Tuesday, January 17, 2017

CHỨNG CAO HUYẾT ÁP (HYPERTENSION)

BS: ĐINH TẤN KHƯƠNG




Chứng cao huyết áp rất thường gặp, nó có thể dẫn đến những biến chứng như stroke, heart attack… Vì thế, cao huyết áp cũng được coi là một trong những “kẻ giết người thầm lặng” (silent killers).

Huyết áp (blood pressure) là gì?

- Huyết áp là áp lực máu trên thành động mạch khi tim bơm máu đi khắp cơ thể.

- Huyết áp được ghi bằng 2 con số và được tính theo đơn vị mmHg. 

Ví dụ: 120/70 mmHg

+   Con số 120 là huyết áp (thời) tâm thu (systolic blood pressure): áp suất máu đo được trong lúc cơ tim co bóp để bơm máu ra.
+   Và con số 70 là huyết áp (thời) tâm trương (diastolic blood pressure): áp suất máu đo được trong lúc cơ tim thư giãn để nạp máu về.

Huyết áp bình thường là gì?

Khoảng 40 năm trước, huyết áp bình thường tùy thuộc vào tuổi tác, theo cách tính:

+  Huyết áp tâm thu (systolic blood pressure)= tuổi + 100
+  Huyết áp tâm trương (diastolic blood pressure)= (tuổi+100+ 10) : 2

Ví dụ:

.  30 tuổi sẽ được tính: 

         Huyết áp tâm thu= 30+100= 130
         Huyết áp tâm trương = (30 +100 + 10) : 2= 70

Như vậy, huyết áp bình thường ở tuổi 30 là: 130/70 mmHg

70 tuổi huyết áp sẽ được tính:

         Huyết áp tâm thu= 70+100= 170
         Huyết áp tâm trương= (70 + 100 + 10) : 2= 90

 Như vậy, huyết áp bình thường ở tuổi 70 là: 170/90 mmHg

Cách tính theo tuổi như trên, ngày nay không còn được áp dụng nữa vì có những bất cập. Bởi một người 70 tuổi, thành mạch máu sẽ “giòn” hơn là thành mạch máu của một người ở độ tuổi 30, vì giòn hơn nên dễ vỡ (bể) gây tai biến.

Ngày nay, huyết áp bình thường được áp dụng chung cho mọi lứa tuổi là:


-         Dưới 120/80 được xem là huyết áp bình thường
-         Từ 120/80 tới 139/89: vẫn được xem là bình thường nhưng ở mức cao bình thường
-         Cao hơn 140/90: cao huyết áp

Huyết áp thay đổi thường xuyên, có lúc lên cao có lúc xuống thấp, tùy thuộc vào hoạt động và một vài yếu tố khác gây tác động gián tiếp hay trực tiếp. Chính vì thế mà chúng ta cần phải biết cách để đo huyết áp cho được chính xác

Nếu huyết áp không được đo chính xác thì dẫn tới hậu quả gì?


-         Hoặc là điều trị oan uổng (không cần thiết)
-         Hoặc là bỏ sót (không điều trị) gây biến chứng trầm trọng.

Làm thế nào để đo huyết áp cho được chính xác?:


-         Chọn dụng cụ đo có mức chính xác cao
-         Áp dụng đúng kỷ thuật
-         Phải có thời gian nghỉ ngơi ít nhất là 10-15 phút trước khi đo
-         Tránh uống trà, cà phê hay hút thuốc lá trong vòng 30 phút trước khi đo
-         Thư giãn thật sự trong căn phòng yên tỉnh (không nhạc, không TV)
-         Chờ ít nhất là 5 phút sau khi đã an vị
-         Ngồi với hai lòng  bàn chân đặt thẳng trên sàn nhà, hai chân không được chéo lại nhau, lưng tựa vào thành ghế và cánh tay tựa trên tay ghế/mặt bàn
-         Đo ít nhất hai lần cách nhau 1 phút
-         Nếu cần đo thêm huyết áp trong tư thế đứng thì phải chờ  2 phút sau khi đứng dậy
-         Đo huyết áp trong cùng điều kiện và cùng thời gian trong ngày
-          Không nên đo huyết áp trong  khi bị stress hay đau nhức

Dụng cụ đo huyết áp nào được đánh giá là chính xác và đáng tin tưởng?

Dụng cụ đo huyết áp thường dùng hiện nay:


1.     Dụng cụ đo bằng cột thủy ngân
2.     Dụng cụ đo tự động số (đo ở cánh tay)
3.     Dụng cụ đo lưu động theo dõi huyết áp liên tục trong vòng 24 giờ

Nhiều người cho rằng dụng cụ đo bằng cột thủy ngân chính xác hơn là dụng cụ tự động số. Điều nầy không sai, nhưng độ chính xác cao không phải là do dụng cụ tốt mà do yếu tố con người, xác định đúng vị trí của mạch máu và điều chỉnh sức đè lên thành mạch.
(sai vị trí sẽ không bắt được mạch, đè mạnh quá hay nhẹ quá cũng không bắt được mạch).


Khi đo bằng dụng cụ tự động số mà biết áp dụng đúng kỷ thuật (đúng vị trí và sức ép trên thành mạch) thì độ chính xác vẫn không có gì sai biệt so với dụng cụ cột thủy ngân.

Tóm lại, không có dụng cụ nào tốt nhất, kinh nghiệm của người đo sẽ quyết định độ chính xác chứ không phải dụng cụ đo.

Dụng cụ đo huyết áp nào  được xem là ít chính xác nhất?

Dụng cụ tự động số đo ở cườm tay được đánh giá là ít chính xác nhất

Lý do?

Bởi vì mạch máu ở cườm tay nằm lệch một bên cho nên không thể điều chỉnh nút sensor ( bắt mạch)  của máy vào đúng vị trí được.

Nguyên nhân chứng cao huyết áp là gì?



-         Nguyên nhân chính xác của chứng cao huyết áp thường không biết rõ
-         Bệnh ở thận, tuyến thượng thận  và một số thuốc đang uống là nguyên nhân (thứ phát) gây chứng cao huyết áp
-         Nếp sống góp phần ảnh hưởng đến chứng cao huyết áp:
          +  kém hoạt động thể lực
          +  thức ăn nhiều muối & nhiều mỡ
          +  uống rượu và hút thuốc 
          +  căng thẳng tinh thần

Tại sao phải điều trị chứng cao huyết áp?:


-         Chứng cao huyết áp đơn thuần không biểu hiện triệu chứng nhưng nếu cao huyết áp trong một thời gian dài sẽ dẫn tới  biến chứng tim mạch (tim lớn, suy tim, heart attack, stroke) và còn có thể gây biến chứng ở mắt, ở thận nữa.

-         Thống kê cho thấy rằng:

    Nếu huyết áp tâm thu (số trên) kéo hạ xuống được 10mmHg, hay là huyết áp tâm trương hạ xuống được 5mmHg thì nguy cơ bệnh tim mạch sẽ được giảm đến 25% và tai biến mạch máu não sẽ giảm khoảng chừng 33%.

Khi nào huyết áp được coi là cao và cần điều trị?

-         Huyết áp(BP) > 140/90 (mmHg) được coi là cao huyết áp

Trước đây huyết áp (BP) > 160/90 thì mới bắt đầu điều trị

Ngày nay huyết áp (BP) > 140/90:  cần phải đặt vấn đề điều trị 

Những trường hợp cần điều trị cấp thời bằng thuốc hạ huyết áp:

       1.  -   Huyết áp tâm thu (số trên) bằng hay hơn 180mmHg, hoặc là
        -    Huyết áp tâm trương (số dưới) bằng hay hơn 110mmHg

 2.  -    Tăng huyết áp tâm thu đơn độc (số đo huyết áp tâm thu và tâm trương cách biệt nhiều):
Huyết áp tâm thu> 160mmHg trong khi huyết áp tâm trương <70mmhg o:p="">

 3.      Có bằng chứng tổn thương  cơ quan (chẳng hạn suy thận, suy tim…)

 4.      Mắc bệnh tim mạch, cao mỡ trong máu, tiểu đường.

Trong những trường hợp nêu trên cần phải điều trị cấp thời bằng thuốc hạ máu (để ngăn ngừa biến chứng) và kết hợp với thay đổi nếp sống.

Trường hợp cao huyết áp chưa cần điều trị ngay bằng thuốc:


Những người cao huyết áp nhưng ít có nguy cơ bệnh tim mạch và không nằm trong những trường hợp nêu trên thì trước nhất chỉ cần thay đổi nếp sống và tiếp tục theo dõi số đo huyết áp cùngnguy cơ tim mạch trong vòng 6-12 tháng.

Nếu thay đổi nếp sống mà không hạ được huyết áp tới mức chấp nhận được thì phải bắt đầu điều trị bằng thuốc hạ huyết áp.

Thay đổi nếp sống lành mạnh:



+  giữ trọng lượng cơ thể khỏe mạnh
+  ăn nhiều rau quả và thức ăn ít mỡ, ít muối
+  tập thể dục thường xuyên, mỗi lần ít nhất là 30 phút
+  uống rượu vừa phải: 2 ly chuẩn mỗi ngày đối với đàn ông và 1 ly chuẩn đối với  phụ nữ
+  ngưng hút thuốc lá

+  thư giãn tinh thần

Chuẩn mức huyết áp cần đạt được sau khi điều trị:

Chuẩn mức cần đạt sau điều trị có sự khác biệt tùy thuộc vào mỗi  cá nhân


-         < 140/90 mmHg đối với những người cao huyết áp không có biến chứng

-         < 130/80 mmHg đối với người có tiền sử bệnh động mạch vành (coronary heart disease), tai biến mạch máu não (stroke), tiểu đường, suy thận kinh niên hay là mức đạm trong nước tiểu đạt tới 300-1000 mg mỗi ngày.

-         125/75 mmHg đối với những người có lượng đạm trong nước tiểu vượt quá 1000 mg mỗi ngày.

Sai lầm  trong quyết định điều trị và duy trì điều trị chứng cao huyết áp:


-         Dù người bệnh đã (được cho) biết mắc phải chứng cao máu nhưng vì không thấy có gì thay đổi trong cơ thể (chẳng hạn không thấy nhức đầu)  cho nên (nghĩ rằng) chưa cần phải điều trị.

-         Người bệnh ít khi nghe theo lời khuyên của bác sĩ mà thường nghe theo lời khuyên của những người chung quanh. Họ thường nói với nhau rằng, nếu uống thuốc sớm thì sẽ quen thuốc cho nên phải uống thuốc suốt đời!

-         Ở những quốc gia tiến bộ có hệ thống y tế đại chúng (dễ gặp bác sĩ, thuốc uống hiệu quả và có trợ giá…) nhưng mà tai biến mạch máu não, heart attack vẫn có tỷ lệ khá cao bởi vì người bệnh không chịu uống thuốc hay uống không đều đặn, không chịu theo dõi thường xuyên cũng như không điều trị đúng mức!

Trong trường hợp người bệnh do dự trong việc điều trị thì sẽ nhận được lời nhắn nhủ:

-         Hoặc là điều trị sớm hay là không còn (có) cơ hội để điều trị!

Kiểm soátchứng cao huyết áp:


1.     Nếp sống lành mạnh
2.     Thuốc hạ huyết áp.
3.     Điều trị, loại bỏ nguyên nhân thứ phát (nếu có)
4.     Theo dõi số đo huyết áp thường xuyên, bệnh nhân có thể tự theo dõi huyết áp bằng dụng cụ tự động số tại nhà .
5.     Cũng có khi cần được theo dõi huyết áp suốt 24 giờ bằng dụng cụ đo lưu động.

Thuốc điều trị (kiểm soát) chứng cao huyết áp có nhiều nhóm khác nhau và thích hợp tùy theo từng cá nhân.

Bài viết này nhằm mục đích phổ biến kiến thức tổng quát cho nên không đề cập tới thuốc điều trị. Bác sĩ của quý vị sẽ thảo luận và quyết định loại thuốc nào thích hợp một khi chứng cao huyết áp được chẩn đoán.



đinh tấn khương.


___________________________________________

No comments:

Post a Comment