Thánh nữ Samita Bajracharya, lúc 10 tuổi
Thánh nữ là những bé gái chưa đến tuổi dậy thì được lựa chọn hết sức khắt khe từ gia tộc Newar dòng dõi. Mỗi địa phương thường có Thánh nữ của riêng mình. Họ được tôn thờ là “Kumari Devi” có nghĩa là Thánh nữ đồng trinh, vị thần trông coi và bảo vệ cho hàng vạn tín đồ Phật giáo cũng như Hindu giáo.
Theo truyền thuyết thì Durga - nữ thần tối cao trong tín ngưỡng Hindu – mỗi khi hứng thú thường hóa thân thành các cô gái trẻ làm nghề thợ bạc hay thợ kim hoàn để xuống trần gian du ngoạn. Đó chính tiền thân của Thánh nữ Kumari.
Thánh nữ Kumari được tôn thờ bởi hàng ngàn tín đồ cả Phật giáo lẫn Hindu giáo. Để được công nhận là một Kumari thực thụ, các thiếu nữ phải trải qua hơn 30 bài kiểm tra hết sức khắt khe.
Đầu tiên, những pháp sư đứng đầu sẽ lựa chọn ứng viên dựa trên dung mạo: cái cổ thanh mảnh như “vỏ ốc xà cừ”, đôi mắt dịu dàng như “mắt bê con”… và những điều ưu việt khác. >
Giai đoạn tiếp theo, Thánh nữ tương lai sẽ phải trải qua một loạt những thử nghiệm khác thường. Chẳng hạn như được đưa vào một gian phòng tối với những cái đầu động vật và một người đàn ông đeo mặt nạ gớm ghiếc đang nhảy múa, và những phản ứng của cô sẽ được quan sát tỉ mỉ để kiểm tra.
Trong một thử nghiệm khác, cô bé lại phải xác định chính xác những đồ vật mà vị Thánh nữ tiền nhiệm đã từng sử dụng, tương tự như trong nghi lễ lựa chọn Phật Sống (Đạt Lai Lạt Ma) ở Tây Tạng.
Sau khi vượt qua tất cả những bài kiểm tra cần thiết và chính thức được công nhận, vị Kumari mới (cùng với cả gia đình) sẽ được chuyển vào sinh sống tại nơi ở dành riêng cho Thánh nữ, có tên gọi là Kumari Bahal.
Các Thánh nữ luôn phải ở trong các đền thờ hoặc nơi ở dành riêng cho họ, mỗi năm chỉ xuất hiện trước công chúng vài lần vào những dịp đại lễ. Tại đây, Thánh nữ được đối xử như bậc hoàng thân quốc thích, được chăm sóc bảo vệ hết sức chu đáo bởi cả cộng đồng, và chỉ xuất hiện công khai trong những dịp đại lễ.
Khi xuất hiện tại các lễ hội, Thánh nữ sẽ ngồi trên ngai vàng để nhận sự lễ bái thành kính từ những người đến viếng.
Có một điều đặc biệt là các Thánh nữ không bao giờ được phép để đôi chân mình chạm đất. Tất cả những di chuyển của cô đều được thực hiện bằng kiệu, xe ngựa hoặc là vòng tay của những người thân ở mọi lúc mọi nơi.
Cuộc sống hàng ngày của Kumari cũng khác hoàn toàn so với một đứa trẻ bình thường. Thánh nữ không đi học, không đi chơi và cũng chẳng giao tiếp với ai ngoài những người phục vụ ở bên mình. Cô gần như chỉ ngồi một chỗ, đến nỗi còn quên cả cách đi.
Tuy nhiên, tất cả những điều đó sẽ kết thúc ngay sau khi kỳ kinh nguyệt đầu tiên xuất hiện. Tuổi dậy thì cũng đồng nghĩa với việc chấm dứt “nhiệm kỳ” của một Thánh nữ Kumari. Cô gái sẽ phải trải qua một nghi lễ đặc biệt kéo dài 12 ngày gọi là lễ Gufa, để chính thức trở lại với cuộc sống bình thường.
Ngay sau kỳ kinh nguyệt đầu tiên, Kumari sẽ được làm lễ Gufa để trở lại với cuộc sống bình thường. Trong nghi lễ Gufa, Thánh nữ Kumari sẽ tắm gội tại dòng sông Bagmati linh thiêng ở thành cổ Patan. Sau đó, cô được mặc bộ trang phục áo cưới truyền thống của Nepal với miếng vải che mặt, trước khi được rước ra bên ngoài để làm lễ tế mặt trời.
Từ đây, chính thức kết thúc cuộc sống của một Kumari, cũng đồng nghĩa với việc cô gái có thể đi bộ, học hành hay giao lưu với thế giới bên ngoài… giống như bất kỳ một cô gái bình thường nào khác.
Lần đầu tiên quay trở lại với cuộc sống bình thường, những Kumari thường rất yếu ớt, đặc biệt là với đôi chân. Hầu hết những cô bé này thường phải mất hàng năm để có thể sinh hoạt bình thường, thậm chí còn phải tập đi từ đầu như trẻ nhỏ.
Chanira Bajracharya, một cựu Thánh nữ 19 tuổi nhớ lại: “Đó là một quá trình chuyển đổi khó khăn. Tôi thậm chí không thể đi được vì trước đó luôn có người trợ giúp. Thế giới bên ngoài cũng hoàn toàn xa lạ đối với tôi”.
Chanira được chọn làm Kumari của thành phố Patan từ khi cô mới năm tuổi và kết thúc “nhiệm kỳ” Thánh nữ khi đến tuổi mười lăm.
Kumari Samita Bajracharya về ở cùng với cha, mẹ và anh trai sau khi đã được làm lễ Gufa, từ đây cô sẽ sống bình thường như bao thiếu nữ khác.
Vì các Thánh nữ luôn phải ở trong nhà hoặc đền thờ và các sinh hoạt bình thường cũng chịu ảnh hưởng từ những nghi thức truyền thống nghiêm ngặt, thế nên một số tổ chức nhân quyền đã coi đây là một hình thức bóc lột trẻ em. Họ cho rằng cuộc sống của Thánh nữ đã ngăn cản các cô bé này được vui chơi và học tập.
Thế nhưng quan điểm này không nhận được nhiều sự đồng tình trong xã hội Nepal. Năm 2008, Tòa án Tối cao đã bác bỏ một kiến nghị chống lại truyền thống tôn thờ Thánh nữ, tuyên bố rằng Kumari là văn hóa và tôn giáo quan trọng của quốc gia. Tuy nhiên Tòa án cũng đã ra lệnh tiến hành một vài cải cách, trong đó quan trọng nhất là việc thực thi giáo dục cho các Thánh nữ. Ngôi trường St. Xavier tại thành phố Patan sẽ cung cấp một học bổng toàn phần để các Kumari cũng có thể học hành trong suốt nhiệm kỳ Thánh nữ của cô.
Cựu Thánh nữ giờ đây sẽ được đến trường để cố gắng hòa nhập với một cuộc sống hoàn toàn khác so với những gì mà cô đã trải qua từ khi lên năm tuổi. Còn với riêng những cô gái “cựu Thánh nữ” như Chanira, mặc dù gặp khó khăn khi trở lại cuộc sống đời thường nhưng cô vẫn luôn tin rằng được làm Kumari là một điều may mắn.
“Được làm Kumari là một niềm tự hào to lớn và sự tôn trọng của mọi người, không chỉ đối với bản thân mà cả với gia đình tôi” – Chanira cho biết. Cô cũng cho rằng việc cả xã hội cùng tôn thờ một người thiếu nữ, xét ở một khía cạnh nào đó còn vượt ra ngoài cả vấn đề tín ngưỡng. “Nepal về cơ bản là xã hội do nam giới thống trị, ấy thế mà một cô gái bé nhỏ lại được tôn kính như một nữ thần. Là một phụ nữ, tôi rất coi trọng điều đó. Nó giống như một thông điệp cho xã hội: phụ nữ cần được tôn trọng và tự do”, cô nói
Chanira hiện cũng là một trong những cựu Thánh nữ hòa nhập tốt nhất sau khi trở lại. Cô trở thành Kumari đầu tiên tham dự kỳ thi tốt nghiệp bậc học phổ thông. Hiện tại cô đang là sinh viên chuyên ngành kinh doanh tại Đại học Kathmandu với mong muốn trở thành một nhân viên ngân hàng trong tương lai.
Trước đây Kumari không được kết hôn, thế nhưng một số người giờ đây đã có thể lấy chồng. Xã hội đang thay đổi!” Chanira hào hứng. Hy vọng rằng cuộc sống phía trước của cô rồi cũng sẽ được tốt đẹp, giống như quãng đời Thánh nữ lung linh huyền ảo mà cô đã trải qua.
Hành trình Khi Nữ thần sống trở lại làm thường dân.
Nữ sinh viên
Tóc búi gọn phía sau, mặc áo len và quần bò trong tiết trời se lạnh, Chanira trông khác hẳn những bức ảnh trang nghiêm trong bộ đồ lễ vẫn còn treo trong phòng. Nếu không được báo trước, chắc tôi và ngay cả những người dân Nepal khó có thể nhận ra cô từng là Nữ thần sống.
Không được trang điểm như khi còn là Nữ thần sống, nhưng khuôn mặt bầu bĩnh của Chanira vẫn toát lên nét đẹp và sự quyến rũ lạ lùng. Cách nói chuyện của Chanira cũng toát lên thần khí và đặc biệt là sự thông minh như người dân Nepal vẫn lưu truyền.
Dường như Chanira vẫn chưa quen được với cuộc sống của người phàm trần và việc cô trở lại ngôi đền như để vơi đi sự tiếc nuối và nỗi nhớ về nơi đã gắn bó suốt thời niên thiếu, từ lúc mới 5 tuổi.
Chanira cho biết trong một thập kỷ làm Nữ thần sống, cô không có bất kỳ người bạn nào, nhưng có thể trò chuyện và chơi với hai người anh em trai của mình. Cựu Nữ thần sống cũng cho biết cô không cảm thấy buồn vì điều đó.
Trong suốt gần 10 năm làm Nữ thần sống, Chanira hầu như chỉ gặp dân chúng đến làm lễ, nhất cử nhất động đều được quan sát và xem như là điềm báo. Chanira thậm chí phải kiềm chế để không cười to thành tiếng vì đó được xem là điềm báo về bệnh tật nặng hoặc cái chết.
Chanira cho biết mỗi năm khi còn ở ngôi vị Nữ thần sống, cô chỉ rời khỏi ngôi đền gần 20 lần để tham dự các buổi lễ quan trọng.
Chanira nói tiếng Anh khá dở do không được thực hành nên tôi phải nhờ anh bạn người Nepal đi cùng làm phiên dịch. Chanira vào học đại học ngành tài chính đã được một tháng sau khi tốt nghiệp phổ thông đúng như ước nguyện khi còn ở trong đền thiêng.
Ít tháng trước, Chanira khiến dư luận quốc tế xôn xao khi là Nữ thần sống đương nhiệm đầu tiên của Nepal vượt qua kỳ thi tốt nghiệp phổ thông được tổ chức ngay trong ngôi đền.
Hụt hẫng
Chanira nói thực sự cô có cảm giác hụt hẫng khi không còn là Nữ thần sống nữa. Trước đây, cô không được phép ra ngoài, nhưng cảm thấy vui mỗi lần làm lễ với dân chúng và đặc biệt là gặp gỡ các bạn học sinh. Bây giờ, cô không biết sử dụng thời gian rảnh rỗi của mình thế nào.
Cô đang dần làm quen với bạn cùng lớp đại học, nhưng việc kết bạn không dễ. Cô cũng không quen đường sá trong thành phố do ở trong ngôi đền quá lâu. Giờ đây mỗi lần ra ngoài, Chanira đều phải nhờ người thân đi kèm. Trước đây bố mẹ không được phép quát mắng, chỉ dạy Chanira, nhưng từ nay chắc mọi việc sẽ khác.
Sau khi đã quen nhau, tôi đề nghị dẫn Chanira đi chơi, thăm thú thành phố để làm quen với cuộc sống đời thường, cô vui vẻ gật đầu và hẹn tôi đến nhà đón. Tôi hào hứng kể và muốn dẫn Chanira đến thưởng thức món Pizza cực ngon và cả những món ăn thời thượng khác mà giới trẻ Nepal yêu thích.
Tuy nhiên, Chanira bẽn lẽn nói rằng cô không được phép ăn uống ngoài phố. Dường như Chanira quên rằng mình đã không còn là Nữ thần sống nên hoàn toàn có thể ăn ở nhà hàng, đi học, làm việc, yêu và kết hôn như những cô gái trẻ khác ở Nepal.
Từ một cô bé bình thường trở thành Nữ thần sống đã khó, nhưng từ thánh nữ trở lại làm người thường, hoà nhập với thế tục còn khó hơn.
Khi còn là nữ thần, Chanira và cả gia đình cô được tôn thờ, chiều chuộng, nhiều mong muốn của họ đều được nhà nước đáp ứng. Khi ngôi vị linh thiêng đó không còn nữa, Chanira lo lắng mình và gia đình cũng sẽ bị lãng quên dần như những Nữ thần sống khác.
Hiện cựu Nữ thần sống Chanira sống nhờ vào gia đình cùng khoản trợ cấp mang tính tượng trưng (khoảng 800.000 VND/tháng) dù Toà án Tối cao Nepal đã lệnh cho Chính phủ nước này phải đảm bảo đời sống và giáo dục cơ bản cho các cựu Nữ thần sống.
Anh Minh sưu tầm
__________________________________
No comments:
Post a Comment