Death Test có thể tiên tri thời điểm chết
Bài HOÀI MỸ
không để ý nhất và chưa chuẩn bị gì “hành trang lên đường” là hắn “thừa thắng xông lên” mà chiếm đoạt “của quý” nhất của “thân chủ” - ấy là Sự Sống. Tuy nhiên vẫn có sự khác biệt: Tên trộm thứ thiệt một khi đã biết chắc gia chủ vẫn tỉnh giấc và đang canh phòng với cây xà-beng và cái búa tạ trong tay thì... bố bảo y cũng chẳng dám “uống thuốc liều” tiếp tục lẻn vào “mần ăn,” trái lại hắn sẽ nhẹ nhàng “rút lui có trật tự” để rồi hoặc bỏ cuộc luôn hoặc chờ đợi “cơ hội bằng vàng” khác.
Trong khi ngược lại, sự chết thì bất kể thời gian, hoàn cảnh hay điều kiện, cứ “vô tư” mà cuỗm đi sinh mạng của thiên hạ một cách tuyệt đối bình đẳng, nghĩa là chẳng cần phân biệt nam, phụ, lão, ấu hay giữa các đấng quyền cao chức trọng và giới khố rách áo ôm hoặc giữa các kẻ “vai u thịt bắp” vốn bốn mùa đều “khỏe như trâu” lẫn những người bệnh tật triền miền, yếu đau “can không nổi.”..
Ngoài ra, xin mạn phép đề nghị mỗi cá nhân chúng ta buồn buồn thì cứ thử thả bộ tà tà ra một nghĩa trang nào đó mà đọc những hàng chữ trên các mộ bia, sẽ thấy chưa chắc phía “hưởng thọ” hay phe “hưởng dương,” bên nào “dân số” đông hơn bên nào. Mà nếu vớ được “dịp may hiếm có” mà... phỏng vấn khối “âm binh” ấy về thời điểm lìa đời thì bảo đảm tới 99 phần trăm họ sẽ trả lời, “đâu ngờ đã tới ngày... tận số.”
Sau đó, cũng không nên bỏ lỡ “ngàn năm một thuở” để hỏi tiếp: Nếu được biết trước ngày chết thì thời gian còn sống trước ngày chính thức ra đây... “ngủ với giun dế” thì quí vị đã quyết tâm làm những gì? Hẳn nhiên chúng ta sẽ được nghe vô số câu trả lời tuy khác nhau nhưng thảy đều vô cùng “ấn tượng” trước một chữ “nếu” vốn chẳng bao giờ hiện hữu trong tự điển của thế giới “âm.”
Bản thân tôi chưa từng được chứng kiến một trường hợp nào về một người vốn được biệt lệ mà sung sướng biết trước ngày giờ lâm chung của mình, nhưng tai tôi nghe bè bạn kể thì nhiều và mắt đọc sách cũng lắm. Sự kiện này vốn mâu thuẫn với những điều vừa trình bầy trên đây nên tôi nhận thấy cần phải nhắc đến những gì mình đã “tiếp thu” từ “ngoại thất,” kẻo bị mang tội cố tình ”bóp méo sự thật” hoặc chủ trương thiếu trước hụt sau. Thánh nhân vốn khôn ngoan và biết rào trước đón sau, cũng đã dạy: “Cẩn tắc vô ưu.” Hơn nữa đề phòng có độc giả đã là chứng nhân của các “sự cố” ấy lại mắng cho là, “biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe.”
Trường hợp các đạo sĩ và võ sĩ
Vâng, nghe nói thời xưa, một số cụ đồ Nho vốn sống một cuộc đời thanh bạch, kiểu Bạch Vân cư sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Một mai, một cuốc, một cần câu / Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.... Nhìn xem phú quí tựa chiêm bao”; trái ngược với một cụ Tú Xương “duy vật” vốn “bài bạc kiệu cờ cao nhất xứ / Rượu chè trai gái đủ tam khoanh” đến độ “lúc túng, toan lên bán cả trời”... Với lối sống “vô vi” - nhưng “vô vi” theo Đạo giáo không có nghĩa là hoàn toàn không làm gì, mà làm hòa nhập với Đạo như cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thể hiện - nhờ vậy người ta có thể nhận ra được cái lý lẽ sinh, tử. Nói thêm là Đạo chỉ cái tự nhiên, cái có sẵn một cách tự nhiên: “Người ta bắt chước Đất; Đất bắt chước Trời; Trời bắt chước Đạo; Đạo bắt chước Tự Nhiên.”
Điển hình như khi chiêm ngưỡng hình ảnh các Đạo sĩ, những người tu hành theo Tiên Đạo - cách tu ẩn dật - trở về với thiên nhiên, người ta không lạ thấy các thánh nhân này biết được mọi biến chuyển của thiên nhiên, trong đó có hoạt động “tử” của chính bản thân mình. Chẳng thế mà đã có cụ đồ Nho biết trước được ngày “qui tiên” của mình, nên cụ đã chay tịnh hai ba ngày trước cho tinh thần “nhẹ nhàng”; tới ngày “Thiên định,” cụ tắm rửa và xông hương thân thể, ăn mặc chỉnh tề rồi “đúng giờ” cụ lên giường nằm một cách thảnh thơi, “tự nhiên.” Vợ và con cháu đứng bao quanh nhưng “nhân vật chính” đã ra lệnh cấm khóc.
Thỉnh thoảng cụ bảo phu nhân hay người con lớn sờ chân, sờ tay. Cụ chỉ khẽ gật đầu, rất nhẹ nhàng khi vợ hay người con này cho biết: “Chân (hay tay) thầy đã lạnh” - cho đến khi: “Bụng thầy đã lạnh” là lúc cụ biết “giờ đã điểm”; cụ từ từ nhắm mắt và lâng lâng... ra đi. Vợ, con cháu lúc đó mới được “tự do” mà tha hồ... òa khóc.
Ngoài ra, trong Chưởng thuật, các võ sĩ... đắc Đạo là những người không chỉ điều khiển được các cơ bắp mà cả lục phủ, ngũ tạng. Một khi hoặc đã chán ngán nhân tình thế thái, hoặc lúc bị thua trận nhục nhã hay tới thời điểm muốn gác kiếm vĩnh biệt đời giang hồ... võ sĩ thường tìm đến một hang động hay một nơi thiên nhiên tuyệt vời rồi ngồi dựa lưng vào vách núi hoặc nằm sõng soài thong dong dưới một gốc cây cổ thụ hay trên một tảng đá, đoạn dùng ý lực “truyền lệnh” cho tất cả các bộ phận ở bên trong người... ngưng hoạt động vĩnh viễn. Thế là võ sĩ... lìa khỏi cõi trần ô trọc!
Thế nhưng, xin đừng độc giả nào đề nghị “vơ đũa cả nắm” cả trường hợp... tự vẫn vào đây kẻo lạc đề đấy!
Death Test có thể tiên tri thời điểm chết
Chớ thấy chữ “Death” - sự chết - mà cuống lên như bị cột pháo nổ vào bàn tọa mà phản đối các cuộc thử nghiệm này. Hơn nữa đây cũng không phải là lời “tuyên án tử hình” của các vị bác sĩ đối với các trường hợp bệnh nhân đã “hết thuốc chữa,” mà ngôn ngữ thông thường vẫn gọi là “bác sĩ chê rồi.”
Thí dụ điển hình, sau khi ngưng mọi việc chữa trị, bác sĩ cho bệnh nhân này về nhà “để sum họp mấy ngày cuối cùng với vợ (chồng) con,” hoặc ân cần đề nghị với thân nhân: “Ông ấy (hay bà) muốn ăn gì thì cứ cho ăn xả láng nhá; khỏi cần kiêng cữ gì nữa.”
Chẳng hạn nữa với chuyện hài vô duyên sau đây: Bác sĩ bảo gia đình mang bệnh nhân về nhà đồng thời viết y chứng với chữ “B.T.” to tổ bố. Không đầy hai ngày sau, bệnh nhân chết. Thân nhân bèn “xù” bác sĩ ra tòa vì tin tưởng chữ “B.T” là “bình thường” nên gia đình đã đãi tiệc bệnh nhân “tưng bừng hoa lá” với đầy đủ các “món ăn chơi” lẫn ăn thật; nào ngờ trước tòa án, họ mới hiểu ẩn ý của bác sĩ khi viết: “B.T.” là “Bó Tay”!
Các cuộc “Death Test” này có thể tiên đoán “cơ hội” của một người có thể “ra đi vĩnh viễn” trong vòng 5 năm. Đúng vậy, các nhà nghiên cứu đang phát triển một dự án thử máu vốn có khả năng cho biết những người đang “khỏe như vâm” và vẫn “thực như hổ” nhưng sẽ có thể “đi chuyến tầu suốt” trong vòng 5 năm sắp tới.
Đầu tiên là các nhà nghiên cứu Estonia (quốc gia ở vùng Baltic, thuộc Bắc Âu) đã thử nghiệm 9,842 người tình nguyện bằng cách phân tích bốn loại dấu hiệu sinh học (biomarkers) khác nhau khả dĩ cho biết nguy cơ tử vong tổng quát nơi một người vẫn đang làm chủ một “mens sana in corpore sano,” tức là “một tinh thần thanh sảng trong một thân xác khỏe mạnh.”
Tuy nhiên, chính các nhà nghiên cứu trên đây, dĩ nhiên không hẳn họ là những “con cháu Tào Tháo” chính hiệu, nhưng muốn thâu đạt được kết quả chắc ăn nên họ đã kêu mời các đồng nghiệp người Phần Lan hợp tác bằng cách tái thực hiện cuộc khảo cứu y chang vậy. Nhật báo The Telegraph viết: “Bởi thế các nhà nghiên cứu Phần Lan này đã thực hiện một cuộc thử nghiệm mới; lần này áp dụng vào 7,503 người.”
Cách nay hơn 2 năm, vào ngày 27 tháng 2, 2014, Giáo Sư Markus Perola thuộc Viện Y Tế và Phúc Lợi Phần Lan đã cho The Telegraph biết: “Kết quả hoàn toàn không tưởng tượng nổi. Ban đầu, chúng tôi không thể tin được. Quả thật đáng kinh ngạc là các dấu hiệu sinh học ấy lại có thể thật sự tiên đoán nguy cơ tử vong vốn không do nguyên nhân các chứng bệnh.”
Cuộc thử nghiệm này được phổ biến trên tạp chí y khoa nổi tiếng PLOS Medicine, cho thấy khi nào cả bốn “biomarkers” đều được phân tích chung với nhau và người này được tổng số điểm cao thì điều ấy cho thấy một tính chất dễ bị tổn thương (ý nói bệnh tật) nơi con người. Theo đó, 20 phần trăm chiếm được mối nguy cơ cao, đã chết trong vòng 5 năm (tính từ ngày được thử nghiệm), và 80 phần trăm vẫn sống tiếp theo sau 5 năm.
Giáo Sư Ola Myklebost, chuyên gia về quang tuyến và ung thư, xác quyết: “Họ đã làm hai cuộc thử nghiệm khác nhau vào hai dân tộc khác nhau mà theo đó kết quả tương tự thì đây là những dữ liệu vững mạnh.”
Nếu bạn có những dấu hiệu... chết trong vòng 5 năm sắp tới?
Đông người tỏ dấu sợ hãi không dám tham dự cuộc thử nghiệm, lý luận rằng nhỡ may mình vẫn khỏe mà lại biết mình có thể chết - cho dù những 5 năm nữa - làm sao có thể sống “bình chân như vại” hoặc tiếp tục giữ được tinh thần “thản đãng đãng” đây? Chẳng thà không biết “ngày tận thế” của mình để vẫn an tâm mà sống “vui như Tết,” có phải sss...sss...sss...sướ...ng hơn không? “Đời thiếu em rồi, vui với ai” vẫn OK hơn là đeo sẵn một “bản án tử hình” quanh cổ dẫu còn những 5 năm nữa mới có... hiệu lực.
Mạn phép nhắc lại việc Chúa Giêsu ví von tử thần giống tên trộm nhằm nhắc nhở rằng ai cũng phải chết, có điều chẳng ai biết trước ngày mình có tên trong bản Cáo Phó, bởi thế lúc nào cũng phải ăn ngay ở lành, giữ trọn thiện tâm để luôn ở thế sẵn sàng hầu đáp lại được ngon lành khi “Chúa gọi về” bất chấp thân nhân la lối: “Chúng tôi vô cùng đau đớn báo tin.”
Vậy mà nay nhờ “Death Test,” y khoa có thể không “đau đớn” nhưng khách quan cho biết một người dù chẳng thuộc họ “cao” (cao máu, cao mỡ, cao đường...) có “cơ hội” chết trong vòng 5 năm, thử hỏi thế có phải là “làm ơn làm phúc” không nào? Nếu muốn về “vui hưởng nhan thánh Chúa trên Thiên Đàng” hay muốn “mỉm cười nơi chín suối” hoặc “tiêu diêu miền cực lạc” thì có những 5 năm để tu thân tích đức nhằm nắm chắc tấm vé lên “chuyến tầu suốt” về nơi Hạnh Phúc Vĩnh Hằng mà mình từng ao ước.
Bằng ngược lại, không muốn “vui hưởng” hay chẳng thèm “mỉm cười” hoặc chê cảnh “tiêu diêu” như chủ trương trên đây thì cũng có khá nhiều thời gian - những 5 năm cơ mà! - để mặc sức hưởng thụ, nào “tứ đổ tường,” nào “tứ khoái,” nào nếu đã chán “hàng nội” thì tha hồ mà đi “trả thù dân tộc” hoặc theo André Gide mà đớp hít đủ thứ “Les nourritures Terrestres” (“The Fruits of the Earth”)...
Tuy nhiên, xin bình tĩnh! Các nhà nghiên cứu lại quan niệm khác khi cho rằng cuộc thử nghiệm trong tương lai có thể đóng góp vào việc “săn bắt” được những người vốn có nguy cơ tử vong cao, nhờ thế họ được theo dõi về y khoa mặc dù họ chưa để lộ dấu hiệu gì về một chứng bệnh.
Dù gì thì “Death Test” vẫn là tin vui mà y khoa đã và đang tiếp tục mang đến cho nhân loại. Đúng như lời Giáo Sư Markus Perola đã “hồ hởi phấn khởi” diễn tả với nhật báo The Telegraph: “Những sự khám phá này đã được lập đi lập lại, chúng tôi tin chắc cuộc thử nghiệm sẽ được phổ biến rất rộng rãi” - vào năm 2016? - hay 2018 - hoặc 2020?... Thôi thì cứ an vui mà “wait and se” vậy! (hm)
Hoài Mỹ - VienDongDaily.com
_________________________________________________
No comments:
Post a Comment