Thursday, October 27, 2016

DÒNG SÔNG QUÊ HƯƠNG

Cẩm Tú Cầu



Đã lâu lắm rồi, chắc là phải gần nửa thế kỉ, hôm nay tôi mới có dip về thăm lại quê hương, nơi tôi đã sống trọn những ngày thơ ấu. Tất cả trước mắt tôi đều xa lạ, nhất là con đường đất ngập lá tre năm xưa, có hai hàng tre xanh rũ bóng, mát đến lạnh người. Mỗi lần có cơn gió thổi qua, lá tre khua xào xạc, thân tre uốn mình, những âm thanh nhẹ nhàng thân mến, làm tôi nhớ mãi không bao giờ quên.
Hai bên bờ cỏ dại mọc lấn ra đường, con đường đầy dấu chân trâu. những hoa cỏ li ti, màu vàng, màu tím hồng, màu trắng, tạo thành những khóm hoa quyến rũ vô cùng. Tôi còn nhớ, tôi thường đến đây để hái những trái mâm xôi chín đỏ, ăn vào chua chua ngọt ngọt, rất hấp dẫn, những đọt mâm xôi mập ú, tôi vói bẻ rồi tướt xung quanh như đốt mía nhai ngọt ngọt và chát chát, một hương vị in đậm vào tuổi thơ khó phai mờ. 
Tôi hình dung ngày ấy, đôi bàn tay nhỏ nhắn của tôi chụm hai ngón trỏ và ngón cái vào nhau để bắt những con bướm có màu sắc đẹp. Những buổi sáng, mặt trời vừa lên, tôi ra bờ ruộng trước nhà ngắm những mạng nhện trên cỏ, ánh nắng chiếu sáng, những hạt sương nhỏ đọng lại lóng lánh như những viên kim cương, tôi đứng ngắm say sưa. Cùng chơi với tuổi thơ tôi có bạn Mi Mi và bé Nhỏ hai bạn này đã gần gũi tôi suốt những ngày tháng nắng mưa vì hai bạn ở sát nhà bà nội tôi, chúng tôi chơi buôn bán, chơi làm cha mẹ, khi nào tôi cũng đóng vai mẹ vì mẹ tôi ở xa, tôi nhớ mẹ lắm lắm. Nỗi nhớ nầy, cứ vây quanh tôi, đôi lúc làm cho tâm tư tôi thẫn thờ, nhớ nhớ, quên quên mọi việc, tôi cứ mơ về phương trời xa có mẹ, lòng tràn ngập nhớ nhung. 
Bây giờ con đường này đã đổ bê tông trắng sáng, sạch sẽ, nhà cửa san sát hai bên. Ngôi nhà của bà nội tôi, hướng về phía mặt trời mọc, phía trước là cánh đồng bát ngát, mỗi buổi sáng tôi thường đón gió sớm từ cánh đồng lúa đưa vào, hương lúa thơm dịu dịu quện vào tâm tư tôi, một mùi nồng nàn mê đắm. Xa xa ngoài kia là đường tàu lửa, mỗi lần đến gần cầu Nong, tàu huýt những hồi còi dài và nhả những cuộn khói đen ngòm bay lên không gian xanh thẳm. Tôi thích ngắm đoàn tàu qua lại mỗi sáng, mỗi chiều, dù mưa hay nắng, tôi vẫn say sưa, dỏi mắt trông theo đến khi khuất bóng, nhất là những ngày mưa lạnh của xứ Huế, đoàn tàu đi trong sương mờ, bầu trời trắng đục, mưa bay lất phất, lạnh tái tê. 
Tất cả đã lùi về quá khứ xa mờ, tôi hồi tưởng trong lặng im, mà nghe tâm tư mình dậy sóng bâng khuâng. Bây giờ nhà cửa chen chúc đã lấn mất một nửa cánh đồng, hàng cau, hàng rào chè tàu cũng mất dấu… Tôi buồn bã ra bến sông, nơi ngày xưa rất nhiều kỉ niệm, tôi nhìn về nơi đầu nguồn có ngọn núi tròn và đơn độc, tôi phát hiện ngọn núi ngày nào không thay đổi, nó vẫn chẳng lớn thêm chút nào. Con sông Nong vẫn êm đềm uốn khúc có hai hàng tre lấn ra rũ bóng. Ngày xưa mỗi chiều tôi thương ra đây, nơi bến sông này, có một con đò vừa đưa khách, vừa làm cá vì cầu ở xa nên cũng có khách qua lại. Tôi lặng nhìn qua bên kia sông với bao ước mơ một ngày nào đó tôi sẽ được qua sông và khám phá nơi xứ lạ quê người, sẽ có biết bao điều thú vị chờ đón tôi, mới nghĩ thôi tôi đã thấy một nỗi đê mê choáng ngợp lấy tâm hồn, tôi tưởng tượng ra bao điều kì bí, ẩn chứa nơi ấy...
Và rồi một ngày, ngày ấy đã đến, hôm ấy là đám cưới O của tôi, O lấy chồng bên kia sông, tôi được bà nội cho đi theo, chắc trong suy nghĩ của bà với ý định tôi sẽ về tường thuật lại nơi O tôi gửi gắm cuộc đời, vì thời buổi ấy có lệ mẹ ruột không đưa con gái về nhà chồng, chắc sợ người mẹ quá thương con, lo lắng cho con gái rồi khóc lóc não lòng, thời buổi ấy có câu ” con gái, mười hai bến nước trong nhờ đục chịu” bởi vậy người xưa có câu ” Đến đây đất nước lạ lùng, con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng kinh “ Hôm ấy đưa dâu hai chiếc đò, cô dâu và chú rễ hai họ, người lớn đi đò trước có hai cái lọng đỏ che rất đẹp, tôi đi đò sau với họ ba (những người bưng quả) tôi mừng vô kể, tôi nhớ hình ảnh bà nôi tôi đứng trên bờ nhìn theo khóc như mưa hai tay chới với giữa khoảng không, nét mặt rất khổ não. dưới đò O tôi cũng rơm rớm nước mắt lưng tròng, như một cảnh chia ly không hẹn ngày gặp lại 
Bên kia sông, toàn nhà vườn rất rộng, hàng tre bao bọc chung quanh nhà nào cũng có vườn cây ăn trái, tôi mê mẫn với những quả quýt, cây thanh trà, quả mãng cầu, sapuche, mận ổi dâu,,v…v…. Tất cả đều yên bình lặng lễ đẹp như trong truyện cổ tích Từ bến đò phải đi một đoạn xa mới đến nhà chú rể. Đám cưới nhà trai làm một con heo to đãi khách, tôi thấy còn một khổ thịt lớn treo lủng lẳng ở bếp, cô dâu vừa đến nơi đã vội thay quần áo xuống bếp lo nấu nướng dọn dẹp, khi khách nhà gái ra về, cô dâu đang rửa một núi chén bát, tự nhiên lòng tôi dâng lên một nỗi buồn thương cảm, xót xa…
Hình ảnh này cứ đọng mãi trong lòng Tôi đi qua một con mương thuỷ lợi rất dài, mặc dù là buổi trưa hè nắng nóng, nhưng hơi nước từ kênh đưa lên mát dịu, đã xua tan cái nóng bức, ngột ngạc cua ngày hè, tôi đi trong vùng nghĩa trang rộng lớn, tôi tìm những phần mộ của gia đình. Đây rồi mộ bà nội tôi, người đẹp nhất làng một thời, buổi ấy tôi nghe nói rất nhiều trai làng con nhà danh giá say mê bà, bà được nhiều gia đình có con trai trong làng chú ý. nhưng bà đã được gả về cho ông nội tôi, con quan nhưng tâm tính lãng mạn, thích phiêu du… 
Tôi đứng rất lâu trước mộ của O út, O mất rất trẻ, mới mười sáu tuổi O đã mất vì đi theo giữ tôi ở tận Ban Mê Thuột, O bị đau và thuốc men ngày đó thiếu thốn nên O đã không còn, nghĩ lại lòng tôi bồi hồi thương tiếc một kiếp hoa sớm lìa bỏ cõi đời, sự ra đi của O là một nỗi day dứt mãi trong lòng mẹ. 
Hai mươi năm sau, ba tôi và chú tôi vào tận Ban Mê Thuột tìm hài cốt đem về. Từ ngày O được về bên ông bà, quê hương, mẹ tôi mới nguôi ngoai chút ít. Tôi lại miên man về một thế giới nào trong mê ảo, tôi nghĩ tất cả rồi cũng trở về với cát bụi hư không, cuộc đời là thế, mộng ảo, phù du ….Đời người ngắn ngủi, mong manh. 
Tôi thắp hương cho các ngôi mộ và ngồi nghỉ ở nhà bia lớn nhất, bổng một luồng gió xoáy bên chân tôi, cát và lá xoay tròn, xoáy tròn, tôi mơ hồ chắc người xưa hiện về, người cõi âm, người trần thế gặp nhau, như có một luồng giao cảm, tôi ra về mà cứ suy nghĩ mãi người chết sẽ đi về đâu?
Tôi ghé lại nhà thờ phái, tìm mãi mới ra, nhà thờ khác xưa quá nhiều, không gian như nhỏ lại, mái ngói phủ đầy rêu, bên trong sạch sẽ, hơi ẩm không khí có vẻ lạnh lẽo hoang vu, như lâu lắm mới có người đến thắp nhang, trong nhà thiếu ánh sáng, làm nổi bậc các bệ thờ bằng xa cừ lóng lánh, nhất là hai câu đối phía trước.
Rời nhà thờ tôi lại ra bến sông, tôi đứng rất lâu, ngắm nhìn con sông im lắng, nước như không chảy, lòng tôi dâng lên một nỗi xúc động miên man, con sông vẫn thế, vạn vật vẫn thế, chỉ có con người là tiếp nối nhiều thế hệ đổi thay…

Cẩm Tú Cầu.

_________________________________________________________

No comments:

Post a Comment