, nhện chờ mối
ai?”… Điều bất ngờ vô cùng lý thú là một anh trong nhóm chúng tôi đang có
nguyên vẹn cuốn sách này trong tay, khiến tôi ngẩn ngơ rồi kinh ngạc, tự hỏi
làm sao mà một cuốn sách mỏng có thể trôi nổi gần một thế kỷ, qua biết bao tai
ương, sóng gió để vẫn đường hoàng tồn tại trong tủ sách của một người suốt đời
yêu sách như thế ? Tôi nhất định tin rằng không chỉ xương da mà
sách còn có linh hồn và linh hồn ấy bất tử, sá gì ý đồ diệt sách của một chính
thể vô đạo mà sự hiện diện tính bằng cái ngắn ngủi của một kiếp người ?
Bùi Bích Hà
(October 11, 2017)
_______________________________________
No comments:
Post a Comment