Tuyết Vân
Tôi nghe bản nhạc Ở Tuổi 20 hôm nọ trên đài TV. Không biết hết lời nhạc, nhưng thấy cái điệp khúc dễ
thương vô cùng.
Ở tuổi 20, em như nhánh sông dần xa,
xa như lá phai thềm xưa,
Ngày tôi mơ người ...
Giai điệu trẻ trung, tràn đầy nhưạ sống như lứa tuổi đôi
mươi vậy. Vâng, tuổi 20 trẻ đẹp và lý tưởng lắm. Tôi nhớ có đọc ở đâu đó, tuổi
trẻ là tài sãn của quốc gia. Youth is national treasure. Tình yêu của họ mãnh
liệt, bất chấp. Ngoài việc xây dựng cho tương lai quốc gia trong 10 hay 20 năm
tới, những người trẻ này còn là những người sẽ xông ra chiến trường khi cần đến.
Tôi quý tuổi trẻ vô cùng.
Tôi cũng đã qua tuổi hai mươi từ nhiều thập niên. Cuộc sống
tuy có bị giới hạn vì hoàn cảnh chiến tranh cùa đất nước bấy giờ nhưng đó vẫn
là một thời dễ thương để nhớ. Bây giờ thế
hệ chúng tôi đã nằm vào ở tuổi sáu mươi. Già hết rồi. Cái tính sôi động trở nên
đằm thắm. Cái tính bộp chộp trở nên cẩn thận hơn. Cái tính hời hợt cũng trở
thành chăm chút lại. Từng tờ lịch xé ra hằng ngày gom lại vậy mà đã thành mấy
mươi năm.
Tôi có cô bạn ly dị chồng đã gần hai mươi năm. Ở vậy nuôi
con và lo cho cha mẹ. Cô khác thì chồng mất ở Việt Nam. Một tay ôm con vượt
biên qua Mỹ, may mắn gặp một người chồng khác, tạo nên một gia đình hạnh phúc mới.
Vợ chồng tôi có con trễ nhưng rồi thì cũng đâu vào đấy. Bao nhiêu năm nay dẫn
con đi học, đi đánh banh, đi sinh hoạt Hướng Đạo, bây giờ cũng không còn bận bịu
nưã. Bạn bè gặp nhau hay hỏi đến tình trạng sức khoẻ, phương pháp dưỡng sinh và
tin những người quen ai còn ai mất. Ở tuổi sáu mươi thôi không còn nghe gió
nóng bên vành tai và mơ người.
Nói vậy thôi, chứ theo
người Mỹ thì tuổi sáu mươi là cái tuổi
đang làm lại từ đầu. Mà hễ cái gì từ đầu cũng hào hứng cả. Thật vậy, những hôm gia đình có dịp họp mặt với
nhau như ngày giổ, ngày shower, chị em chúng tôi hay chia xẻ với nhau những điều
mới mẻ từ nhà cửa, du lịch, đến nấu nướng trong bếp. Mạng lưới internet cũng
cho chúng tôi những hành trình mới mà thế hệ trước không có được. Ở tuổi sáu
mươi xin đi lại từ đầu.
Gần hai năm nay vợ chồng tôi bắt đầu tân trang căn nhà mình. Hồi trước bận bịu
quá, cái gì cũng phải bỏ qua một bên hết, nhưng đến tuổi này nếu không làm bây
giờ để gia đình con cái hưởng thụ với nhau thì đến bao giờ? Với thì giờ trong
tay và tài chính dư giả hơn, với những kinh nghiệm từ những người đi trước, và
nhất là với tin tức trên mạng tôi có nhiều tự tin khi nói chuyện với những người
contractors. Tân trang xong, bà con ai cũng khen được quá và ai cũng đồng ý là
đã tới lúc phải nghĩ đến hưởng thụ cuộc sống cho mình. Những gì mình không có
được ở tuổi hai mươi, ba mươi thì tuổi sáu mươi này thưởng thức cũng còn kịp.
Khi mới qua Mỹ, tiếng tăm không rành, chỉ đi học những ngành
gì để dễ kiếm việc làm. Nay thì gần đến tuổi về hưu, tôi bắt đầu nghĩ tới học
những môn mình vốn dĩ vẫn yêu thích nhưng không có cơ hội đi học khi còn trẻ.
Tôi coi trên báo Người Việt thấy không biết bao nhiêu là lớp, từ lớp computer,
lớp chup ảnh đến lớp dạy đàn dạy hát. À, thì ra những người khác cũng như mình
thôi. Cũng muốn bắt đầu lại một hành trình mới nhưng lần này này sẽ chủ động nắm
tay lái, học những cái mình yêu thích, đam mê mà hoàn cảnh cuộc sống đã không
cho phép mình thực hiện được. Nhất định là tôi sẽ ghi danh học chụp ảnh. Mê lắm.
Và tôi cũng sẽ học tranh sơn nước. Tôi không biết mình có khả năng hay không
nhưng tôi yêu tranh sơn nước vô cùng. Ít nhất là học để biết. Vậy thôi. Biết được
cái gì cũng tốt cả. Knowledge is power mà. Ở tuổi sáu mươi này tự nhiên trở
thành học trò đi xe hơi tới trường.
Vâng, có nhiều cái bắt đầu lắm, ngay cả cái thuộc về thế giới
của tuổi trẻ là tình yêu, chúng tôi cũng có những cuộc hành trình mới. Tại sao
lại không chứ? Chúng tôi muốn sống cơ mà. Tình yêu ở tuổi sáu mươi chín chắn
nhưng không thiếu phần ngại ngùng, hồi hộp, và mong chờ. Tôi có một người anh họ,
sau khi ly dị, đã kiếm trên mạng về người tình củ khi anh chị còn đi học ở Sài Gòn. Cũng vưà lúc chị
ấy đã ly dị chồng. Hai người liên lạc nhau, và quyết định đi tới hôn nhân, chia
xẻ quảng đời còn lại. Đó là câu chuyện với
happy ending. Với những cuộc tình không đoạn kết thì người tuổi sáu mươi cũng
có thể trả lời một cách rất thiền tâm, thôi đó là số mệnh. Và đó là một quan điểm
lành mạnh mà chỉ có tuổi đời mới giúp mình nhận ra được. Ở tuổi sáu mươi, em
như nhánh sông dần xa, xa như lá phai thềm xưa, nhưng tôi vẫn yêu đời.
Tôi bắt đầu chuẩn bị cho mình về hưu và ngạc nhiên là tôi cảm
thấy háo hức cho cuộc sống khác. Bạn tôi thì nghĩ khác. Chừng nào về thì về. Đi
làm vẫn tốt hơn. Cô có người dì đã về hưu cứ than ở không chán quá, thỉnh thoảng
tổ chức làm bánh bèo, bánh hỏi rồi kêu chị em tới ngồi ăn cho vui. Thật ra nếu
đó là một công việc mình yêu thích, đam mê thì cũng đâu cần phải ngưng làm việc.
Nhưng có bao nhiêu người được cái may mắn đó đâu. Cách đây mấy mươi năm, gia
đình tôi cũng như bao người khác háo hức cho một cuộc khởi hành với cái tên vượt
biên. Bao năm sinh sống ở đây, có biết bao nhiêu là đoạn đường, đi làm, thất
nghiệp, rồi đi làm. Giai đoạn nối tiếp giai đoạn, từ con cái đến nhà cửa và nay
thì đang bước vào một thập niên mới, thập niên sáu mươi. Tôi kiếm trên
internet thử coi có những bàn luận nào về
tuổi sáu mươi hay không thì thấy được câu này: Lục thập nhi nhĩ-thuận. Khi người
ta tới 60 tuổi thì mới đạt đến mức độ hoàn-hảo về mặt tri-hành, kiến-văn, và
kinh-nghiệm về cuộc sống. May quá, cái định nghĩa này không nhắc tới chữ già.
Gần năm năm nay, tôi hiểu được thế nào là lão hóa. Trước
đây, khi nghĩ đến lão hóa thì nghĩ đến bậc cha mẹ mình. Bây giờ nó đã đến với
mình mà lại còn sớm hơn nữa. Trong ba chị em bạn chơi với nhau, đứa bị phong thấp,
đứa bị tai lùng bùng ( ear ringing). Riêng tôi sau mấy mươi năm ngồi làm việc,
hậu quả là đau thần kinh tọa. Và thế là chúng tôi bắt đầu một hành trình mới. Một
cuộc tìm kiếm luyện tập thể dục trao đổi với nhau. Khí công hay yoga? Có cần đi
gym hay là chỉ luyện tập ở nhà? Cả một bài học mới mà trước đây tôi chưa hề biết
đến.
Ở tuổi sáu mươi, như nhánh sông trôi dần xa, và một cuộc
phiêu lưu mới bắt đầu. Sáu mươi chính là tuổi ba mươi lần thứ hai.
Tuyết Vân
________________________________________
No comments:
Post a Comment