Thursday, April 12, 2018

Ly dị vì em thương anh

LS  Anh Thư

Là một luật sư làm về luật dân sự (civil law) tôi có điều kiện tiếp xúc với nhiều câu chuyện đầy nhân bản. Ðây là một lá thư người vợ viết cho chồng trước khi họ cùng đến văn phòng tôi nhờ làm hồ sơ ly dị. Tôi đã xin phép họ chia sẻ với quý độc giả.
***

Dallas ngày 13 tháng 5, năm 2017.
Bố của các con em,
Chúng ta trở thành vợ chồng đã hơn hai chục năm rồi bố nhỉ. Tuổi đời càng lớn thì mẹ lại càng thấy thời gian trôi qua vun vút. Cơ hội để chúng ta thực sự hạnh phúc trong cuộc sống cũng càng trở nên giới hạn. Chàng thanh niên theo đuổi mẹ ngày nào đã là một người đàn ông vào tuổi xế chiều. Ðêm nay, bố dậy nhiều lần đi tiểu. Hai vai bố chùng xuống, dáng bố lòm khòm với cái bụng phệ của tuổi già. Mẹ nhìn bóng bố mà thương cảm. Mẹ thương mái tóc muối tiêu của bố, thương cả cái bụng phệ dù bố năng tập thể dục và ăn uống điều độ nên mỗi lần bố tỏ vẻ mặc cảm là mẹ lại đến gần hôn lên bụng bố, tủm tỉm cười và nói rằng “mẹ chẳng thấy bụng phệ nào cả”. Bố là một người đàn ông mẹ nể phục, một người cha suốt đời hy sinh cho con cái và một người bạn đời lo lắng chu đáo cho mẹ tất cả mọi việc từ trong nhà ra ngoài đường. Nhưng đã đến lúc có lẽ mẹ phải dẹp bỏ tính ích kỷ và tự ái của riêng mình để bố có cơ hội thực sự hạnh phúc trong quãng đời ngắn ngủi còn lại của mình và mẹ cũng có thể bình an, vui sống hằng ngày. Mình ly dị bố nhé.

Không phải ai cũng may mắn có được một cuộc sống hôn nhân viên mãn. Ða số lớn lên, lấy vợ lấy chồng và hoàn tất việc duy trì nòi giống như một định mệnh đã an bài. Bố và mẹ có lẽ cũng vậy. Nói rằng lấy nhau không có tình cảm thì cũng không chính xác, nhưng cuộc sống hôn nhân cũng theo lối mòn giống như bao nhiêu cặp vợ chồng khác, sống với nhau vì trách nhiệm gia đình, con cái, cần có người để mình nương tựa, và vì cái nghĩa vợ chồng. Mẹ còn nhớ như in thời gian mẹ được nhiều chàng trai săn đón, trong đó có bố. Tướng tá bố nhỏ con, không được đẹp trai, lại lớn tuổi hơn mẹ nhiều nên gia đình mẹ cho rằng bố không xứng với mẹ. Nhưng có lẽ mẹ có ấn tượng với tính khí của bố và cách nói chuyện hoạt bát mà mẹ đã nhiều lần vượt rào mỗi khi bố đi làm xa về thăm và cuối cùng là chuyện gì đến cũng đã đến. Mẹ an phận gắn kết nghĩa vợ chồng với bố.

Cuộc sống vợ chồng có nhiều chật vật về kinh tế nhưng bố và mẹ cùng nỗ lực vươn lên. Dù đã có con, cả hai vợ chồng cùng đi học và đi làm để có tấm bằng đại học và điều kiện công việc làm thuận lợi hướng về tương lai. Giờ đây, bố là một người đầy quyền lực trong xã hội. Mẹ cũng có một vị thế nhất định trong công việc chuyên môn của mình. Tiền bạc vật chất chúng ta không thiếu. Người ngoài nhìn vào có lẽ sẽ ghen tị, thèm muốn. Trước mặt mọi người chúng ta vẫn hoàn tất vai trò người phối ngẫu của nhau khá tốt. Bố chăm sóc vợ con chu đáo. Mẹ cố gắng giữ mình trẻ trung, xinh xắn để xứng đáng với địa vị trong xã hội của bố. Mẹ cũng không ngừng nỗ lực trau dồi kiến thức và trình độ học vấn để mỗi lần tham dự những buổi hội họp của các giới chức chính quyền, bố có thể tự hào giới thiệu vợ bố với những người chung quanh.

Nhưng bố ơi chỉ chúng ta mới thực sự là người có quyền quyết định và phán xét cho chính chúng ta. Ðừng sống vì dư luận. Mẹ hiểu bố có những khao khát mà mẹ không thể nào thỏa mãn được. Mẹ không thể nào thay đổi bản tính con người của mẹ. Nói ra có vẻ là to tát như người ta thường nói “đồng sàng dị mộng” khi miêu tả những hôn nhân không hạnh phúc và hai người trong cuộc sống với nhau như hai cái bóng. Nhưng nó không chính xác khi miêu tả hôn nhân chúng ta. Nó không có rạn nứt, không căng thẳng, cũng chẳng hề có “dị mộng”, mà nói chính xác hơn là chẳng hề có “mộng mị” gì với nhau. Ðơn giản là tính tình chúng ta quá khác biệt. Mẹ chỉ có thể ngưỡng mộ những sở thích của bố nhưng không hào hứng tham gia. Những bữa tiệc với bạn bè mẹ chỉ đi bên cạnh bố như một cái bóng. Chúng ta chẳng có gì để tâm sự và trao đổi ngoài việc con cái. Xung khắc giữa chúng ta không có, nhưng có lẽ sự tẻ nhạt trong hôn nhân đã tạo ra khoảng cách giữa hai vợ chồng ngày càng lớn. Bên cạnh đó vì mưu sinh bố phải thường xuyên đi làm xa và chỉ về nhà cuối tuần. Ban đầu mẹ trách bố hay đi chơi với bạn bè mỗi cuối tuần, nhưng rồi mẹ cũng quen và không trông chờ người khác đem niềm vui đến cho mẹ. Khi nào mẹ thích đi ăn một nhà hàng mới hay đi du lịch mà bố không thích đi thì mẹ rủ mấy cô bạn gái cùng đi. Việc gì bố làm được cho mẹ thì mẹ cám ơn, nhưng hoàn toàn không trách cứ nếu bố không làm. Chúng ta đối xử với nhau như những người bạn trân quý dưới cùng một mái nhà. Không cần và không lệ thuộc vào nhau.

Nhưng rồi mặt hồ tĩnh lặng rồi cũng có lúc xao động. Bố yêu một người phụ nữ khác. Mẹ chứng kiến những khắc khoải, giày vò lương tâm của bố. Bố ở nhà với mẹ thường xuyên hơn, nhưng bên cạnh mẹ, bố không hề hạnh phúc. Bố thao thức trằn trọc hằng đêm, bố không tha thiết ăn uống. Khi hai vợ chồng du lịch thì bố đi cùng mẹ như người mất hồn. Nhiều lần mẹ lén lấy phôn bố ra xem thì vô tình đọc được những tin nhắn qua phôn của bố và người đàn bà kia về việc chấm dứt tình cảm với nhau hoàn toàn. Mẹ mừng mẹ làm ngơ. Nhưng dù hai người không liên lạc và gặp nhau, dường như tình cảm của bố và người đàn bà kia không hề phai nhạt. Mẹ quyết định nói chuyện thẳng thắn với bố và bố đã thú nhận. Mẹ vừa giận vừa thương bố. Giận cho sự bội bạc, nhưng thương cho cái tính tình thật thà “lạy ông tôi ở bụi này” của bố. Ðêm đó mẹ để bố nằm một mình và qua phòng thằng con trai ngủ. Bao nhiêu ý tưởng trả thù người đàn bà kia thoáng nảy sinh trong đầu. Ði đánh ghen thì mẹ không đủ can đảm để hại người khác và phải vào tù. Bêu rếu họ với thiên hạ thì không giải quyết được chuyện gia đình mình mà càng làm người ngoài nhìn vào coi thường chính mình vì cách ứng xử nông cạn này vốn dĩ chỉ gây hiệu ứng “xấu chàng, hổ ta” mà thôi. Cấm bố cũng không được vì bố không phải là vật vô tri vô giác để sở hữu. Người đàn bà đó và bố có đầu óc, trái tim mà không ai điều khiển được, ngay cả chính họ. Còn hàn gắn tình cảm vợ chồng thì bằng cách nào vì hồi đó đến giờ sinh hoạt của bố và mẹ vẫn vậy.

Ba năm đã trôi qua, đủ thời gian để chúng ta cho nhau cơ hội rồi bố nhỉ. Con cái chúng ta đã trưởng thành. Ðã đến lúc mẹ muốn bố được thật sự hạnh phúc bên người bố yêu thương, và mẹ được an bình trong cuộc sống của riêng mẹ với con cháu. Mẹ chúc bố một cuộc sống mới hạnh phúc. Và dù gì đi nữa bố sẽ mãi là một phần của cuộc đời mẹ, nhưng mình nhẹ nhàng giải thoát cho nhau bố nhé. Hãy ly dị vì em thương anh. Cám ơn anh!”

Vợ chồng này không tranh chấp tài sản. Con cái của họ đã trên 18 tuổi nên không cần giải quyết vấn đề tiền trợ cấp nuôi con. Vì họ cùng chọn cách giải quyết vấn đề ly dị một cách văn minh, công bằng nên tôi đã có thể hoàn tất hồ sơ ly dị của họ một cách nhanh chóng và ít tốn kém nhất. Ngày cuối cùng ra tòa ký đơn, cả hai vợ chồng mời tôi đi ăn trưa với họ. Nhìn họ ngồi ăn vui vẻ ôn lại kỷ niệm xưa và trao đổi về thành công của con cái một cách tự hào, tôi chợt nhớ đến câu nói của Sarah Mlynowski, một nhà văn nổi tiếng của Mỹ, “Just because a relationship ends, it doesn’t mean it’s not worth having.” (Tạm dịch: Chỉ vì một mối quan hệ chấm dứt, không có nghĩa là không đáng để có mối quan hệ đó).



___________________________________________

No comments:

Post a Comment