Saturday, April 15, 2017

Elon Musk - tỷ phú thích ‘bán những giấc mơ’

.


Chỉ trong hơn một tháng qua, vốn hóa hãng xe điện Tesla đã tăng 28,3% lên 50,9 tỷ USD, giúp họ lần lượt vượt những tên tuổi kỳ cựu là Ford và General Motors (GM) để thành hãng xe giá trị nhất nước Mỹ. Tài sản của CEO - Elon Musk cũng vì thế tăng thêm 2,2 tỷ USD, lên kỷ lục 15,2 tỷ USD hiện tại, theo Forbes.
Tesla rất hiếm khi có lãi. Hệ số giá cổ phiếu trên doanh thu cũng gấp hơn 20 lần General Motors. Trong khi đó, Ford năm ngoái bán được số xe nhiều gấp 84 lần Tesla. Điều này khiến nhiều người tỏ ra nghi ngờ liệu cổ phiếu này có đang bị định giá quá cao hay không.
Tuy nhiên, giới quan sát thì cho rằng Tesla đạt được những con số ấn tượng vì họ không chỉ là một hãng xe. Và Elon Musk thành công không chỉ nhờ bán xe điện. Ông bán những giấc mơ. Và nhà đầu tư đang đặt cược vào giấc mơ đó.
Nếu Ford bán được thêm hàng trăm nghìn chiếc xe năm tới, và có thêm lợi nhuận, điều này rất tuyệt. Nhưng đó không phải là một cuộc cách mạng. Trong khi đó, nếu Tesla xuất xưởng được Model 3 - loại xe rất được trông đợi trong năm nay, nó có thể là bước ngoặt với cả thế giới.
Nói cách khác, Ford hy vọng kiếm được thêm lợi nhuận từ trạng thái ổn định hiện tại. Còn Musk lại muốn phá vỡ sự ổn định đó.
Từ nửa thế kỷ nay, hầu hết mô hình kinh doanh của các hãng xe là lắp ráp và bán hàng. Còn Tesla lại tuyên bố đang tạo ra những phương tiện giao thông chạy bằng năng lượng mặt trời, giúp con người thoát khỏi nhiên liệu hóa thạch. Kế hoạch lớn của Musk là biến Tesla từ một hãng xe điện nhỏ thành nhà cung cấp thống trị về phương tiện giao thông tự lái, dùng nhiên liệu sạch, đồng thời là nguồn cung cấp điện cho hàng triệu hộ gia đình cũng như doanh nghiệp.
Đó là một kế hoạch rất tham vọng, cũng như mọi dự án khác của Musk.
Tỷ phú 46 tuổi này kiếm được khoản tiền lớn đầu tiên khi bán hãng phần mềm tra cứu Zip2 mà mình đồng sáng lập cho Compaq với giá 307 triệu USD năm 1999. Sau đó, Musk còn kiếm được nhiều hơn khi bán PayPal cho eBay với giá 1,4 tỷ USD năm 2002.
Số tài sản ấy quá đủ để ông “nghỉ hưu sớm”, như lựa chọn của rất nhiều người Mỹ khác. Tuy nhiên, Musk không phải tuýp người thích nghỉ ngơi.
Năm 2004, ông gia nhập Tesla với vai trò nhà đầu tư chủ chốt. Và đến năm 2008, ông nhậm chức CEO khi công ty đang bên bờ phá sản vì khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tesla chính là công ty đã làm nên tên tuổi của Musk.
Một vấn đề mà các hãng xe điện gặp phải là thiếu trạm sạc, đặc biệt khi so sánh với hệ thống trạm xăng tại Mỹ. Năm 2013, Musk tuyên bố Tesla đang đầu tư vào việc xây dựng thêm các trạm sạc ở khu Bờ Đông và Bờ Tây. Ông cũng cho biết Tesla sẽ cho phép các hãng xe khác sử dụng bản quyền công nghệ của mình để tăng tốc phát triển xe điện trên toàn cầu.
Giữa năm ngoái, họ đã cho ra mắt mẫu xe rất được kỳ vọng - Model 3. Đây là sản phẩm thứ 4 của Tesla từ khi hãng xe điện này thành lập, sau xe thể thao Roadster, sedan hạng sang Model S và crossover Model X. Phiên bản chậm nhất của Model 3 có thể tăng tốc lên 97 km mỗi giờ trong 6 giây. Khi sạc đầy, nó có thể di chuyển 346 km. Giá của loại xe này là 35.000 USD và hiện Tesla đã nhận được hơn 370.000 đơn đặt hàng.
Với Tesla, Musk khẳng định công ty không chỉ hoạt động vì tiền: “Mục tiêu của Tesla là hỗ trợ tiêu thụ năng lượng theo cách bền vững. Tuy nhiên, anh cũng cần tạo ra năng lượng theo cách bền vững nữa”.
Để giải quyết vấn đề về sản xuất năng lượng, Musk mua lại SolarCity. Công ty này do hai người họ hàng của ông - Lyndon và Peter Rive đồng sáng lập năm 2006, sau một gợi ý của Musk. Họ thiết kế và lắp đặt các tấm pin mặt trời. Ngày nay, SolarCity đã trở thành hãng cung cấp điện mặt trời lớn nhất tại Mỹ.
Năm 2013, Musk tiếp tục tham vọng đầu tư vào công nghệ tương lai khi công bố dự án Hyperloop - một loại phương tiện giao thông tốc độ cao. Hành khách sẽ di chuyển trong một khoang đặt trong ống chân không, với tốc độ tối đa 1.200 km mỗi giờ.   
Một dự án đình đám khác của Musk là SpaceX, với mục tiêu đưa người lên Sao Hỏa. Dĩ nhiên, cũng như Tesla, SpaceX có thành công khá muộn màng. Thành lập năm 2002 với mục tiêu giảm chi phí và tăng khả năng du lịch vũ trụ cho con người, đến ngày 30/3 vừa rồi, họ mới phóng thành công tên lửa tái sử dụng lên quỹ đạo Trái Đất. Trước đó, 3 sản phẩm đầu tiên đã nổ tung trước khi rời khí quyển, mang theo cả núi tiền của SpaceX.
Trong một sự kiện tại Mexico tháng 9 năm ngoái, Musk cho biết lý do duy nhất khiến ông muốn tích lũy tài sản cá nhân, qua hàng loạt dự án về năng lượng tái tạo, xe điện, là để biến ý tưởng này thành hiện thực. “Khi chúng tôi cho mọi người thấy rằng giấc mơ này là thật, tôi tin rằng sự ủng hộ sẽ ngày càng nhiều lên”, ông nói.
Với hàng loạt dự án gắn liền với công nghệ đột phá, Elon Musk được nhiều người gọi là Iron Man (Người Sắt) của đời thực. Chính đạo diễn bộ phim này - Jon Favreau và diễn viên chính Robert Downey Jr. cho biết Musk là nguồn cảm hứng cho nhân vật Tony Stark. “Ông ấy là hình tượng mẫu mực cho sự nhiệt tình, hài hước và luôn tò mò”, Favreau nhận xét.
Musk còn được coi là một siêu anh hùng, vì nguồn năng lượng trí tuệ dồi dào và tính kỷ luật cao. Ông vừa tìm cách phóng tên lửa lên vũ trụ, vừa làm một cuộc cách mạng trong ngành giao thông, nghiên cứu hệ thống pin mặt trời lẫn chế tạo tàu siêu tốc. Trong một cuộc phỏng vấn, Musk cho biết mình từng dành tới 100 giờ mỗi tuần cho công việc.
“Nếu người khác làm việc 40 giờ, còn anh làm 100 giờ, anh sẽ hoàn thành công việc một năm chỉ trong 4 tháng”, ông nói.


Dù vậy, Musk vẫn là bậc thầy trong việc quản lý thời gian. Ông vẫn tìm được cho mình khoảng trống để nghỉ ngơi, vui đùa và chơi với 5 cậu con trai. Musk từng nói ông chưa đọc một cuốn sách nào về quản lý thời gian cả, nhưng chắc chắn từ kinh nghiệm bản thân có thể viết ra một cuốn khá hữu dụng.
Musk luôn cố tách biệt mình với công chúng. Ông dùng email bí mật để trao đổi với những người trong công ty. Ông cũng không nhận điện thoại khi có thể, mà thích các dạng giao tiếp giúp mình chủ động được thời gian, như email, tin nhắn hay Twitter.
Cũng như cố CEO Apple - Steve Jobs, Musk nổi tiếng là người có khả năng lôi cuốn người khác tin vào sự khả thi trong tầm nhìn của mình. Peter Diamandis - một doanh nhân trong lĩnh vực vũ trụ nhận xét: “Chìa khóa thành công của Elon là ông ấy đưa ra mục tiêu rất rõ ràng, chắc chắn. Ông ấy cũng có tài sản lớn nữa, để hoàn thành các dự án. Chẳng gì có thể cản trở được Elon đâu. Thứ duy nhất ông ấy kiểm tra là liệu việc này có trái với các định luật vật lý không. Nếu không, ông ấy chắc chắn sẽ làm”.
Hà Thu - Anh Tú (tổng hợp



____________________________________________________________

No comments:

Post a Comment