Saturday, February 4, 2017

CHỌN VỢ CHO CON

Đinh Tấn Khương



Ông bà có với nhau hai người con, một trai và một gái. Gả chồng đứa con gái xong thì ông bà cảm thấy nhẹ nhỏm như trút bớt một gánh nặng ngàn cân. Đứa con trai đang chăm chỉ học hành cố gắng hoàn tất học trình đại học, chưa quen với một người con gái nào cả. Nhưng bà thì lo lung lắm, dòm chừng trong số những người bạn, người quen, người thân hay chỉ mới biết sơ sơ mà có con gái “coi được” thì bà lân la dọ hỏi.

Tuổi bà không trọng lắm nhưng có lẽ sinh trưởng trong gia đình nho giáo, thấm nhập tư tưởng Á đông cho nên chọn vợ cho con dựa theo nguyên tắc “mua heo lựa nái, cưới gái lựa dòng”,  “môn đăng hộ đối” và còn phải hợp tuổi nữa. Dựa trên nguyên tắc đó, bà xếp con gái người ta theo thứ tự ưu tiên và quyết định tiến dẫn cho con trai lúc mà cậu sắp sửa tốt nghiệp.

Nhớ lại những tháng năm trước đó, bà sợ rằng một khi cậu con có bạn gái thì chuyện học sẽ bị ảnh hưởng xấu. Nhưng mối lo lớn hơn đó là, sợ cậu con phải lòng một cô gái không lọt đúng tiêu chuẩn như bà hằng mong đợi!

Nhiếu lúc ông bà mất ăn mất ngủ chỉ vì nghe một ai đó kể rằng, thời buổi hiện nay mấy cô gái lông nhông, không chịu học hành nhưng lại biết chăm nom sắc đẹp (sẵn có hay bằng dao kéo) rồi dạo bước trong các sân trường đại học để săn tìm người yêu nhất là mấy cậu có “tương lai”. Ông bà nghe rồi cũng tin rằng, mấy cậu trai thông minh ở trường học thường rất khờ khạo trong trường tình cho nên dễ bị các cô gái nầy “bắt xác”!

Thời kỳ khủng hoảng đó rồi cũng qua đi nhờ cậu con chưa bị “bắt xác”, bà bắt đầu tiến cử và thuyết phục cậu con qua phân tích, nêu bật những ưu điểm của gia đình cũng như bản thân cô gái mà bà đã dày công chọn lựa và xếp hạng theo thứ tự ưu tiên.

Cậu con mang dòng máu và cái gene của cha mẹ nhưng lại sinh ra và lớn lên ở xứ người cho nên thấm nhập văn hóa phương Tây (nhiều hơn) thành ra có sự xung đột quan điểm hôn nhân. Cậu con không nói gì nhiều, chỉ nói vỏn vẹn có một câu:

-                   -  Mum ơi, hôn nhân chứ đâuphải đi mua xe mà chọn lựa như vậy được, cần phải có tình yêu mẹ à!

Nghe vậy bà giận lắm nhưng cố khuyên giải:

        - Con ơi, ba mẹ đến với nhau là do ông bà Nội, Ngoại (của con) chọn lựa và sắp xếp, tình yêu lúc đầu chưa có nhưng sống với nhau lâu dần thì tình yêu cũng khởi phát, bộ con không thấy ba mẹ hạnh phúc đây sao?

Không nghe cậu con nói gì, bà nghĩ cậu con đã xuôi lòng (với lời giải thích đó), bà bèn lên kế hoạch thực hiện phương  án A

Phương án A được đem ra bàn luận kỹ lưỡng với gia đình cô gái nằm trong danh sách ưu tiên số một của bà. Sau khi bàn luận, cả hai gia đình đi tới quyết định tổ chức một buổi BBQ, mời thêm một vài gia đình quen thân khác nữa tham dự để cho hai nhân vật chính không cảm thấy có sự dàn dựng, tạo cơ hội cho chúng gặp nhau (một cách tự nhiên) rồi nảy sinh tình cảm.

Bữa BBQ cũng đã xảy ra nhưng kết quả không như mong đợi của hai gia đình  bởi hai nhân vật chính không quan tâm đến nhau cho dù được khuyến khích, nói gần nói xa từ cha mẹ hai bên!

Phương án A thất bại nhưng không vì vậy mà nhụt chí, bà tiếp tục lên kế hoạch thực hiện phương án B. Cũng như lần trước, phương án B được đem ra thảo luận kỹ lưỡng với gia đình cô gái nằm trong danh sách ưu tiên kế tiếp. Nhưng lần nầy thì cách tổ chức buổi gặp mặt phải đổi khác, cho rằng họp mặt đông người có thể khó tạo sự thân thiện giữa hai nhân vật chính, vì thế hai gia đình quyết định sắp xếp một buổi ăn tối tại một nhà hàng sang trọng. Kết quả hai nhân vật chính không đến (dù đã đồng ý trước đó), thế là hai gia đình có một bữa ăn đắt tiền nhưng không có được niềm vui mong muốn!

Trong lúc chờ đợi để thực hiện phương án C thì cậu con dẫn về một cô gái xa lạ “ra mắt” ba mẹ. Bà lo lung lắm, nhất là những lần sau đó chúng thường đưa nhau vào phòng riêng và đóng cửa lại. Chẳng biết chúng đang làm gì trong đó cho nên bà áp tai vào tường, vào cánh cửa khóa chặt để theo dõi, tìm hiểu chúng đang làm gì bên trong, nhưng bà vẫn mù tịt cho dù đã cố gắng nhiều lần!

Bà nhớ lại thời tuổi trẻ của bà, cho rằng con gái “đàng hoàng” đâu dám vào phòng riêng với bạn trai như vậy, chính vì thế mà mối âu lo ngày trước lại quay trở về, mối lo con trai bà bị “gài bẩy” để “bắt xác” khiến bà mất ăn mất ngủ! Bà bắt đầu điều tra gia phả và bản thân cô gái.

Qua nhiều thông tin thu được bà biết rằng cô gái cũng lọt vào danh sách hợp “tiêu chuẩn” vì thế mà bà rất vui, ra sức thuyết phục cậu con nên rút ngắn con đường đi tới hôn nhân mặc dù cậu con mãi nói cần có thời gian tìm hiểu! Bà nhắc đi nhắc lại câu nói “cưới vợ thì cưới liền tay, chớ để lâu ngày thành vợ người ta” nhưng mà cậu con vẫn không sợ lời cảnh báo đó của mẹ mình!

Một thời gian dài sau đó cậu con lại dẫn về một cô gái khác ra mắt khiến bà khủng hoảng tinh thần trầm trọng.

Bà hỏi:
-         -   Cô bạn gái trước đây của con đâu rồi?

Cậu con đáp tỉnh queo:
-        -    Chúng con chia tay nhau rồi!

Bà ngạc nhiên
-         -   Sao vậy?

Cậu con không do dự đáp:
-         -   Hai đứa không hợp tính mẹ à!

Mắt bà bổng dưng tối sầm, bước đi lảo đảo như muốn ngã, cổ họng bà nghẹn lại, cố dấu hai dòng lệ chảy dài lăn xuống đôi gò má tái xanh.

Lại một lần nữa bà ra sức điều tra gia phả và bản thân cô bạn gái (mới) của con mình. Thông tin thu thập được khiến bà ăn ngủ không yên, bà ra sức thuyết phục cậu con nên chia tay với cô gái vì không lọt trong tiêu chuẩn chọn lựa của bà. Cậu con không nói gì nhưng bà biết hai đứa vẫn còn (lén bà) đến với nhau nhiều lần sau đó, lòng bà như lửa đốt!

Bẵng đi một thời gian, biết được cậu con đã chia tay với cô gái nọ lòng bà như mở hội, dự tính lên kế hoạch thực hiện phương án C.

Vài tháng sau, phương án C đã được thảo luận thật chu đáo nhưng chưa kịp thực hiện thì một hôm, cậu con thưa với ba mẹ cho phép tổ chức tiệc cưới mà cô dâu lại là một cô gái bản xứ chính gốc. Không có điều kiện thu thập thông tin và cũng không còn đủ thời gian điều tra “dòng” để “lựa” như lời khuyên “cưới gái lựa dòng” đã ăn sâu vào đầu bà suốt mấy chục năm qua!

Không ai biết bà nghĩ gì nhưng chỉ nghe một tiếng thở dài!!!


Sydney, đầu năm 2017
đinh tấn khương

______________________________________________________

No comments:

Post a Comment