Quinhon11
Thời tiết tháng ba đã ấm áp lên nhiều. Tuy vậy bác mặt trời mấy hôm nay vẫn còn lười biếng thức dậy muộn, nhường chỗ cho sương mù lãng đãng bay. Sáng sớm, cái vòi phun nước gần ngã ba hồ chưa làm việc, bầy vịt không thấy bóng người cũng yên lặng, le te bơi lên bơi xuống kiếm ăn. Trong màn sương mênh mông, vạn vật như nửa mê nửa tỉnh. Tâm tư mình dường như cũng thế, cũng đang lan man nơi chân mây. Giữa trời và đất...
Hôm qua nhận được bài chuyển tiếp từ anh TL, bài viết về vấn đề người già ở Mỹ, chợt nhớ tới lần nói chuyện với chị O gần đây, bắt đầu từ chuyện làm ăn buôn bán, lan man qua chuyện con cháu rồi mình im luôn, vì đề tài này nhạy cảm lắm, nhất là với những người có tuổi.
Chị Viết rằng: "Chị thấy em hay. Hay là em đã hội nhập được cái văn hoá văn minh tân tiến, thực tề của người Mỹ. Riêng chị, chị đã cố gắng rất nhiều, rất..rất nhiều - có khi gần như phải cắn răng để sống như vậy - Nhưng rồi vẫn không được - hoàn toàn không được - Chị vẫn đeo, vẫn bám vào con, vào cháu, vào dâu: làm được gì là cảm thấy vui, và coi đó là hạnh phúc của mình..".
Thật ra mình chẳng dám lạm bàn về vấn đề sai đúng ở đây. Mình ngừng cuộc đối thoại vì mình hiểu, chẳng ai có thể thay đổi ý nghĩ quan niệm sống của người khác, ngoại trừ chính họ. Tuy nhiên quan điểm mình rất rõ ràng là mình có thể chọn lựa tư tưởng hội nhập, thay đổi bản thân để phù hợp với xã hội, dòng chảy hiện tại cùng con cháu, hay chọn cách đứng lại một chỗ mà theo chủ quan, đây tất yếu là chỗ đứng của mình, của bật cha mẹ thế thì phải thế từ ngàn năm trước?. Công bình mà nói, mình có quyền đó và không có gì sai. Tuy nhiên ở đây có chút khập khểnh: Phần mình còn có sự lựa chọn, nhưng con cháu thì không.!
Thế hệ con cháu ngày nay, chúng không có sự chọn lựa. Chúng còn trẻ, phải xông pha hội nhập với đời. Chúng tiến thẳng về phía trước như là một chuyện tự nhiên, như mũi tên bật ra khỏi dây cung.. không thể dừng hay chậm lại. Nếu mình không theo kịp hay chọn đứng lại thì khoảng cách sẽ ngày càng xa.
Mọi thứ trên đời này không có gì bất biến, kể cả tình thương. Tình thương nếu đến một cách nhẹ nhàng, tự nhiên sẽ dễ thăng hoa. Một khi trở thành sự đeo bám, khiêng cưỡng. Một gánh nặng, làm mỏi vai, đau ngực, thì dù muốn dù không tình thương đó cũng sẽ bị biến thể. Dẫn tới sự việc làm đau lòng, tổn thương cho cả đôi bên. Mà chúng ta, bật làm cha mẹ ở tuổi gần đất xa trời, tương lai đã lùi về phía sau, trước mặt chỉ còn niềm vui con cháu, thì thử hỏi còn có nỗi đau nào hơn?
Từ những kinh nghiệm va chạm của lớp người đi trước, hay ngay cả trong đại gia đình mình hiện tại, mình đã rút ra một đều: "mọi thứ đều phải có sự tương đồng". Mình muốn gần gũi con cháu và coi đó là niềm vui, là hạnh phúc. Nhưng con, cháu, dâu, rể có thấy gần mình là niềm vui, là hạnh phúc hay không thì lại là chuyện khác. Và sống làm sao để tạo được sự tương thông, đồng cảm hai bên để cùng yêu thương nhau, là một vấn đề.. tuy đơn giản nhưng khó vô cùng.
Hai từ yêu thương, với mình phải luôn đi kèm với hai chữ hy sinh. Khi yêu thương ai, mình luôn muốn người đó hạnh phúc, và làm mọi thứ để người đó hạnh phúc, cho dù phải hy sinh mọi thứ của bản thân mình. Đó mới thật sự là yêu thương. Nếu yêu thương ai mà chỉ nghĩ đến niềm vui, hạnh phúc của chính mình, muốn đối phương phải làm mình vui, làm mình hài lòng, thì thật ra mình chỉ yêu chính mình chứ không phải yêu ai khác.
Một khi nghĩ thấu suốt, buông bỏ được cái tôi thì tự nhiên mọi việc sẽ trở nên nhẹ nhàng. Một khi không còn là gánh nặng cho nhau, bạn sẽ thấy kết quả thật bất ngờ. Tình cảm thăng hoa. Cha mẹ, con cháu, dâu rể, sui gia đề huề hạnh phúc. Đó là kinh nghiệm bản thân mà vợ chồng mình đã nỗ lực, tranh đấu tư tưởng, buông bỏ nhiều thứ, khó khăn lắm mới đạt được. Đó là cái kết quả đánh đổi bằng việc đi qua nhiều cung bực cảm xúc. Từ nước mắt, sự chua xót .. giận dữ .. chấp nhận .. để rồi sau cùng nhìn lại kết quả hiện tại mình rất vui khi nhận ra rằng mình đã đi đúng hướng. Có hạnh phúc nào mà không trả giá?.
Mình có biết một bà Bác là sui gia với Ba Mẹ mình. Gia đình con đông, hết thảy đều thành đạt. Ông bà được con bảo lãnh qua Mỹ sau này. Chính những xung đột khác biệt giữa Đông &Tây, giữa hai thế hệ, và giữa các con đã làm ông bà buồn lòng đau khổ, rồi ông bị tai biến mạch máu não, liệt nữa người. Ít lâu sau thì qua đời.
Bà Bác lúc này đau khổ lắm, nhưng cũng chính sự đau khổ đó đã làm người đàn bà Bắc kỳ trên 70 tuổi, có vẻ ngoài nhỏ nhắn, yếu đuối này trở nên cực kỳ mạnh mẽ. Đám tang ông xong, bà bảo con xin nhà chính phủ cho bà ở riêng. Bà thẳng thắng đưa ra lý do: con đông, có đứa không hạp nhau, nếu ở với đứa này đứa kia sẽ không thể tới thăm, nên bà muốn ở riêng để không mất đứa con nào. Ai muốn đến thăm bà lúc nào cũng được tự do, thoải mái. Hơn nữa bà cũng cần sự riêng tư, iên tĩnh cho chính mình.
Ngăn cản, thuyết phục không được, các con đành phải xin nhà chính phủ cho bà ở riêng. Cũng may chính phủ Mỹ không bạc đãi người già. Bà được cấp căn chung cư một phòng ngủ, tuy nhỏ bé nhưng yên tịnh trong một khu dành cho người cao niên. May mắn bà có được mấy người hàng xóm kế bên là người việt nam. Đồng bệnh tương lân lúc trái nắng, trở trời, họ qua lại giúp đở, chia sẻ nhau miếng ăn thức uống.
Mỗi tuần 2 lần, sở xã hội cho người đến dọn dẹp, giặt giũ cũng như mua thức ăn dùm. Bà từ chối tất cả trợ giúp tài chánh của con cháu. Bà thường bảo: "Tôi già rồi, không cần gì hết. Chính phủ nuôi tôi cũng đầy đủ, các Anh chị không cần phải lo". Cứ thế mà bà sống một mình đã gần hai mươi năm.
Có mấy lần bệnh nặng, tưởng không qua khỏi, bà nhờ một đứa con, chở tới từng nhà. Mỗi đứa con, bà đưa cho mấy lượng vàng được gói ghém chỉnh chu và bảo: Đây này, những gì tôi có, tôi chia đều hết nhé, đến lúc tôi nằm xuống, các anh chị khỏi thắc mắc tiền của tôi ở đâu, còn hết ?.
Cách sống của bà như thế, không bi lụy, không than thân trách phận, chấp nhận mọi việc một cách vui vẽ. Con cháu tới thăm bà ân cần tiếp đón, giữ khoảng cách vừa phải. Có nhiều khi cho tiền bà không lấy, các con lén nhét dưới gối, dưới chăn. Gom góp hết bà nhờ đứa con gái út đi đánh sợi dây chuyền để dành cho thằng cháu nội đích tôn, đánh chiếc vòng tay làm quà cho con cháu gái sắp tốt nghiệp. Bánh trái đồ ngon ai cho, Bà cũng để dành cho cháu. Cháu đứa nào tới chơi, không quà thì bánh, thỉnh thoảng bà cũng lén cha mẹ chúng nhét tiền cho, nên các cháu đứa nào cũng thương quí, muốn gần bà..
Cứ thế Bà sống an lành, thanh thản. Mấy tháng trước về SJ, mình có ghé thăm. Thấy lúc này bà yếu nhiều, đi đứng phải chống gậy. Nói chuyện với mình, đôi mắt người đàn bà ở tuổi 90 vẫn long lanh sắc sảo. Cái nhân dáng mảnh mai, cái lưng đã còng kia vẫn toát lên một nghị lực phi thường. Bà nói: nhờ ơn trời, tôi vẫn còn còn tự lo cho mình được. Lúc nào không còn tự lo được nữa thì vào dưỡng lão. Ngừng một lát .. Bà bình thản nói tiếp: "đời sống vốn là như thế và sẽ là như thế.. chị à!"
Thú thật, bà Bác này là khuôn mẫu, là hình tượng mà mình muốn hướng tới. Mình ước ao đến lúc về già mình có thể sống như vậy, làm được như vậy. Cái danh từ "can trường - đảm lược" không hề cao xa, hay phải là bật đại trượng phu lưng dài vai rộng mới làm được. Cái cụ bà lớn tuổi, nhỏ nhắn, ốm đau này chẳng phải đang làm rất tốt đấy ư? Chính cái ý chí: thà mình làm tổn thương chính mình, chứ nhất định không để những người mình thương yêu làm tổn thương mình, đã giúp bà sống một đời đáng sống. Con cháu, dâu rể không một người dám coi thường bà..
Mình đang tập từng ngày, để sống và chết như bà. mình cũng tin vào câu nói của bà:
"đời sống vốn là như thế và sẽ là như thế.."
Quinhon11
_________________________________________________________________
FR: Nguyễn Đ T
ReplyDelete________
Cảm ơn chị QuiNhon11 bài viết này.
Già hay trẻ, trong cuộc sống nơi xứ người, mình phải mở rộng tâm mình
ra, học hỏi những cái hay của văn hóa nơi xứ này, buông bó bớt định
kiến, như bà cụ trong bài viết, sống để con cháu nê vì không
là gánh nặng của chúng.
Kính chúc chị và gia đình an vui, hạnh phúc .
Ngguễn Đ Thành