Đinh Tấn Khương
Ông An mang cả gia đình gồm một vợ và hai con rời Việt Nam cùng trên một chiếc thuyền mong manh, vượt biển cả trong những ngày đầu năm 1980. Trải qua những tháng ngày ở trại tỵ nạn, cuối cùng thì gia đình ông cũng tới được Sydney, Úc Đại Lợi.
Thuở trước 1975 ông An là nhà giáo, không biết có phải là nhân cách của một thầy giáo (thời trước) cho nên tính ông rất ngay thẳng, ăn nói chừng mực. Thêm nữa, tính tình rộng rãi và biết thương người, luôn giúp đỡ những ai gặp phải hoàn cảnh khó khăn.
Qua tới xứ người, nghề nghiệp của ông cũng phải đổi theo, thoạt đầu ông xin làm một chân rửa chén rồi dần dà leo lên chức phụ bếp cho một tiệm ăn Á Châu tại địa phương. Nhờ tính ngay thẳng và làm việc một cách có trách nhiệm nên ông được cook chef, cũng là chủ nhà hàng, tin tưởng giao phó và truyền đạt bí quyết nấu nướng cho ông.
Một thời gian sau, do sức khỏe của ông chủ có vấn đề nên đã đề nghị sang nhượng lại thương vụ. Kể từ đó ông tất bật với công việc kinh doanh cho nên ít có dịp đi đâu kể cả trở về thăm lại quê hương, như nhiều người trong những tháng ngày VN bắt đầu mở cửa.
Vợ ông mắc chứng ung thư gan và qua đời cách nay độ vài năm và cũng kể từ đó ông giao lại thương vụ cho các con chăm sóc. Có lẽ thấy ông buồn nên các con đã khuyên ông về thăm quê nhà, gặp lại thân nhân, bạn bè, đồng nghiệp cũ cho khuây khỏa tinh thần.
Tính ông ít muốn đi đâu, chỉ muốn quây quần với con cháu là thấy hạnh phúc lắm rồi. Ông do dự, bởi đã rời xa quê nhà cũng ngót nghét gần 35 năm rồi, e rằng tình cảm nhạt phai.Nhưng các con cũng như bạn bè thuyết phục mãi cho nên ông đã quyết định cho một chuyến thăm quê.
Trải qua những ngày đầu thăm gặp người thân và bạn bè cũ ông cảm nhận ít nhiều khó chịu trong lòng. Ông ray rức mãi khi thấy một vài người thân, một vài người bạn kém may mắn với cuộc sống bấp bênh cũng như đôi lúc ông gặp phải những tình huống khó xử. Dẫu rằng, không ai trong số họ mở lời yêu cầu ông giúp đỡ nhưng ông vẫn thấy xót xa và không dám tìm gặp lại sau một lần đến thăm.
Có những người quá khổ sở, chạy gạo mỗi ngày mà không đủ ăn, có những người mắc bệnh mãn tính không đủ tiền chạy chữa. Có người bệnh tiểu đường ở giai đoạn cuối với nhiều biến chứng, cần lọc thận gây khốn đốn thêm cho ngân sách gia đình, con cháu phải mang nợ vì thế!
Có vài người bà con đủ ăn đủ mặc, con vừa thi xong cấp phổ thông và được đậu vào đại học nhưng gia cảnh không có điều kiện để cho con theo học tiếp. Họ chia sẻ nỗi khổ trong hoàn cảnh này:
- Anh à, đây là cháu gái/cháu trai đầu lòng của em, nó học giỏi lắm, vừa thi đậu vào đại học, ngặt một nỗi là ngân sách gia đình không đủ để cho cháu tiếp tục theo đuổi, chẳng lẽ chỉ vỉ thiếu vài triệu mỗi tháng mà đành cho cháu ở nhà phụ việc vặt vãnh. Buồn vì tương lai của cháu mờ mịt, em cảm thấy có tội với con mình quá, tội nghèo đó anh à!
Nói rồi, hai dòng lệ chảy dài trên đôi gò má gầy guộc, mắt ngước nhìn ông như muốn được chia sẻ phần nào, ông đoán hiểu điều đó. Nhưng ông biết làm sao bây giờ, chuyện giúp đỡ một đứa theo đuổi đại học mấy năm liền không phải là ít, nếu giúp được đứa nầy thì chẳng lẽ làm ngơ cho đứa khác hay sao. Cũng đắng lòng lắm nhưng ông đành phải làm ngơ. Và kể từ đó ông không thể nào giữ được tình cảm bình thường cho dù người thân của ông không ra mặt yêu cầu giúp đỡ hay chẳng thấy ai tỏ vẻ trách cứ gì ông, dẫu rằng ông vẫn vờ vịt lặng im !
Ông quyết định gởi biếu môt vài trăm làm quà cho những người thân và bạn bè mà ông đã gặp rồi quyết định “chạy trốn”. Những ngày còn lại ông cảm thấy cô đơn lạ lùng, ông không dám gặp lại ai nữa, chẳng phải do bị xua đuổi nhưng bởi ông cảm thấy rằng mình không đủ khả năng giúp được gì nhiều, chẳng lẽ cứ trơ cái mặt mà đến với họ nữa sao, để làm gì, để tìm vui trong nỗi buồn của người khác ư!?
Ông suy nghĩ lung lắm, chẳng lẽ chỉ lân la với những người bạn, người thân giàu có thôi sao, không thể bất nhân như vậy được!
Và kể từ đó suốt ngày ông ra quán ngồi nhâm nhi café để giết bớt thời gian còn lại chờ ngày về Úc. Một hôm, ông vô tình nghe được mẫu đối thoại (qua điện thoại) của cô gái ngồi sát bàn bên cạnh, khiến cho ông chú ý.
- Anh tớ vừa bị tai nạn ngã xe gây chấn thương đầu, gãy hai chân đang nhập viện và chờ giải phẩu. Tớ dang kẹt chút tiền, cậu giúp cho tớ được không?
- …………
- Tớ cần vài triệu, cậu không có đủ thì vay thêm, tớ chịu tiền lãi, tớ cần gấp đấy, ráng giúp nghen!
Hôm sau, cũng cô gái ấy, cũng cái bàn bên cạnh đó, khóc sụt sùi khi nói chuyện qua điện thoại:
- Cậu là đứa bạn duy nhất có thể giúp được, mà lại bảo không thể thì tớ biết làm sao bây giờ!?
Tiếng khóc lại lớn hơn
- Cậu biết đó, thằng em tớ mà chết thì ai nuôi cả nhà. Nhưng nếu không chết mà mất hai chân thì làm sao chạy xe ôm kiếm tiền?
- …………
- Cậu ráng giật nóng đâu đó cũng được, lãi cao tớ cũng phải chịu. Tớ cũng đã giật nóng một phần rồi, nhưng họ không chịu cho vay thêm nữa bởi nghi ngờ khả năng trả nợ của tớ đấy mà!
- ………….
- Chiếc xe hả, tớ đã mang đi cầm rồi, cầm được mười lăm triệu mà lại phải trả món nợ trước, cậu biết đấy, trả gần hết rồi chứ còn đâu nữa!?
- ………….
- Cậu mà không giúp được thì tớ chẳng biết làm gì có tiền đây!?
Giọng nói bổng dưng nhỏ dần như không muốn cho ông nghe, nhưng ông vẫn nghe được:
- Cậu nghĩ có tức không, bà chủ quán gạ tớ bán trinh, bảo nếu đồng ý thì bà sẽ mai mối và đưa tớ mười triệu. Tớ giận quá nên không làm ở đó nữa, bỏ việc đã mấy hôm rồi!
- ………….
- Nhưng không kiếm ra tiền thì chắc là tớ cũng phải quay lại gặp bà ấy thôi. Cậu ráng giúp tớ lần nầy nghen!
Cô gái cứ ngồi đó mà khóc tức tưởi, tiếng khóc không lớn nhưng đủ khiến lòng ông xót xa, xót xa cho thân phận một cô gái gặp phải hoàn cảnh khó khăn không lối thoát. Ông suy nghĩ lung lắm và tự nhủ lòng mình là không thể làm ngơ, ông quay sang, khẻ hỏi:
- Cháu nói cho chú biết liệu chú có giúp được gì cháu không?
Đưa tay quẹt hai dòng lệ, cô gái không nói gì mà chỉ liếc mắt nhìn ông như dò xét.
- Chuyện riêng của nhà cháu, chẳng dám phiền đến chú đâu. Cháu cũng sợ … nữa!
Ông đoán biết là cô gái không dám tin một người xa lạ như ông lại có thể giúp được gì, mà nếu có được thì cũng phải nghi ngờ dụng ý gì đó. Đoán thế nên ông hạ giọng, nói một cách thật ôn tồn:
- Cháu ạ, dù xa lạ nhưng chú nghĩ là chú có thể giúp được cháu phần nào khó khăn. Này nhé, cứ coi như là chú cho cháu vay không lãi, không kèm một điều kiện nào hết.
Cô gái rụt rè bước qua ngồi chung bàn với ông, tiếp tục khóc mà không nói gì. Một hồi lâu thì cô kể cho ông biết hoàn cảnh gia đình, mẹ cô thì mù mắt từ lâu nghe nói là do biến chứng của bệnh ban sởi gì đó, cha cô thì vừa mới phát hiện ung thư gan mà không có tiền giải phẩu và hóa trị đành phải để vậy mà chờ chết. Người anh trai duy nhất của cô thì vừa ngã xe bị chấn thương sọ não và gãy hai chân, nếu không tiền mổ não thì có thể chết, mà dù không chết thì cũng bị cưa hai chân nếu không chữa trị kịp thời.
Cô gái khóc lớn nói như than thân trách phận:
- Mất hai chân thì làm sao chạy xe ôm trong khi cháu không có việc làm ổn định, tiền đâu để nuôi cả nhà đây. Sao mà đời cháu gặp nhiều bất hạnh như vậy chứ!?
Nghe xong ông không còn chút do dự, hỏi:
- Cháu cần bao nhiêu để lo chữa bệnh cho anh cháu?
Ngần ngừ một chặp rồi chậm rải trả lời:
- Dạ, chắc khoảng chừng mười triệu, số tiền lớn quá phải không chú?
Ông nhẩm tính, mười triệu là độ chừng 600 đô Úc, không có gì phải đắn đo ông vội mở bóp phơi, lấy ra đếm 6 tờ giấy 100 đô rồi đưa cho cô. Cô gái do dự không dám cầm lấy, đôi mắt tròn xoe đẫm lệ nhìn mãi vào mắt ông, tỏ vẻ lo lắng như sợ bị gạt gẫm.
Ông bèn đặt 6 tờ giấy bạc xuống bàn, lấy tách café còn đang uống giở đè lên rồi đứng dậy bỏ đi, không quên nới với lại:
- Cháu đừng ngại, chú muốn giúp cháu thôi, chẳng có gì để cháu sợ, chúc sức khỏe anh cháu sớm hồi phục!
Cô gái vội rút lấy những tờ giấy bạc rồi chạy theo.
- Thưa chú, chú làm ơn nán lại một chút chờ cháu viết giấy vay nợ và cam kết hoàn trả, cháu viết ngay bây giờ đây, cho cháu biết quý danh và địa chỉ của chú đi.
Ông bước vội không quay lại:
- Tên chú là An, cháu cứ lo chuyện trước mắt đi, chú thường uống café tại quán này, nếu muốn thì ghé lại đây gặp chú.
Cô gái bước vội tới gần ông, khẩn khoản:
- Thưa chú, cháu tên Tâm cháu thành thật biết ơn lòng tốt của chú nhiều lắm. Thật ra là cháu không dám làm phiền đến chú nhiều hơn nữa nhưng cháu có ý kiến nầy, là cháu muốn mời chú ghé vào bệnh viện một chút để cho thằng em của cháu nhìn thấy mặt ân nhân của nó. Trong lúc hoạn nạn mới biết được lòng người, một người xa lạ mà lại dám tin tưởng để giúp đỡ, còn người thân, người quen thì….
Cô gái bỏ dở câu nói rồi lại sụt sùi khóc tiếp, nhận thấy cái vẻ thật thà của cô gái cho nên không nỡ từ chối, ông bước ra ngoài gọi một chiếc taxi và bảo cô gái nói nơi đến cho tài xế.
Xe ngừng trước cổng bệnh viện, cảnh tượng đông đảo, ồn ào ngay phía bên ngoài hành lang chật chội có nhiều người nằm ngồi la liệt cộng thêm dòng người chen chân nhau qua lại. Khí trời nóng bức, mùi hôi khó chịu khiến ông hơi mệt khi phải len lỏi vào đám đông. Thấy vậy, cô gái nắm lấy tay ông dắt đi cho nhanh và nói:
- Chú chưa quen cảnh này, nắm chặc tay cháu để cháu dẫn chú đi cho lẹ, sợ chú mệt!
Lâu lắm rồi ông chưa được một lần nắm lấy bàn tay của một cô gái tuổi độ đôi mươi như thế nầy. Như có một luồng cảm xúc là lạ đang chạy vào người ông, ông bổng lắc mạnh cái đầu mấy lượt như muốn xua đuổi một ý nghĩ nào đó đang trỗi dậy trong tâm trí ông.
Cô gái dừng lại rồi nói:
- Chú chờ cháu một chút nghen, cháu phải xin phép cô y tá để vào gặp thằng em mới được.
Cô gái buông lơi bàn tay ông, rồi tiến nhanh đến gặp cô y tá, không rõ cô nói gì mà lại nghe cô y tá quát lớn:
- Giờ nầy không cho phép thăm bệnh, chờ đến chiều mới được!
Thấy cô kiên nhẫn nói gì thêm nữa rồi cô y tá gật đầu:
- Chỉ cho phép một người vào thôi nhé. Nhanh lên đi, kẻo tôi bị kiểm điểm đấy!
Cô gái dạ một tiếng nhỏ, tỏ vẻ biết ơn và bước vội tới ông.
- Chú cảm phiền chờ cháu một chút, không phải giờ thăm bệnh nên cô y tá thông cảm chỉ cho phép mình cháu gặp thằng em ít phút thôi, chú chờ cháu một chút nghen!
Nói xong cô gái hấp tấp bước vội vào phòng bệnh tiến gần sát giường một người đàn ông, đầu đang băng kín, hai chân thì cũng vậy. Không biết cô nói gì nhưng thấy người đó quay đầu ra cửa, dường như nhìn ông rồi gật gật nhẹ cái đầu tỏ vẻ như ngầm nói lời cám ơn.
Cô gái bước nhanh ra cửa, miệng ghé sát tai ông:
- Thằng em nó xúc động lắm, gởi lời cám ơn chú.
Cô gái lưỡng lự một chút, ngước mắt nhìn ông, nói:
- Chú đứng đây chờ cháu đến phòng tài vụ nộp viện phí, xong cháu sẽ quay trở lại ngay, chú đừng đi đâu cháu sợ lạc mất!
Ông đứng tần ngần đợi chừng 10 phút thì cô gái quay lại
- Nếu chú muốn về thì chú đón taxi về trước đi, cháu tính ghé qua nhà con bạn cháu một chút, nói cho nó yên tâm là cháu đã có đủ tiền khỏi phải bận tâm nữa. Nhỡ vay được rồi thì cũng đâu có dễ trả lại ngay, mất tiền lãi uổng lắm!
Tần ngần một chút rồi ông nói:
- Cháu gọi điện thoại báo cho cô bạn biết ngay đi, tránh vay mượn phiền phức, cũng tới giờ trưa rổi chú đang đói bụng đây, sẵn mời cháu đi ăn với chú, cháu biết chỗ nào ăn ngon thì dẫn tới đó.
Cô gái tỏ vẻ do dự:
- Cháu không rành về các tiệm ăn tuy vậy cháu thường nghe tiếng đồn nên cũng biết. Cháu sẽ chỉ chỗ ăn ngon nhưng không dám nhận lời mời của chú đâu, phiền chú nhiều, cháu ngại lắm!
Làm như không cần nghe lời từ chối đó, ông vẫy tay gọi taxi và bảo tài xế chạy theo chỉ dẫn của cô gái, taxi dừng trước một tiệm ăn trông có vẻ khang trang lịch sự nhưng không phải nhà hàng sang trọng.
Chờ trả tiền taxi xong, cô gái dẫn ông bước vào bên trong và chọn một cái bàn trống gần đó mời ông ngồi xuống rồi khúm núm ngồi phía bên đối diện.
- Cháu không dám đưa chú đến quán bình dân, sợ chú ăn không ngon. Nhưng dẫn đến quán này cháu cũng hơi ngại sợ chú tốn nhiều tiền. Lần đầu tiên nên không hiểu ý chú, nếu có gì không vừa lòng thì mong chú bỏ qua cho cháu nhé!
Thấy cô gái thật thà thì ông tỏ lòng trân mến và quý trọng, bảo cô gái chọn thực đơn cho riêng cô. Cô gái nói nhỏ:
- Chú chọn gì thì cháu cũng chọn giống như vậy, cháu biết gì đâu mà chọn hở chú!?
Cô gái ăn chưa hết nửa đĩa cơm thì gát đũa, ông hỏi:
- Bộ cơm không ngon hay sao, thử gọi món khác ăn nhé!
Cô gái cúi gằm mặt, hai hàng nước mắt một lần nữa chảy dài xuống đôi gò má ửng hồng, lắp bắp:
- Cơm ngon lắm, cháu cám ơn chú nhiều, trong đời cháu chưa bao giờ ăn được một đĩa thức ăn ngon như hôm nay!
- Ngon mà sao không chịu ăn tiếp đi?
- Dạ thưa chú, nói chú đừng cười cháu, cháu định mang nửa đĩa nầy về cho ba mẹ cháu ăn, ăn để biết vậy mà!
Nghe nói mà lòng ông xúc động tột cùng, trí ông thầm nhắc quả đây là một cô gái nghèo biết hiếu thảo với mẹ cha. Ông bổng cười lớn, nói:
- Cháu ăn hết đi, ăn xong thì mua thêm hai phần nữa mang về cho ba mẹ cháu, đáng giá gì đâu mà lại làm vậy, ăn hết đi!
Cô gái lí nhí:
- Cháu đâu dám làm phiền, lợi dụng chú như vậy!
- Có gì đâu mà cháu bảo là phiền!
Đơi cho cô gái ăn xong ông gọi thêm hai đĩa cơm nữa mang về.
- Chú có muốn ghé lại nhà ba mẹ cháu cho biết nhà không, nhà cháu ở Gò Vấp nhưng sâu bên trong, taxi không chạy tới được, phải đi xe ôm thôi chú à!
Ông cũng tò mò và muốn biết gia cảnh của cô gái nên đồng ý theo về. Cô gọi hai chiếc xe ôm, chỉ chiếc xe ôm chở ông mà dặn người xe ôm chở cô:
- Chạy chậm nghen, chờ xe này chạy phía sau, đừng để bị lạc nhé!
Rồi cô quay lại người lái xe ôm chở ông mà dặn:
- Anh ráng chạy bám theo xe chúng tôi, đừng để lạc!
Đường đi ngoằn nghèo, chạy theo các bờ ruộng một quãng khá xa rồi xe ngừng lại trước một căn nhà lá tồi tàn rách nát. Bước vào trong thấy một ông già đang nằm rên rỉ bên dưới tấm chăn đắp lên tận cổ và từ phía sau một bà già dọ dẫm bước ra, hỏi lớn:
- Con về rồi đó hả, nhà hết gạo ăn mẹ nấu nồi cháo để sau bếp, con múc ăn tạm với muối cho đỡ đói. Hôm qua đến giờ má chờ anh hai con về mà sao không thấy, chắc có cuốc xe đi xa không về kịp?
Cô gái liếc nhìn ông, ra hiệu cho ông im lặng và ngồi xuống cái chõng tre gần đó, hai mắt đỏ hoe trấn an mẹ:
- Con gặp anh hai sáng nay, anh đang sửa cái xe bị hỏng máy, ảnh gởi về ít tiền và mua hai đĩa cơm cho ba mẹ đây nè.
Cô mở túi xách lấy ra hai hộp thức ăn đặt trên cái bàn gãy hết một chân, dựng sát bên vách lá. Tới gần nắm lấy tay mẹ dìu ngồi xuống chiếc ghế, bắt đầu đút từng miếng ăn cho đến khi cạn sạch đĩa cơm.
Bà mẹ tỏ vẻ như ăn ngon lắm, vừa ăn vừa hỏi:
- Đĩa cơm nầy có đắc không mà sao ngon quá vậy con, mẹ chưa bao giờ ăn được một bữa ăn ngon như thế nầy, mua chi cho tốn tiền nhiều hở con!
Cô gái không nói gì, cô mang đĩa thức ăn còn lại tiếp tục đút cho người cha, người cha cũng khen thức ăn ngon.
Cô gái mở ví móc lấy vài tờ giấy bạc đưa cho mẹ rồi nói:
- Chiều nay mẹ nhờ người chạy qua mời ông y tá tới chich thuốc giảm đau cho ba, mai anh hai con về đưa thêm tiền, hôm nay chỉ còn có bấy nhiêu nầy thôi!
Hai dòng nước mắt lại chảy dài, cô gái tiến tới kéo tay ông bước nhanh ra cửa, nói với:
- Ngày mai con về sớm hơn nghe mẹ!
Bà mẹ nói:
- Mầy đi về thường xuyên như vậy không sợ chủ rầy hay sao, chỉ cần anh hai mầy về được rồi, khổ thân cho con tôi quá!
Hai chiếc xe ôm đưa họ trở về thành phố, ông ra hiệu cho xe chạy lại quán café quen thuộc và mời cô gái vào theo. Cô gái lưỡng lự một chút nhưng cũng nối gót bước vào.
Ông hỏi thăm cô gái về tổn phí chữa trị cho ông bố thì mất chừng bao nhiêu, cô lí nhí:
- Tiền mổ và tiền hóa trị chắc tốn độ 50 triệu!
Ông nhẩm tính tròm trèm chừng 3000 đô, số tiền khá lớn nhưng nghĩ có thể cứu được một mạng người trong lúc thập tử nhất sinh, ông quyết định làm phước.
Ông bảo cô gái theo ông về khách sạn để ông lấy tiền đưa cô đem về chạy thuốc cho cha. Cô gái tỏ vẻ dè dặt:
- Cháu xin cám ơn chú, nhưng cháu sợ… sợ vào khách sạn lắm!
Ông chợt hiểu ra, cười lớn rồi nói:
- Không phải vào phòng của chú đâu, cháu chờ chú ở phòng lễ tân thôi mà!
Cô gái ngập ngừng một lát rồi lẻo đẻo theo ông về khách sạn, ngay góc đường không xa quán café mấy.
Ông chỉ chiếc ghế bành ở phòng lễ tân rồi bảo:
- Cháu ngồi chờ chú một lát, chú trở lại ngay.
Ông bước lên cầu thang đi thẳng về phòng mình, mở két sắt lấy ra 3000 đô, gói cẩn thận trong một tờ giấy báo rồi quay trở lại phòng lễ tân, ngồi xuống bên cạnh cô gái:
- Đây, số tiền 3000 đô, mang về lo trị bệnh cho ba cháu!
- Thưa chú, chú cho cháu mượn nhiều như vậy làm sao cháu hoàn trả cho chú được!?
- Không sao, cháu cứ cầm lấy đi, chuyện gì thì tính sau.
Cô gái khóc rấm rức một hồi rồi bước ra khỏi khách sạn.
Hai hôm sau cô gái quay trở lại quán café tìm gặp ông, lộ vẻ vui mừng lắm, giọng líu lo:
- Ba mẹ cháu nhắn lời cám ơn chú, vị ân nhân đã cứu mạng!
Đôi má chợt đổi sắc hồng làm tăng vẻ đẹp của một người con gái mới lớn, bẻn lẻn nói:
- Chú dẫn cháu về khách sạn đươc không?
- Để làm gì?
- Cháu có chuyện muốn nói với chú.
- Không cần, cháu muốn nói gì thì cứ nói bây giờ, nói ở đây được rồi!
- Cháu muốn trả món nợ lớn cho chú ngay!
- Cháu nói gì vậy, lấy gì mà trả?
- Thứ gì mà chú muốn ở cháu thì cháu cũng sẵn sàng hiến dâng để mong trả được món nợ lớn lao nầy!
Vừa nói vừa liếc mắt đưa tình chợt cầm lấy tay ông, thì thầm:
- Cháu mang ơn chú nhiều lắm, xin cho cháu có cơ hội trả món nợ, không sao đâu chú đừng ngại!
Ông tỏ ra giận dữ quát lớn :
- Cháu đi về đi, đừng nghĩ bậy bạ, chú giúp cháu vô điều kiện, chú không phải là hạng người lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người khác để trục lợi!
- Nhưng mà…
Cô gái do dự như không dám nói ra điều gì đó.
- Cháu muốn nói gì nữa?
- Cái xe của anh cháu tới ngày chuộc lại mà chưa có tiền, nếu mất xe thì anh cháu không có thu nhập thì làm sao nuôi sống cả nhà?
- Cần bao nhiêu để chuộc xe?
- Dạ, 18 triệu đồng thưa chú, nhưng cháu không dám làm phiền chú nữa đâu!
- Không sao, về phòng chú lấy tiền đưa đi chuộc xe kẻo muộn.
Lần nầy cô gái theo ông lên phòng, bước vào và khép nhẹ cánh cửa rồi khóa chốt lại mà ông chẳng hề để ý.
Ông mở két sắt lấy ra 1200 đô, đếm kỹ rồi đưa cho cô gái, một tay rụt rè nắm lấy mấy tờ giấy bạc, tay kia thì vội ôm chầm lấy ông và nói:
- Cháu van chú, cho cháu được trả nợ, cháu nguyện ghi khắc tận đáy lòng những gì chú đã lo cho gia đình cháu. Từ lâu, cháu đã tính là không bao giờ lấy chồng, phần vì gia cảnh quá nghèo nên không ai thèm lấy, mà nếu có thì cũng là đứa nghèo như cháu vậy thôi. Cháu nghĩ, thà cháu ở vậy nuôi dưỡng cha mẹ cho mãn tuổi già chứ lấy chồng mà làm chi, chỉ vướng thêm cái khổ khác nữa chứ có gì vui đâu mà lại lấy chồng. Cháu đã nguyện như vậy thì có giữ lại cũng chẳng để làm gì, cháu muốn được hiến dâng cho chú, coi như đáp lại tình cảm của chú đã dành cho cháu. Không phải coi đó là một mối tình nhưng cháu muốn có một kỷ niệm đẹp để nhớ mãi trong đời, xin chú nhận lời dù chỉ một lần rồi thôi!
Ông An tính ngay thẳng, không muốn những việc ông làm bị coi là món tiền trao đổi, nhất là trao đổi trinh nguyên của một cô gái đáng tuổi con ông. Ông thấy xót xa cho nhiều cảnh đời và lẩm bẩm:
- Tại sao ông trời quá bất công, có người quá giàu mà cũng có người lại quá khổ, tương lai mờ mịt như vậy. Vì đâu nên nỗi!?
Dứt khoát tư tưởng, ông bước nhanh tới mở rộng cánh cửa và đẩy nhẹ cô gái ra ngoài, cô gái vừa đi vừa ngoái cổ lại nhìn ông cho đến khi cánh cửa đã khép kín hẳn.
Mấy ngày sau ông An có vẻ trông mong gặp lại cô gái nhưng bặt vô âm tín, ông chẳng biết có gì bất thường xảy ra với cô trong mấy ngày qua hay không. Ông lại nghĩ miên man, không lẽ có gì xảy ra cho gia đình cô, cô gặp tai nạn? Hay là cô cảm thấy mắc cỡ vì ông đã từ chối cách trả nợ của cô? Hàng chục câu hỏi cứ quẩn lẩn quẩn trong đầu của ông mà lại không có được câu trả lời nào chính xác!
Hôm sau, nóng ruột quá nên ông quyết định đón xe trở lại bệnh viện hôm nọ may ra dò tìm được tin tức từ người anh của cô. Khổ nỗi, vì hôm đó là lần đầu tiên ông tới bệnh viện nầy mà cô gái lại dẫn đường cho nên ông đã không để ý và ông cũng quên hỏi tên họ người anh, bởi vậy bây giờ không dễ hỏi tìm!
Loanh quanh một chặp ông nhận ra một người giống như người đàn ông hôm nọ nhưng đầu không còn quấn băng nữa, ông xin phép cô ý tá và bước nhanh tới gần, hỏi:
- Cậu có phải là anh của cô Tâm không?
Người đàn ông tỏ vẻ ngạc nhiên, hỏi lại:
- Tâm nào, tôi không có đứa em nào tên là Tâm hết, có lẽ là ông đã lầm rồi!
Ông bỡ ngỡ bước ra khỏi bệnh viện, chợt nhận thấy người lái xe ôm hôm nọ đã chở ông về nhà cô Tâm, ông tiến lại hòi:
- Ông còn nhớ tôi không, mấy hôm trước ông chở tôi chạy theo một chiếc xe chở đứa cháu tôi về Gò Vấp, ông còn nhớ đường tới đó không?
- Dạ đúng rồi, nhưng tôi không dám chắc còn nhớ đường cho lắm vì hôm đó chạy theo xe kia thành ra không mấy để ý, hy vọng tới đó có thể sẽ nhận ra!
Leo lên ngồi phía sau và bảo ông xe ôm chạy về hướng hôm nọ, lòng vòng khá lâu thì cũng tìm tới căn nhà đó. Bước vào sân, ông thấy mẹ của Tâm đang ngồi rửa rau, ông bố của Tâm thì cũng còn nằm trên bộ ván lên tiếng rên hừ hừ.
Ông An tiến lại gần bà, hỏi:
- Mấy hôm rày Tâm có về đây không bà?
- Tâm nào, có phải cô gái đi cùng ông hôm nọ không?
Ông hơi ngạc nhiên, vì nghe nói bà bị mù mà sao hôm nay dường như không phải vậy. Tuy nhiên, vì nóng lòng hỏi thăm cô Tâm nên ông bỏ qua cái thắc mắc đó của mình, ông trả lời rồi hỏi tiếp:
- Dạ phải, bà có biết bây giờ cô Tâm ở đâu không, sao chưa đưa ông nhập viện để trị bệnh?
- Ối, bệnh của ổng thì mãn tính, rên rỉ do đau thần kinh tọa và thấp khớp đầu gối, có chữa được gì đâu mà nhập viện!
- Thế sao con gái bà bảo rằng ông bị bệnh ung thư gan cần giải phẩu và hóa trị, tôi đã đưa tiền cho cô ấy mang về lo điều trị đó mà!
Bà do dự một chút rồi nói:
- Ấy chết, nó mướn tụi tui đóng vai là ba mẹ rồi cho chút tiền chứ có phải là con của chúng tôi đâu, nó cũng đã làm vài lần như thế!
Ông chợt tỉnh và biết mình đã bị lừa, vội chào bà rồi quay trở ra, bảo ông xe ôm chở về lại Sài Gòn. Có lẽ ông xe ôm nhận ra có điều gì bất thường nên gặn hỏi. Ông An kể lại toàn bộ câu chuyện, nghe xong thì ông xe ôm nói:
- Có lẽ ông quá tin người, nhất là mấy người ở nước ngoài về, dễ sập bẩy lắm. May cho ông đó, nếu mà ông sập thêm cái bẩy tình nữa thì nợ sẽ còn dài dài, cô ta giăng bẫy tình mà thấy ông cứng rắn liệu không xong nên lừa cú chót lấy thêm 1200 đô nữa rồi rút êm để tìm con mồi khác. May phước cho ông đấy!
Trở về phòng, ngã tấm thân mệt mỏi xuống giường rồi bắt đầu suy nghĩ miên man, tức tối vì nhận ra rằng đầu mình đã hai thứ tóc mà còn mắc lừa đứa ranh con. Mất gần 5000 đô đâu phải là ít, bạn bè mình, người thân mình cần được giúp đỡ nhiều hơn mà lại không đáp ứng còn ngoan ngoãn dâng khống cho một đứa con gái non choẹt đánh lừa lòng tốt của mình!
Ông cảm thấy một nỗi buồn vô hạn, cứ tưởng về đây tìm thấy niềm vui nhưng nào có được. Ông phải tự tránh xa bạn bè, thân quyến bởi cảm thấy khả năng giúp đỡ có hạn. Biết rằng, không ai trách phiền ông cho dù không đáp ứng kỳ vọng. nhưng chẳng lẽ cứ la lết cái mặt chai lỳ đến gặp họ để mong tìm kiếm niềm vui riêng cho mình hay sao?
Trốn tránh mọi người, vì ông không có trái tim đóng băng, làm sao mà ông có thể vui được khi thấy hoàn cảnh người khác đang gặp khó khăn không lối thoát. Và rồi lòng tin của ông lại bị xói mòn sau câu chuyện gạt gẫm vừa mới xảy ra. Ông quyết định quay lại Úc trước hạn định cho dù phải bù thêm tiền vé, ông tự nhủ:
- Đây là chuyến thăm quê cuối cùng của đời mình!!!
Sydney, cuối năm 2016
đinh tấn khương
_____________________________________________________________
Cũng vẫn là mấy ông già nhẹ dạ hám gái. Bà con, bạn bè giúp không nỗi mà người xa lạ , gái trẻ vờ khóc than thì móc túi đưa tới mấy ngàn. Bị nó lừa cho sáng mắt ra.
ReplyDelete