Peace Nguyễn
Tôi
cũng như các bạn, chúng ta có rất nhiều bạn - thân, sơ, xã giao. Mọi người ai
cũng có cá tính riêng, tốt hay xấu tùy theo quan điểm cá nhân. Về phương diện
xã hội, có hai cách sống; có người rút vào cái vỏ ốc để cảm nhận được bình an
trong sự cô độc của mình. Có người thích nhiều bạn để rong chơi, trò chuyện,
tâm sự. Ngôn ngữ Việt của ta rất hay - bạn bè - tôi thích bạn, nhưng ghét bè.
Bạn là những rừng cây tựa vào nhau để khỏi bị đánh ngã trong cơn bão dữ. Bạn là những nhánh sông ngoằn ngoèo đổ vào biển tình thương để tạo nên sóng. Sóng đập vào bờ, sóng rút lui vào biển cả, đến rồi đi, quyện vào nhau tạo nên âm thanh tuyệt vời, không ồn ào hỗn loạn, không im lặng đơn độc. Đó là âm thanh của tình bạn thiết tha, cảm thông chia xẻ, cho hết lòng thương; không phải như tình yêu chỉ muốn chiếm hữu.
Khi
đến tuổi dứt nợ cơm áo, thì tình bạn cũ bừng lên mãnh liệt, như món ăn tinh
thần, một thang thuốc bổ. Vì vậy chuyến trở về Việt Nam 2014 đã thôi thúc tôi
tìm gặp lại hai người bạn thân, đó là Nguyễn Thị Dần và Đoàn Thị Hằng Nga, lớp
Đệ Nhị B niên khoá 1968 -1969 của trường Nữ Trung Học Qui Nhơn.
Bạn
Dần của tôi, nghe tên thì biết tuổi. Dần đô con khỏe mạnh, xinh nhất trong 3
đứa. Nhà Dần có sân thượng nên tôi và Nga thường kéo đến học. Học thì ít, mà
đùa giỡn, tán dóc thì nhiều; nằm lăn ra bên nhau, ngắm bầu trời đầy sao để vẽ
vời mơ ước. Hằng Nga muốn thành cô giáo, tôi muốn vào trường Dược, còn Dần thì trả
lời : ''Tao không biết". Mổi
lần nhìn lên bầu trời cao, có ngôi sao nào xẹt qua, là cố gắng mở nút áo bấm
rồi đóng lại kịp lúc trước khi sao tắt, thì ước mơ của mình sẽ thành. Nghĩ lại…
Ôi sao cái tuổi mười bốn mười lăm mà vẫn ngây ngô lạ kỳ. Bên cạnh nhà Dần có
một cây ổi oằn trái. Một đêm nọ, hai đứa xúi : "Ê… Mỹ Hòa qua hái ổi !"; thế là tôi bò qua mái nhà hàng xóm,
tay vừa chạm trái, thì một tiếng la thật to : "Vi
Xi… !", nhìn xuống đất,
tôi hoảng kinh thấy một người Mỹ chĩa súng về phía tôi, lên cò súng nghe lách
cách. May thay, một cô gái chạy ra, quát lên và ra lệnh trèo xuống, không thì
chết oan mạng. Hú vía, suýt chết… Đó là một kỷ niệm để đời, khó quên.
Khoảng
nửa năm Đệ Nhị, Dần chạy qua gặp tôi và khóc : "Thầy Mẹ bắt Dần đi lấy chồng,
người mà Dần chẳng biết mặt. Chống cự mãi vẫn đành thua vì chủ thuyết "Học
để làm gì… Lấy chồng giàu là có tất cả !”. Đám
cưới bạn vào dịp Noel, đêm đó cả lớp đang vui chơi họp mặt. Nhìn ra cửa sổ, tôi
thấy Dần với tóc cô dâu bới cao, đang nhìn vào và khóc, tôi thương bạn vô cùng.
Thầy Tôn Thất Bút, lúc đó đang là Giáo Sư Hướng Dẫn lớp tôi, đọc đoạn thơ :
Từ nay trong đám
xuân xanh ấy,
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi.
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi.
Đi
học lại vài tháng, Dần đã bị sức ép gia đình đành tách rời trường, bạn. Thuận
theo ý cha mẹ, Dần đã có một gia tài lớn và một người chồng hiền lành, nhưng
không biết tính toán làm ăn, tối ngày say xỉn. Một lần Dần bảo tôi : “Đêm qua, ổng lại say quá… Đang ngủ, ổng xoa
cái đầu gối chân tao, rồi giật mình ngồi dậy, la lớn : "Sao
giận gì tui, mà bà đem con đi cạo đầu trọc lóc vậy. Mỹ Hòa nghe có chán chưa
!?”. Tiền bạc cũng từ
từ bay hơi theo men rượu, nhà từ lớn thu hẹp nhỏ dần. Biến cố 1975 xảy ra, gia
đình Dần chuyển đi xa, chúng tôi mất liên lạc. Sau gần bốn mươi năm gặp lại,
được biết chồng Dần chết vì ung thư gan, để lại bảy đứa con. Dần chuyển vào
Bình Tuy sống an phận, chấp nhận đời mình, không oán trách.
Trong
số bạn bè, có ai nắm trong tay tài sản lớn như Dần; mà tiền bạc cũng phù du như
kiếp người, có rồi mất. Nhưng mãi trong tôi, vẫn là một bạn Dần ngây thơ ngày
xưa, như bài thơ con cóc của tôi năm Đệ Nhị, mà Dần vẫn còn nhớ :
Ba chúng ta Hòa, Dần,
Nga
Hay lăn xăn, hay lít xít
Hay ăn quỵt của bạn bè,
Nhất là mẹ - ngon số dách.
Hay lăn xăn, hay lít xít
Hay ăn quỵt của bạn bè,
Nhất là mẹ - ngon số dách.
Dần, Mỹ Hòa, Hằng
Nga (1967)
Đêm
nay, tôi ra biển để ngắm trăng Mười Sáu. Tôi say mê với một mầu đỏ, to, tròn từ
từ ló dạng ở chân trời. Càng lên cao, trăng nhỏ dần rồi chuyển màu sáng trắng,
lung linh trên bầu trời đen. Mặt trăng bỏ đường chân trời, như tôi đã bỏ quê
hương nửa vòng trái đất. Tôi thèm được trở về để sống lại những đêm nằm dài
trên cát với bạn bè, nghe tiếng rì rào của biển, cảm nhận hơi ấm của đất thấm
dần vào lưng, hưởng làn gió biển mơn man trên da thịt, được ngắm chị Hằng đỏ
hồng e thẹn ló dần sau lưng tượng Trần Hưng Đạo; và mơ ước làm Hằng Nga có chú
Cuội si tình dưới gốc cây đa. Ở đây, nhìn trăng tôi chỉ thấy hình con thỏ. Con
thỏ trong tôi đã chạy trốn quê hương để lưu vong xứ người. Ở đây có những con
chim biển khổng lồ, đứng im như tượng đá, để vồ chụp những con cá vô tội bơi
ngang. Tôi chợt rùng mình cho đất nước này, ngay cả nơi tưởng như bình yên, vẫn
ẩn núp những bất an rình rập.
Viết
về ba người bạn, nên tôi mạn phép viết về mình. Tên tôi gắn liền với địa danh
của mẹ tôi là Ninh Hoà. Chị tôi tên Lưu Huế. Ba tôi là một quân nhân nên ông
rời Thừa Thiên, đi khắp nơi như dân du mục. Bảy đứa con sinh ở năm thành phố
khác nhau. Tôi lang thang các trường từ miền Tây cho đến Đà Nẵng, nên không có
bạn tiểu học. Đệ Ngũ mới vào Nữ Trung Học Qui Nhơn. Đệ Nhất qua Cường Đễ rồi đi
thẳng vào Đại Học Sư Phạm Huế theo ước nguyện của ba. Năm 1974, tôi ra trường, dạy
tại Tăng Bặt Hổ Hoài Nhơn; nhưng lúc đó đang chiến tranh nên trường đổi vào đóng
gần Nữ Trung Hoc Quinhơn. Biến cố 1975 xảy ra, để được dạy lại phải xác minh lý
lịch, tôi gặp khó khăn với tên cán bộ tiếp thu thiếu hiểu biết : “Lý lịch quá lôi thôi, thiếu rõ
ràng. Chánh quán Thừa Thiên, sinh quán Đà Lạt, trú quán Qui Nhơn. Đã vậy còn
mang cái tên Mỹ Hòa, thằng đế quốc Mỹ là không có hòa, chị phải về đổi tên đi
thì mới được dạy lại”. Quá
chán nản, tôi trả lời thẳng thừng : “Cha
mẹ tôi đặt tên, cho thì dạy, không thì thôi, tên tôi không đổi”. Tên cán bộ
lườm tôi sắc nhọn, nặng tay đóng dấu mộc lên tờ đơn, và to giọng : "Thôi được, cho Cô dạy, nhưng
phải theo trường về Hoài Nhơn". Đến
năm 1981, tôi trở về dạy tại Nữ Trung Học Cũ Qui Nhơn.
Sáu
năm sống với rừng dừa, với dòng Lại Giang êm đềm, đã nuôi dưỡng hy vọng trong
tôi, chờ ngày chồng cải tạo trở về. Đó là khoảng thời gian tận cùng của thiếu
thốn, của sự ngu dốt cai trị, đã đẩy nhiều người chấp nhận cái chết mà ra đi.
Nhớ Mẹ tôi thường dặn : "Khi
nào con về Qui Nhơn thăm nhà, nhớ ghé Quốc Doanh Bồng sơn, mua cho Má một chén
chè nếp". Tôi đã từng
thở dài, nhìn cảnh chỉ trích nhau chỉ vì tranh giành mấy lạng mì chính, một cuộn
chỉ hay một mét vải mỗi năm để chỉ đủ may được một ống quần.
Thiếu
thốn vật chất, nhưng đời sống tinh thần của tôi được đền bù xứng đáng. Tôi yêu
những đứa học sinh nông thôn chất phát, thỏ thẻ đem cho tôi một trái bầu hay
một bó rau đầy tình nghĩa. Có em nghèo lắm, phải đi bộ chân đất 2, 3 tiếng đồng
hồ đến trước cửa trường, rồi mới mang giày vào lớp. Có em vào niên học mới,
quần ngắn cũn cởn lên gần đầu gối mà không có tiền may cái mới. Cuối tuần, thầy
trò thường đèo nhau xe đạp, ra biển Thiện Chánh để vùng vẫy với biển cả, và đón
trăng lên.
Tôi
thèm được trở về để nằm trên chiếc võng đong đưa cạnh dòng Lại Giang, nghe
tiếng rì rào của lá tre hai bên bờ sông reo vui, hưởng những cơn gió đồng nội
đem theo mùi hoa bưởi. Tôi chỉ là những bông hoa vàng, bé tí, xinh xắn của đám
cải xanh cạnh dòng sông sau nhà. Giờ tôi bị bứng gốc đem qua đất nước văn minh
nầy, để chỉ nằm trên nệm gấm xa hoa, hưởng gió mát của máy lạnh, ngửi mùi thơm
của đèn cầy và nghe tiếng tủ lạnh chạy đều đều trong căn nhà lạnh lùng, bít
bùng.
Tôi
đã trở về, nhưng đau lòng nhìn dòng Lại Giang cạn nước, như tình người đã cạn
sau bốn mươi năm. Tôi, như nhịp cầu sắt lẻ loi còn sót lại của thị trấn nhỏ Bồng
Sơn, dù bao vật đổi, sao dời, vẫn nhìn thấy lại chính mình, ngay trên từng ngọn
cỏ.
Người
bạn thân thứ hai của tôi là Đoàn Thị Hằng Nga, thường ngồi đầu bàn. Hằng Nga
học rất giỏi, luôn là học sinh nhất toàn khối. Người nhỏ nhắn với mái tóc búp
bê ôm lấy khuôn mặt dễ thương, ẩn hiện một vết sẹo nhỏ dưới gò má vì tội ham ăn
đường thắng dẻo lúc còn bé. Tôi học khá nhờ bạn, nhất là môn khoa học; hai đứa
không bỏ qua sách Toán Lý Hóa của tác giả nào. Vì biết khả năng học của nhau,
nên mỗi khi học chung, để tiết kiệm thời gian, và tránh chuyện trò, tán dóc,
hai đứa thường thay phiên nhau, đứa ngủ, đứa thức làm bài tập một mình. Bài dễ
tôi bỏ qua, bài nào khó tôi ghi chú : "Bí",
"Kỳ cục"... rồi chờ Hằng Nga thức dậy giải tiếp.
Năm
Đệ Nhị, Giáo Sư Hướng Dẫn lớp tôi là Thầy Tôn Thất Bút, thầy mới ra trường,
người dong dỏng cao, chững chạc nhưng không quá nghiêm khắc, vì vậy cả lớp hùa
theo Thanh Huê, luôn gọi thầy là Pa Pa. Ngoài môn Việt Văn, thầy kiêm luôn môn
Sử Địa, Pháp Ngữ. Cô Hiệu Trưởng Vương Thuý Nga dạy Lý Hóa. Giờ học của cô rất
sinh động vì kiểu “toán chạy” của cô, ba người nộp bài trước được cộng thêm
điểm từ 3, 2, 1. Trong lớp, tôi cũng ngán các bạn giỏi khác như Trần Thị Thu
Thủy (được lớp đặt tên Thủy Sơn Hà), bạn Lê Thị Như Nguyện... Để giải cho nhanh,
tôi và Hằng Nga chia nhau làm bài, đứa bài 1, đứa bài 2 rồi… copy nhau. Trót
lọt được vài lần, cho đến một hôm, bài tôi phát ra mang tên Nga, và bài Nga
mang tên tôi, kèm theo hai con zéro to tướng, và bị chép phạt một trăm lần vì
tội không trung thực.
Không
chỉ thông minh, Hằng Nga rất chăm học. Những năm luyện thi, hai đứa thường
xuống học trường Hai Ngô. Chẳng phải vì thầy ở đó giỏi, nhưng vì bài tập thầy
cho rất nhiều, nếu làm không xong sẽ bị phấn lia vào mặt, hoặc bị sỉ vả trước
bạn nam sinh, sợ xấu hổ mà phải lo học, thế thôi. Hết Đệ Nhị, hai đứa không
xuống học Hai ngô nữa. Tú Tài Bán năm đó, Hằng Nga đậu hạng Bình. Sau đó bọn
chúng tôi phải chuyển qua học tiếp Đệ Nhất ở trường Cường Để. Tôi chỉ giỏi suy
luận, trí nhớ rất kém, nên ghét môn sinh vật với gan, phổi lộn tùng phèo. Tôi
nhất định tiếp tục vào ban B, còn tất cả các bạn khác đều chuyển vào ban A.
Ngồi lẻ loi một mình với đám con trai tinh nghịch Cường Để; đã vậy, Hằng Nga
còn dọa : "Mày ngồi trên
ghế của mấy thằng con trai, coi chừng bị… mang bầu đó". Sau một tuần gồng mình, rốt cuộc
sợ lảng nhách, tôi chạy qua lớp A với các bạn; rõ thật là ngu ngơ, khờ khạo.
Trước
ngày đi thi Tú Tài Toàn, Hằng Nga tâm sự : "Bà
Giám Thị cũ Nữ Trung Học xếp chỗ ngồi bên cạnh tao, bảo tao cho xem bài thi, tao
ghét lắm, nhất định là không". Tôi
đâu ngờ, lần thi hết trung học 1970 đã giết chết tương lai Hằng Nga, bởi vì
không cho bà Giám Thị cũ xem bài và Hằng Nga đã chuyển bài làm của mình cho
người chị ruột bên cạnh. Không hiểu sao, Giám Thị biết được, lập biên bản.
Không có tên trong danh sách đậu, nhưng Nga có tên trong danh sách thi lại phần
hai sau đó vài tháng. Lúc đó tôi đang ở Sài Gòn để luyện thi, mỗi ngày trông
bạn thi xong, mau vào với mình, tôi chỉ nhận được thơ bạn viết : "Hòa biết không, tao mừng đến
chảy nước mắt khi thấy tên trong danh sách thi. Khi bước vào phòng và ngồi
xuống theo số báo danh, thì Giám Thị bước vào, cả lớp đứng dậy. Rồi Giám Thị
đọc biên bản lệnh cấm thi ba năm của tao, chỉ vì tội đưa bài cho người khác, và
tao bị đuổi ra khỏi phòng". Thế
là hết cả một tương lai vào Đại Học chỉ vì tội chủ quan mà không ngờ hậu quả;
hay tại lòng người hiểm ác, không còn chút thiện tâm ?
Sau
đó Hằng Nga thi vào Cán Sự Hóa Học Sài Gòn, một ngành học cũng rất khó đậu. Hai
năm sau ra trường, Hằng Nga không đi làm, quyết tâm học lại khối B, thi Tú Tài
Toàn rồi vào thẳng năm thứ nhất Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, khi tôi là năm cuối
của Đại Học Sư Phạm Huế. Nửa đoạn đường Đại Học thì xảy ra biến cố 1975, trường
kéo thêm một năm học chính trị. Cho đến ngày ra trường, biết chắc chắn là nếu
trở về nguyên quán Bình Định, thì sẽ không được đi dạy vì lý lịch cha là cảnh
sát. Nga tình nguyện xin vào miền tây xa xôi Đồng Tháp. Sau bốn năm, xin chuyển
về vùng kinh tế mới Long Khánh.
Nhớ
lại những năm ở Nữ Trung Học, tôi, Hằng Nga và Thu Thủy có học thêm Anh Ngữ ở
thầy giáo người Mỹ - ông Rocky - thường nói Nga sẽ dễ dàng đi du học vì quá
giỏi. Lúc đó, cả bọn thường đọc tử vi của ông Huỳnh Liên. Tử vi chấm, đa số đều
xuất ngoại, ngoại trừ Hằng Nga. Bọn tôi chế nhạo : "Đoán xạo, tầm
bậy hết chỗ nói". Vậy mà
giờ nhìn lại, thấy đúng.
Khoảng
1981, tôi có tìm vào khu kinh tế mới Long Khánh để thăm Hằng Nga. Ngoài dạy
học, Nga mở một tiệm tạp hoá nhỏ ở đầu làng, bán đủ thứ, từ quyển vở, thuốc
cảm, kim chỉ, mắm muối... Tôi cười và mừng cho bạn khéo xoay sở.
Trong
khi sự nghiệp của tôi cứ “một lèo vun vút”, thì đời sống tình cảm trắc trở vô
cùng. Ngược lại với Hằng Nga, để bù lại những thiệt thòi trên con đường học
vấn, bạn đã có một mối tình tuyệt vời, khởi từ những ngày Đệ Nhất Cấp. Tôi
thường đùa tình yêu của bạn như một chiếc xe đạp cũ kỹ mà bền bỉ. Chiếc xe đạp
ấy đã chở Hằng Nga qua những thăng trầm của cuộc đời. Chở bạn đi trên những lối
mòn kinh tế mới, vẫn vững vàng cho đến hôm nay. Hằng Nga rất hạnh phúc bên
chồng và hai co, cháu nội, ngoại. Các con hưởng “gen” cha mẹ nên rất thành
công trong xã hội Việt Nam hiện nay. Bạn tâm sự, chỉ ao ước bạn bè khi có dịp
trở về thăm quê, nhớ đến thăm Nga đang sống tại Sài Gòn.
Trời
đã định sẵn cuộc đời của mọi người khi mới sinh ra. Không ai hay hoặc dở hơn
ai. Tốt hay xấu cũng như nhau, tùy theo quan điểm mọi người. Tiền bạc, giàu có
như bạn Dần rồi cũng bay đi. Bằng cấp như tôi, cuối đời cũng chỉ là công nhân
bình thường. Giỏi như Nga, mà cả đời lận đận với ước mơ làm cô giáo. Vậy thì
còn lại gì, ngoài sự bình an tâm hồn cho đời sống hiện tại.
Dần, Mỹ Hòa, Hằng
Nga (2014)
Có
người cho rằng, có thêm bạn là thêm ẩn số, khó giải quyết. Nhưng với tôi bạn là
món quà quí giá để tôi trân quí, giữ gìn, cho nhau tình thương chứ không nên
tranh lý hơn thua, để lắng nghe những phiền muộn, hay chia xẻ lo lắng. Như gia
đình Thu Thủy đã hết lòng lo cho tôi, hướng dẫn tôi cách săn sóc mẹ ở quê nhà.
Giờ
đây đất nước tang thương đã đẩy bạn tôi đi khắp nơi. Chúng tôi chỉ ao ước những
cơ hội họp mặt trường lớp ở Houston hay ở Cali để được đêm nằm bên nhau, tranh
nhau chí choé kể kỷ niệm xưa, rồi cười lăn, hồn nhiên như ngày còn bé; để sáng
ra, nhìn mặt nhau, thấy bao nhiêu nếp nhăn trên khuôn mặt, bao nhiêu sợi tóc
bạc mầu, là bao nhiêu tang thương cho quê hương đã bỏ lại sau lưng. Rồi ngậm
ngùi, xót xa và lắc đầu cho ý tưởng trở về để sống nốt quãng đời ngắn ngủi còn
lại.
Ai
có thể dửng dưng, vô cảm với những bất công của xã hội hiện nay trên quê hương
tôi. Khi có những đứa trẻ, chỉ học lớp Mẫu Giáo đã vào trường quốc tế tại Việt
Nam, với lệ phí cao gấp đôi tiền già sống ở Mỹ. Bên cạnh đó, không biết bao
nhiêu đứa trẻ phải chui vào bãi rác, bao nhiêu đứa trẻ vì cơm áo gia đình, đã
bỏ mạng sống, máu loang đỏ dòng sông như em bé vớt dầu ở xưởng Ba Son.
Chân
tôi bước trên đại lộ tự do thênh thang xứ người, nhưng nỗi sầu quê hương vẫn đè
nặng làm lòng tôi cuộn sóng. Tôi - đám hoa cải vàng, cạnh dòng sông quê nhà
ngày nào - giờ đã chết trên xứ người. Hải âu đã bỏ biển yêu thương để bay xa. Không,
khi mắt tôi còn nhìn thấy, tim tôi còn biết đau, thì, các bạn ơi… Tôi không thể
trở về !
... Ngàn năm nỗi
đau,
hóa kiếp mây trôi
Cô đơn. Biển cạn.
(Nguyễn Kim Tuấn)
Cô đơn. Biển cạn.
(Nguyễn Kim Tuấn)
Peace Nguyen
(Houston, 30/4/2016)
__________________________________________________
Cám ơn chị Peace Nguyễn. Bài viết nhẹ nhàng như tháng ngày đi qua, nhưng chất chứa bao nhiêu biến động. Có lúc tưởng chừng không vượt qua được.
ReplyDeleteHơn nữa đời nhìn lại, thật phục cho sức chịu đựng của con người mình. Phải không chị.
QN