Gà Ta
Bali là một hòn đảo nhỏ của Nam Dương (Indonesia) nằm phía dưới đường Xích Đạo sát với nước Úc. Dân số chưa đến 250,000 người mà trong đó 85% là người theo Đạo Hindu, 10% theo Đạo Hồi và 5% còn lại theo Đạo Phật và Thiên Chúa Giáo. Tuy là
một hòn đảo nhỏ nhưng Bali lại được rất nhiều du khách từ khắp thế giới đến viếng thăm hàng năm, trong đó đa số là người Úc. Các quốc gia khác như Anh, Pháp, Đức, Hòa Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan v.v. cũng đến viếng rất nhiều. Duy chỉ có du khách từ Mỹ thì thấy ít hơn. Năm nay giá vé máy bay đi từ Cali đến các nước Á-Châu lại rẻ bất ngờ. Tôi lợi dụng thời cơ liền đặt vé đi Bali, nơi mà đã từ lâu tôi nghe nói rất nhiều và mong muốn được đến một lần cho biết.
Từ LAX gia đình chúng tôi 4 người, bay đến Đài Loan sau đó chuyển máy bay đến
phi trường Ngurah Rai thuộc thành phố Denpasar ở Bali. Mọi thủ tục diễn biến nhanh chóng tại phi
trường và khi chúng tôi ra khỏi cổng thì đã có người đứng chờ sẵng để đón chúng
tôi về nhà nghỉ Pondok Sebatu thuộc tỉnh Ubud cách phi trường 3 giờ lái
xe. Pondok Sebatu có tất cả 14 căn
villa, mỗi căn gồm 1 đến 3 phòng ngủ và đều có hồ bơi riêng biệt. Chúng tôi đến nhà trọ lúc trời xẩm tối và căn
villa 2 phòng tôi đặt đã hết nên họ dành cho tôi căn 3 phòng ngủ nằm trên đồi
nhìn ra một rừng dừa và đám ruộng bậc thang xanh ngát.
Ở Ubud có rất nhiều chỗ đi chơi.
Mình có thể đặt tour đi tham quan các đền thờ (temple), thác nước, ruộng
bậc thang, cởi voi v.v., ôi thôi kể không hết nổi. Gia đình chúng tôi vì đông người nên chọn
thuê xe gồm luôn tài xế kiêm hướng dẫn viên để đưa mình đi chơi khắp nơi mà giá
rất rẻ, chỉ khoảng $50 USD mỗi ngày.
Chúng tôi ở Ubud 6 ngày sau đó chuyển đến thành phố Seminyak ở thêm 6
ngày nữa rồi về lại Cali. Seminyak,
Kuta, Jimbarang & Nusa Dua là những thành phố nằm cạnh nhau dọc theo bãi
biển và rất đông du khách ngoại quốc tề tựu.
Tại đây chúng tôi cũng thuê một căn nhà 2 phòng ngủ tại Villa Seriska,
cách biển chừng 15 phút đi bộ. Căn nhà này
rất thoải mái, cũng có hồ bơi riêng và lại có sẵn bếp với đầy đủ dụng cụ cho
mình dùng. Khi vừa mới đến thì Putra,
anh manager, đã đưa cho tôi 1 cái điện thoại di động để gọi anh bất cứ lúc nào
tôi cần gì. Ở đây lại có thêm 1 dịch vụ
nữa là nếu muốn thì sẽ có đầu bếp đến nấu cho mình ăn tại nhà. Chỉ cần cho họ biết 1 ngày trước để chuẩn bị.
Thức ăn ở Bali rất đa dạng. Giá cả
từ $2-40 USD cho một người tùy theo vị trí cũng như sự sang trọng của nhà
hàng. Có những nơi dành cho các cặp tình
nhân ngồi ăn ngay cạnh bờ suối với những ngọn nến được đốt dọc theo lối đi rất
lãng mạng. Bữa ăn tình nhân gồm 6 món
với cái giá cũng rất “nhẹ túi”, chỉ hơn $200 USD cho mỗi cặp. Các nhà hàng gồm đủ các món từ Pizza, mì Ý
pasta, hamburger, sushi và kể cả thức ăn Mễ.
Tôi còn được biết có một tiệm ăn Vietnam nhưng không có dịp ghé
qua. Riêng tôi thì rất thích những món
ăn của người địa phương, vừa ngon lại rẽ.
Ai đã từng đến Bali đều phải thử qua món heo sữa quay có tên là Babi
Guling, tiếng Anh gọi là Suckling Pig.
Theo người Bali làm món này rất phức tạp chứ không đơn thuần chỉ ướp gia
vị rồi quay nguyên con heo như người Trung Hoa hay làm. Trước tiên họ lấy củ nghệ, củ riềng, tỏi,
hành hương, xả, lá chanh, ớt, hột ngò, muối, tiêu, đường và còn nhiều thứ khác
nữa đem giã nhuyễn, trộn lẫn với nhau và nhồi vô bụng heo. Sau đó họ khâu bụng lại rồi đem đi quay 3 giờ
trên lửa đốt bằng củi. Trong lúc quay
thì phải rưới nước dừa tươi lên để cho da giòn và thơm. Tôi thấy hầu như món nào của người Bali cũng
rất cầu kỳ, rất nhiều gia vị và họ thích ăn cay.
Người Bali theo đạo Hindu chịu ảnh hưởng theo phong trào tôn giáo mới
nên có chút pha lẫn với Phật giáo. Họ
thờ Thần, Trời, Đất và Tổ Tiên. Họ dùng
50% tiền kiếm được cho việc thờ phượng, vì vậy đi đâu cũng đều thấy đền thờ và
mỗi ngày họ cúng bái 2 lần bằng cách dâng hoa, quả. Theo đạo Hindu thì người chết phải được hỏa
táng thì linh hồn mới có thể siêu thoát.
Nhưng do đời sống khó khăn và lễ hỏa táng rất tốn kém nên người Bali chỉ
làm mỗi năm một lần. Khi người thân qua
đời thì họ mang xác đem chôn trong nghĩa trang.
Sau một hay hai năm thì họ giở mộ lên và mang xương cốt để đem đi
đốt. Phong tục này được gọi là Lễ
Ngaben, được cử hành rất long trọng và tất cả mọi người trong làng đều giúp
nhau làm việc này. Đây là một ngày Lễ ăn
mừng để đưa tiễn người thân đi siêu thoát nên sẽ không có tiếng khóc hay sầu
não. Heo, bò, gà, hoa quả được dâng cúng
với tiếng trống nhộn nhịp hoà lẫn với tiếng hò reo để đưa người thân đi siêu
thoát. Phần xác hay xương cốt người chết
sẽ được gói trong chiếu tre và để bên trong hình tượng một con trâu làm bằng gỗ
và giấy được làm rất công phu. Hôm chúng
tôi đến đã được chứng kiến Lễ Ngaben.
Các ngõ đường đã bị đóng từ chiều hôm trước để chuẩn bị và Lễ Hội kéo
dài từ sáng đến chiều mới chấm dứt.
Tôi trò chuyện với người dân Bali và thấy họ rất hòa nhã, hiếu khách và
sùng đạo. Họ luôn sống ôn hòa, tôn trọng
và nhường nhịn nhau cho dù khác tôn giáo.
Bali được cho là “the Island of The God”. Theo đạo Hindu thì chữ God có nghĩa là Thượng
Đế hay Thần Thánh. Vì được mệnh danh là
hòn đảo của Thượng Đế nên người Bali ít khi rời khỏi đảo. Họ sống theo đại gia đình gồm ông, bà, chú,
bác, cha, mẹ, anh, em, con cái. Căn nhà
lớn được xây trên một mảnh đất với nhiều căn nhà nhỏ chung quanh cho mỗi gia
đình. Cổng chính của nhà phải được xây
theo một kích thước qui định, rất hẹp, và thường được chạm trổ rất đẹp. Trong vườn nhà nào cũng phải có một cái bàn
thờ. Đời sống ở Bali cũng rất khó khăn. Những người lao động bình dân trung bình họ
chỉ kiếm được $10 USD mỗi ngày. Tuy vậy
họ vẫn có nhiều xe hơi và ít xe gắn máy hơn ở VN. Hầu như gia đình nào cũng tự trồng lúa để ăn chứ
không bán. Họ tận dụng từng tấc đất để
canh tác và không phí phạm những gì thiên nhiên ban tặng. Họ dùng là chuối để đựng thức ăn và đặc biệt
là không hề thấy đồ xốp styro foam.
Pondok Sebatu Villa
Tegalalang
Rice
Terrace
Ubud Market center
Tegenungan Waterfall
Nhà
Hàng Bebek Teba Sari
Mount Batur Volcano Lake
Tanah Lot Temple
Bữa ăn tình nhân ở Nhà Hàng Swept Away
Lễ Ngaben
Tôi rất yêu thích hòn đảo này. Du lịch ở đây mình có thể xài thẻ tín dụng rất an toàn và có nhiều nơi để mình rút tiền từ máy ATM. Đến Bali mình cũng không phải nộp lệ phí nhập cảnh. Do tự đặt vé máy bay và khách sạn cũng như liên lạc trực tiếp với tài xế xe qua mạng nên chuyến du ngoạn của chúng tôi rẻ nửa giá so với các tour quảng cáo. Tôi đã được tiếp xúc với nhiều người để tìm hiểu về đời sống cũng như phong tục tập quán của họ. Ai chưa đến viếng đảo này thì hãy thử đến một lần. Bạn sẽ bị thu hút bởi vẻ đẹp thiên nhiên cũng như lòng hiếu khách của người dân Bali.
This comment has been removed by the author.
ReplyDelete