Sunday, March 13, 2016

Hoa đồng nội

 DƯƠNG THẢO


Một trong những loại bông đặc trưng luôn gắn liền với mùa nước nổi là bông điên điển.  Mỗi năm một lần, bông điên điển nở vàng rực khi nước tràn bờ. 

Buổi sáng bông còn búp, trưa nở, chiều rụng dần xuống nước. Vì vậy, muốn tận hưởng hương vị ngọt bùi của loại bông này, người ta phải đi hái từ lúc sáng sớm. 

Bông điên điển làm món gì cũng ngon, đem xào tép hay thịt ba rọi, chiên trứng, trộn gỏi, đổ bánh xèo hay đơn giản là muối dưa. Bông lặt rửa sạch, để ráo nước, đem ngâm với nước vo gạo pha muối, cùng với giá sống, cho vào khạp đậy lá chuối hay lá môn nước, ủ kín chừng ba ngày là đã có đĩa dưa bông điên điển chua, giòn, lẫn vào đó là vị đăng đắng, chấm với nước tương giằm ớt hay thịt kho, cá kho là vét sạch cả nồi cơm.

Người miền Tây vốn khoái lẩu chua và có thể nấu với bất cứ loại cá gì, nhưng với người sành ăn, “đệ nhất ngon” phải kể đến là món lẩu chua bông điên điển nấu cá linh, có lẽ vì cá linh cũng như bông điên điển, phải đợi đến mùa nước nổi mới xuất hiện. Nồi nước sôi giằm me đã nêm nếm gia vị và không thể thiếu ớt, chờ sôi bùng thì thả cá linh vào, thêm ít rau ngổ (rau om) xắt nhỏ, ăn đến đâu nhúng bông điên điển đến đó. Vị béo của cá, vị chua của me, hòa lẫn với vị nhân nhẩn của bông, đã ăn một lần là không thể quên.


 Cũng như điên điển, cây so đũa thường ra hoa khi nước trắng đồng. 
Bông so đũa có hai màu trắng và đỏ, nhưng thường thì bông trắng được ưa chuộng hơn.
Bông so đũa cũng phải được hái từ sáng sớm mới giữ vẹn hương vị. Nhụy bông đắng, nên khi ăn phải ngắt bỏ, lúc rửa bông cũng phải nhẹ tay, nếu không bông bị giập. 

Bông so đũa luộc chấm với mắm kho quẹt không chỉ là món khoái khẩu ở quê mà dân thị thành cũng chuộng. Thích ăn xào thì đem bông so đũa xào với thịt bò, vừa bổ vừa mát. 
 Phổ biến nhất là món canh chua bông so đũa nấu với cá linh, cá rô, cá lóc hay tôm, ăn với cơm hay bún đều hấp dẫn. Để đãi khách, có món bông so đũa dồn thịt chiên giòn hay nấu canh. Lạ miệng hơn là món cá lóc hấp bông so đũa. Con cá lóc thấm gia vị, đặt giữa hai lớp bông, đem hấp cách thủy. Bao nhiêu “tinh túy” cá tiết ra đều ngấm hết vào bông, vì vậy trên bàn tiệc, người cao tuổi hay khách quý được mời thưởng bông trước. Hương vị tuyệt vời của món ăn khiến người khó tính cũng phải gật gù khen ngon.


Sẽ là một thiếu sót nếu không nhắc đến loại bông súng trắng mọc tự nhiên ngoài đồng vào mùa nước nổi. Cọng bông súng rất dài, có khi đến 4-5m, do phải vươn lên theo nước lũ, nước càng dâng cao thì cọng càng dài. 

Ăn bông súng chỉ lấy cọng mà không lấy bông, đem tước bỏ vỏ, cắt khúc rồi chế biến thành nhiều món khác nhau. Cọng bông súng có thể bóp xổi, làm gỏi, muối dưa; đổi bữa thì xào với tép hay đem nấu canh chua. 

Tuyệt nhất là ăn cọng bông súng tươi cùng với các loại rau khác để chấm mắm kho hay lẩu mắm. Để món ăn thăng hoa, người ta trộn thêm ít dừa nạo mỏng vào đĩa cọng bông súng hay điên điển, mà phải là dừa vừa rám vỏ mới béo, rưới mắm kho lên, mùi vị không chê vào đâu được, ăn đến no vẫn còn thèm.

Mỗi loại hoa đều có hương vị hấp dẫn riêng, tuy cách chế biến giống nhau. Nếu có dịp về miền Tây vào mùa nước nổi, đừng quên ghé thăm những cánh đồng ngập nước ở An Giang, Đồng Tháp Mười hay Long An, để thưởng thức những món ăn hoa đồng cỏ nội hấp dẫn.

 DƯƠNG THẢO  (phunuonline)


_______________________________________________________________________

No comments:

Post a Comment