Đinh Tấn Khương
Xuân lại về, gợi nhắc tuổi thơ và những tháng ngày trôi nổi xứ người, hôm nay sáng mồng một Tết xin ghi lại một vài kỷ niệm khó quên coi như là để “khai bút đầu năm, năm Đinh Dậu”.
Trước ngày xa quê vợ tui làm nghề gõ đầu trẻ, tới xứ người thì mất dạy luôn. Muốn lấy lại cái nghề cũ thì phải đi học, chuyện không dễ vì còn phải chăm sóc thằng con chưa đầy 2 tuổi trong khi tui đang hạ quyết tâm theo đuổi kế hoạch “lấy lại những gì đã mất”.
Thời gian mới tới định cư thì nhận được tiền trợ cấp xã hội, giống như bao nhiêu người không có việc làm. Trên nguyên tắc khi nhận tiền trợ cấp mà còn trong tuổi lao động thì phải khai báo tìm việc ở bộ an sinh xã hội. Cơ quan nầy sẽ phỏng vấn phân loại nghề nghiệp thích hợp, giúp đỡ gởi học nghề và tìm kiếm việc làm.
Trước ngày phỏng vấn, vợ chồng tui đã có những buổi họp rất căng thẳng ngay tại phòng khách, bàn ăn và kể cả trong phòng ngủ nữa. Sau khi tìm hiểu tình hình, phân tích, tính toán hơn thua lợi hại vợ chồng tui đã thống nhất và đi đến quyết định khai báo với bộ rằng vợ tui từng hành nghề làm tóc tại quê nhà, dấu nhẹm cái nghề gõ đầu trẻ vì thấy không còn thích hợp nữa. Nghĩ rằng khai như vậy sẽ được gởi đi học (làm tóc) ở trường cao đẳng trong một thời gian ngắn rồi giới thiệu việc làm cho dễ.
Tại sao lại có quyết định táo bạo như vậy?
Lý do:
Vừa tới xứ người, tiền chi trả cho việc chăm sóc hai mái đầu xanh của cha con tui chiếm mất một phần trong ngân sách gia đình, thấy vậy vợ tui quyết định tìm mua đồ nghề nhằm phục vụ công tác làm gọn hai cái đầu. Dĩ nhiên là vợ tui nắm vững nguyên tắc “biết người biết ta trăm trận trăm thắng” chớ hổng phải ỷ tài mà làm bừa!
Biết ta, có nghĩa là vợ tui biết rằng nàng chưa một lần cầm cái tông đơ ũi tóc ai mà chỉ đôi khi cầm kéo cắt cái đuôi tóc thề (?) lúc so le của chính nàng. Nói nôm na là chưa bao giờ làm chuyện đó chớ hổng phải là chưa hay có kinh nghiệm gì ráo!
Biết người, có nghĩa là biết cha con tui không dám từ chối và phải ngậm đắng nuốt cay mà chấp nhận tác phẩm đầu tay của nàng. Nhưng cũng may, qua xứ người nhờ đất nước dân chủ cho nên nàng cũng còn biết tôn trọng ý kiến của tui (thằng con thì chưa biết thỉnh đạt ý kiến vì vậy tui đại diện cho nó luôn). Phát huy tinh thần làm chủ, nàng cho phép tui được quyền đề bạt là muốn hớt tóc kiểu nào và quan trọng nhất là bằng cách nào hớt cho coi được.
Bàn qua bàn lại nhiều lần coi mòi không xong, vợ tui quyết định úp lên đầu cha con tui một cái tô rồi cứ theo đó mà ũi mà cắt. Nghề dạy nghề, dần dà cũng thấy “coi được”, tiết kiệm một số tiền!
Khó khăn ban đầu đã vượt qua, niềm tự hào và niềm tin về cái nghề mới đổi của vợ tui ngày một dâng cao. Chính vì thế mà vợ chồng tui đã đi đến quyết định khai báo với bộ an sinh xã hội trong ngày đầu tiên trình diện lập hồ sơ tìm việc.
Hồ sơ của tui kết thúc nhanh chóng vì nhân viên bộ an sinh xã hội không thể tìm việc cho tui được và khuyên là nên cố gắng lấy bằng cấp xứ người mới mong có cơ hội hành nghề trở lại!
Đến lượt phỏng vấn vợ tui, nhìn mặt là biết ngay nàng đang lo lung lắm nhưng cô nhân viên của bộ asxh rất tâm lý, vừa mở hồ sơ vừa khen mái tóc vợ tui đen bóng mượt mà, nước da trắng mịn, và trông tựa như phụ nữ Nhật… hổng biết thiệt tình khen hay đó chỉ là thủ thuật tâm lý thường được các phỏng vấn viên áp dụng. Nhưng dù sao thì nó cũng đã giúp nàng quên mất nỗi sợ hãi trước đó.
Hỏi nghề nghiệp thường làm là gì, nàng mạnh miệng trả lời nghề làm tóc. Hỏi đã hành nghề bao lâu rồi, vợ tui không chút ngần ngại trả lời là đã có 3 năm kinh nghiệm tại quê nhà. Cô nhân viên bộ asxh quay lại dòm (cái đầu) tui rồi dảo mắt nhìn tiếp (cái đầu) thằng con đang ngồi im trong lòng mẹ nó. Quay qua quay lại vài lần, hổng biết nghĩ gì nhưng tui thấy dường như cố gắng lắm cô mới dấu được cặp môi đang chúm chím cười. Chắc chắn là cô ta đã đoán biết hai mái tóc của cha con tui là tác phẩm của ai rồi. Cô ôn tồn bảo sẽ liên lạc khi tìm được công việc thích hợp để giới thiệu, vợ tui tràn trề hy vọng sau khi kết thúc buổi phỏng vấn tìm việc.
Đợi mãi không thấy bộ asxh liên lạc, tui đoán biết lý do nhưng hổng dám nói với vợ, sợ nàng buồn ảnh hưởng đến tay nghề gây hậu quả nghiêm trọng lên hai mái đầu xanh của cha con tui!
*********************
Cái hôm chuyển về chung cư mới, cạnh nhà là một gia đình người di dân, bà đang nhận hàng may tại gia. Vợ tui ngỏ ý muốn theo đuổi cái nghề “nhịp chân đếm tiền”, bà hàng xóm tỏ ra rất vui lòng giúp đỡ. Vợ chồng tui lại có những buổi họp bất thường, cũng lại liên tục xảy ra ngay ở phòng ăn, phòng ngủ, phòng khách… và đi đến kết luận quyết định chọn nghề “nhịp chân đếm tiền” là một quyết định sáng suốt cho kế hoạch năm năm lần thứ nhất!
Khởi đầu thì bà hàng xóm giao công việc vắt sổ , chỉ đạp một lèo theo đường thằng, công việc thích hơp cho người mới học nghề. Những ngày đầu vợ tui không kiểm soát và kìm chế nổi vận tốc nhanh như tên lửa của cái máy may công nghệ, dù đường may chỉ là một đường thẳng! Thấy vợ buồn, lại sợ nàng bỏ cuộc làm hỏng kế hoạch năm năm lần thứ nhất đã nhất trí thông qua, vì vậy tui phải “động viên” tinh thần cho nàng cả ngáy lẫn đêm!
Dần dà rồi cũng quen, tay nghề nàng được nâng cấp và được giao may những mẫu quần áo khó hơn. Sau một thời gian vững tay nghề, vợ chồng tui quyết định nhận hàng trực tiếp thông qua mẫu quảng cáo đăng trên các báo địa phương. Lại họp lại bàn, tính tới tính lui thì quyết định liều mạng, thử gọi một chỗ xem sao.
Theo hẹn, ông bà chủ bỏ đồ may đến gặp vợ chồng tui và bắt đầu thủ tục phỏng vấn hỏi về kinh nghiệm đã có trong ngành. Vợ tui không chút do dự bảo rằng đã có 3 năm kinh nghiệm tại quê nhà. Bước đầu, ông bà có chút tin tưởng nên lôi từ trong túi xách ra một cái áo đầm bằng lụa mỏng trông rất sang trọng cùng với một xấp vải giống cái áo đã cắt sẵn, hỏi liệu có ráp được như vậy hay không. Vợ chồng tui coi qua, bàn bạc một hồi thì trả lời chắc chắn làm được. Ông bà có vẻ còn chút do dự, nói rằng nếu thấy khó quá thì xin đừng nhận vì đây là hàng đắc tiền sợ bị làm hỏng. Công may được trả cho mỗi cái áo là 6 đô la, một số tiền lớn chớ có phải ít đâu, ngu gì mà từ chối! Ông bà chủ hẹn ngày mai sẽ trở lại, nếu thấy áo mẫu may ổn thì sẽ giao hàng.
Thấy vậy mà không phải vậy, tưởng đơn giản hóa phức tạp bởi lẽ vợ chồng tui chưa bao giờ thấy cái kiểu áo nầy chớ đừng nói đến chuyện ráp may. Chồng bàn tới, vợ tính lui… nghiên rồi lại cứu, bàn qua tán lại gần cả buổi mà cái áo vẫn chưa ráp xong phần cổ. Sợ may rồi tháo ra nhiều lần sẽ làm hư áo của người ta, tui bèn đề bạt ý kiến là lấy áo cũ đọ cắt y chang xấp mẫu rồi may theo nhiều cách để rút kinh nghiệm. Cuối cùng thì cũng vượt qua được công đoạn ráp phần cổ, công đoạn khó khăn nhất nhưng cũng mất trọn gần một ngày trời!
Chuẩn bị ráp may tiếp thì ông bà chủ trở lại trong lúc cái áo mẫu chưa hoàn tất, vợ chồng tui phải tìm lời nói khéo, rằng đang chờ người bạn mang qua cho mượn cái chân vịt thì mới may tiếp được. Chả lẽ lại đi nói thiệt là mất gần cả ngày mà chưa ráp xong một cái áo thì mất uy tín quá, mất uy tín thì cũng chẳng nhằm nhè gì chỉ sợ mất cơ hội thôi!. Ông bà cầm cái áo ráp nửa chừng lên coi, coi tới coi lui kỹ lắm rồi ông bà nói gì với nhau bằng tiếng Hy Lạp. Lấy làm lo khi thấy ông bà có vẻ suy nghĩ lung lắm nhưng cuối cùng nói sẽ trở lại vào ngày mai để có quyết định, vợ chồng tui cũng còn chút hy vọng!
Người ta nói vạn sự khởi đầu nan không hề sai, và rồi chuyện gì mà có quới nhơn giúp đỡ thì cũng được hết, kể từ đó vợ tui tiếp tục thăng tiến trên sự nghiệp “nhịp chân đếm tiền” cho đến ngày tui hoàn tất việc học.
************************
Sau gần hai năm làm việc trong bệnh viện với một năm nội trú bắt buộc, vài người bạn khuyên tui học tiếp chuyên khoa như đã theo ở quê nhà. Nhưng nhận thấy hoàn cảnh gia đình và coi lại thấy sức mình có hạn, nếu kéo thêm 4-5 năm nữa sợ không kham nổi.Vợ chồng tui lại triệu tập nhiều phiên họp, bàn tới bàn lui và đi đến quyết định làm nền móng cho kế hoạch 5 năm lần thứ hai, đó là mở phòng như một GP.
Cũng may có chút vốn Anh ngữ cho nên vợ tui nhận lãnh công việc thư ký, có đứa nói đùa vợ tui còn kiêm thêm chức “cai tù” chớ hổng phải chỉ là thư ký thôi đâu!?
Nhớ có lần bộ an sinh xã hội gởi một cô gái trẻ tới tìm việc, thấy cách ăn mặc là biết ngay cô ta nghèo ghê lắm, bởi thiếu vải cả trên lẫn dưới. Vợ tui bắt đầu thủ tục phỏng vấn xoay quanh những câu hỏi thông thường và chốt với câu hỏi cuối cùng:
- Em có thể làm được những gì?
Liếc mắt nhìn tui, em trả lời:
- Chuyện gì muốn em làm thì em cũng sẵn sàng làm hết ạ!”
Vợ nhìn mặt tui như thăm dò rồi quay sang nói với cô gái là sẽ gọi lại sau. Cô gái vừa bước ra khỏi phòng thì vợ nhìn tui lần nữa, hổng biết đoán là tui đang nghĩ gì hay sao mà lại nói:
- Đừng có mà tưởng bở, anh ơi!
Sydney, Xuân Đinh Dậu 2017
Đinh tấn khương
__________________________________________________________________
Anh Khương ơi. Bài này lý ra phải có tựa đề là chuyện cười đầu năm. đọc mà QN hết cười mĩm chi tới cười ra tiếng. Cám ơn câu chuyện thật mà vui rất vui bởi giọng văn dí dõm của anh.
ReplyDeleteHappy new year.
QN
Cám ơn QN nhiều lắm.
DeleteChúc QN & gia đình có thêm nhiều tiếng cười suốt năm Đinh Dậu.
Chúc mừng QN có thêm diễm phúc được làm bà Nội lần thứ hai.
Thân mến
khương