Sunday, April 8, 2018

Khủng hoảng Facebook

Vũ Hiến



Có thể nói Facebook là một trong những công ty phát triển và thành công nhanh nhất từ trước tới nay. Hơn nữa, Facebook còn là công ty gây ảnh hưởng nhất trong xã hội thời hiện đại và phần nào làm thay đổi lối sinh hoạt của hàng tỷ người trên thế giới. Tính ra mỗi tháng có khoảng 2.2 tỷ người thường xuyên sử dụng trang mạng Facebook, thậm chí có người “ghiền” đến độ ngày nào không truy cập vào Facebook thì cảm thấy như thiêu thiếu cái gì đó.



Khởi đầu chỉ là một lập trình có tên là “Facemash” được Mark Zuckerberg viết ra năm 2003 khi đang theo học tại Ðại học Harvard. Lập trình này được đưa lên trang mạng của Harvard và hỏi ý kiến những người tham gia chấm điểm những ảnh chụp của các sinh viên (hầu hết là ảnh của nữ sinh viên) để xem ai đẹp quyến rũ (hot) hay không đẹp (not) và ai quyến rũ hơn (hotter). Chỉ trong bốn tiếng đầu tiên sau khi đưa lên mạng, Facemash đã thu hút được 450 người vào coi và khoảng 22,000 lượt xem và chấm điểm các bức ảnh. Rất nhanh sau đó, Facemash lan truyền sang các máy chủ khác trong phạm vi của đại học, nhưng chỉ ít ngày sau đó trang Facemash bị ban quản trị của Harvard đóng lại và cáo buộc là đã vi phạm điều lệ về an ninh, bản quyền và sự riêng tư cá nhân. Cá nhân Zuckerberg có nguy cơ bị đuổi học. Tuy nhiên sau đó những cáo buộc này đã được hủy bỏ.

Facebook CEO Zuckerberg

Lúc đầu, thành viên chỉ giới hạn cho sinh viên của Harvard. Ðến Tháng Ba 2004 thì mở thêm ra cho những đại học khác như Columbia, Stanford và Yale. Rồi sau đó là cho tất cả các đại học thuộc Ivy League, Ðại học Boston, Ðại học New York, MIT, và dần dà cho hầu hết các đại học ở Mỹ và Canada.
Cũng trong năm 2004, công ty Facebook được thành lập và chuyển tổng hành dinh về Palo Alto, California, cùng với trang mạng có tên miền là facebook.com. Và đến cuối năm 2006 thì Facebook quyết định mở rộng thêm ra cho tất cả mọi người từ 13 tuổi trở lên được tham gia làm thành viên với điều kiện là chỉ cần có một địa chỉ email hợp lệ. Kể từ đó, người sử dụng Facebook tăng đều đặn và đến năm 2011 đã có một tỷ lượt người ghé vào trang facebook.com mỗi tháng và được xếp là trang mạng được nhiều người sử dụng nhất trên thế giới, chỉ đứng sau Google.
Tháng Năm 2012, Facebook được đưa lên sàn thị trường chứng khoán và được định giá ban đầu là $104 tỷ. Cho đến ngày Thứ Sáu 23/3 vừa qua, trị giá cổ phiếu của Facebook là $463 tỷ.
Là một công ty lớn và gặt hái thành công quá nhanh, Facebook không thể không trải qua một vài cuộc khủng hoảng, như năm 2017, trang mạng xã hội này đã bị cáo buộc, cùng với Google và Twitter, là đã không chịu kiểm soát và ngăn chặn những “tin vịt” (fake news) mà các gián điệp Nga đã lợi dụng diễn đàn tung ra để cố tình lũng đoạn và gây ảnh hưởng lên cuộc bầu cử năm 2016 ở Mỹ. Tuy nhiên, vụ khủng hoảng này không ảnh hưởng và không gây thiệt hại bao nhiêu đến Facebook sau khi ban quản trị của công ty hứa sẽ giải quyết.
Nhưng vụ khủng hoảng mới đây nhất mà Facebook đang phải đối phó được nhiều người đánh giá là nghiêm trọng nhất sẽ ảnh hưởng đến tương lai vận hành của Facebook và có lẽ buộc ban quản trị của công ty phải thay đổi mô hình kinh doanh của họ. Ðiều này cũng có nghĩa là những thay đổi trên sẽ ảnh hưởng đến việc sử dụng Facebook và người sử dụng Facebook sẽ phải chấp nhận một số quy định và điều lệ mới.
Hôm Thứ Sáu 16/3 vừa qua, hai tờ nhật báo The New York Times của Mỹ và The Guardian của Anh đã cùng đăng một phóng sự điều tra về công ty Cambridge Analytica, chuyên về phân tích và lập hồ sơ cá nhân của cử tri, và hôm Thứ Ba sau đó, Uỷ ban Thương mại Liên bang đã cho mở cuộc điều tra làm thế nào mà Cambridge Analytica đã tiếp cận được dữ liệu thông tin cá nhân của khoảng 50 triệu người sử dụng Facebook.
Sau khi bài phóng sự này được hai tờ báo trên đăng tải, tuần lễ vừa qua, trị giá cổ phiếu của Facebook đã sụt giảm 13 phần trăm. Bài phóng sự kể lại cho biết, vào Tháng Sáu 2014, một nhà nghiên cứu có tên Aleksandr Kogan đã lập một ứng dụng kiểm tra cá nhân cho Facebook. Ứng dụng này được biết gần giống nguyên bản của một ứng dụng về kiểm tra cá nhân khác của Psychometrics Centre, một phòng thí nghiệm tâm lý thuộc Ðại học Cambridge nơi Kogan làm việc trước kia. Có khoảng 270,000 người đã cài đặt ứng dụng của Kogan vào trang Facebook của họ. Giống như bất kỳ ai làm công việc lập trình ứng dụng cho Facebook lúc đó, Kogan có điều kiện tiếp cận dữ liệu cá nhân của người sử dụng hoặc “friends” của họ. Và khi ứng dụng của Kogan hỏi về những thông tin cá nhân của người sử dụng thì ứng dụng này tự động lưu lại những thông tin đó vào một tủ hồ sơ riêng (private database) thay vì xoá đi ngay sau đó. Kogan đã chuyển tủ hồ sơ này, trong đó có chứa thông tin cá nhân của khoảng 50 triệu người sử dụng Facebook, qua cho công ty Cambridge Analytica. Cambridge Analytica đã sử dụng những dữ liệu đó để lập thành 30 triệu hồ sơ “biểu đồ tâm lý” về những cử tri mà họ thu thập được.
Ðáng lý ra Facebook có trách nhiệm bảo vệ những thông tin cá nhân của người sử dụng và ngăn chặn những cá nhân như Kogan hay những công ty như Cambridge Analytica lợi dụng việc được tiếp cận với những dữ liệu và thu thập về làm tài sản riêng để tư lợi cho họ. Facebook đã không làm đúng với trách nhiệm của họ và vì thế vụ khủng hoảng nổ ra.
Một điều cũng được nhiều người chú ý là công ty Cambridge Analytica có liên hệ với ban vận động tranh cử của ông Donald Trump, tuy nhiên chưa ai biết ban vận động của Trump có sử dụng những dữ liệu cá nhân đó hay không.
Việc thu thập dữ liệu về thông tin cá nhân trên internet không phải là chuyện bí mật. Hầu hết những ai sử dụng Facebook hay bất cứ trang mạng nào cũng đều biết đến nhưng ít ai có thể hình dung việc thu thập dữ liệu soi vào từng mỗi chi tiết nhỏ nhặt nhất, thậm chí là mỗi cú nhấn chuột của người sử dụng cũng được lưu lại trong hồ sơ cá nhân của người đó. Những dữ liệu này sau đó được đem ra phân tích và phân loại thành phần. Những tủ hồ sơ cá nhân của các công ty có thể nắm giữ hầu hết các thông tin cá nhân của mỗi chúng ta. Họ biết ta có bao nhiêu tài sản, nhà có nuôi chó mèo hay không. Họ biết ta thích những sản phẩm của thương hiệu nào, quần áo kích cỡ ra sao, lái xe hiệu gì và khi nào thì thay nhớt xe. Thậm chí họ còn biết cá nhân đó có mang thai hay không – và thường là biết trước khi tin đó được chia sẻ với những người thân quen. Năm 2012, tờ The New York Times đăng một câu chuyện làm nhiều người hoang mang về một em bé gái vị thành niên sau khi cha của em giận dữ than phiền công ty Target đã gửi cho cô con gái của ông những thư từ quảng cáo về những sản phẩm như nôi và quần áo của trẻ sơ sinh. Câu chuyện sau đó hoá ra là em có thai thật, là vì trong hồ sơ cá nhân của em do công ty thu thập đã đoán ra trước. Chỉ có điều em còn đang giấu chưa nói với cha mẹ của em thôi.
Việc bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu thụ ở Mỹ hiện nay vẫn còn rất lỏng lẻo so với những nơi khác như Canada và Âu châu. Nhiều quốc gia Âu châu đã có những cơ quan trung ương chỉ chuyên làm công việc bảo vệ dữ liệu cá nhân. Ở Pháp, mỗi cá nhân phải nhận được thông báo trước khi công ty thu thập dữ liệu có thể gửi thông tin của cá nhân đó cho một đối tượng khác. Ở Anh Quốc, các trang mạng phải báo cho người sử dụng biết trước là thông tin cá nhân của họ đang được thu thập. Nhiều quốc gia Âu châu đòi hỏi các công ty thu thập dữ liệu phải để cho người sử dụng có cơ hội duyệt qua hồ sơ cá nhân của họ, và chỉ cách cho người sử dụng đăng nhập, thay đổi, xoá bỏ, hoặc khác hơn là được quyền phản đối những dữ liệu đã được thu thập.
Hiện đang có lời kêu gọi chính phủ Mỹ cần phải có luật kiểm soát những công ty internet trong việc thu thập dữ liệu cá nhân của người sử dụng. Ðồng thời một cuộc vận động trên mạng có tên #DeleteFacebook (Xoá Facebook) đang được nhiều người hưởng ứng, nổi bật nhất có ông Elon Musk, chủ nhân của công ty xe hơi điện Tesla và công ty nghiên cứu không gian SpaceX, đã quyết định xoá trang cá nhân của hai công ty này trên Facebook. Tuy nhiên, việc xóa trang cá nhân Facebook đối với nhiều người không hẳn là một việc đơn giản là vì làm như vậy có nghĩa là họ tự động cắt đứt mối dây liên lạc với gia đình và bạn bè đã được thành lập từ bao lâu nay.
Riêng với cá nhân của mỗi chúng ta, bài học rút ra từ vụ khủng hoảng Facebook là mỗi khi ta truy cập vào Facebook hay bất cứ trang mạng nào thì phải hết sức cẩn thận, mỗi một hành động nhỏ nhặt nhất của chúng ta đều được ghi lại và lưu truyền trong thế giới ảo cho đến muôn đời.
VH - baotreonline
________________________________________

No comments:

Post a Comment