Cẩm Tú Cầu
Stanford in the rain |
Bến xe một sáng mờ sương, nói là bến xe nhưng chỉ có vài chiếc xe khách, còn lại xe nhà người ta đậu rất nhiều. Trong lúc chờ xe chạy, tôi đứng ngẩn ngơ nhìn đàn chim câu đông đúc, bay lên, bay xuống như chỗ không người. Có con dạn dĩ, đến gần người lạ chẳng chút sợ hãi e dè. Xe đò Hoàng trang bị cũng như xe đò ở Việt Nam,
Ra khỏi thành phố trước mắt tôi là những dãy nhà bình thường, màu sắc đơn giản, không sặc sỡ, không đồ sộ và không có nhà cao tầng, có lẽ vì vùng có nguy cơ động đất cao. Thành phố này không có nhiều cây xanh. Xe chạy khoảng hai tiếng, hai bên đường vô số cỏ chín vàng, cỏ trên núi, cỏ trên đồi, cỏ trải dài suốt con đường. Màu cỏ vàng lơ thơ, dìu dịu trong nắng, thân cỏ mỏng manh và thấp, xung quanh cũng chẳng có cây xanh, hoặc cây cổ thụ nào nào kể cả trên núi cao. Rồi lần lần xuất hiện những nông trang bạt ngàn trồng toàn nho.
Nho thấp có, nho cao có, tất cả đều có hệ thống nước tưới hiện đại. Khoảng cách giữa hai hàng khá rộng là đường để xe chở công nhân đi thu hoạch. Xa xa là những nhà của chủ trang trại, của người hái nho. Tiếp theo đến những trang trại cây hạnh nhân. Người ta trồng thẳng tắp, nhìn xa như một tấm thảm xanh khổng lồ dưới nắng thu. Phải công nhận đất ở đây rộng bát ngát mênh mông, bằng phẳng, mới nhìn như cằn cỗi, nhưng mà rất màu mỡ, trái nhiều rất lớn và rất mọng.
Xe chạy khoảng nửa đường, xuất hiện vô số cừu, chúng chen nhau đứng gặm cỏ vàng, thỉnh thoảng có con đứng mơ màng ngước nhìn trời xanh với đôi mắt vô hồn. Rồi đến bò, trại bò cũng rộng lớn lắm nhưng lại toàn bò đen. Con nào cũng to lớn hơn bò ở Việt Nam nhiều. Mãi hơn năm giờ chiều mới đến San jose. San jose chiều nay mưa nặng hạt và lạnh, chúng tôi được người bạn cùng khóa với ông xã đón tại bến xe và đưa về nhà. Một giờ sau chúng tôi được mời đến dự một bữa cơm thân mật tại nhà hàng lớn ở San Jose của các anh chị cựu SVSQ khóa 18, trường VBQGVN vùng bắc Cali tổ chức. Tôi thấy lòng lâng lâng một cảm giác mình nhận được sự ưu ái quá nhiều từ những người bạn mà lần đầu tiên gặp mặt mà như đã thân quen.
Sáng ra, tôi được chị Trang chủ nhà tăng tôi mấy cái áo ấm, chắc chị nghe nói tôi sắp đi lên thăm vùng bắc Mỹ lạnh giá nên chị ưu ái trang bị cho tôi. Ôi, tấm lòng của chị đã làm tôi cảm động biết dường nào, Trên chuyến tàu Amtrak từ Sacramento đi sang Chicago tôi đã mặc chiếc áo chị tặng. Hình ảnh người bạn mới quen rất trẻ so với tuổi, dáng người nhỏ nhắn xinh đẹp, dịu hiền luôn ám ảnh tâm trí tôi…
Nhà chị ở một góc phố, rộng rãi ngăn nắp, nhìn qua bên kia đường là công viên. Những cây lá vàng rải rác trên thảm cỏ xanh, tôi qua đường và đón những chiếc lá vàng đang rơi rơi trên cỏ còn đọng sương đêm, màu vàng kiêu sa của lá, màu xanh đến nao lòng của cỏ, gợi cho tôi biết bao cảm xúc bâng khuâng. Tôi nhìn lên bầu trời, mây trắng đang bồng bềnh trôi, một buổi sáng quá tuyệt vời, đầy lãng mạn và nên thơ, làm xao động lòng người.
Tôi hít mạnh mùi thơm của cỏ, của lá, của đất trời, thời gian như ngưng đọng, một mùi hương thoảng nhẹ giữa thinh không mơ hồ, ảo diệu miên man..... Màu nắng trong như lọc trãi đều đó đây. Màu nắng ngày xưa của thời tuổi thơ, khi tôi ở quê nhà, tôi đã bắt gặp. Tôi say sưa cảm nhận sự ưu ái của đất trời, của thiên nhiên ban tặng cho con người. Một bức tranh khiến lòng người phải thổn thức, đi vào cõi nhớ. Tôi nghe như có tiếng thì thầm của gió, của ngàn cây, tâm hồn tôi như mê đi, mê đi trong không gian đầy huyễn mộng.
Đến khi cháu của nhà tôi đến đón, tôi mới trở về hiện thực. Tôi được đưa đi gần như khắp San Jose, thành phố này cây cối rất nhiều. Những cây lá vàng, lá đỏ, lá tím đứng phơi mình dưới nắng ban mai. Nước mưa của đêm rồi còn đọng trên lá, được nắng chiếu sáng lóng lánh. Đẹp như một bức tranh trong huyền thoại cổ tích.
Tôi nhìn những ngôi nhà cao tầng của các hãng sản xuất hàng điện tử, nơi đây đứng hàng thứ nhì thế giới về ngành công nghệ thông tin. Trên đường đi San Francisco, chúng tôi ghé thăm Stanford University, viện đại học tư thục thuộc khu vực thống kê Stanford, California (Hoa Kỳ).
Khuôn viên chính của viện đại học này rộng rãi và đẹp đẽ, nằm cách San Francisco 60 kilômét về phía đông nam. Nó ở phần chưa được sáp nhập của Quận Santa Clara bên cạnh thị trấn Palo Alto, và nằm ở trung tâm Thung lũng Silicon cả về vị trí địa lý cũ ng như lịch sử. Là viện đại học có diện tích lớn thứ hai trên thế giới, Viện Đại học Stanford có chương trình đầy đủ cho sinh viên đại học cũng như sinh viên sau đại học. Một trung tâm y khoa nổi tiếng với nhiều trung tâm nghiên cứu dự án phục vụ. Cùng với Viện Đại học Harvard, Viện Đại học Yale và Viện Đại học Princeton, Viện Đại học Stanford nằm trong nhóm những viện đại học tốt nhất của Hoa Kỳ.
Khuôn viên đại học rất rộng nên từ kí túc xá đến lớp học các sinh viên thường di chuyển bằng xe đạp. Nơi đây rất rộng và đẹp, cây lá rợp kín các con đường. Chúng tôi đi gần một giờ mà tìm không có chỗ đậu xe, đành phải chạy vòng quanh. Dừng xe chớp nhoáng để chụp vài bức ảnh lưu niệm rồi vòng ra khu phố lân cận, ghé một tiêm ăn của Pháp, ăn món bánh nướng uống ly nước cam rồi đi dạo qua khu mua sắm hàng hiệu
Khoảng hơn mười một giờ chúng tôi đến thành phố San Francisco ngắm nhìn những khu phố sầm uất, những chiếc xe điện trên đường phố. Rời thành phố chúng tôi đến thăm cầu treo nổi tiếng Goden Gate bắt ngang qua vịnh San Francisco. Soi bóng xuống dòng nước Thái Bình Dương, cầu khánh thành vào năm 1937 đến nay đã được tám mươi năm. Hôm nay chúng tôi thật may mắn gặp thời tiết rất đẹp, nắng vàng trãi khắp đó đây. gió thổi hiu hiu, không lạnh lắm, rất thuận tiện cho buổi thăm quan. Du khách rất đông. Từ trên cao nhìn xuống, những cánh buồm trắng lướt nhẹ trên vịnh nước xanh, đẹp và tình tứ biết bao. Chính giữa vịnh có nhà tù Liên bang Alcatraz một thời, nay được sử dụng làm 1 điểm du lịch từ năm 1963 sau khi nhà tù này đóng cửa. Bên kia vịnh là ngọn đồi chi chít nhà cửa, nhìn từ xa như một ngọn đồi đá. San Francisco trù phú, có dãy phố Tàu nhộn nhịp, mỗi chiều về có nghệ sĩ đường phố, đánh trống ca hát vui như một lễ hội.
Trên đường đến Sacramento, bị kẹt xe gần hai giờ nên về đến Sacra mento trời đã tối, chúng tôi ở lại nhà người bạn trẻ từ Việt Nam qua được mười mấy năm. Tôi bồi hồi cảm động với mối thân tình của cô chú, với sự mừng rỡ ngọt ngào, từ ánh mắt đến nụ cười, cởi mở thân quen, đợi chờ. Cô chú chuẩn bị sẳn các món ăn Việt Nam và Mỹ, tất cả vào bàn nói cười vui vẻ. Đúng là tình cảm những người thân gặp nhau trên đất khách, không thể diễn tả bằng lời.... ăn xong cháu tôi về lại San Jose.
Hai ngày tại Sacramento chúng tôi được chú bạn đưa đi thăm tòa nhà quốc hội, nơi đây là thủ phủ của tiểu bang California và dạo quanh đường phố. Chiều hôm sau chúng tôi đến thăm trại nuôi cá hồi, bên dòng sông American river. Nơi đây tôi được biết, cá hồi khi trưởng thành từ đại dương tìm về nơi chúng đã sinh ra. Hành trình gian nan của chúng từ cửa sông phải vượt thác, rồi bơi từ 4 đến 5 ngàn cây số mới về đến quê mẹ. Các nhà khoa học dự đoán chúng tim về cội nguồn bằng “kí ức khứu giác“. Từ biển vào đến sông, gặp nước ngọt chúng đổi thành màu đỏ, rồi cá trống phun tinh dịch vào người bạn tình gặp nhau trên đường về quê hương, nàng mang thai, cá mái dùng vảy, đuôi xới những hốc đá để dấu trứng.
Mỗi lần cá mái sinh khoảng năm ngàn trứng. Khi ấy thì chàng cá trống kiệt sức vì không chịu nổi cuộc hành trình quá gian nan, đã vĩnh biệt người tình, người yêu, người vợ ra đi vĩnh viễn. Trước lúc chia xa chàng nhìn nàng với ánh mắt tuyệt vọng và ngầm hẹn kiếp sau đừng để lạc mất nhau. Nàng cá mái đẻ xong chăm con được mấy ngày rồi cũng từ giả cỏi đời đi về miền viên miễn vì quá kiệt sức. May mắn lắm khoảng 1% hoặc 2% cá mái sống sót đến mùa sinh sản sau rồi cũng tử vong. Đàn con bé thơ tự sống khoảng vài tháng rồi cùng nhau bơi ra biển khơi tim nguồn sống mới. Bốn, năm năm sau trưởng thành sẽ lặp lại quá khứ của mẹ cha. Cứ thế luân hồi thế hệ này tiếp nối thế hệ khác, đến ngàn sau...
Trưa hôm sau, chú Hùng người bạn trẻ và cháu trai đầu lòng đưa chúng tôi ra ga để đi tàu Amtrak, qua miền đông bắc nước Mỹ. Vì chuyến tàu này xuyên qua bảy tiểu bang và ngồi trên tàu mất 49 giờ. Lòng tôi bâng khuâng đầy háo hức, suy nghĩ miên man... hy vọng một chuyến đi đầy thi vị......
Cẩm Tú Cầu
_____________________________________
No comments:
Post a Comment