Monday, December 5, 2016

Tuổi Già Và Bệnh Lãng Quên

Trần Mạnh Ngô


Mỗi năm trôi qua, mỗi người trong chúng ta lại thêm một tuổi. Và người già phải đối diên một loại bệnh thông thường: bệnh lãng quên (dementia).
Thực vậy, khi về già, các cụ sau 65 tuổi sẽ bị giảm sút trí nhớ rất nhanh.
Khi tuổi càng cao, số bệnh nhân bị bệnh lãng quên càng ngày càng nhiều. Chẳng hạn lúc tới 85 tuổi, phân nửa (50%) các cụ sẽ bị bệnh hay quên.

Ngày xưa, chưa có cách điều trị bệnh lãng quên. Bây giờ ở xã hội Mỹ, có nhiều chương trình chữa bệnh hay quên và đặc biệt tìm cách nâng đỡ bệnh nhân để có được một đời sống tốt đẹp hơn.


Vì sao bị bệnh lãng quên? 
Bệnh quên khi về già sinh ra do khủng hoảng thoái hóa những mô và tế bào của cơ thể. Thí dụ như mạch máu bị hư, bị thương tích, trường hợp ung thư, nhiễm trùng hay bệnh thiếu dinh dưỡng.

Có 3 loại bệnh quên: 1. Bệnh Alzheimer, 2. Bệnh hay quên do mạch máu bị hư, và 3. Bệnh lãng quên Lewy.

Bệnh Alzheimer do những tảng amyloid và những mớ tơ thần kinh (neurofibrillatory tangles) tích tụ trong hệ thống thần kinh trung ương.

Bệnh quên khi về già do những mạch máu nhỏ hay lớn bị hư, bị tắc nghẽn bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Chẳng hạn như bị viêm mạch máu (autoimmune vasculitis), viêm vì nhiễm trùng mạch máu (trong trường hợp bệnh giang mai ăn vào hệ thong thần kinh não hay bệnh Lyme), nghẹt mạch máu não nhỏ li-ti, do chảy máu não vì cao huyết áp hay tai biến mạch máu não, v..v..

Bênh lãng quên Lewy do những phân tử nhỏ (eosinophilic cytoplasmic inclusions) đọng trong tế bào thần kinh não bộ.

Bệnh hay quên khi về già bắt đầu với nhiều triệu chứng:

Trước hết, bệnh nhân lớn tuổi cảm thấy khó nhớ tên một người nào hay tên một vật gì. Bệnh nhân vẫn hoạt động bình thường. Nhưng bắt đầu nhận thức kém tinh tường. Cộng thêm tuổi già làm trí nhớ kém cỏi. Một số bệnh nhân thấy triệu chứng có vẻ nặng thêm, tiến dần tới bệnh lãng quên Alzheimer.

Tiêu chuẩn định bệnh Alzheimer khởi thủy thấy nhận thức kém, mặc dầu bệnh nhân ráng cố gắng sửa đổi những khiếm khuyết. Bệnh nhân cảm thấy bị xuống tinh thần, ưu trầm (depression). Khả năng xét đoán từ từ thuyên giảm. Tính tình con người thay dổi.

Triệu chứng bệnh càng ngày càng nặng. Bệnh nhân thấy bắt đầu thiếu khả năng tính toán tài chánh, quên bẵng thuốc men mình đang uống, và không thể đi du lịch được nữa. Giai đoạn bắt đầu cảm thấy như thiếu an toàn. Tiếng nói lọng cọng. Xét đoán lẫn lộn.

Bệnh nhân không còn phân biệt được thời gian và không gian. Đi đường dễ bị lạc. Dễ bị kích thích khi lọt vào môi trường mới lạ. Bệnh nhân suy nghĩ sợ hãi vô cớ, than phiền về hôn nhân hay than phiền chuyện mất trộm, mất tiền bạc.

Bệnh trạng càng ngày càng trầm trọng hơn nữa, đưa tới những lúng túng trong hành động, khó nuốt khi ăn uống. Bệnh nhân không thể kiểm soát được vấn đề đại tiện và tiểu tiện. Bệnh nhân không còn biết mình là ai! Không nhận ra những người thân trong gia đình. Nhiều khi nằm dài cả ngày, tuyệt đối im lặng.

Bệnh nhân nên gặp bác sĩ gia đình khám bệnh để tìm hiểu những tiến triển nhận thức, cảm xúc, hay suy nhược thần kinh. Đồng thời cần tìm hiểu thêm triệu chứng vài loại bệnh khác phát hiện như tiểu đường, bệnh đau tim hay suy tuyến giáp trạng. Bệnh nhân cần được trắc nghiệm tâm lý, thử máu v..v..

Điều trị: 

. Dùng thuốc Cholinesterase inhibitors để tăng cường hệ thống tiết acetylcholine (cholinergic) trong việc chữa bệnh Alzheimer.

. Dùng vài loại thuốc hay sinh tố như Vitamin E, thuốc trị phong thấp, v..v.. (mặc dầu chưa được chính thức công nhận).

. Giảm tâm lý khủng hoảng, hay dùng thuốc điều trị bệnh tâm thần (nhât là loại bệnh lo sơ vô cớ paranoid) hay nổi nóng bất tử, xuống tinh thần, ưu trầm v..v..

Nhiều khảo cứu gần đây đặt được kết quả khả quan. Thí dụ dùng thuốc chủng chứa chất B-amyloid peptide (AB42 và AN-1792) chống thành lập tảng amyloid trong não để điều trị bệnh Alzheimer. Nhưng cần thêm thời gian để sang tỏ vấn đề.

Tóm lại, bài này viết để giúp những người lớn tuổi tìm hiểu thêm bệnh của chính mình và cần bác sĩ gia đình điều trị. Nhất là giúp cho một số quí vị đã lớn tuổi có thể tự nhân thức được những gì sắp sẩy ra cho chính đời mình.

Sau đây là sơ lược những triệu chứng ban đầu của bệnh lãng quên Alzheimer:

  - Khi vừa nghe thấy ai nói điều gì, vài phút sau lại quên bẵng đi mất.

  Không tính toán được tiền bạc, sổ sách hay kiểm tra được ngân phiếu.

  -  Nhắc đi nhắc lại một câu chuyện nhiều lần. Chẳng hạn chuyện vừa nói tới trước đây 10 phút, bây giờ lại nhắc lại.

  -  Lái xe bị lạc lung tung.

  -  Không nhận thức được những gì đang sẩy ra xung quanh. Đôi khi mặc quần áo dơ bẩn, quên tắm rửa, quên tắt lò điên. Nhiều khi không còn biết nấu nướng, đi chợ, và quên cả uống thuốc.

  - Sau hết, bệnh nhân quên tên người thân trong gia đình, không phân biệt được ai, gọi con mình bằng chị hay mẹ!

Cập Nhật: Trong một định nghĩa gần đây về bệnh lãng quên Dementia cho rằng bệnh lãng quên do những sai lạc biến dưỡng trong não gây nên. Thực vậy, vì những hư hại biến dưỡng đã khiến não mất hết minh mẫn, thay đổi thông thái và mất khả năng lý luận.

Những thay đổi biến dưỡng như những sai lạc nội tiết trong bệnh Addison, bệnh Cushing, suy thận vì tiểu đường, ketoacidosis tăng cao trong bệnh tiểu đường, đường hạ thấp trong máu, bệnh suy hay cường tuyến giáp trạng, bệnh suy hay cường tuyến phó giáp trạng hay bệnh u bướu nang thượng thận (pheochromocytoma).

Sai lạc dinh dưỡng do sai lạc những ions trong máu, như chất Sodium và Calcium tăng cao trong máu, suy thận và chất urea lên cao trong máu, bệnh gan và bệnh tiểu chất porphyria.

Do dinh dưỡng sai lạc như thiếu sinh tố B1, B12, B6 hay thiếu protein dinh dưỡng.

Bệnh lãng quên có thể do những thương tích hậu tai biến mạch máu não nhỏ, đặc biệt trong não bộ người già.

Những người yếm thế, buồn bã, ưu trầm thường tăng cao nguy cơ bệnh lãng quên.

Những bệnh nhân rung chân tay, nhiễm HIV hay Kích Thích Tố Trị Liệu (HRT) cũng tăng cao nguy cơ bệnh lãng quên.

Trần Mạnh Ngô, M.D., Ph.D., F.A.A.F.P.


_________________________________________________________________

No comments:

Post a Comment