DEMENTIA
BS: Đinh Tấn Khương
Chứng mất trí (Dementia) thường tiến triển chậm, trong giai đoạn đầu thì những triệu chứng của bệnh thường mơ hồ, không rõ nét, tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và có sự khác biệt giữa người nầy với người khác.
Như đã đề cập trong bài “Những thay đổi nhận thức ở tuổi già”, chúng ta đã biết trí nhớ dài hạn được lưu giữ trong nhiều bộ nhớ khác nhau và được phân phối ở nhiều nơi khác nhau (trong não bộ) vì thế cho nên biểu hện lâm sàng cũng sẽ khác nhau do vị trí tổn thương có khác nhau.
Những dấu hiệu tiên khởi của chứng bệnh mất trí (dementia) có thể là một trong những biểu hiện sau đây:
1. Suy giảm trí nhớ (memory loss)
Suy giảm trí nhớ không phải là một phần bình thường của tuổi già mà có thể là dấu hiệu khởi đầu của chứng mất trí (Dementia)
Chúng ta thường quên đi nhiều thứ theo thời gian. Tuy nhiên giảm sút trí nhớ trong trường hợp Dementia thì lại khác với một sự quên bình thường. Trong khi một người nào đó có thể quên, không biết chìa khóa xe để ở đâu thì một người mắc chứng Dementia thì lại không biết cái chìa khóa xe là để làm gì!
Khác với sút giảm trí nhớ bình thường ở tuổi già, mất trí nhớ ở người mắc chứng Dementia thì luôn tồn tại và tiển triển ngày một tệ hơn. Hậu quả dẫn tới mất kỷ năng làm việc và duy trì những sinh hoạt cá nhân hằng ngày (tắm rửa, ăn uống…)
Việc chẩn đoán sớm có thể tìm ra những phương cách để giúp đỡ người bệnh duy trì sự độc lập cũng như gia tăng phẩm chất cuộc sống.
2. Mất khả năng định hướng (disorientation):
Mất khả năng định hướng không phải là chuyện thông thường ở tuổi già mà đó là dấu hiệu đầu tiên của chứng mất trí (Dementia).
Với người mắc chứng Dementia thường mất khả năng định hướng, cả về thời gian lẫn không gian. Điều này khiến cho họ có thể nhầm lẫn về những thứ xung quanh. Ví dụ như họ có thể đi tới một nơi mà không phải là chỗ họ đã dự trù.
Một người mất phương hướng có thể:
- Đi lạc khi lái xe hay đi bộ ngay ở địa phương rất quen thuộc.
- Không ghi nhận được ngày nào trong tuần hay là ngày nào trong tháng.
- Khó khăn trong việc phán đoán thời gian.
- Mất phương hướng trong đám đông người
- Những sự việc đã xảy ra, những người đã gặp hay những nơi chốn đã đến trong quá khứ nhưng lại liên tưởng là đang ở thời điểm hiện tại.
Mất khả năng định hướng có thể gây căng thẳng cho một số bệnh nhân mắc chứng Dementia cũng như cho thân nhân hay người chăm sóc. Định bệnh sớm có thể giúp hiểu được lý do tại sao người bệnh mất khả năng định hướng và tìm ra phương cách để đương đầu.
3. Lãng tránh xã hội (social withdrawal):
Lãng tránh xã hội không phải là một phần bình thường ở tuổi già mà có thể là dấu hiệu sớm của chứng mất trí (Dementia).
Người mắc chứng Dementia thường thay đổi hành vi khiến cho họ gặp khó khăn trong việc tương tác với người khác. Họ có thể xa lánh xã hội nếu họ cảm thấy bối rối, nhầm lẫn hay là không thể đương đầu được.
Thay đổi hành vi ở người mắc chứng Dementia:
- Chán nản, sợ hãi, lo lắng
- Phản ứng thái quá đối với một sự việc khá tầm thường
- Hành động hay lời nói trở nên hung hăng
- Hành vi lập đi lập lại
- Rút lui hết các sở thích, dự án làm việc hay những hoạt động xã hội từng tham gia trước kia
Thay đổi hành vi có thể gây ra căng thẳng cho một số bệnh nhân mắc chứng Dementia cũng như thân nhân hay cho người chăm sóc.
Chẩn đoán sớm có thể giúp hiểu được về sự thay đổi hành vi và tìm ra phương cách khắc phục.
4. Mất kỷ năng tổ chức (loss of organisational skills):
Mất kỷ năng tổ chức là dấu hiệu sớm của chứng mất trí (Dementia)
Người mắc chứng Dementia thường trải qua những thay đổi về kỷ năng tổ chức hay sắp đặt kế hoạch. Có thể gây khó tập trung và cần thời gian lâu hơn để hoàn tất công việc so với trước kia. Một cái gì đó đơn giản quen thuộc trước kia thì bây giờ thì lại trở thành một sự việc khó khăn.
Người mắc chứng Dementia có thể gặp khó khăn trong những sinh hoạt hằng ngày chẳng hạn như:
- Hoạch định và chuẩn bị những bữa ăn
- Theo dõi các hóa đơn hàng tháng
- Quản lý tài chánh
- Hiểu những hướng dẫn xử dụng các thiết bị gia dụng
- Đi mua sắm
- Lái xe đến một nơi quen thuộc
Mất kỷ năng tổ chức không chỉ làm bực bội cho một số bệnh nhân mà lại còn làm bực bội cho thân nhân cũng như người chăm sóc. Định bệnh sớm có thể sớm tìm ra được phương cách giúp cho người bệnh duy trì được tính độc lập và nâng cao phẩm chất cuộc sống.
5. Lập đi lập lại (repetition):
Lập đi lập lại thường xuyên bằng hành động hay lời nói có thể đó là dấu hiệu đầu tiên của chứng Dementia.
Người mắc chứng Dementia thường có hành vi lập đi lập lại. Họ có thể nói đi nói lại một chữ, một câu hỏi hay là lập đi lập lại một phần việc nào đó. Hành vi lập đi lập lại có thể là kết quả của sự mất trí nhớ nhưng cũng có thể là do sự lo lắng hay lú lẫn gây ra.
Hành vi lập đi lập lại không những chỉ gây bực bội cho người bệnh mà còn cho người thân và người chăm sóc. Chẩn đoán sớm có thể giúp tìm phương cách giúp cho người bệnh duy trì được tính độc lập và phẩm chất cuộc sống.
Kết luận:
Giảm sút trí nhớ, mất khả năng định hướng, xa lánh xã hội, mất kỷ năng tổ chức và hành động/lời nói được lập đi lập lại… không phải là điều bình thường xảy ra ở tuổi già mà là những dấu hiệu tiên khởi của chứng mất trí (Dementia).
Bệnh mất trí Dementia không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh mà còn gây căng thẳng, khó khăn cho người thân hay người chăm sóc.
Định bệnh sớm có thể giúp tìm ra phương cách để khắc phục, sắp xếp tài chánh, giải quyết công việc cũng như giúp người bệnh duy trì được tính độc lập trong những sinh hoạt đời sống hằng ngày.
Định bệnh sớm và điều trị sớm có thể làm chậm tiến trình bệnh và có thể giúp (phần nào) phục hồi khả năng nhận thức.
Mỗi người bệnh có thể trải qua một hoặc nhiều biểu hiện ở các mức độ khác nhau. Nếu nhận thấy bất kỳ biểu hiệu bất thường nào, cần đến gặp bác sĩ.
Tài liệu tham khảo: Understand Alzheimer’s Educate Australia, Detect Alzheimer’s Help Australia, Alzheimer’s diasease information & resources American Alzheimer’s Association.
BS: đinh tấn khương
_________________________________________________________
No comments:
Post a Comment