Angie
Lộc
Ngày
18 Tháng Tư 2017, Cựu Trung Tá Không Quân VNCH Nguyễn Thị Hạnh Nhơn từ trần tại
California, hưởng thọ 90 tuổi. Định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO 2 từ 1990, cho
tới những ngày tháng cuối đời, bà là Chủ Tịch Hội HO Cứu Trợ Thương Phế Binh
& Quả Phụ VNCH và đã luôn tận tụy với đồng bào, đồng đội. Để tưởng nhớ Bà,
xin mời đọc bài viết về Thương Binh VNCH của tác giả Angie Lộc, một thiện
nguyện viên đã nhiều năm làm việc tại các nhạc hội Cám Ơn Anh. Bài được
viết trước khi Bà Hạnh Nhơn từ trần.
* * *
Các thiện nguyện viên tại Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh 2016.
Tác giả đứng giữa
Ai đó đang hồi tưởng về Tháng Tư Đen, về những tháng ngày đánh tư sản, đổi tiền, kinh tế mới, về bắt bớ và tù cải tạo. Nhưng cũng có ai đó đang có những phút lắng lòng để nhớ đến những người thương binh Việt Nam Cộng Hoà, những người trai của một thời ly loạn, họ đã không may mắn phải bỏ lại một phần thể nơi chiến trường. Những thương binh này thiếu may mắn, không nhận sự trợ giúp của chính phủ Mỹ để ra đi. Ở lại quê nhà, bao năm qua, họ luôn phải đối diện từng ngày với khó khăn, đói nghèo và cả sự bạc đãi của nhà nước hiện tại.
Hơn bốn thập niên sau cuộc đổi đời, những người
dân miền Nam nước Việt cũng như ở khắp nơi trên thế giới đang sống lại những
tháng ngày hồi tưởng.
Ai đó đang hồi tưởng về Tháng Tư Đen, về những tháng ngày đánh tư sản, đổi tiền, kinh tế mới, về bắt bớ và tù cải tạo. Nhưng cũng có ai đó đang có những phút lắng lòng để nhớ đến những người thương binh Việt Nam Cộng Hoà, những người trai của một thời ly loạn, họ đã không may mắn phải bỏ lại một phần thể nơi chiến trường. Những thương binh này thiếu may mắn, không nhận sự trợ giúp của chính phủ Mỹ để ra đi. Ở lại quê nhà, bao năm qua, họ luôn phải đối diện từng ngày với khó khăn, đói nghèo và cả sự bạc đãi của nhà nước hiện tại.
Hằng năm cứ vào mùa hè, Hội H.O Cứu Trợ Thương Phế Binh & Quả Phụ Việt Nam Cộng Hoà và Trung Tâm Asia lại tổ chức đại nhạc hội tại Nam hoặc
Bắc California để quyên góp một số tiền gởi về giúp các anh thương phế binh
cùng các quả phụ tử sĩ của người lính Việt Nam Cộng Hoà. Hành động này hy vọng
đã nói lên được nghĩa cử của những người xa xứ lời “Cám Ơn Anh”.
Sau cuộc "đổi đời", ngót nghét nửa thế kỷ, các anh đã phải gánh chịu biết bao điều
nhọc nhằn cơ cực. Làm sao mà chúng tôi quên được, những người trai trẻ ngày nào
đã xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ. Các anh đã không ngần ngại bỏ lại sau
lưng gia đình, mẹ già, em dại, và đôi khi phải bỏ lại người yêu nhỏ bé để làm
tròn bổn phận người trai thời ly loạn. Đất nước Việt Nam triền miên chinh chiến, các anh đã phải xa trường, xa lớp,
xa bạn bè, xa gia đình để trở thành người lính cầm súng bảo vệ quê hương, để canh cho giấc ngủ trẻ thơ
đêm đêm khỏi phải giật mình, để cho bước chân của các em nhỏ tung tăng vui vẻ
đến trường, để cho mẹ bình an ra chợ sớm và cho cha trồng xới liếp rau xanh.
Công khó của các anh làm sao mà nói hết.
Tôi là một trong những nữ sinh trung học đã từng thêu cho các anh những chiếc
khăn tay nhỏ, nắn nót viết cho các anh những lá thư xuân thắm đượm ân tình hậu
phương. Sau đó tôi và các bạn học theo thầy cô đến thăm các anh nơi tiền đồn
heo hút thuộc tỉnh Long Thành. Chúng tôi chuyện trò, hát cho các anh nghe để
rồi những giọt nước mắt ân tình đã rơi thật nhiều lúc phải chia tay các anh ra
về khi mặt trời xế bóng. Tiền đồn mùa xuân heo hút với bông mai rừng nở rộ. Các anh vội vã chặt những cành
mai đơm nhiều bông làm quà cho người hậu phương.
Xe chạy cuốn bụi mù, nhoè trong mắt các em gái hậu phương là hình bóng các anh trong bộ quân phục màu xanh khuất dần sau
những cánh rừng xa lắc.
Ngày đó chúng tôi nhớ ơn các anh, xã hội tri ân các anh và cuộc đời vẫn âm thầm
trả ơn các anh từng ngày. Thế rồi một đêm thức dậy, xã hội nát tan. Miền Nam "đổi đời". Các anh với tấm thân tàn phế làm sao xoay xở để sinh sống? Sau cuộc chiến,
xã hội xếp hàng
với những chia ly, tan tác, đói nghèo, thì người thương binh ngày nào còn có ai
lo lắng cho nữa?
Một ngày cuối tháng Tư năm 1975, khi nghe lời kêu gọi các quân nhân Việt Nam
Cộng Hoà bỏ súng,
bàn giao chính quyền trong trật tự, tim tôi thắt lại khi nghĩ đến các thương
bệnh binh mà trong đó có người thân trong gia đình tôi. Bây giờ ngồi viết lại, nước mắt
tôi vẫn rơi.
Chị Hai tôi là quả phụ của người lính Biệt Động Quân Thạch Sen. Anh rể Hai Sen
của tôi hiền như đất, đã hy sinh tại chiến trường Chương Thiện, để lại chị tôi
với sáu đứa con thơ mà đứa bé nhất mới bước đi chập chững.
Anh Hai Sen đã từng phải trị thương hai lần tại Quân Y Viện Cộng Hoà trước khi
trở lại trận địa. Trong lần đến thăm anh đang nằm điều trị, đã hơn năm mươi năm
rồi, tôi vẫn nghe như lời anh nói năm đó còn văng vẳng bên tai: “Anh sẽ cố gắng chiến đấu cả đời dù có phải
hy sinh để đời lũ con anh được hưởng sự thanh bình”. Nhưng mong ước của
anh Hai Sen đã không thành, thân xác anh nằm lại chiến trường đến thối rữa thì đơn vị
mới có thể thu nhặt xác anh đem về cho gia đình.
Hai đứa con đầu của anh chị Hai tôi vẫn chưa thấy được thanh bình thì đã trở
thành người lính Việt Nam Cộng Hoà. Chúng muốn nối nghiệp cha và tự hào trở
thành trai thời chiến. Đứa con lớn trở thành thương phế binh sau một trận giao
tranh dữ dội. Đứa con thứ hai của anh chị, người lính trẻ 20 tuổi, binh nhì
Biệt Động Quân Thạch Nở đã bị thương vào tháng 2 năm 1975 với những vết thương
chí mạng, đạn pháo đã cắt ngang phần bụng làm ruột đứt nhiều khúc, chân trái bị
gãy, lại còn thêm
những miểng pháo nhỏ găm đầy mình. Sau những ngày hôn mê do tiến hành giải phẫu
nối ruột, mở mắt ra người đầu tiên mà Nở thấy là người mẹ hiền. Chị Hai tôi góa
bụa với đàn con nhỏ cứ phải ba ngày xuống thăm đứa con bị thương rồi ba ngày
trở về nhà chạy chợ để có tiền lo cho những đứa còn lại.
Ngày “đổi
đời 30 tháng Tư” là ngày chị Hai tôi phải quay lại nhà, để lại thằng
bé Năm 10 tuổi chăm sóc cho Ba Nở. Ngày đó bệnh viện tan tác, anh em thương binh Việt Nam Cộng Hoà bị buộc phải ra
khỏi nơi trị thương. Ai còn đi được thì dìu người yếu hơn, cứ thế mà đi. Về đâu
bây giờ? Xe cộ không có, tiền túi cũng không. Người bệnh nặng như Nở thì đành
chịu trận nằm lại lây lất. Thằng bé Năm nuôi bệnh anh bằng mì gói. Thuốc men
không có, vết thương bị nhiễm trùng hành hạ thể xác Nở. Nở chấp nhận nằm lại
một mình, gắng gượng kêu em về gọi má. Thằng bé 10 tuổi đi bộ tất tả ngày đêm về
lại Biên Hoà với quãng đường dài 30 km bằng đôi chân sưng vù, mắt đỏ hoe, giọng
khản lại: “Má ơi đi lẹ lên kẻo anh Ba
chết”. Nhưng khi chị Hai tôi lên đến bệnh viện thì Nở
đã chết vì vết thương nhiễm trùng quá nặng, chịu đựng quá lâu trong đói lạnh,
không có bác sĩ hay y tá để thay băng.
Tôi tuy là dì ruột của Ba Nở nhưng hai dì cháu suýt soát tuổi nhau. Tôi còn nhớ
lần đến Quân
Y Viện Cộng Hoà để thăm cháu, tôi vẫn là sinh viên
nghèo, chỉ mua nổi một cục xà bông CAMAY để chị Hai tắm cho Ba Nở. Buồn thay, cục xà bông vẫn còn nguyên vì Ba Nở không có dịp bình phục
và cục xà bông
được bỏ vô quan tài theo Ba Nở.
Lần tôi lên lại Quân Y
Viện Cộng Hoà phụ chị Hai đem xác Nở về quê, tôi vẫn còn thấy một số thương
bệnh binh Việt Nam Cộng Hoà tràn xuống đường xin ăn. Lòng tôi đau như cắt và
thấy bất lực trước nỗi khổ của các anh.
Kính hương hồn anh rể Hai Sen, người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã đóng góp máu
xương cho đất nước nhưng chiến tranh cướp đi mạng sống của anh và hoà bình (thứ
hoà bình mà anh không mong đợi) lại cướp đi mạng sống của con trai anh. Những
nhát dao cứ cứa vào trái tim rỉ máu của chị Hai tôi, người quả phụ và mẹ của tử
sĩ Việt Nam Cộng Hoà. Chị tôi từ đó thêm oằn vai vì gánh nặng gia đình để rồi cũng chết trẻ,
để lại bầy con mồ côi tan tác. Tôi vẫn tự hỏi mình rồi tự trả lời:
- Cuộc chiến còn không?
- Cuộc chiến đã tàn.
- Đau
thương còn không?
- Đau thương gấp bội.
Cô Hội Trưởng Hạnh Nhơn và tác giả
Hàng chục băm sau chiến tranh, đất nước xưa vẫn chưa nguôi đau thương, thù hận.
Những thương binh năm xưa nay phải đi hát dạo, đi bán vé số để kiếm sống qua
ngày. Các anh cũng là người lính cũ, nhưng sắc áo, màu cờ đâu rồi?
Trong những năm 80, có đôi lần tôi gặp hai người thương binh Việt Nam Cộng Hoà
đi hát dạo trên đường phố Sài Gòn. Anh thương binh cụt giò đàn cho anh thương
binh mù hát bài ca Giã Từ Vũ Khí.
Cả hai vẫn mặc bộ quân phục VNCH cũ. Tôi hỏi thăm và được nghe một anh tâm sự: “Trong xã hội mới này, mặc bộ đồ lính Việt
Nam Cộng Hoà có người không cho tiền vì họ ghét, nhưng không sao, tiền dù kiếm
được ít nhưng mình vẫn mặc được sắc áo của mình ngày nào để nhớ về một thời
chinh chiến”.
Các anh ơi, giờ đây sau nhiều chục năm nơi nước Mỹ, cộng đồng Việt vẫn không hề
quên các anh. Cô Hạnh Nhơn, vị Chủ Tịch Hội HO Cứu Trợ Thương Binh & Quả
Phụ VNCH, dù da mồi tóc bạc, bao năm qua vẫn trụ vững ở vị trí đầu đàn để mọi
người cùng thu góp từng đồng gởi về giúp các anh nơi quê nhà khốn khó.
Tháng Tư năm nay, Cô Hạnh Nhơn đã ra đi, nhưng công việc quyên góp trợ giúp Thương
Binh - Quả phụ chắc chắn sẽ còn được tiếp tục. Bản thân tôi cứ mỗi năm đến hẹn
lại thu xếp nghỉ làm để góp sức với chương trình đại nhạc hội Cám Ơn Anh.
Nhìn thấy họ mà lòng tôi quặn thắt khi nghĩ về các anh thương binh VNCH.
Angie Lộc
Angie Lộc
(nguồn:
vietbao.com / vvnm)
No comments:
Post a Comment