Phạm Lê Huy
(ảnh: Phạm Lê Huy) |
“Như bị cuốn hút bởi
nét dễ thương và sự đam mê của “chú bé”, tôi đi tìm và đã gặp “chú ấy” trên…
google” – (Mời đọc bài Lỗ Mạnh Hùng - Phóng viên chiến trường nhỏ tuổi nhất Sài Gòn
trước 1975 đã post trong website này ngày Thursday, August 11, 2016).
Hình ảnh “chú bé” Lỗ
Mạnh Hùng dễ thương và xông xáo trên chiến trường khiến tôi nhớ lại thời còn bé
tôi cũng thích chụp hình lắm.
Hồi tôi mười
/ mười-một tuổi, nơi con đường Gia Long ngày đó (bây giờ là Trần Hưng Đạo) tiệm
tạp hóa của ba má tôi chung vách với tiệm chụp hình Mỹ Vân (sau, dời sang đường Phan Bội Châu với
bảng hiệu Hồng Hà). Vì là hàng xóm láng giềng sát vách nhau nên các người con của
gia đình này thân thiết với anh em nhà tôi lắm.
Phía sân sau
của hai nhà là bãi đất trống chưa có hàng rào làm “ranh giới” nên đó là nơi vui
chơi của lũ trẻ con chúng tôi với các trò chơi con nít; như đánh trỗng, bắn bi,
đánh đáo, u mọi, buôn bán,… Đôi khi bọn tôi bắt chước ciné, “đóng phim” Tarzan,
Zoro, Tây Du Ký,… bày trò đánh nhau chí chóe. Thế là bãi đất trống đó biến
thành… “bãi chiến trường” nhưng chẳng có thương vong chết chóc gì.
Dần dần vì
nhu cầu của mỗi gia đình nên một bức tường bằng taplo được xây lên. Vậy mà chúng
tôi vẫn trèo tường (chớ không “khoét vách chun qua”) đến chơi với nhau. Vui thật
vui… !
Nhưng cái mà
tôi thích nhất - hay đúng hơn, mê nhất - vẫn là chụp hình.
Tiệm Mỹ Vân
này hồi đó có thợ là chú Xuân, rồi chú Kim. Tôi thường lân la làm quen, làm
thân với hai chú ấy để xin những tấm phim hư bỏ đi và những rẻo giấy in hình
còn giữ trong “phòng tối”. Và, những buổi trưa tan học về tôi thường ghép phim
lên giấy in rồi đặt dưới ánh mặt trời. Lát sau, như một “phép lạ”, tôi có những
tấm hình trắng đen tuy không đẹp bằng tiệm, nhưng tôi thích lắm và cất kỹ hình trong
cái hộp thiếc biscuit mà tôi đã năn nỉ xin anh tôi cho được.
Nói nhỏ chuyện
này, chú Xuân là người cho tôi phim và giấy in nhiều nhất vì chú ấy là... “cái
đuôi” của dì Út tôi, nên tôi muốn gì chẳng được.
Thời gian sau,
tiệm có thêm thợ là chú Bách, mập mạp tròn trịa như ông Michelin (logo của hãng
ruột xe Michelin). Mỗi lần tắm biển tôi thấy chú bơi giỏi lắm và bơi rất xa.
Tôi thường chọc chú: “Chú tròn như cái
víc-xi xuống nước là nổi liền há?”. Hễ có phim có giấy in là chú bỏ vào bì
thư đen để khỏi bị ánh sáng “ăn”, rồi kêu tôi: “Thằng cu… Có cái này cho mày nè!”. Tôi mừng rơn, tha hồ mà in. Thỉnh
thoảnh tôi xin chú cho vô “phòng tối” coi chú tráng phim và sang hình.
Dần dà hai
chú có tiệm riêng. Tiệm chú Kim tên Kim bên cạnh rạp ciné Kim Khánh. Tiệm chú
Bách tên Bác Ái, trước ở gần phòng ngủ Chí Thành, sau dời qua cạnh khách sạn
Thanh Bình nhìn ra công viên. Còn... “cái đuôi” của dì Út tôi là chú Xuân thì đi
đâu tôi không biết.
Phải “dài
dòng văn tự” như vậy để quý bạn biết tôi “gắn bó” với chuyện mê chụp hình như
thế nào.
Và, tôi ước
sao mình có được cái máy hình… Nhưng hồi đó, máy hình là cái “xa xí phẩm” mà ba
má tôi thì chưa khá gì mấy; nên ước ao của tôi vẫn là… ước ao.
Hồi đó, những
lần đi du ngoạn hay cắm trại tôi chưa có máy hình nhưng vẫn được các bạn giao
cho “cầm máy” vì tin rằng tôi… “dạn tay”.
* * *
Mùa hè năm Đệ
Tam tình cờ tôi quen Jack - Trung Úy cơ khí máy bay người Mỹ làm việc ở sân bay
Qui Nhơn.
Hè năm sau, trong lần nghỉ phép ở Đài Loan anh ấy mua tặng tôi cái máy ảnh hiệu Nikkorex màu đen và cuộn phim đen trắng 36 poses.
Vậy là suốt
ngày, hễ khi nào rảnh là tôi mân mê cái máy ảnh; mân mê từ trong nhà ra ngoài phố, ra đến
công viên, bãi biển... Cứ cuối tuần là Jack đến nhà chơi và chỉ vẽ cho tôi làm
quen với tốc độ, khẩu độ, quang độ trên máy.
Cái đam mê chụp
hình ấy cứ theo tôi mãi đến giờ. Vậy mà sao tôi vẫn thấy mình chụp hình chẳng đẹp,
nhưng không đến nỗi tệ. Khi chụp hình từng nhóm, có bạn la tôi: “Xí… Chụp gì mà lâu lắc, bắt người ta cười mỏi
cả miệng!”. Xin thưa: “Tại tui muốn ai
cũng coi được hết… Không có chuyện bạn thì nhắm mắt, bạn thì há miệng, bạn thì
chỉ có nửa mặt… Chậm mà chắc còn hơn… Thông cảm nha!”. Và, nói gì thì nói,
những pose hình tôi lén chụp bất ngờ bao giờ cũng vui và “sống” hơn.
Những tấm
hình “coi không được” là tôi loại bỏ trước khi “trình làng”. Sau khi “trình
làng”, một số bạn trách: “Tui có đến dự
sao không có hình tui?”. Lại xin thưa: “Tại
hình không coi được, nên tui không chưng lên, vì sợ bạn không vui… Thế thôi!”.
Có bạn thông
cảm, nói với tôi: “Để mình chụp cho cụ
vài tấm. Nãy giờ thấy cụ lăng xăng chụp cho người ta không hà… Cụ chẳng có tấm
nào hết”. Tôi cười cười: “Cám ơn cụ…
Tui biết… "Trâu cỡi" thường bị… quên đếm lắm!”.
Với những tấm
hình ”coi được hay coi không được” ấy tôi vẫn tự nhủ là, dù sao mình cũng có đóng
góp được chút nào với bạn cũ trường xưa, với thân hữu qua những tấm hình lưu niệm
quý báu mà tôi ghi nhận được trong các buổi sinh hoạt đầy thân ái ấy, để post lên
trang web và đăng trong Đặc San hằng năm của Liên Trường Qui Nhơn.
Vài hàng phiếm
với các bạn cho vui chớ chẳng phải ‘khoe mẽ” gì đâu nha!
Thân ái,
Phạm Lê Huy
(Los Angeles, Aug. 16 -
2016)
______________________________________________________________
Tôi có vinh hạnh được quen biết tác giả trong 1 lần đưa Ba tôi đến tham dự ngày họp mặt của trưởng SPQN tại Nam Cali. Chú là 1 người khá kiệm lời. Khi nghĩ về Chú, tôi nghĩ ngay đến nụ cười hiền và chiếc máy ảnh không lúc nào rời vai.
ReplyDeleteĐọc câu chuyện nhỏ này của Chú, chợt "phát hiện" ra Chú và tôi có mấy điểm chung nho nhỏ như thích chụp ảnh, chỉ "trình làng" những tấm ảnh "coi được" và thích ở vị trí người chụp hinh hơn là "người được chụp hình" :-)
Vài dòng chia xẻ...
PL
Cám ơn PL Tran đã ghé đọc đoạn phiếm ngắn vui này. Tôi cũng thường gặp PL Tran trong các kỳ đại hội. Thật vui !
DeleteNói thật, chụp hình là cái “hobby” của tôi chứ không phải là “nghề nghiệp” gì, cho nên có những tấm coi hãy còn “non tay” lắm. Nhưng đã nói là “hobby” thì mình chẳng “nhát tay” chút nào, thích chụp là chụp. Vậy thôi !
Cứ mỗi khi có event là tôi “lên đường săn hình” cho vui. Chụp nhiều để rồi bỏ bớt đi những pose “không coi được”. Và, với kỹ thuật cao của digital camera hiện nay mình có mất công gì mấy đâu.
Chúc PL Tran luôn Vui - Khỏe và An Lành.
Hẹn gặp.
PLH