Friday, February 23, 2018

Tát mương vườn ăn Tết

 Đào Duy Hòa


Tát mương. nguồn: theaquaculturists.blogspot.com

Năm 1974, tốt nghiệp Trường Quốc Gia Sư Phạm Sàigòn, theo thứ tự xếp hạng tốt nghiệp, tôi chọn nhiệm sở về tỉnh Ba Xuyên, nay là tỉnh Sóc Trăng. Tại Ty Giáo Dục và Thanh Niên Ba Xuyên, tôi chọn về Trường Tiểu Học Cộng Ðồng An Mỹ, thuộc xã An Mỹ, quận Kế Sách, tỉnh Ba Xuyên. An Mỹ là từ ghép có ý nghĩa: An là bình an, Mỹ nói lên cảnh đẹp của vùng đất trù phú nổi tiếng với những vườn cây ăn trái trĩu quả, những cánh đồng ruộng xanh bát ngát nối tiếp nhau bạt ngàn đến tận chân trời và nhất là hệ thống sông rạch chở đầy tôm cá….
Trường Tiểu Học Cộng Ðồng An Mỹ Nằm cách trụ sở Hội Ðồng xã An Mỹ độ chừng 200 thước, ngôi trường tọa lạc tại ngã ba sông dẫn ra vàm Nhơn Mỹ tiếp giáp với sông cái với tên gọi là sông Hậu. Xã An Mỹ nằm cách quận Kế Sách 3 km. Từ quận Kế Sách có 2 cách đến xã An Mỹ. Cách thứ nhất là đường bộ. Mùa nắng đi xe đạp hay xe Honda mất khoảng 15-20 phút. Mùa mưa nhiều đoạn đường lầy lội và trơn trợt, đi xe đạp và xe gắn máy khá vất vả và mất nhiều thời gian. Cách thứ hai: đường thủy. Ngồi đò máy mất khoảng 30-40 phút tùy thuộc đò ghé trả và rước khách nhiều hay ít.

Vào những đêm trăng thanh gió mát, những gợn sóng lăn tăn ánh bạc nhấp nhô trên mặt sông tuyệt đẹp. Hai bên bờ sông là hàng cau cao vút reo vi vu trong gió trông thật nên thơ.

Là một giáo viên đến từ phương xa, tôi được hội phụ huynh học sinh gởi ở trọ tại nhà bác Sáu Ðại, một phụ huynh phúc hậu ở gần trường.
 Nhà bác Sáu nhìn về hướng Ðông, cạnh bờ sông An Mỹ. Phía sau nhà là mười công vườn trồng chuối, dừa, cam, mận… Những liếp vườn rộng khoảng 5 mét, dài 50 – 70 mét nằm song song nối tiếp nhau. Giữa hai liếp vườn là mương vườn che phủ bởi những đám lục bình xanh tốt. Chà được chất dọc theo mương vườn để giữ cá. Mương vườn liên thông nhau và thông ra sông bằng những ống bọng to. 
Nhà vườn có thể bịt ống bọng để giữ nước tưới tiêu vào những ngày nước kém hoặc thông bọng để xả cho nước ra vào theo con nước lớn ròng. Vào mùa nước lũ hàng năm, tôm, cá bé, cá lớn đủ loại từ sông theo đường nước vào trú ẩn, sinh sống  trong mương vườn. Vài tháng sau mùa nước lũ, là đến Tết âm lịch. Thời gian này đủ cho đàn cá tôm sinh trưởng, to béo tự nhiên trong mương vườn.
Chuẩn bị Tết, nhà nhà, người người lo mua sắm quần áo mới. Nguyên vật liệu nếp, chuối… đã sẵn sàng cho nồi bánh tét hoặc quết bánh tráng, bánh phồng… ăn Tết. Mấy chậu hoa kiểng, mai vàng, cúc, vạn thọ… được bác Sáu chăm chút thật kỹ để chưng trong nhà, trước cửa. Sau ngày cúng đưa ông Táo về trời, việc chuẩn bị càng rộn rịp hơn. Theo lệ hàng năm, nhà bác Sáu tát mương vườn “thu hoạch” tôm cá vào khoảng 25 đến 27 Tết.
Từ sáng sớm, bác gái đã nấu xong bữa cơm sáng cho mọi người trong gia đình và vài trai trẻ trong xóm ăn lót dạ. Khoảng 7 giờ sáng thì mọi việc chuẩn bị tát mương hoàn tất. Hệ thống mương vườn nhà bác Sáu dài đến vài trăm mét liên thông nhau. Ðể việc bắt tôm cá được nhanh gọn, hiệu quả, bác Sáu ngăn mương vườn ra thành từng đoạn dài khoảng 10 mét rồi đắp đê ở hai đầu. Thanh niên khỏe mạnh thay phiên nhau tát nước ra ngoài bằng thùng thiếc. Cùng lúc ấy số người còn lại xuống mương chuyển lục bình và chà xếp gọn gàng trên bờ.
Tát được khoảng hơn nửa mực nước thì đắp thêm một cái đê nhỏ cạnh người tát mương, giữa đê đặt một cái rổ vừa để ngăn không cho tôm cá lọt ra ngoài, vừa cho nước chảy qua để tiếp tục tát. Khi mực nước chỉ còn lúp xúp khoảng 1-2 tấc, bọn trẻ con trong làng đứng xem hai bên bờ mương bắt đầu chộn rộn lên vì những chú cá lóc, trê, rô… to béo bắt đầu xuất hiện lởn vởn làm cho mặt nước ngầu đục luôn khuấy động. Ðặc biệt là đàn tôm bị ngộp nước lờ đờ bơi, bộ râu đỏ hoe lượn lờ trên mặt nước.
nguồn: mytour.vn
Dù không chuyên nghiệp trong việc bắt cá, tát mương… nhưng tôi cũng tham gia cùng gia đình bác Sáu xuống mương. Ðây là lần đầu tôi xuống mương bắt tôm cá ăn Tết. Tôm lội lềnh bềnh trên mặt nước, hai sợi râu đỏ hoe nổi lên như tự tố giác ‘lạy ông tôi ở bụi này’. Nhưng khi tôi đưa tay chụp thì nhanh như cắt, chúng búng đuôi di chuyển ngược về phía sau khiến tôi vô cùng bất ngờ và thích thú vì từ trước tới giờ, tôi cứ tưởng tôm di chuyển về phía trước như loài cá!
Nước cạn dần. Tôm cá bắt được bỏ vô thùng rồi chuyển lên bờ, phân loại tôm, cá lớn, cá bé… để riêng từng loại. Mấy con cá lóc to chúi mình sâu trong lớp sình lầy hòng tìm cách thoát thân. Phải thọc tay sâu trong sình mò tới, rà lui để không bỏ sót con nào. Cứ thế mương vườn được “tảo thanh” từng đoạn cho đến hết. Bắt xong đoạn mương nào thì xả nước vào lại rồi thả chà, lục bình như cũ. Cá quá nhỏ cũng được thả trở lại xuống mương ‘vỗ béo’ cho mùa vụ năm sau.
Mỗi năm, bác Sáu thu hoạch khoảng 7 – 10 giạ cá, tôm  (giạ: đơn vị đo lường của nông dân miền Tây, tương đương 20 lít). Cá tôm được tuyển lựa ra. Một số mang tặng cho bà con láng giềng và những người đến tiếp tát mương, một số bỏ vào lu rộng để dùng trong mấy ngày Tết, tôm được bỏ riêng vào lờ rộng trong mương vì chúng chỉ sống trong dòng nước lưu thông. 
Hôm sau phần lớn cá tôm bắt được mang ra chợ bán lấy tiền mua thịt, bánh kẹo, trà, đường đậu… chuẩn bị cho mấy ngày Tết. Ngày tư ngày Tết có sẵn tôm, cá… trong nhà để làm mâm cơm cúng ông bà tổ tiên quả là tuyệt vời. Cá lóc rộng sẵn đem nướng trui gói bánh tráng rau sống nhâm nhi ly rượu đế, rượu thuốc đãi khách quây quần bên bàn tròn ôn cố tri tân trong ngọn gió xuân trong lành thì chỉ có về ăn Tết ở vùng quê lục tỉnh miền Tây mới được hưởng không khí Tết đặc trưng này.
Ở nông thôn đồng bằng lục tỉnh miền Tây, tập tục tát mương vườn ăn Tết có từ lâu đời, nay đã mai một dần vì lượng tôm cá bây giờ không còn nhiều như trước đây.
Đào Duy Hòa (baotreonline)
___________________________________________________

No comments:

Post a Comment