Phạm Lê Huy
“Xin đừng ai vội chê
trách chúng tôi sao lại nỡ “áo gấm về làng, cỡi ngựa xem hoa” trên nỗi cơ cực của
bao thân phận “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Xin thưa, chúng tôi nay đã
thất thập rồi, cần phải an hưởng tuổi già qua việc đi đây đi đó để ngắm nhìn
phong cảnh quê mình mà trước đây hơn nửa thế kỷ qua chúng tôi không có dịp để
ngao du sơn thủy... ”.
* * *
Sau “cú heart
attack thập tử nhất sinh” vào năm 2014 đó, năm này nhất định tôi phải đi Việt
Nam một chuyến mới được vì nghĩ rằng mình đâu còn nhiều ngày tháng nào nữa.
Vậy là vợ chồng
tôi chạy đi “shop around” giá vé máy bay. Được giá vé vừa túi tiền là chúng tôi
“chớp” hai vé ngay, không chần chừ chút nào.
Lúc chưa có
vé trong tay thì chúng tôi háo hức lắm; trong đầu hăm hở mở ra sẵn một “chương
trình đi dài ngày thật thú vị”. Nhưng khi cầm vé trên tay rồi thì lại thấy… lo
lo. Lo nhất là chẳng biết chuyện “nhập / xuất” có suôn sẻ không, có bị “ách lại”
ngay tại Tân Sơn Nhất như một vài người bạn đã bị không ? Nỗi lo này tôi giữ
riêng trong lòng, không cho bà xã biết vì sợ bả lo thêm. Nhưng rồi cũng “xuôi
chèo mát mái” thôi.
Đến phi trường, qua “ải hải quan” xong là lo “đối phó” với… taxi. Cũng may, bây giờ taxi không còn cái nạn tài xế “chạy vòng vòng” hoặc “độ lại taxi-mét”. Ấy là nhờ hai hãng taxi VS và ML cạnh tranh nhau nên hành khách được hưởng theo giá… taxi-mét. Vào thời điểm này, báo chí cùng đài truyền hình có phàn nàn giùm cho bà con là “Giá xăng xuống mà sao giá đi taxi không xuống theo”. Và, lời phàn nàn vẫn cứ “vô tư”… phàn nàn tiếp…
Đến phi trường, qua “ải hải quan” xong là lo “đối phó” với… taxi. Cũng may, bây giờ taxi không còn cái nạn tài xế “chạy vòng vòng” hoặc “độ lại taxi-mét”. Ấy là nhờ hai hãng taxi VS và ML cạnh tranh nhau nên hành khách được hưởng theo giá… taxi-mét. Vào thời điểm này, báo chí cùng đài truyền hình có phàn nàn giùm cho bà con là “Giá xăng xuống mà sao giá đi taxi không xuống theo”. Và, lời phàn nàn vẫn cứ “vô tư”… phàn nàn tiếp…
Từ phi trường
về nhà, thấy mà phát khiếp. Người đi bộ chen chân với xe gắn máy, xe gắn máy
chen bánh với “ô-tô nhớn, ô-tô con”. Tôi thấy rõ ràng xe gắn máy cứ nhắm ngay
giò người đi bộ mà lao tới. Nếu băng qua đường mà người đi bộ “nhát đòn” thì
còn lâu mới qua được bên kia.
Nhớ lại lời
nói vui vui nhưng thực tế của chú Tour Guide khi đi miền Tây mà thấy đúng y
boong : “Người nước ngoài thích đến Việt
Nam thăm chơi là vì ba lý do. Thứ nhứt giá sinh hoạt rẻ, thứ hai thức ăn ngon,
và thứ ba khi ra đường nhớ… cầu nguyện”. Có lần vợ chồng tôi đánh bạo cầm
chặt tay nhau vừa băng qua một ngả tư vừa… cầu nguyện. Thấy bộ tịch vợ chồng
tôi như “Mán ở rừng mới về”, có tiếng
chọc quê vói theo: “Không phải lối đó,
qua không được đâu… Dừng lại đi… !”.
Lại nhớ năm
trước xa, tôi mượn xe gắn máy của chú em, liều mạng dạo thử một vòng quanh Phú
Nhuận. Đến một ngả tư gặp đèn đỏ, tôi dừng lại chờ đèn xanh. Bỗng có bàn tay ấn
mạnh vai tôi, và một cái giọng oai phong lẫm liệt thét lên :
- Đi đi chớ… Cha nội !
- Đèn đỏ mà anh ! – Tôi giựt mình trả lời.
Cái giọng oai
phong lẫm liệt đó lại gằn lên :
- Đỏ cái con mẹ gì !
Rồi cái “con
người hùng” đó lách xe qua một bên lao vút qua bên kia ngả tư một cách rất chi
là… “yên hùng”. Tôi lắc đầu… Phục lăn.
Về nhà nhỏ em,
vợ chồng tôi nghỉ “hoàn hồn” mấy ngày. Nhỏ em gợi ý : “Nhà dư xe gắn máy, anh chị có đi đâu thì lấy đi”. Tôi nói : “Cám ơn em. Anh không dám, vì sợ người ta
tông mình, chớ không phải sợ mình tông người ta” - Nhỏ em cong mỏ lên, nói khích: “Anh chị ở bển lái xe bốn bánh, dzề đây lái
xe hai bánh mà sợ gì” - Tôi “hùng hồn” đáp lại : “Hừừmm… Xe bốn bánh có vỏ che cho mình, còn xe hai bánh thì đâu có gì
che”.
Được biết Sài
Gòn vừa mới có khu phố Đi Bộ, chúng tôi cũng đến đó dạo chơi cho biết. Khu này nằm
trên đại lộ Nguyễn Huệ, trải dài từ Tòa Đô Chánh cũ đến bến Bạch Đằng. Hằng
ngày vào khoảng 6 giờ chiếu thì xe gắn máy xe hơi không được chạy qua khu vực
này để phố Đi Bộ đón khách. Vì là mới thành lập nên khu phố này hãy còn đơn sơ
lắm. Chiều chiều nam phụ lão ấu đến dạo mát thật đông. Chưa có nhiều loại hình
sinh hoạt gì mấy. Có vài nhóm thanh thiếu niên Nhật, Việt quay quần bên nhau đờn
ca hát xướng. Có khu nhạc nước thay đổi sắc màu theo tiếng nhạc…
Rời khu phố Đi Bộ, chúng tôi tản bộ đến nhà sách Khai Trí cũ trên đại lộ Lê Lợi - nơi mà trước kia không có chiều cuối tuần nào mà chúng tôi không ghé nơi này.
Rời khu phố Đi Bộ, chúng tôi tản bộ đến nhà sách Khai Trí cũ trên đại lộ Lê Lợi - nơi mà trước kia không có chiều cuối tuần nào mà chúng tôi không ghé nơi này.
Nhác thấy bảng
chữ đèn Nhớ Sài Gòn Xưa, tôi chớp
ngay pose hình. Giờ này tiệm đã đóng cửa. Nhìn vào bên trong qua khung cửa
kính, chúng tôi thấy thấp thoáng bên trong là những vật lưu niệm cùng những cuốn
sách xưa mà có một thời gian thật dài sau bảy-lăm bị cấm lưu hành. Đến gần góc
đường Pasteur kế đó, tôi bâng khuâng nhớ lại quán nhạc Minh Phát năm xưa mà tôi
thường ghé đến mua những tờ nhạc rời mà tôi từng chắt chiu sưu tầm lưu trữ. Bên
kia ngả tư là tiệm nước mía Viễn Đông (nay đã thay chủ đổi tên)…
Tôi không dám
dừng chân lâu nơi này vì sợ mình lại… mủi lòng…
* * *
Miền Tây… À, phải
rồi Miền Tây… ! Tôi nói với bà xã : “Mình
phải đi miền Tây một chuyến mới được… Xưa giờ mình chưa biết miền Tây… ”.
Vậy là chúng tôi
lấy Tour Sinh Thái bốn ngày ba đêm đi Châu Đốc - Rừng Tràm Trà Sư - Hà Tiên - Rạch
Giá - Cần Thơ, chủ yếu là đi viếng thăm những di tích và quang cảnh thiên nhiên.
Chú Tour Guide thật trẻ, đẹp trai và và lịch sự. Nếu du khách yêu cầu thì chú
cũng sẵn sàng ca cải lương vọng cổ cho nghe. Với trí nhớ tốt và tầm hiểu biết sâu
rộng, đi tới đâu chú giới thiệu và giải thích cặn kẽ tới đó. Miền Tây Nam Bộ thật
đúng là Sông Nước Miền Tây, đâu đâu cũng thấy một vùng sông nước mênh mông. Nhiều
nhánh sông có bề ngang rộng mút tầm mắt. Quang cảnh thiên nhiên và các kiến
trúc xưa cổ ở đây thì thật cũng đáng cho một chuyến thăm chơi của du khách.
Chùa Bà Chúa
Xứ Châu Đốc thật đẹp và trang nghiêm. Nghe nói Bà Chúa Xứ linh thiêng lắm nên rất
nhiều bà con khắp nơi đến đây thắp nhang cầu xin. Mắm cá khô Châu Đốc đủ loại cũng
rất được nhiều người ưa chuộng, nhất là… dân nhậu.
Hai chiếc tắc
ráng rẽ nước luồn lách trong khu Rừng Tràm Trà Sư đưa chúng tôi qua những bụi
tràm lấp xấp nước phù sa óng ánh màu huỳnh thổ vì lúc này chưa phải là mùa nước
nổi. Đến nơi nào mà tắc ráng không qua được thì chúng tôi lại sang đò ngang với
những cô lái đò mặc đồng phục áo bà ba xanh dương đội nón lá tươi tắn xinh xắn.
Hà Tiên có
Chùa Hang với các pho tượng Phật khói hương nghi ngút trong lòng hang. Hà Tiên có
Lăng Mạc Cửu uy nghi, rộng thoáng. Mạc Cửu là
người Quảng Đông, Trung Quốc, vì không chịu để tóc và theo một số tập tục của
nhà Thanh nên đã rời bỏ đất nước để ra đi buôn bán thương mại ở một số nước
Đông Nam Á. Ông là người có công khai phá mảnh đất Hà Tiên.
Hà Tiên còn
có Hòn Phụ Tử (còn được gọi là Tiểu Hạ Long Phương Nam thuộc miến Tây Nam Bộ). Tương truyền rằng,
xưa kia ở vùng biển này có con thuồng luồng rất hung dữ, hay đánh đắm thuyền bè
để ăn thịt ngư dân. Bên chân ngọn An Hải Sơn, cạnh Chùa
Hang,
có hai cha con làm nghề chài lưới. Quá bất bình trước tình cảnh này, người cha
quyết lòng tiêu diệt con ác thú trừ hại cho bà con. Sau khi tính hết kế, cuối
cùng ông thấy chỉ còn cách hy sinh thân mình mới mong giết được con thuồng luồng
này. Thế là ông liền tẩm thuốc độc vào mình, nằm sát mé biển để dụ con ác thú.
Thấy mồi ngon, con thuồng luồng đến cắn đứt đầu ông, nó trúng độc rồi chết. Người
con đi tìm cha, bắt gặp xác cha cụt đầu liền ôm lấy khóc thương thảm thiết.
Không ngờ chất độc từ người cha thấm qua khiến người con trúng độc rồi chết. Trời
nổi giông bão, mưa suốt mấy ngày liền. Và nơi hai cha con nằm mọc lên hai hòn
đá lớn và nhỏ. Hòn to là cha và hòn nhỏ là con, nên người dân gọi là hòn Phụ Tử.
(Theo Wikipedia).
Từ Hà Tiên chạy
ngược về hướng đông nam là Rạch Giá. Nơi này có Đền Thờ Nguyễn Trung Trực. Ngài
là vị Anh Hùng Dân Tộc chống Pháp, bị Pháp xử chém năm 1868 tại Rạch Giá. Trước
ngôi đền này có pho tượng của Ngài bằng đồng đen do dân địa phương lập nên.
Từ bến Ninh Kiều ngược theo dòng sông Cần
Thơ vài cây số là đến Chợ Nổi Cái Răng, đây là nơi du lịch mà du khách không thể bỏ qua
khi đến Cần Thơ. Từ Cái
Răng được đọc trại ra bởi từ “kran” của người Khmer; lâu dần biến thành từ của
người Việt Nam : cà-ràng rồi Cái Răng.
Đó là cái bếp
lò bằng đất (kran) rất tiện dụng trên ghe thuyền vì nó che được gió và không sợ
cháy nám lòng thuyền.
Chợ
Cái Răng được
họp bởi nhiều loại thuyền lớn nhỏ, chuyên buôn bán các
loại trái cây và đặc sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Các ghe thuyền buôn
bán ở đây thường không có bảng hiệu. Ghe thuyền bán món
gì người ta treo món đó làm mẫu
trên ngọn sào - gọi là cây bẹo - cắm
ở mũi thuyền. Cũng có những chiếc ghe thuyền chở các mặt hàng khác cung cấp cho bà con miệt vườn như xăng
dầu, muối mắm, thuốc tây, bánh kẹo… và nhu yếu phẩm. Do nhu cầu của người đi
chợ, nên các dịch vụ khác như phở, hủ tiếu, cà phê, quán nhậu nổi… cũng ra đời.
Lại nữa, cũng cần phải kể đến loại hình nghệ thuật Đờn
Ca Tài Tử nữa. Chú Tour Guide nói : “Đến
miền Tây mà chưa nghe đờn ca tài tử thì coi như chưa đến miền Tây. Cũng như đến
Bình Định mà chưa nghe ca Bài Chòi, Hát Bội thì coi như chưa đến Bình Định”.
Quả vậy, Đờn
Ca Tài Tử thật hấp dẫn lôi cuốn làm sao ! Vào bất
cứ restaurant nào ở miền Tây này, bên cạnh thức ăn đặc sản, chúng ta còn được thưởng
thức món ăn tinh thần, đó là Đờn Ca Tài Tử. Ban đờn ca nào cũng chỉ cần một / hai
nhạc sĩ và một / hai ca sĩ là đủ làm “mê tơi” người nghe.
Với chất giọng
Sông Nước Miền Tây mộc mạc ngọt ngào đằm thắm, cô ca sĩ miệt vườn vừa ca dứt
trích đoạn Tình Anh Bán Chiếu là thực khách vỗ tay tán thưởng rần rần. Cổ ca tiếp
bản tân cổ giao duyên Chuyện Hoa Sim. Thực khách lại vỗ tay tán thưởng. Được trớn,
tôi yêu cầu bản Những Đồi Hoa Sim, nghe phê thấu trời xanh… Cám ơn nhóm Đờn Ca
Tài Tử đã dìu chúng tôi chìm vào những giây phút tình xưa quê cũ quí hiếm đó.
* * *
Rời Sài Gòn vợ
chồng tôi về Qui Nhơn, miền “đất ruột” của chúng tôi là đây với nhiều bà con
thân quyến, bạn bè cũ mới, một số thân hữu trên diễn đàn… Tôi đã được gặp họ. Vui
và cảm động biết bao !
Cũng như những
khu phố khác, khu phố tôi thay đổi khá nhiều. Chỉ còn lại vài ba người cũ, lớp
người mới thì nhiều hơn. Thành phố được mở rộng thêm ra, hết chiến tranh rồi
thì mở rộng gì chẳng được. Nhưng cái khó là làm sao cho “Thuận ý trời vừa lòng dân”.
Dạo chơi
quanh quẩn Qui Nhơn và vùng phụ cận được hai tuần, chúng tôi đáp xe lửa ra Đà Nẵng.
Vừa đến ga Đà Nẵng chúng tôi leo xe buýt xuống Hội An ngay để kịp ngắm Phố Cổ
này đẹp nổi tiếng với đèn lồng về đêm. Đêm Hội An thật êm ả và lung linh huyền ảo
bởi những con phố nhỏ đầy đèn lồng nhiều màu sắc. Nhiều đèn hoa được du khách
thả trôi lững lờ theo dòng sông phẳng lặng êm đềm. Du khách nước ngoài đến thăm
chơi Hội An khá đông.
Chúng tôi thích thú hàng giờ đồng hồ ngồi nghe ca Bài
Chòi Hội An mà nghệ nhân là những thanh niên thiếu nữ trẻ thật trẻ, tuổi chừng
trên dưới ba-mươi. Các em ca diễn thật hay, thật chuyên nghiệp. Chơi Bài Chòi
có thưởng như chơi Lô Tô vậy. Có điều lạ là khách nước ngoài tre trẻ cũng hào hứng
tham dự trò chơi này.
Trưa hôm sau chúng tôi lại leo xe buýt về lại Đà Nẵng
ngay để cùng các bạn đồng môn tham dự ngày Đại Hội Sư Phạm Qui Nhơn.
Trong chương trình họp mặt cũng có các chuyến đi thăm
chơi những nơi nổi tiếng, sáng đi chiều về. Nào là Bà Nà Hill, bãi biển Mỹ Khê
có khu tắm bùn Galina; nào là Ngũ Hoành Sơn với đá Non Nước, Hội An; nào là ngắm
nhìn các cây cầu đẹp trong thành phố Đà Nẵng. Buổi tối lại đi du thuyền trên
sông Hàn xem tượng Cá Chép phun nước, xem cầu Đổi Màu, xem Cầu Rồng phun lửa.
Ngày Đại Hội
đông quá, thật vui. Có đến 450 người về từ khắp nơi - từ Sài Gòn đến Quảng Trị
và nước ngoài. Các đồng môn cũ chúng tôi gặp lại nhau thật vui, mừng lắm; chào
hỏi giòn tan với những nụ cười rạng rỡ trên môi tuy ai nấy cũng đã “bảy / tám
bó” rồi.
Theo tôi, phần
văn nghệ trong ngày Đại Hội này có hai tiết mục đặc sắc là ca diễn dân ca Quảng
Nam qua hoạt cảnh Dùi - Chiêng thật vui nhộn, có ý nghiã sâu sắc và “các nước”
trên thế giới đến dự Đại Hội do quý Cựu Nữ Giáo Sinh hóa trang thật khéo léo và
xinh đẹp, thể hiện được nét đặc trưng của từng quốc gia.
Đại Hội kết
thúc, chúng tôi hỏi xem cách ra Huế như thế nào, thì may quá, các anh chị ở Huế
về dự Đại Hội sắp sửa về lại ngoài đó, kêu chúng tôi đi cùng. Vậy là chúng tôi được
tháp tùng miễn phí theo xe đã được thuê bao này. Lại thêm một chuyện may trước
đó nữa là chúng tôi được anh Ph. (bạn đồng môn vừa mới quen trong ngày này) giới
thiệu đến khách sạn của người nhà anh ấy ở đường Nguyễn Tri Phương - Huế.
Đến Huế khoảng
4 giờ chiều, chúng tôi tức tốc đến ga Huế lo mua vé tàu vô lại Đà Nẵng ngày hôm
sau để kịp chuyến trở về Qui Nhơn theo như vé khứ hồi đã mua trước. Chiều tối
hôm đó, chúng tôi dạo bộ qua cầu Tràng Tiền, dạo chơi một vài nơi bên bờ sông
Hương. Rồi thử ăn bánh canh gánh trước trường Trung Học Kiểu Mẫu cũ. Một du
khách nước ngoài đi ngang qua, thấy gánh bán thức ăn ngồ ngộ cũng ngồi xuống cạnh
chúng tôi, hỏi han đôi câu rồi mua một tô; vừa ăn vừa xuýt xoa hít hà cái hương
vị cay cay đậm đà đặc biệt của Huế. Vậy là tôi đã làm thông ngôn bất đắc dĩ cho
khách và chủ gánh. Cô chủ gánh cám ơn tôi rối rít.
Sáng sớm ngày
hôm sau, chúng tôi dạo chợ Đông Ba, ăn bún bò rồi tản bộ dạo phố Trần Hưng Đạo,
uống cà phê vỉa hè tại đây. Quán cà phê Lạc Sơn gần chợ Đông Ba, rạp ciné Trần
Hưng Đạo, nhà sách Ưng Hạ… nay không còn nữa. Tôi chợt nhớ tiệm mè xửng Song Hỷ
trên đường Phan Bội Châu, nhớ Kim Long, nhớ căn nhà trọ học ngày xưa của anh em
tôi ở đường Phạm Ngũ Lão… Với Huế tôi cũng có nhiều kỷ niệm để nhớ lắm chớ,
nhưng giờ tôi đâu còn nhiều thì giờ nữa mà ghé thăm.
Qua cổng Đinh
Tiên Hoàng chúng tôi dạo bộ vô Thành Nội, may mắn gặp một anh xích lô trẻ tuổi,
nhanh nhẹn hoạt bát chở đi một vòng thăm viếng vài nơi cổ kính trong Thành Nội.
Anh ấy chụp cho chúng tôi nhiều tấm hình đẹp. Ảnh lại có sáng kiến vui vui là
chụp hình tôi đạp xích lô chở bà xã mình, coi “tình” hết sức. Ảnh lại tưởng tôi
người Huế nên hỏi : “Anh về lại Huế thấy
có thay đổi nhiều không ?”. Tôi cười trong bụng, đáp tỉnh bơ : “Thay đổi nhiều lắm chớ !”. Tôi hỏi : “Anh có biết nhà thơ Phương Xích Lô không ?”
- “Biết chứ… Anh ấy làm thơ thật dễ dàng… Anh ấy dễ thương ai cũng mến… Anh ấy
chết rồi… !” – “Tôi biết, tôi biết… Thật tiếc… Anh ấy là một thi tài”. Xin
trích một đoạn trong bài thơ Xích Lô Hành của anh :
Ta
xích lô hề ! Người xích lô
Từ đây thôi phải đạp xe thồ
Trước chơi hai bánh chừ ba bánh
Trước chở một cô chừ bốn cô…
Từ đây thôi phải đạp xe thồ
Trước chơi hai bánh chừ ba bánh
Trước chở một cô chừ bốn cô…
Chúng tôi
chia tay anh bạn xích lô vui tính tốt bụng rồi bước qua công viên bên kia đường,
trước kỳ đài Phú Văn Lâu, đi dạo một chút rồi về khách sạn sửa soạn để kịp ra
ga Huế lúc 10 giờ sáng cùng ngày, để vô Đà Nẵng về Qui Nhơn.
Chào tạm biệt
Huế, Đà Nẵng, Hội An… ! Tạm biệt những người bạn mới của chúng tôi !
* * *
Những ngày
còn lại ở Qui Nhơn, Sài Gòn chúng tôi quyến luyến nhiều những gì mình đã gặp và
nuối tiếc nhiều những gì mình chưa được gặp. Thôi thì hẹn vào dịp khác vậy nha,
nếu có duyên !
Lại chào tạm
biệt Qui Nhơn, Sài Gòn / Việt Nam… Chào tạm biệt những người thân và bạn bè cũ
/ mới của chúng tôi.
Thân ái,
Phạm Lê Huy
(Los Angeles, April - 2016)
___________________________________________________________
No comments:
Post a Comment