Tuesday, November 22, 2016

Homeless - Những kẻ không nhà

Gà Ta




 
Khoảng 2 tuần qua tôi bị gọi đi làm Bồi Thẩm Đoàn ở trên tòa. Cái công việc này người VN mình không ai muốn làm mà kể cả người Mỹ họ cũng không thích, vì ai cũng cho là mất thời giờ. Tôi đã bị bất đắc dĩ trải qua một phiên xử và tôi đã học hỏi được rất nhiều. Và cũng từ đó tôi thay đổi cách nhìn của mình khi phải đi làm Bồi Thẩm Đoàn. Tôi nghĩ nếu chẳng may mà mình bị bắt phải ra tòa thì mình cũng muốn có được một phiên xử công mình và một nhóm Bồi Thẩm Đoàn không kỳ thị mình.
 
Thật sự thì làm Bồi Thẩm Đoàn cũng không dễ chút nào.  Lúc đầu trong tiến trình chọn thì 2 bên luật sư, phía Biện Hộ hay Công Tố Viên và kể cả ông hay bà tòa cũng hỏi mình rất nhiều câu hỏi liên quan đến gia đình cũng như đời sống cá nhân của mình.  Đôi lúc tôi có cảm tưởng mình là người bị cáo phải ra tòa.  Nhưng mà họ làm như vậy để là để họ biết rõ hơn về những người Bồi Thẩm Đoàn, xem mình có thiên vị hay kỳ thị không và nhất là mình phải công minh.  Theo luật pháp ở bên Mỹ thì một người bị cáo cho dù rằng họ đang bị bắt ở tù, nhưng khi ra tòa thì trước mặt Bồi Thẩm Đoàn họ là người vô tội.  Bên phía Công Tố Viên phải có bổn phận đưa ra những dữ kiện hoặc chứng cớ để buộc bị cáo có tội.  Còn bên phía luật sư Biện Hộ thì họ sẽ cố cho mình thấy những sai sót của phía cảnh sát và họ có thể bắt lầm người.  Mới đầu mình nghe 1 bên thì mình sẽ thấy bên đó đúng, nhưng sau khi được nghe phía bên kia thì mình lại thay đổi cách nghĩ của mình.  Có rất nhiều hoàn cảnh mà lúc đầu mình thấy rõ ràng trước mắt người đó có tội, nhưng sau khi được nghe phân trần thì mình lại thấy nó không đúng như trước nữa.

Khi đến khu Civic Center, tôi thấy đầy dẫy những người homeless.  Họ cắm lều hoặc nhiều người chỉ phủ một tấm bạt, nằm đầy khuôn viên ngay tại tòa.  Tự tị mặc cảm, họ luôn cúi mặt nhìn xuống đất.  Họ ngồi đó không xin ai điều gì hết.  Chỉ nhìn dòng người qua lại như không nhìn thấy sự hiện diện của họ. Tôi nhìn thấy họ, lòng thấy thật đau xót.  Tại sao họ cũng là con người như mình nhưng lại phải sống khổ như vậy?
Nhiều người nói là những người homeless là người nghiện ngập, họ không muốn đi làm và họ thích sống như vậy.  Tôi không nghĩ ai muốn sống như vậy đâu, vì hoàn cảnh đưa đẩy mà họ mới phải bị sống lay lất ở ngoài đường.  Chỉ cần nhìn một chuyện thật đơn giản là khi cần đi restroom, đâu phải ở đâu họ cũng được vô.  Chỉ có mấy tiệm bán fastfood lớn như McDonald, Tabco Bell v.v. mới cho họ dùng restroom.  Mấy trạm bán xăng có chỗ cho xài nhưng rất nhiều nơi họ khóa cửa, muốn dùng phải xin phép. Rồi chọn một chỗ để ngủ cũng không phải là một chuyện dễ vì đâu phải chỗ nào cũng cho họ ngủ kể cả những nơi thờ phượng như Chùa hay Nhà Thờ họ cũng không được đến.  Và bao nhiêu cái nguy hiểm luôn chập chờn quanh họ.  Ai giàu thì có được chiếc xe đạp là quý lắm.  Phần lớn người khác thì chất hết gia tài lên cái xe chợ, đi đâu họ cũng đẩy theo vì để hở thì sẽ bị người khác lấy.  Người bình thường đâu ai thèm lấy mấy thứ đó làm gì.  Nhưng với một người homeless khác thì nó là đồ quý cần thiết cho họ.  Đi đến đâu họ cũng bị người khác xa lánh vì không được tắm gội lâu ngày nên người lúc nào cũng hôi hám.  Những chỗ sang trọng như Mall họ đâu có được tới.  Thử nghĩ một người homeless cho dù có đủ tiền muốn ăn 1 tô phở cũng không ai bán.

Có một lần tôi đọc được một bản tin cách đây cũng vài năm.  Chính Hoàng tử William, con của Công Nương Diana.  Anh đã giả dạng làm người nghèo, trà trộn sống thử 1 ngày 1 đêm với người homeless.  Anh muốn cảm nghiệm được đời sống homeless như thế nào.  Anh chia sẻ là đêm hôm đó anh không tài nào chợp mắt được và anh đã thức suốt đêm.  Một phần vì lạnh nhưng cái sợ nhiều nhất là cảm thấy mình rất dễ bị tổn thương mặc dù anh luôn có người hộ tống cũng giả làm homeless ở chung quanh đó.  Anh trò chuyện với họ anh mới thấu hiểu được cái khổ, và sự nguy hiểm nó như thế nào. Đó là chưa kể đói khát về tinh thần lẫn vật chất, bệnh tật không có thuốc men và còn rất nhiều thứ khác. 

Phần rất lớn những người homeless họ bị bệnh tâm thần.  Họ thường ngồi nói chuyện một mình mà giống như họ đang trò chuyện với ai đó vậy.  Họ vừa nói vừa cười rất rôm rả như đang trò chuyện với một người bạn thân.
Có người bệnh nặng, cũng có người bệnh nhẹ nhưng nói chung những người bệnh tâm thần họ hay bị ảo tưởng.  Tôi biết trường hợp một người phụ nữ homeless.  Lúc trước bà là một kỹ sư điện toán làm lương cả 100 ngàn một năm.  Thình lình bà bị bệnh trầm cảm rồi sinh ra tâm thần.  Bà tự nhốt mình ở trong nhà không đi đâu hết.  Vì không đi làm lâu ngày nên bị hãng sa thải rồi cuối cùng bị đuổi ra khỏi nhà đành sống lây lất ngoài đường cả mấy năm trời.  Bà cũng không nhớ quá khứ mình đã từng làm gì và thân nhân là ai.  Mãi đến sau này có 2 cô gái trẻ đến giúp và tìm hiểu ra cội nguồn của bà.  Những người đàn bà bị bạo hành trong gia đình cũng dễ dàng trở thành nạn nhân của homeless.   Cũng có những người bị thất nghiệp lâu ngày không tìm được việc làm rồi bị đuổi ra khỏi nhà thành homeless. Tôi biết trường hợp một người chồng bị thất nghiệp tìm không ra việc làm.  Đến khi hết lãnh được tiền thất nghiệp mà cũng chưa kiếm được việc rồi cuối cùng vợ chồng con cái phải ra đường ở.  Người vợ và đứa 2 đứa con được vô shelter còn anh chồng thì phải ra đường ở vì trong shelter không đủ chỗ cho cả gia đình.  Họ chỉ dành ưu tiên cho đàn bà và con nít thôi.  Nói chung mỗi người một hoàn cảnh.   Người nghiện ngập cũng có hoàn cảnh khổ của họ.  Phần lớn do thiếu sự chăm sóc của cha mẹ, thiếu tình thương trong gia đình.   Những người này rất dễ dàng trở thành nghiện ngập vì ma túy hay rượu sẽ giúp họ quên đi phiền não.

Nhiều người nói nước Mỹ là một cường quốc, có chương trình ăn sinh xã hội để giúp người nghèo mà.  Thật sự thì cái gì nó cũng có luật và muốn hưởng trợ cấp an sinh xa hội phải hội đủ điều kiện và tiêu chuẩn luật đã định.  Thật trớ trêu phần lớn những người homeless họ không đạt đủ tiêu chuẩn để xin trợ cấp vì vậy họ phải ở ngoài đường. 

Nhiều người lại nói rằng có những nơi cho họ tạm trú gọi là shelter nhưng người homeless họ thích ở ngoài đường để được tự do.  Nếu ai nghĩ như vậy thì có lẽ mình nên đến shelter ngủ thử 1 đêm để hiểu rõ hơn về hoàn cảnh của họ.  Nó chỉ là một cái phòng lớn như một cái nhà kho, không có cửa sổ và chứa cả trăm người đủ mọi hoàn cảnh.  Người nghiện cũng có và tâm thần cũng nhiều và ai cũng không được tắm rửa cả tháng trời nên không khí trong phòng rất ngột ngạt.  Vì sống chật chội nên sự va chạm cũng rất nhiều.  Người tâm thần thì luôn hoan mang lúc nào cũng sợ người khác hại mình và nạn trộm cắp cũng thường xảy ra.  Cái mà người ta sợ cũng không phải là hoang tưởng đâu vì cũng có rất nhiều trường hợp người homeless bị tấn công, bị đánh đập và bị giết nữa.  Đàn bà homeless thì lại càng sợ nhiều hơn.  Họ bị ăn hiếp nhiều hơn và luôn sợ bị tấn công tình dục nên người nào mà tìm được một con chó để nuôi thì họ rất quý còn chó đó vì chẳng những nó là gia đình của họ mà nó còn bảo vệ họ nữa. Và cũng nhiều lần nhờ có con chó mà họ được khách qua lại cho tiền.  Những người có chó thì không được ở trong shelter. 
Nhìn vào cuộc sống của người homeless tôi liên tưởng đến việc làm Bồi Thẩm Đoàn.  Lúc mới nhìn thoáng qua mình nghĩ họ là những người nghiện ngập, lười biếng.  Nhưng nếu tìm hiểu sâu hơn mình sẽ thấy hoàn cảnh đẩy đưa họ đến cho như vậy và không ai muốn sống lấy lất không nhà, bữa đói bữa no.

Cũng có vài trường hợp người ta lợi dụng lòng tốt của mình.  Cô bạn tôi kể.  Một lần cô đi chợ thấy anh chàng cụt một tay đến xin tiền.  Thấy tội nghiệp cô móc bóp ra cho vài đồng.  Sau khi chợ búa xong cô bước ra xe thì thấy anh chàng cụt tay lúc nãy đang moi cánh tay cụt từ trong áo ra.  Cô tức mình vì đã bị lừa và từ đó mỗi lần gặp homeless xin cô đều đắn do suy nghĩ khi cho.  Nhưng số người đó rất ít so với những người thật sự có hoàn cảnh đáng thương.  Mất một vài đồng cũng không làm mình giàu hơn hay nghèo đi.  Thay vì mình ăn một tô phở thì mình gặm ổ bánh mì để chia sẻ với người khác cũng là một niềm vui.

Tôi nhớ hồi tôi khoảng 14-15 tuổi, lúc đó tôi đang sống với bà ngoại vì ba má tôi ly dị.  Tôi có con heo đất khá lớn mà tôi nuôi gần 2 năm để mua những thứ cần dùng cho cá nhân.  Nhiều lúc thấy hàng rong đi ngang qua nhà, tôi rất muốn mua ăn nhưng đành bấm bụng thèm thuồng nhìn mặc dù một gói xôi lúc đó chỉ có 15-20 đồng VN thôi.  Hôm đó có một con nhỏ mặt mày lem luốc, khoảng chừng 12-13 tuổi, cầm cái thúng bán bánh cam.  Nó tới trước của nhà khóc nói rằng bị mấy thằng du côn đánh và giật hết tiền bán bánh.  Bây giờ về nhà nó sẽ bị mẹ ghẻ đánh.  Nó xin tôi tiền để giúp nó về khỏi bị đòn.  Mình cũng đang sống trong cảnh không có cha mẹ chăm sóc nên nghe vậy tôi liền chạy vô nhà đập bể con heo đất quý giá của mình.  Tôi nhớ lúc đó đếm được gần 600 đồng VN.  Tôi đem hết số tiền cho con nhỏ bán bánh cam.  Tôi nghĩ số tiền này chắc cũng đủ để bù số tiền nó bị mất vì thấy trong cái thúng cũng vẫn còn rất nhiều bánh cam.  Sau khi dọn dẹp đem bỏ cái ống heo bể, tôi chạy ra xem thì thấy con nhỏ bán bánh cam đang đứng trước của nhà hàng xóm cách nhà tôi mấy căn, cũng đang khóc lóc xin tiền.  Tôi giận điên người vì nghĩ mình bị nó gạt.  Nhưng mà liền sau đó tôi không giận nữa.  Tôi nghĩ có thể số tiền tôi cho nó chưa đủ để bù vào số tiền nó bị mất.  Còn nếu thật sự con nhỏ đó gạt mình thì nó có tội.  Riêng tôi, ngày hôm nay tôi không bị lương tâm cắn rứt và đêm nay tôi sẽ ngủ rất ngon.  
Chuyện này xảy ra đã mấy chục năm nhưng tôi vẫn nhớ.  Tôi nhớ không phải vì tiếc số tiền cho nhưng tôi nhớ để hiểu rằng nếu sự việc này xảy ra lại thì mình cũng sẽ làm y như vậy.  Ba tôi dạy là ở đời mình đừng bao giờ phụ hay lừa dối ai hết, thà để người ta phụ hay gạt mình.  Bạn bè của ba cũng có người tốt, nhưng phần lớn ai cũng lợi dụng ba.  Có người còn gạt lấy hết tiền và còn vu khống cho ba tôi nữa.  Nghe qua thì thấy sao ba dạy mình làm chuyện ngu vậy, cứ để người khác lợi dụng hoài sao?  Nhưng một người chỉ gạt mình được 1 lần chứ không có lần sau.  Tôi tin ở luật nhân quả.  Tôi tin rằng mình càng cho thì Ơn Trên sẽ đền bù cho mình nhiều hơn và lúc nào tôi cũng được che chở. 

Trời đang vào Thu.  Buổi chiều mình cảm nhận được không khí lạnh đến rất nhanh.  Tuần tới đây nhiều gia đình hoặc bạn bè thường tụ họp quây quần bên nhau ăn uống mừng ngày lễ Tạ Ơn.  Còn đối với người homeless những ngày lễ lớn là những ngày buồn.  Họ cảm thấy cô đơn và tủi thân hơn.  Đôi khi chỉ cần một bước đi sai lầm mà nó ảnh hưởng đến cả một đời người.  Tôi cám ơn Ơn Trên đã cho tôi có một ý chị mạnh mẽ, một bộ óc biết suy tính chứ nếu tôi có một cá tính và một hoàn cảnh giống như họ thì chưa chắc gì tôi không trở thành homeless.  Tôi thấy hoàn cảnh của họ thật đáng thương.  Họ bị kỳ thi, bị xã hội ruồng bỏ, bị xa lánh. 

Ở đời nầy bệnh hoạn, nghèo khó đều là cái nghiệp của mỗi người.  Ai cũng có cái khổ.  Người giàu cũng khổ.  Người nghèo cũng khổ.  Người bệnh cũng khổ.  Không có cái khổ nào nó giống cái khổ nào hết.  Cho dù biết đó là cái nghiệp mà mỗi người đều phải trả nhưng mình vẫn muốn giúp để cho cái ách của họ bớt nặng. Cũng giống như 1 bệnh nhân ung thư.  Cho dù biết rằng bệnh nhân đó sẽ chết nhưng công việc của người bác sĩ là vẫn phải chữa để giúp làm giảm cơn đau cho bệnh nhân, để họ được thoải mái ra đi nhẹ nhàng.   Giúp người homeless cũng giống như giúp người bệnh vậy.  Nếu mình có thể giúp thì mình làm còn nếu mình không giúp được cũng không sao nhưng đừng phán xét họ.  Đôi lúc mình phán xét họ là để cho lương tâm mình bớt ray rức, để mình có lý do chính đáng để làm ngơ.  Suy cho cùng,  không cho, không giúp cũng không có tội.  Nhưng phán xét người ta lại là làm thêm tội cho chính mình.  Và nếu được, hãy dâng 1 lời câu nguyện đến cho họ.  Xin Ơn Trên chúc lành, giúp họ sớm thoát khỏi hoàng cảnh khó khăn, đói khổ ở cái cõi trần này.

Thân chúc mọi người một mùa lễ Tạ Ơn thật an lành và hạnh phúc.

Gà Ta
________________________________________

1 comment:

  1. Đúng vậy chị Gà.
    Nghỉ cho cùng không ai muốn mình lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Có những hoàn cảnh đưa đẩy con người vào tuyệt lộ, họ đáng thương hơn đáng khinh rẻ.
    Nếu tin vào nhân quả, số phận.. thì đây cũng là một cách giải thích.

    Mình được may mắn có cuộc sống êm ấm, bình yên thì cũng nên giúp đở kẻ sa cơ trong khả năng có thể.

    Mùa tạ ơn về, xin cầu chúc tất cả được cơm no áo ấm, có một bàn tay để nắm, một chỗ để tá túc lúc cuối ngày.
    Chúc vui chị Gà

    ReplyDelete