Đinh Tấn Khương
Thuở xưa, khi còn ở quê nhà, thường nghe nói “chọn vợ cho con”, hay là “cha mẹ đặt đâu thì con ngồi đó”
Đời nay, ở xứ người thì ngược lại, đó là “chọn vợ cho cha” hay là “con đặt đâu thì cha phải ngồi đó”, câu chuyện điển hình như thế nầy đây:
Ông Lâm đang ở độ tuổi “thất thập cổ lai hy”, sức khỏe thì chưa sút lắm nhưng lại mang nhiều thứ bệnh: tiểu đường, cao máu, cao mỡ, viêm gan mãn tính, tim loạn nhịp… ông đều có đủ.
Nghe nói ông có một thời tuổi trẻ đào hoa và lãng mạng. Vượt biển cùng vài người con, vợ thì còn kẹt ở lại quê nhà và được ông bảo lãnh sum họp sau gần chục năm xa cách. Đoàn tụ không được bao lâu thì vợ ông lại mất sau một cơn bạo bệnh khiến cõi lòng ông tiếp tục trống trải. Nỗi buồn thấy rõ trên khuôn mặt, nhất là sau khi các con lần lượt tạo lập gia đình và có cuộc sống riêng tư. Có lẽ hiểu được nỗi buồn của cha mình, thế nên các con luôn chăm sóc và dành nhiều tình cảm cho ông.
Việt Nam trong thời mở cửa, chiêu dụ những người bỏ nước ra đi trở về thăm lại quê hương, cái nơi mà tưởng chừng không bao giờ thấy lại từ khi bước chân lên chiếc thuyền nang mong manh tựa như chiếc lá trôi nổi trên bề mặt đại dương. Ông là một trong những người quay về quê nhà mong tìm chút niềm vui sót lại cuối đời.
Lúc đầu các con ông cũng nghĩ rằng, mong cho cha mình sẽ tìm được niềm vui một khi gặp lại người thân và bạn bẻ xưa cũ. Thế nhưng chuyện không phải chỉ dừng lại ở đấy, con tim ông bắt đầu lên tiếng và bén duyên với một cô giáo cùng làng, tuổi độ tứ tuần. Chẳng biết có phải vì phong cách đứng đắn của một cô giáo (làng) hay là bởi “phụ nữ lỡ thời thì phải có vấn đề” (như người ta thường nói) mà ông lại từ chối tiến xa, phán rằng cô ta quá đỗi khô khan!
Những lần vế thăm quê sau này, ông quyết định ở lại lâu hơn bởi có nhiều thứ quyến rủ đối với đàn ông, nhất là một người đàn ông cô đơn đã lâu năm. Không biết cơ duyên nào mà ông kết bạn được với một cô gái trẻ đầy năng lực và quyến rủ, có lẽ vì thế mà ông cảm thấy như được sống lại cái thời tuổi trẻ xa xưa. Sức ông cũng như tiền bạc dần dà sa sút khiến cho các con của ông phản đối và dĩ nhiên là ông không dễ chấp nhận.
Xung đột tư tưởng đã xảy ra một cách kịch liệt giữa ông và các con, nhưng kết quả cuối cùng thì ông cũng đành phải thua cuộc bởi vì các con áp đặt giải pháp “cô lập kinh tế”
Các con ông thì tin rằng cô giáo làng là người xứng hợp và mong cha mình tiến xa hơn để có người chăm sóc tuổi già. Nhưng ông không chịu như thế, không thể nào chịu nghe lời con để chấp nối với một người phụ nữ khô khan về mọi mặt! Thế là xung đột tư tưởng trong gia đình vẫn còn tiếp tục kéo dài cho dù ông đã đau lòng chấp nhận rời xa cô tình nhân trẻ có nhiều hấp lực!
Tiếp tục đi tìm một nửa còn lại cho mình, trải qua vài mối tình đậm nhạt nhưng các con của ông cũng nhất định phản đối, không chấp nhận một ai khác. Chúng quyết rằng “con đặt đâu thì cha phải chịu ngồi đó” đừng có mà cãi lời!!!
Mãi cho tới bây giờ, ở tuổi thất tuần mà ông vẫn còn độc thân!
Sydney, cuối năm 2016
đinh tấn khương
________________________________________________________________
Nói thật, con cái thời nay thiếu thông cảm với cha mẹ. Đành rằng có nhiều trường hợp sai trái, nhưng có khi cũng phải tùy hoàn cảnh, mình bận rộn không có thì giờ để mắt tới cha mẹ thì hãy để ông chọn cho mình một người sớm hôm bầu bạn. Cho dù ngắn ngũi nhưng ít ra cũng có được ít giây phút ấm êm cuối đời . Vợ đã mất, tuổi xuân cũng đi qua, Già rồi mất mát gì nữa đâu mà giữ?? con cái đôi khi chỉ nói lý lẽ mà quên mất cái tình.
ReplyDelete