Phạm Thiên Thu
Qui Nhơn Ngày Cũ (ảnh: Internet) |
Anh
thương nhớ,
Vừa
xong Thanksgiving là mùa Giáng Sinh xôn xao lại đến. Đi nơi nào cũng
nghe rộn ràng tiếng nhạc “Jingle Bell, White Christmas, The First
Noel, Oh Come All Ye Faithful”
và nhất là những bản nhạc của ABBA, khiến nên em nhớ quá những ngày xưa
thân ái nơi quê nhà xa lắc, đến tận nửa vòng trái đất… Nhớ thương vô cùng
về khung trời dấu yêu của những ngày còn bé, nhớ bài hát được nhạc sĩ
Anh Linh phổ từ bài thơ Niềm Tin của chú Hậu nhà mình (nhà thơ Nhất Tuấn). Nhớ
vô cùng khung trời Đà Lạt với những buồi tối mù sương, ngồi với bạn bè nơi quán
nhỏ gần cuối đường Nhà Thờ Con Gà, nhâm nhi ly sữa đậu nành thơm mùi lá dứa và
hơi ấm nồng phả ra mỗi khi nuốt từng ngụm sữa. Nhớ cả những buổi tối lạnh mùa
đông đi bộ lang thang qua khu chợ Hoà Bình,
kéo lê đôi chân đã hơi mỏi ra nhà thuỷ tạ ngồi ăn kem mà run cầm cập với
nhau, cười với hai hàm răng cắn vào nhau vì lạnh, nhớ quá những lời thơ
Lại
một Noel nữa
Mấy
mùa Giáng Sinh rồi
Anh
ở đồn biên giới
Thương
về một khung trời
Chắc
Đà Lạt vui lắm
Mimosa
nở vàng
Anh
đào khoe sắc thắm
Hương
ngào ngạt không gian
Mấy
mùa Giáng Sinh trước
Chỗ
hẹn anh chờ hoài
Lần
này không về được
Hồi
hộp đợi tin ai
Em
biết cho đời lính
Nắng
sớm với sương chiều
Gió
rừng rồi mưa núi
Cũng
làm anh vui nhiều
…
Lời
thơ gợi nhớ một thời tuổi trẻ của chúng mình, của bao nhiêu thế hệ đã bỏ quên
tuổi thanh xuân, để lại sau lưng những niềm vui, những ước mơ, khát vọng và cả tương
lai, chỉ với ước mong : “Ngày nao khi đất nước hết binh đao, giữa đoàn hùng binh có
tôi đi hàng đầu, trở về thành đô nắm tay ta mừng nhau... ” như nhạc sĩ Minh Kỳ đã
viết trong bài “Biệt Kinh Kỳ”
mà em đã được nghe ngay từ ngày mới học lớp Nhì.
Thật ra, ngày đó các anh đâu phải ước muốn đi hàng đầu, mà
chỉ mong cho quê hương thanh bình, tất cả chúng ta, mọi người dân đất Việt, nào
có ai muốn binh đao lửa đạn đâu anh nhỉ...
Anh
thương yêu,
Năm
nay có vẻ như trời Cali lạnh hơn thì phải. Dĩ nhiên mùa đông nên ngày ngắn, thế
nên, có những hôm mới hơn bốn giờ chiều mà trời đã tối, gió lạnh khiến lòng
người đang không có chút niềm vui lại càng thêm buồn bã và nhớ quá Việt
Nam. Đặc biệt là những khung trời mình đã từng đi qua, gửi lại đó
một chút kỷ niệm thời ấu thơ hay thời thiếu nữ, nhất là nơi đó gói ghém mối
tình đầu thơ dại, hay một thời có nhiều chàng chiều chiều ca bài “Em tan trường về
anh theo Ngọ về... ”, hoặc nơi nào đó mình đã gửi lại phần đời lâu nhất, đắng cay
và khốn khổ nhất... Em nghĩ có lẽ là như thế thật anh ạ.
Thành
phố mà em luôn nhớ về nhất, cho dù không phải là nơi ở lâu nhất, cũng chẳng phải
là quê hương, nhưng mỗi lần “NHỚ” là một lần ray rứt xót xa;
cho dẫu nơi đó em đã có nhiều kỷ niệm đẹp và buồn ít hơn vui. Đó
cũng là nơi bắt đầu cho một tình yêu, một puppy love, một chuyện tình cũng
không mấy gì vui nhưng mãi đến bây giờ, khi tóc đã phai xanh em vẫn
còn hoài một trời thương nhớ : “Qui Nhơn dấu ái… ”.
Anh
thương yêu,
Em
sẽ kể anh nghe những ngày tháng cũ của chúng mình, khi em còn là một con bé với
đôi mắt xoe tròn và được lũ bạn cùng lớp gọi là “Con nhỏ Sài Gòn” vì lúc đó em vừa ở Sài Gòn chuyển ra Qui Nhơn
trên chuyến xe lửa, về ngôi nhà ba em vừa thuê được trong một con hẻm nhỏ đường
Nguyễn Huệ. Phía trước đường bên kia là con hẻm rộng dẫn vào xóm biển, ở
đó có lớp dạy luyện thi của anh Hai Ngô (sau này em có học
luyện thi và học hè môn toán và anh văn ở đó). Nơi
đó có những ông thày mà không hiểu sao tụi em lại chỉ gọi bằng anh : anh Bốn,
anh Hai Ngô, anh Phi… (và ai nữa mà lâu ngày quá em không còn nhớ). Gần
đó có nhà con nhỏ bạn tên Liên, em nhớ nhỏ có hai ông anh tên Bình và Thọ. Nhà
chỉ có bốn mẹ con, không thấy có ba. Nó
hay rủ em ra nhà tập múa những bài hát lạ hoắc, em còn
nhớ lời một bài hát “Ánh xuân về tràn dâng nắng mới, tơ trời mừng say gió tới, ngàn đoá hoa bừng chào đời... ”. Em
cũng không hiểu sao học cùng lớp mà con nhỏ này có vẻ khôn hơn em rất nhiều. Sau
này khi em đã vào trung học thì mẹ em mua được ngôi nhà bên đường Hai Bà Trưng,
và em không học chung với nhỏ nên cũng không biết giờ này nhỏ ở đâu. Vả
lại khi lớn hơn một chút, có những người bạn mới thì em quên mất nhỏ. Sau
này nhớ lại thì hình như nhỏ này có ba đi
tập kết, những bài hát nhỏ tập cho em là những bài của thời kháng chiến.
Ngoài nhỏ bạn đó ra thì đám con của
bà chủ nhà lúc đó cũng là bạn đi xem ciné với em vào những hôm rạp chiếu bán vé giá
đồng hạng (em nhớ hình như là chiều thứ năm hàng tuần, lúc đó chưa có rạp Lê
Lợi). Và cái đám con bà đó cũng đáo để hay trêu chọc em. Nhất
là thằng Sơn, cái thằng bằng tuổi em đó. Lần đầu tiên khi em đi với chúng nó,
cũng là lần đầu tiên em gặp một nhân vật mà sau này em không thể nào quên
khi nhớ về Qui Nhơn. Khi đã chuyển hẳn vào Sài Gòn, mỗi
lần hè về Qui Nhơn chơi lúc nào em cũng đi tìm để chỉ
nhìn ông ta mà thôi, anh biết ai không? - Ông Tám Khùng đó. Ỏng
ấy như một nhân vật rất riêng của Qui Nhơn,
ai có lần ở Qui Nhơn chắc không thể nào quên được. Em
nhớ có lần mấy người lính tinh nghịch gửi ông lên xe đò đi qua tỉnh khác, vậy
mà không hiểu sao ông lại cũng lò dò về lại được Qui Nhơn. Chỉ
nghe nói gia đình ông cũng thuộc hàng khá giá, tìm đưa ông về nhà nhưng rồi chỉ
vài hôm ông lại bỏ nhà ra đi. Không nghe ai nói gì về nguyên nhân
việc ông bị điên (vì em nghĩ chẳng thể nào một người khi ra đời đã bị điên từ
khi đó, nhưng cũng không sao, điên mà không làm hại ai là được rồi phải không
anh. Lần đâu tiên tụi nó bảo em chọc ghẹo ổng, em cũng chẳng còn nhớ tụi nó bảo
em nói câu gì, em chỉ thấy ổng cầm viên đá lên và la : “Cha mày dzợ!”, tụi nó ù té chạy và ré lên cười, em sợ quá vừa khóc vừa vội
chạy theo. Lúc đó em cũng không hiểu câu mà tụi nó xem như câu chửi của ổng có
nghĩa là gì, sau này mới hiểu ý tụi nó nói “Cha
mày dzợ!” là ổng chửi cái đứa trêu chọc ông, gọi nó là “vợ”.
Đúng
là trẻ con, nhưng từ đó trở đi em rất sợ ông Tám, cho dù lúc cầm cục đá ổng
chẳng ném đứa nào, chỉ rượt theo và cầm đá tự đấm vào ngực và la lên cái câu
như “slogan” của riêng ông : “Cha Mày Dzợ!”
mà thôi… Sau này khi em lớn thì ổng lại khác đi rất nhiều, không còn dùng cái
câu chửi quen thuộc ấy nữa, thay vào đó là việc, mỗi
khi nhà ai có đám tang là thấy ông ấy đến, mua hai chai bia, bó hoa, nhang đèn...
Và không hiểu khăn tang ở đâu mà ông ấy lại quấn ngang đầu, vào nhà quỳ lạy
trước hòm... Không biết sau năm 1975 ông Tám lưu lạc chốn nào, giờ này
chắc là ông đã chết... Mỗi lần nhớ về Qui Nhơn với vô vàn
kỷ niệm, ai nói em khùng thì đành chịu chứ thật lòng trong nỗi nhớ không rời của
em vẫn luôn có hình ảnh ông Tám. Em
không muốn thêm chữ Khùng vào tên ông, vì mỗi khi nhớ tới ông thì em vẫn nhận
ra nơi ông điều gì đó rất Người, rất Nhân từ nữa là khác...
Anh
thương nhớ,
Tháng
12 này quá nhiều chuyện để kể anh nghe. Chiều thứ bảy 10/12 Liên Đoàn
Hướng Đạo Thăng Long tổ chức mừng Noel sớm. Hôm
đó có một em được nhận lãnh “Bằng Rừng” và bốn em nhận danh hiệu “Đại Bàng”. Có
nhiều Trưởng các đoàn khác đến tham dự, thật cảm động. Khi
Ban Điều Hành Hướng Đạo Hoa Kỳ xuống tham dự và thực hiện các nghi thức cho các
em, phụ huynh của từng em lên phát biểu. Bản thân các em cũng lên phát biểu
cảm tưởng, dễ thương nhất là có nhiều em không nói rành tiếng Việt nhưng cũng
cố gắng phát biểu bằng tiếng Việt, dù rất ngọng nghịu.
Thấy
cả buồn vui lẫn lộn anh ạ, vui vì cho dù các em sinh trưởng bên này nhưng vẫn
cố nói tiếng Việt, và cũng buồn vì các em hầu như nghe được tiếng Việt, nhưng
không viết được, nói được và hiểu được... Rồi đây đất nước mình sẽ ra sao,
khi các em chỉ nghe và nói lưu loát tiếng Anh, các em bé bên Việt Nam
thì lại học tiếng “Tầu phù”. “Tiếng Việt còn, Nước Việt còn... ”. Sẽ
còn không, khi người Việt không còn hiểu Tiếng Việt, hoặc nói một thứ Tiếng
Việt nghèo nàn và thô thiển???
Tối
thứ tư 14/12, trường Phúc Thiên tổ chức đêm nhạc Giáng Sinh, lớp nào cũng trình
diễn riêng một bài, ngoài hai bài khai mạc và kết thúc của học sinh toàn
trường. Lớp không đông lắm, mỗi lớp chỉ tối đa 12 đến 13 em nên tất các học
sinh dù hát hay hoặc không cũng đều có cơ hội cùng lên trình diễn, hát và làm
cử điệu theo nhạc. Anh Phúc Thiên
nhà ta cứng còng, ốm nhom nên nhún nhảy rất buồn cười... Nhỏ
em Bảo Lam nghe nhạc nhún nhảy còn hay hơn nhiều...
Năm nay Phúc Thiên muốn quà ông già Noel
nên cũng hăng hái giúp bà ngoại làm việc nhà. Thật
ra tập cho nhỏ ta làm thôi chứ, nó làm em còn phải dọn lại mệt hơn, nó thích
hút bụi (ba nó mua cái máy nhỏ hơn, vừa tầm tay nên nhóc ta khoái chí lắm, lúc
nào cũng đòi hút bụi). Em thì đủ thứ việc phải làm, ngoài
cô cháu lúc nào cũng “Thưa ngoại... ” kèm theo là đủ thứ yêu cầu và những
câu nói như là ngoan lắm, ví dụ như : “Ngoại mệt, tay ngoại đau, tay ngoại yếu, đánh răng, răng sâu,
ăn kẹo hư răng...”
là cả một serie những chuyện phá phách không tài nào tưởng tượng nổi... Có
điều phá xong hỏi ai làm thì trả lời ngay : “Bảo Lam quậy… ”. Vừa
cầm cây roi lên là ôm chầm lấy ngoại, đu chặt cứng và mếu máo : “Ngoại đánh con
đau... Con đau quá bà
ngoại ơi… !”, dù
thật ra là chưa đụng chút nào tới cô nhỏ.
Anh
biết không, bên này Giáng Sinh là dịp tặng quà cho bè bạn và cho cả người
nghèo nên em gói quá muốn rời rã cả tay mà chưa xong đó. Thôi em ngưng để đi
gói quà tiếp cho kịp, còn kiểm lại danh sách xem còn thiếu ai chưa mua quà cho
họ.
Chúc
anh và các con bên đó một mùa Giáng Sinh an bình nhé!
Phạm
Thiên Thu
No comments:
Post a Comment