Saturday, August 6, 2016

Được và mất gì khi đi định cư ở Mỹ ?

* Nhận từ email của Nguyễn Bích Sơn
Lucky
(ảnh minh họa pixdaus)
“Hiện nay tôi đi làm cu-li trong hãng Mỹ, một giờ được 6 - 8 USD từ 6 giờ sáng đến 11 giờ đêm, nhưng tôi cảm thấy cuộc sống mình cũng vui vẻ khi nhìn thấy hai đứa con tôi tung tăng đi học và tôi biết chắc chắn rằng các cháu sẽ thành đạt”. 

Thời gian qua có nhiều ý kiến đóng góp và tranh luận về vấn đề nên đi hay ở lại Việt Nam cho những trường hợp ra nước ngoài, nhất là đi Mỹ. Tôi xin phép được viết một bài về vấn đề này.
Mong các bạn đóng góp ý kiến nếu có chỗ nào chưa đúng, để bản thân tôi rút kinh nghiệm và làm cho vấn đề đi hay ở thêm phong phú.

Hiện tôi 51 tuổi, định cư Mỹ được một năm. Trước khi đi tôi là kỹ sư trưởng phòng trong một Tổng Công Ty thuộc Bộ. Tuy chức vụ bé xíu, nhưng trong công ty tôi chỉ dưới 3 người và trên 12 người. Tôi có hai căn nhà ở nội thành (Quận 1 và 3) - một để ở, một cho thuê. Tôi cũng đi công tác và du lịch một số nước. Vợ tôi làm kế toán cho công ty liên doanh. Tổng thu nhập hàng tháng khoảng 2500 USD (không tính khoản “bất ngờ”).

Trước khi có hồ sơ phỏng vấn ở Lãnh Sự Quán Mỹ, tôi cũng rất phân vân. Bạn bè, người thân, cả cha mẹ tôi (vì tôi đi theo bên vợ) đều khuyên tôi nên ở lại Việt Nam. Sau khi suy nghĩ thận trọng và cân nhắc “được gì và mất gì” cho bước ngoặt của cuộc đời, tôi quyết định ra đi. Và hiện nay đối với tôi thì :

- Tôi mất đi công việc rất tốt mà nhiều người mơ ước và cuộc sống của một gia đình trung lưu ở Việt Nam.

- Tuổi đã chớm già mà phải làm lại từ đầu - đây là điều vô cùng khó khăn.

- Xa những người thân yêu (cha mẹ, anh chị em và bạn bè thân thiết) cùng những sinh hoạt hằng ngày làm mình rất nhớ khi ra đi.

Và tôi được :
- Hai đứa con (một trai, một gái) được học hành trong nền giáo dục đại học hàng đầu thế giới. Một cháu học ngành máy tính, một cháu học dược sĩ được chính phủ hỗ trợ tài chính (hỗ trợ học phí và cho vay không lấy lãi) cho đến khi tốt nghiệp (đây là chính sách chung của nước Mỹ). Tôi không phải lo lắng gì về tiền bạc cho các cháu học hành.

- Tôi được những thứ nếu có nhiều tiền ở Việt Nam cũng không thể mua được, đó là môi trường sống tốt như không khí, nước... không bị ô nhiễm; không phải lo lắng về vệ sinh an toàn thực phẩm. Về giáo dục ở Mỹ, nếu cố gắng học hành dù gia đình thu nhập thấp vẫn được chính phủ giúp đỡ. Về y tế không phân biệt đối xử người có tiền hay không có tiền, khi vào bệnh viện chữa trị ai cũng như nhau. Cơ sở hạ tầng và ý thức chấp hành luật lệ giao thông của mỗi người rất tốt, ra đường không sợ tai nạn giao thông rình rập. Con người được tự do sáng tạo, luật lệ rõ ràng. Đặc biệt là xã hội Mỹ luôn tạo ra cơ hội đồng đều cho mọi người vươn lên tùy theo năng lực của mỗi người, nếu biết cố gắng học tập và làm việc.

Tôi viết bài này vì tôi thấy nhiều người Việt trên diễn đàn đang sống ở Việt Nam hay Mỹ thường đứng trên quan điểm vật chất là tiền bạc để đánh giá cuộc sống bên nào tốt hơn, mà quên rằng con người dù sống trong xã hội nào đi nữa thì, ngoài tiền bạc còn có những giá trị tinh thần mà nếu thiếu đi thì cuộc sống sẽ mất hết ý nghĩa và buồn chán, cho dù ta có rất nhiều tiền.

Hiện nay tôi đi làm cu-li trong hãng Mỹ, một giờ được 6 - 8 USD từ 6 giờ sáng đến 11 giờ đêm, nhưng tôi cảm thấy cuộc sống mình cũng vui vẻ khi nhìn thấy hai đứa con tôi tung tăng đi học và tôi biết chắc chắn rằng các cháu sẽ thành đạt. 

Tôi không đặt nặng vấn đề qua Mỹ để tìm cơ hội mà đặt nặng về tương lai của con tôi, nên tôi cảm thấy thanh thản và tự giải đáp rằng, trong cuộc sống cái gì cũng có cái giá của nó, và cũng như không có cái gì là "ngon, bổ, rẻ'' cả. Vấn đề là khi đã chọn thì phải chấp nhận để mà vui sống.

Rất mong nhận được sự đóng góp của các bạn trên tinh thần xây dựng.

Lucky
(vnexpress.net)


_____________________________________________________

4 comments:

  1. tất cả sự "đuợc và mất" hay đúng hơn sự hài lòng và bất mãm khi tới Mỹ là tùy theo cảm súc của bạn với vấn đề ấy, thí dụ đơn giản,tôi ăn cơm phải có nuớc mắm nguyên chất, trong khi ấy vợ tôi sợ cái nuớc quỷ ấy lắm(nguyên văn). Lúc truớc ở VN muốn đi ăn nhậu lúc nào cũng có bạn,bây giờ hiếm hoi lắm: đời buồn tênh như đã vẹn câu thề..còn vấn đề này nữa Ở VN câu "chồng chúa vợ tôi"là chuyện rất thuờng, còn bây giờ nếu ông rửa chén không sạch sẽ đuợc một bài giáo khoa dài. Tụi con trai của tôi chẳng xem chuyện ấy là vấn đề. Nói cách khác ông phải chuẩn bị cho cái ngày nguời đàn bà bỏ ông ra đi chỉ vì ông không làm theo điều bà ấy muốn đuợc: đàn bà VN ở Mỹ bỏ chồng gấy bốn lần đàn ông(kinh nghiệm của một linh mục là cố vấn hôn nhân)

    ReplyDelete
    Replies
    1. .."Nói cách khác ông phải chuẩn bị cho cái ngày nguời đàn bà bỏ ông ra đi chỉ vì ông không làm theo điều bà ấy muốn đuợc: đàn bà VN ở Mỹ bỏ chồng gấy bốn lần đàn ông(kinh nghiệm của một linh mục là cố vấn hôn nhân)"..

      ,, Cho QN ý kiến chút nghen.
      Không muốn đụng chạm ai hêt, nhưng QN thấy phần đông đàn bà ly dị đàn ông vì có những bất đồng trong cuộc sống không thể chịu đựng nỗinhư: thiếu sự chia sẻ,cảm thông, gia trưởng .. trai gái ngoài luồng của người chồng .

      Không giống như đàn ông, họ bỏ vợ thường vì một bóng hồng khác xinh đẹp hơn, mới lạ hơn.. trong mắt họ

      Delete
    2. Quy Nhơn bạn ơi, vô tình đi lạc vào Quy Nhơn, rất thích web site của bạn.

      Đồng ý với bạn thiên hạ thôi nhau vì họ đi tìm cái họ thiếu ở nguời phối ngẫu, Và đừng quên"cây quýt mọc ở đất Hoài Nam có quả rất ngọt, nhưng đem sang trồng ở đất Hoài Bắc thì quả lại chua"

      Delete
    3. Chào Bạn.
      Cám ơn bạn thích trang nhà. QN vui lắm mỗi khi đọc dòng chữ này.

      Như bạn thấy đấy, Ngay cả cỏ cây, chúng cũng phải điều chỉnh cho phù hợp thổ nhưỡng để sống còn. Lúc chua..lúc ngọt. Vậy thử hỏi con người thì sao?
      Nơi xứ lạ quê người, tha phương cầu thực, đàn bà phải lao ra ngoài xã hội kiếm sống, nhiều khi làm còn nhiều giờ và cực nhọc hơn cả các ông, về nhà lại còn con cái, cơm nước nhà cửa ...một gánh nặng oằn vai.
      Nếu các ông không chịu khó điều chỉnh cách suy nghĩ, bỏ bớt tính gia trưởng, phụ một tay trong việc nhà với các bà.. con giun xéo quá cũng quằn.. thì chuyện gì xảy ra sẽ xảy ra thôi.
      trách ai? ai trách? bây giờ trách ai?

      Mến./

      Delete