Monday, January 23, 2017

NĂM DẬU TẢN MẠN CHUYỆN GÀ

Đinh tấn Khương


(ảnh từ Wikipedia)

Gà là một trong 12 con giáp biểu tượng Dậu

Theo trang Blog phong thủy (http://www.blogphongthuy.com)  thì “người tuổi Dậu tự hào về chính họ và không thấy e ngại về thái độ huênh hoang của mình. Lý do là họ luôn luôn hoàn hảo và họ tập trung hết sức để làm tôn lên vẻ ngoài của mình. Đôi lúc họ là người hống hách và khó sống chung”.

Nói vậy thì chẳng biết có đúng với ai hay không chứ thật sự hoàn toàn trái ngược với người dì và người chị bà con của tui, cả hai cùng tuổi Dậu. Tính dì và chị đều hiền lành dễ mến, ít nói mà khi nói thì dịu dàng, không tự cao hay là hách dịch và chẳng bao giờ nghe thấy bươi móc chuyện của ai mặc dù cầm tinh con gà mái chuyên nghề bươi móc!

Hay lá số tử vi trên đây chỉ dành riêng cho tuổi Dậu thuộc nam mạng cầm tinh con gà trống?

Theo sách vở, gà trống là con vật được coi là hội tụ đủ 5 đức tính tốt:
-         Tính văn: Mào đỏ tựa như mũ cánh chuồn ( quan tước)
-         Tính vũ : Cựa gà bén nhọn như gươm ( vũ khí để đấu chọi)
-         Tính dũng: Không sợ kẻ địch, sẵn sàng chiến đấu
-         Tính nhân: Kiếm ăn cùng đồng loại có cái ăn thì gọi nhau cùng hưởng, bảo vệ đàn con.
-         Tính tín: Gáy báo thức đúng giờ.

Chính vì những đức tính nầy mà phong tục xưa, người ta thường tặng gà trống trong dịpTết.

Nói tới quà Tết, nhắc tui nhớ lại câu chuyện xảy ra ở một ngôi làng nhỏ, rất nghèo, dù rất nghèo nhưng người ở đó sống với nhau rất tình nghĩa.

Trong ngôi làng chừng mấy chục gia đình đó, chỉ có hai gia đình là đủ ăn, cả hai lại là sui gia (do môn đăng hộ đối), tạm gọi là gia đình chồng và gia đình vợ để dễ theo dõi câu chuyện, chuyện kể như thế nầy:

Tới tết, gia đình chồng đem tặng nhà vợ một con gà trống làm quà. Nhà vợ cũng đáp trả tương tự như vậy. Hôm sau cả hai gia đình mang gà vừa mới được tặng sang nhà hàng xóm biếu tết, nhà hàng xóm cũng lại đem gà vừa được tặng sang biếu láng giềng. Cứ như vậy thì cuối cùng là gà của nhà chồng lại trở về nhà chồng, gà của nhà vợ cũng trở về nhà vợ. Có nghĩa là không ai mất gì cả nhưng ai ai cũng có quà tết tặng cho nhau, giúp thắt chặt nghĩa tình sui gia và hàng xóm láng giềng!

Có người nhắc, nhớ là phải tặng gà trống chớ nên tặng gà mái, người ta nói đầu năm mà nhận quà gà mái thì suốt năm sẽ gặp rắc rối bởi gà mái bươi móc quanh năm, coi chừng cả năm buôn chuyện người dẫn tới đôi chối gây phiền!

Cũng thấy tội nghiệp cho gà, người ta cứ gán cho gà là giống chuyên nghề bươi móc nhưng quả thật con người chẳng kém gì hơn. Gà thì bới đất kiếm mồi nuôi thân và nuôi cả đàn con, còn người thì bươi móc chuyện nhà gà không biết là để làm gì mà cứ loay hoay mãi với câu hỏi: “gà có trước hay là trứng có trước”? cho dù biết chắc gà có trước hay là trứng có trước thì cũng chẳng giúp được gì cho người và cho gà!


*********************

Hầu hết chúng ta lúc tuổi còn thơ đều “mê” tác phẩm “Lục súc tranh công”, tác phẩm này không biết có tự bao giờ và tác giả là ai nhưng đã lưu hành gần trăm năm nay và đã trở thành truyện ngụ ngôn của Việt Nam. 

Xin trích một đoạn gà tranh công:

                Gà nghe nói, nóng gan, nóng phổi,
                Liền nhảy ra, chớp cánh, giương đầu.

                Này này! gà ngũ đức thẳm sâu: 
                Nhân, dũng, tín, võ, văn, gồm đủ.   
                Trên đầu đội văn quan một mũ; 
                Dưới chân đeo hai cựa thần thương.
                Đã bao phen đến chốn chiến trường.
                Lập công trận vang tai, lói óc, 
                Thủa Tây Lũng tam canh trống thúc; 
                Gà gáy đầu ba tiếng đêm khuya, 
                Một tiếng rằng: thiên nhật tác thì; 
                Hai tiếng rằng: quốc tộ tác xương, 
                Ba tiếng rằng: nhân gian tác lạc, 
                Đã cứu nạn Mạnh thường đặng thoát; 
                Lại khuyên người Tấn sĩ năm canh. 
                Hễ ai toan cải dữ về lành, 
                Gà cũng biết tỉnh, mê, giấc điệp.
                Coi giò gà xét biết thịnh suy.
                Dóng canh khuya vui dạ kẻ tiêu y, 


                Cất tiếng gáy, toại lòng người đãi đán,

                Cứ mấy điều mà đoán,
                Đã tỏ việc phải chăng?

Có lẽ tác phẩm nầy ra đời trong thời phong kiến cho nên đề cao gà trống mà lại không thấy nói tới vai trò làm mẹ (thật cao cả) của gà mái.

Rõ ràng có sự bất công trong xã hội loài gà, mấy chàng gà trống thì cả ngày đi dạo, gặp cô gà nào cũng đòi “đạp”, che chở kiếm mồi cho con phần lớn là vai trò của gà mẹ!

Viết tới đây, nhớ tới chuyện cười “cấm trẻ em dưới 16 tuổi”, chuyện kể như thế nầy:

Ông nọ từ quê lên tỉnh theo nghiệp sách đèn, học xong cưới vợ và làm việc ở tỉnh luôn. Chẳng biết có phải là do công việc ngày càng nhiều hay sao mà thời gian sau nầy ông có vẻ xao lãng nhiệm vụ làm chồng của mình, bà vợ không vui nhưng chẳng dám than vãn, sợ kỳ!
Lâu lắm rồi ông chưa một lần về thăm nhà, nhân dịp Tết đến, chồng dẫn vợ về quê.Ở quê, cha mẹ ông nuôi gà nhiều lắm, trống có mái có, trống ít mà mái thì nhiều. Qua quan sát, bà vợ muốn mượn chuyện gà để nhắc chồng, một hôm bà chỉ vào đám gà mà nói:

-         Anh nhìn kìa, gà trống hùng dũng quá, “đạp” đến cả chục gà mái một lượt mà thấy vẫn khỏe, còn anh thì…

Bà bỏ lửng câu nói giữa chừng nhìn ông mà lòng hơi thẹn, hai má chợt ửng hồng.
Ông chồng cảm thấy khó chịu nhưng vụt tươi cười chống chế:


-         Em không thấy sao, một trống nhưng lại có nhiều mái tơ bên cạnh, còn anh thì…

Ông cũng bỏ lửng câu nói giữa chừng nhìn vợ, thấy mặt vợ không vui!

                ***********************


Gà là món ăn có giá trị dinh dưỡng, tuy nhiên có lời cảnh cáo không phải tất cả những bộ phận của gà đều bổ dưỡng và khuyên rằng khi ăn thịt gà nên hạn chế những bộ phận sau đây:

-         Phao câu: Nhiều người thích ăn phao câu vì cho rằng béo bổ với mùi vị đặc biệt. Có người còn cho rằng ăn phao câu giúp cho làn da muớt mát mịn màng. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng phao câu gà là bộ phận chứa chất dịch độc hại có nguy cơ gây ung thư nếu ăn quá nhiều và thường xuyên.

-         Mề gà là dạ dày của gà, gà ăn nhiều loại vi sinh vật, nên lượng chất độc hại có thể sẽ bị dự trữ lại tại đây.

-         Cổ gà là nơi tập trung một lượng lớn bạch bạch huyết chứa nhiều độc tố, ăn nhiều cổ gà tức là đưa vào người nhiều độc tố.

-         Cánh gà: Cánh gà tập trung chủ yếu là da và mỡ, ăn cánh gà và da gà là nạp vào cơ thể một lượng lớn chất béo.

Nhớ lại những ngày mới định cư ở xứ người, cuối tuần vợ chồng tui đón xe lửa tới chợ bán sỉ Flemington, khệ nệ vác về nhà một lượng lớn cổ gà, cánh gà, lòng gà (tim, cật, mề) và trứng gà non, rửa sạch rồi phân nhỏ nhiều phần đem cất vào tủ lạnh để dành ăn suốt tuần vì đó là món rẻ mà ngon (!?),

Ngày trước tui ở gần cổng xe lửa số 6, cạnh nhà hàng bò 7 món Thiên Hồng mà thú thiệt tui chưa có một lần dám mơ được vào đó để ăn cho biết bò 7 món gồm có những gì. Bởi nghèo nên không dám mơ cao!

Chắc cũng nhờ trời thương bù lại những tháng ngày mới tới xứ người, tuần nào vợ tui cũng đãi 7 món ăn được nấu với gà. Nói lén nghe, khi còn ở Việt Nam vợ tui ít rành nấu nướng nhưng qua xứ người thì trở thành đầu bếp nổi danh (trong nhà) nhờ thực đơn “gà 7 món”:

-              -   Canh cổ gà nấu với bí đỏ hay bí đao
-        -   Canh cổ gà nấu với trái su hay trái bầu
-        -   Canh cổ gà nấu với rau muống haycải xanh
-        -   Canh cổ gà nấu với cà rốt & khoai lang tây
-        -   Cháo gà nấu với cổ& cánh gà rồi thêm mề, cật, tim và trứng gà non
-        -   Phở gà mà nước lèo cũng là “tinh chất” của một đống cổ gà nấu nhừ với một con gà “chống gậy đi bộ” (nhà giàu gọi là gà già đấy mà).
-        -   Xíu quách cổ gà & gà “chống gậy đi bộ”
-        -   Cánh gà chiên bột, cánh gà nướng lò điện (chớ hổng phải lò than, xưa rồi!)

Đúng ra thì món cánh gà chiên bột và cánh gà nướng lò điện thì vợ giao cho tui đảm trách, bảo rằng sợ mùi gà vướng tóc!

Nói đến phở gà thì tui lại nhớ tới tiệm phở gà rất đông khách ở đường Trương Tấn Bửu quận Phú Nhuận (khoảng giữa Trương Minh Giảng và Nguyễn Huỳnh Đức) chắc nhờ có món phao câu. Hổng biết có phải vì chén nước béo (mỡ gà) tặng thêm ngày xưa hay vì cái thực đơn gà 7 món của vợ tui  mà khi tới xứ người chưa đầy một năm thì đã phát hiện trong máu của tui có lượng mỡ cao kỷ lục!

Lấy cớ đó tui bèn mạnh miệng thỉnh nguyện với vợ tui rằng, để bảo vệ sức khỏe cho “yếu nhân” trong gia đình thì phải cắt bớt cái thực đơn “gà 7 món” mà thay vào đó là những khẩu phần nhiều cá. Và cũng kể từ dạo đó thời kỳ “gà muôn thuở” chính thức được chấm dứt trong những bữa ăn gia đình!

Mà cũng tại vì thế mà ngân sách gia đình bị thiếu hụt ảnh hưởng tới sở thích của thằng con. Thằng con của tui lúc ấy tuổi vừa lên 4, nó rất mê trò chơi lái xe, cởi thú… được đặt ở phía trước các cửa siêu thị. Một lần chơi thì bỏ vào 50 cents, thường ngốn mất 5 dollars cho mỗi lần ra siêu thị. Nóng ruột cho nên mẹ nó cản:

-        -  Hôm nay chơi bấy nhiêu đó đủ rồi con à, chờ mai mốt chơi tiếp!

Thằng con mặt mày tiêu ngỉu nói:

-        -  Mai mốt con lớn rồi con đâu có muốn chơi mấy cái nầy nữa mà bây giờ lại bắt con chờ!

Nghe mà xót cho nên tui đành phải hy sinh tiền mua báo hằng tuần (không phải đọc báo để thông hiểu tình hình thế giới mà là để học thêm tiếng Anh), tiết kiệm bằng cách mỗi sáng đến trường, trong lúc đứng chờ tàu ở sân ga, ngó quanh ngó quất coi có ông tây bà đầm nào cầm trên tay tờ báo là tui liền theo sát, tìm cách ngồi gần. Đọc báo xong họ thường bỏ lại trên ghế một khi rời đi, thế là tui chộp lấy vờ đọc rồi nhét vội vào cặp, tiết kiệm được một món tiền!



********************

Gà cung cấp cho con người nhiều món ăn đặc biệt và những món thuốc hữu ích.

Nói đến những món ăn đặc biệt của gà nhắc cho tui nhớ tới câu chuyện xảy ra tại Bắc Kinh cách nay nhiều năm. Hôm đó, cùng nhau đi ăn tối mà trong số chúng tôi chỉ có hai người là biết nói tiếng Hoa (phổ thông) nhưng chắc cũng không rành lắm (bảo rằng tiếng địa phương nói khó nghe quá!). Chúng tôi gọi một số thức ăn, thức ăn có ghi giá rõ ràng trên menu, thức ăn ở Bắc Kinh cũng không đắc hơn Thượng Hải là bao nhưng lại thấy có một món soup vịt ghi giá cao gấp 7 lần giá các đĩa thức ăn khác, chúng tôi hội ý và quyết định gọi món đó ăn thử cho biết, nói với nhau lâu lâu enjoy một bữa!

Đồ ăn được mang ra, món soup vịt là một tô nước lỏng bỏng có màu trắng đục chứa trọn một con vịt còn nguyên xi ngập chìm bên dưới làn nước, bèn quyết định nhờ nhà bếp ra tay chặt dùm. Tiếp viên được gọi tới, sau khi nghe xong lời yêu cầu thì tô soup được mang vào bếp, một lát thì mang ra trở lại.Nước soup quá tuyệt vời, ai cũng khen như vậy, tô soup được múc cạn thì phát hiện thịt vịt chẳng có là bao, chỉ thấy một cái đầu nhỏ xíu, hai cái cánh và hai cái chân thì ốm tong ốm teo toàn da bọc xương chớ chẳng có miếng thịt nào. Có tiếng thốt “hay là nhà hàng lấy bớt thịt rồi, ăn gian quá vậy!” thế là tiếp viên được gọi lại, hổng biết họ nói gì mà không thấy cô tiếp viên tỏ thái độ giận dữ, cứ đứng đó miệng cười chúm chím.

Chả lẽ gây sự vì miếng ăn, thôi thì chín bỏ làm mười trả tiền rồi về. Câu chuyện kết thúc ở đó nhưng mãi cho tới bây giờ chúng tôi vẫn không hiểu nổi con vịt đó là vịt gì, vịt không thịt mà món soup thì lại ngon tuyệt vời, giá cả thì đắc bội phần?. Chắc chắn phải là một con vịt đặc biệt, chúng tôi đùa rằng, đó là con vịt bị bỏ đói lâu ngày rồi mới cho ăn sơn hào hải vị trước khi đem nấu vì thế mới đắc và ngon như vậy. Gần đây thì chúng tôi lại sợ không chừng soup đó được nấu bằng hóa chất với một con vịt giả cho dù đó là một nhà hàng sang trọng đáng tin tưởng!

****************************

Theo y học cổ truyền, thịt gà ác được dùng với tên thuốc là Ô kê nhục.Nhóm gà thịt đen, xương đen, thường được sử dụng như là thuốc bồi bổ cơ thể, chữa bệnh suy nhược, kích thích tình dục mạnh.

Vì ưu điểm món gà ác hầm thuốc bắc như thế mà có một câu chuyện đau lòng đã xảy ra cách đây nhiều năm. Câu chuyện của một ông chồng tuổi chưa trọng mà đã yếu, cô vợ lo lắng lắm khuyên chồng nên gặp bác sĩ nhưng một mực chối từ, nói rằng do công việc quá bề bộn cho nên bị như vậy. Mà quả thật ông chồng luôn đi sớm về muộn, sức lực càng ngày càng đi xuống. Bà vợ xin toa mua thuốc tăng lực nhưng bác sĩ đâu dám kê bởi không gặp người bệnh, sợ bị rắc rối về mặt pháp lý nếu có những bất thường xảy ra!

Thế là cô vợ găp thầy thuốc bắc, thầy ghi cho một toa, căn dặn mang tới dược phòng bổ mấy chục thang đem về hầm với gà đen rồi cho chồng uống mỗi ngày để cứu vãn tình hình. Tốn không biết bao nhiêu công sức và tiền bạc để mua gà, bổ thuốc và hầm gà với thuốc bắc mà kết quả thì cũng chẳng có gì khả quan, coi mòi ngày một tệ hơn. Thương chồng làm việc quá sức cho nên vợ cũng không dám than vãn dù chỉ một lời!

Một ngày nọ, nhận được hung tin chồng đột quỵ ở chỗ làm do chứng đau tim cấp tính và đã tử vong trên đường chở tới bệnh viện. Nghĩ thương người chồng một đời đã hy sinh cho vợ con, đám tang được tổ chức khá chu đáo và ấm cúng. Vợ quyết định bán chiếc xe số tay của chồng, trước khi thỏa thuận giá cả, dealer mở boot ra để kiểm tra thì phát hiện một số giấy tờ trong đó có nhiều biên nhận phòng trọ cách nhà không xa mấy. Lúc đầu vợ hơi ngạc nhiên nhưng sau đó nhớ lại hình ảnh một cô gái trẻ hoàn toàn xa lạ nhưng lại khóc thật nhiều hôm đám tang chồng. Cô vợ dần nhận biết cái lý do tại sao ông chồng đã ăn bao nhiêu con gà ác hầm thuốc bắc mà lại không thấy có tác dụng. Giận chồng cũng có mà giận mình cũng nhiều, một tiếng thở dài theo sau câu nói như than trách chính mình:
-         Quả thậy, bấy lâu nay mình đã làm mướn không công cho nó!


*******************

Gà cũng được nhắc tới trong truyện ngụ ngôn của La Fontaine:
 - Gà trống và cáo
             - Chuột, gà trống và mèo

1                         1 .     Gà trống và cáo:

Có một chú Gà trống già khéo léo và khôn ngoan đang đứng gác trên cành cây thì một con Cáo bước tới giọng giả lả ngọt ngào:

     - Hỡi người anh em, tôi đến để thông báo cho anh biết, giờ đây chúng ta không nên gây chiến với nhau nữa mà hãy dàn hòa với nhau. Hãy xuống đây, để tôi ôm hôn bạn nào.Xin bạn đừng chậm trễ vì hôm nay tôi còn phải dàn hòa với hai người nữa. Thế là từ nay họ Gà nhà anh và cả anh nữa tha hồ sung sướng, chẳng còn lo sợ gì nữa vì chúng ta sẽ đối đãi với nhau như anh em. Anh hãy về mà lo mở tiệc, bắn pháo hoa ngay tối nay đi.Tuy vậy cũng hãy đến đây để nhận nụ hôn huynh đệ giao hảo nào. 

    Gà Trống đáp lời:
       - Hỡi người bạn hữu, quả tôi không thể ngờ có ngày lại nhận được tin tốt đẹp như là tin về sự hoà bình này. Niềm vui trong tôi còn nhân lên gấp đôi khi chính anh đến báo tin lành. Nhưng tôi nhìn thấy hai con Chó săn đang chạy như bay lại đây. Chắc cũng vì tin này mà chúng đi nhanh như thế, chẳng mấy chốc nữa sẽ đến đây lúc ấy tôi sẽ xuống và tất cả chúng ta có thể ôm hôn giao hảo được rồi.

   Cáo vội nói:
     - Xin cáo từ vì hành trình của tôi còn dài lắm. Thôi để lần khác chúng ta ăn mừng hỉ sự này cũng được. 
     
Nói rồi Cáo ta cúp đuôi đi miết trong lòng buồn bực vì mưu kế đi tong. Còn Chú Gà trống già khoái trá cười nhạo sự sợ hãi của Cáo. Niềm vui của chú ta nhân lên gấp đôi khi chính quân lừa đảo lại bị mắc lừa.  (trích từ http://truyenthieunhi.net)

Từ rất lâu ông La Fotaine đã dạy như thế mà cho tới bây giờ cũng còn có người tin vào cái chiêu bài hòa hợp hòa giải, lẽ nào con vật như gà trống lại thông minh hơn người vậy sao!?


       2.     Chuột, gà trống và mèo (trích từ https://ngungon.info)




Chuột con ra khỏi tổ dạo chơi. Nó tha thẩn khắp sân rồi lại về với mẹ:
 – Này mẹ ơi, con nhìn thấy hai con thú cơ. Một con thú dữ tợn, còn con kia hiền khô.

Mẹ nó bảo: Con nói cho mẹ xem hai con thú ấy ra làm sao nào.

Chuột con thưa:
 – Một con dữ tợn, đi đi lại lại trên sân thế này này: chân nó đen thui, mào nó đỏ ối, cặp mắt nó lồi ra, còn cái mũi nó khoằm khoằm. Khi con đi ngang qua, nó há hốc cái mồm ra, nhâc một chân và lên tiếng quát to đến nỗi con sợ quá chẳng còn biết chạy đi đâu.

–   Đấy là con gà trống, – chuột mẹ nói. – Nó chẳng làm hại ai đâu, đừng sợ nó. Thế còn con thú kia?

–   Con thú kia nằm ngoài nắng sưới ấm. Cổ nó trắng, chân nó xám, mượt mà; nó đưa lưỡi liếm cái ngực trắng của nó và cái đuôi hơi ngoe nguẩy, nhìn theo con.

 Chuột mẹ bảo: Con ngốc lắm. Nó chính là mèo đấy

Chuột, Gà trống và Mèo (Bản dịch của Phạm Nguyên Phẩm)


     Chú chuột con đang còn quá nhỏ,
     Nên chuyện đời chưa rõ thực hư.
     Một hôm xảy chuyện bất ngờ,
     Chuột con gặp mẹ chuyện trò cùng nhau.
   "Con đã vượt non cao Biên giới,
     So đàn anh tài giỏi kém chi.
     Thấy hai con vật đang đi,
     Con thì hiền hậu, con thì hung hăng.
     Con vật này thét vang thô lỗ,
     Mang trên đầu thịt đỏ hây hây.
     Ngo ngoe cái túm lông đuôi,
     Dang tay làm bộ muốn bay lên trời"
     Chuột con tả gà choai như thế,
     Tưởng cầm ngư từ Mỹ nhập vào.
    "Hai tay vỗ ngực ồn ào,
     Tiếng kêu phành phạch xiết bao kinh hồn!
     May nhờ có Thánh thần che chở,
     Nên con đà yên ổn thoát thân.
     Con nguyền kẻ ác hại con,
     Làm con không được đến gần bạn kia.
     Bạn này trông nhiều bề hiền dịu,
     Có bộ lông mềm mại như con.
     Đuôi dài, da đốm, mình thon,
     Mắt ngời tia sáng nhìn con hiền hoà.
     Con tin tưởng vào nhà họ chuột,
     Bạn tốt lòng, ấy thật dễ thương.
     Đôi tai bạn trông vào dễ mến,
     Khác nào tai của họ nhà ta.
     Con toan đến lân la trò chuyện,
     Con vật kia cất tiếng oang oang.
     Làm con sợ hãi kinh hoàng,
     Cho nên đã phải tìm đường chạy xa.
     Con vật "hiền" là con mèo đó,
     Chuột mẹ liền nói rõ thực hư.
     Lim dim đôi mắt giả vờ,
     Lòng đầy nham hiểm luôn chờ hại ta.
     Con vật kia, chú Gà Trống đó,
     Không thù hằn với họ hàng ta.
     Cho ta hai bữa cơm no,
     Còn Mèo rình bắt chúng ta làm mồi.

     Xét người, thận trọng con ơi
     Không nên chỉ xét bề ngoài mà thôi."


Lại một lần nữa ông La Fontaine cũng đã dạy một bài học nhớ đời, thế mà cũng có lắm ông xưng là đỉnh cao trí tuệ lại còn đi tin kẻ thù gian manh mới chết chứ!!!


Sydney, Xuân Dinh Dậu 2917
đinh tấn khương


_____________________________________________________

No comments:

Post a Comment