Tuyết Vân
Hôm qua thứ Sáu tôi đi chợ sớm. Mới tám giờ rưỡi đã ra khỏi nhà. Trời nóng quá và tôi cũng không muốn đứng chờ chực mua cá nên đi sớm hơn một chút. Quả thật, quày cá vắng vẻ chỉ có sáu người khách, không cần phải lấy số thứ tự. Trong sáu người thì đã có bốn ông. Cũng hỏi lạ đó chớ. Quày cá lại có nhiều ông hơn là bà.
Thực ra cũng từ hơn mười năm nầy đàn ông đi chợ hơn những thập niên trước nhiều lắm. Nhớ cái thuở ba tôi đi chợ với má tôi thì cũng chỉ để mua báo hay giúp bà xách nhưng bao đồ vô xe. Bây giờ trong chợ mình tôi thấy đàn ông đủ mọi lứa tuổi lựa mua thịt cá hay rau quả. Ở cái xứ bình đẳng thì quả thật cái gì cũng chia đôi để làm.
Tôi thật tình rất ngưỡng mộ hình ảnh của một người đàn ông đi chợ hay làm những công việc mà mình thường cho là việc của phụ nữ đàn bà. Chúng tôi thuộc thế hệ cũ nên việc bếp núc trong nhà đều một tay tôi lo gánh bên cạnh còn đi làm ngày tám tiếng như mọi người. Thời gian hai đứa con còn nhỏ thì khổ không kể hết được. Đùng một cái anh ấy bị thất nghiệp. Đó là khoảng thời kỳ kinh tế Mỹ đi xuống trầm trọng. Với tất cả thời giờ trong tay chồng tôi bắt đầu làm những công việc mà tôi thường làm vào cuối ngày hay cuối tuần.
Đâu chừng được hai tháng chồng tôi bắt đầu thú nhận rằng công việc đi chợ nấu ăn cho cả nhà không phải dễ lắm. Một lần tôi dặn anh đi chợ mua rau cúc để tôi nấu canh thịt bò. Rau cúc mà nấu canh với thịt bò xào xắt lát mỏng thì ngon lắm. Anh ra chợ nhìn thấy rau cúc nhưng không biết có nên mua hay không. Rau thì cúc đó những tên rau lại để là rau tần ô. Sau mấy phút suy nghĩ anh hỏi một bác lớn tuổi đang đứng bên cạnh. Bác ơi, phải rau này là rau cúc không, thấy giống qua những lại để tên là tần ô. Cô cháu gái vọt miệng nói liền. Rau cúc đó anh. Người miền trung kêu là cúc con người bắc kêu là tần ô. Một lần nữa tôi nhờ anh tôi tiệm bán gà vịt mua cho một con gả và phải nhờ họ chặt khúc ra để tôi còn nấu cà ri. Chủ tiệm hôm đó không chặt gả được vì không đủ nhân viên lắm. Khi thấy chồng tôi do dự, anh chủ tiệm nói với chồng tôi, chặt gà có khó gì đâu, cứ lấy dao phang xuống vài nhát là có gà nấu cà ri được liên. Chồng tôi đem con gả về. Bếp của tôi không hề có con dao lớn để phang gà vì tôi không bao giờ chặt gà cả. Anh cũng có gắng hì hục để chặt nhưng rồi cuối cùng bỏ cuộc và đem con gả nấu lấy nước dùng.
Bây giờ thì anh ấy đã thành thạo việc đi chợ nấu ăn nhẹ cho gia đình. Mà hình như cũng không chỉ riêng anh, đàn ông bây giờ cũng xông xáo, tháo vát trong lĩnh vực mà vốn dĩ trước kia chỉ cho là công việc của đàn bà. Trong những ngày lễ đa số đàn ông đi mua sò tôm hay đùi gà để làm BBQ. Cứ coi những chương trình nấu ăn trên TV thì biết. Các bếp chính là những người đàn ông rất trẻ, có sự hiểu biết về những ẩm thức tự nhiên và đầy tính chất nghệ thuật. Có người chỉ trạc tuổi dưới ba mươi. Khi nhìn các em trong chiếc mũ và áo trắng đồng phục của người bếp trưởng, tay cầm đôi đũa xào qua lại trong chiếc chão lớn, tôi thấy các em “man” lắm. Ở bên Pháp, người bếp chính có một vị trí quan trọng và được mọi người ngưỡng mộ.
Một lần người tính tiền, cũng đã quen mặt với chúng tôi, chọc chồng tôi. Bộ bị chị bõ hay sao mà bây giờ cứ thấy đi chợ một mình quài dậy. Anh trả lời. Đâu có, nhờ đi chợ vậy nên vợ không bỏ đó chớ. Những người đang đứng xung quanh cũng cười. Một cô khách hàng trẻ quay lại nói với chồng cô. Anh cũng nên lo bắt chước đó. Anh chồng trẻ trả lời liền. Thì chẳng phải ngày nào anh cũng đem cơm chi về giùm em đó sao.
Cơm chỉ cơm nhà gì cũng được. Cái quan trọng là phải biết gánh vác chia xẻ việc nhà với nhau. Tôi vẫn thường dặn hai đứa con trai như thế. Chia xẻ, tinh thần đồng đội, team work lúc nào cũng làm công việc nhẹ nhàng hơn và tình cảm gắn bó hơn. Nhìn bốn người đàn ông đang đứng chờ mua cá tôi hình dung ra được một gia đình đầm ấm. Và tôi có một ước mong nhỏ cho hai đứa con trai. Không xe hơi nhà lầu nhưng chỉ muốn nhìn thấy chúng ra chợ để mua đồ cho gia đình của chúng.
Tuyết Vân
____________________________________
Tôi đã nghe trong một bài giảng có câu sau " một gia đình hạnh phúc là nơi đó có một người đàn bà chịu đựng" Đó là ở Việt Nam kìa, còn bây đây nguợc lại,kẽ chịu đựng lại là đàn ông "Đâu có, nhờ đi chợ vậy nên vợ không bỏ đó chớ"Dần đàn nó đã thành luật bất thành văn.Và tôi thấy càng ngày tệ hơn truớc nhiều
ReplyDeleteTôi nghĩ câu nói "Đâu có, nhờ đi chợ vậy nên vợ không bỏ đó chớ" chỉ là câu nói vui thôi, nhưng nội dung bài viết này chỉ muốn nói đến tinh thần chia sẽ mà người Việt mình cần phải học hỏi và thay đổi trong cách suy nghĩ.Như gia đình chúng tôi, hơn 30 năm nay tôi vần là người phụ nữ chịu đựng để giữ hòa khí và vượt qua những sóng gió,nhưng nửa kia của tôi cũng chịu khó đi chợ hộ mỗi lần nhà cần chút gì đó mà tôi chưa đi mua được, hoặc nhận việc hút bụi hay giặt quần áo phụ vợ. Việc chia sẻ này lại càng được thấy rõ hơn ở thế hệ trẻ, con trai tôi vẫn sẵn sàng làm việc trong nhà cùng với vợ, hai vợ chồng còn ở với bố mẹ, mỗi khi con rửa bát phụ vợ hay con dâu sai con trai chạy ra chợ tôi thấy những việc đó là bình thường, không có gì khó chịu cả. Tệ hay không thì mình phải nhìn cách đối xử giữa hai vợ chồng, có cung kính như tân hay coi nửa kia của mình không ra gì, mắng nhiếc, sỉ vả hay dùng những lởi lẽ nặng nề, cọc cằn để nói chuyện với nhau.Bất kể là đàn ông hay phụ nữ thì việc coi thường vợ hay chồng của mình cũng là điều không nên làm chứ đừng giữ thói gia trưởng mà quy lỗi cho phụ nữ. Tôi chỉ công tâm nói lên ý kiến và suy nghĩ của mình dựa vào kinh nghiệm bản thân chứ không có ý công kích ai cả.
ReplyDeleteTác giả nên xem lại. Người bắc gọi rau này là cải cúc (hay rau cải cuc) còn người Sài Gòn gọi là rau tần ô.
ReplyDeleteVậy sao Hoàng Quang. Cảm ơn Hoàng Quang đã giải thích.
DeleteBình Định tôi thì gọi là cúc đó.
QN xin góp ý về vấn đề này một chút.
ReplyDeleteChuyện là trong gia đình của chính mình, cả hai vợ chồng đều đi làm. Có thời gian hãng mình thì thường xuyên làm thêm giờ, nhà lại có hai con còn nhỏ, thử nghĩ làm sao một mình người vợ có thể lo toan mọi việc? Cũng may ông nhà mình hiểu chuyện nên đi làm về cũng phụ việc nhà, có khi về sớm thì ông ấy đón con. Ăn xong cũng biết phụ vợ rữa chén .. Lắm khi vợ đi làm về quá trể Ông ấy đón con từ nhà trẻ về, tự cho con ăn và còn tắm con, dỗ con ngủ. Cuối tuần phụ trách việc giặt và xếp đồ...
Nói vậy chẳng phải mình làm vợ cứ ngồi chơi, bắt chồng làm việc nhà, mà là thấy vợ quá nhiều việc. Một người biết thương vợ, thương con thì tự động phụ giúp, chung tay trong cuộc sống. Nhờ vậy tình cha con thêm thấm thiết, nghĩa vợ chồng thêm sâu nặng.
Chúng ta ai cũng có thân mẫu là đàn bà, vợ cũng đàn bà và con gái khi lớn lên cũng là đàn bà. Ngẫm lại có xót không với câu: "một gia đình hạnh phúc là nơi đó có một người đàn bà chịu đựng" làm sao mình có thể gọi là hạnh phúc trên sự chịu đựng của người đàn bà? Thời chồng chúa vợ tôi. "Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng" thật đã quá lỗi thời.
Thế kỷ 21 rồi. Mình có con gái, mình cũng mong cho con sau này gặp được một người chồng biết chia sẻ vui buồn với vợ.
Mình cũng Có con trai, thấy con phụ việc nhà với vợ, chăm sóc dạy dổ con chu đáo mình thấy vui vô cùng. Bởi vì rõ ràng mình may mắn đã có những đứa con hiểu biết đạo lý làm người.
Mình thẳng thắng phản đối cách sống lấy sự hy sinh chịu đựng của người khác làm vui, làm hạnh phúc. cho dù người xa lạ cũng không nên, nói chi đến người đầu ấp tay gối, là cha, là mẹ của con mình và người phối ngẫu cùng mình đi trọn đường đời.
Có phải vậy không?