Monday, February 15, 2016

Phù Mỹ - tuổi thơ bỏ lại sau lưng.

  Quinhon11

Tôi có một thời gian dài sống và lớn lên ở Qui nhơn, tuổi thơ gắn liền với mảnh đất hiền hoà này, nhưng quê nội tôi thì ở xa hơn, tận dưới quê. (sau nhiều năm giờ tôi không nhớ được chính xác địa danh). Lúc có chút hiểu biết thì đã thấy cả đại gia đình phía nội tôi sinh sống, làm ăn tại quận Phù Mỹ. Nghe nói do ở quê mất an ninh, nên tất cả phải bỏ quê dời lên phố quận. 

Đã nhiều năm tôi không về lại Phù Mỹ, một quận lỵ nhỏ nằm cách QN không xa. Từ Qui nhơn đi qua khỏi Phù Cát một chút là tới. Trước 75, vì gia đình nhà Nội tôi ở đó nên thỉnh thoảng cách một vài cuối tuần Ba tôi lái xe đưa cả gia đình về đó chơi, sáng đi chiều về rất thong thả.

Ngày còn bé tôi đặc biệt yêu thích cảnh đồng quê mộc mạc dù chưa mấy thấu hiểu. Mỗi lần được về Phù Mỹ, khi xe đi qua quốc lộ 1, nhìn những cánh đồng lúa chín nặng trĩu bông, đôi khi gió thổi  mạnh làm đám bông rạp cả về một phía như nhảy múa trông thật đẹp mắt. Những đàn bò nhởn nhơ gặm cỏ, những ao rộng ven bờ đầy vịt, ngan bơi lội, xa xa những mái tranh ẩn hiện, những cột khói trên cao lan tỏa.. Trẻ con thành phố mà thấy những cảnh này thì thích mê tơi, cứ dán mắt vào kính xe mà nhìn.

Thỉnh thoảng thấy một vài hàng kẽm gai, những chốt chận có nhiều lính VNCH đứng gác, nhưng vì còn bé, ham chơi chúng tôi không để tâm và cũng không tìm hiểu. Tuổi thơ chúng tôi được người lớn bao bọc trong bình yên dù người lớn đang phải đối mặt với bất trắc, bất an mỗi ngày, mỗi giờ.

Ở ngay gần chợ quận Phù Mỹ, có đại gia đình phía Nội tôi sinh sống. Chỉ có nhà chú Bốn hơi xa một chút, chứ nhà cô Năm, cô Chín, chú Bảy, chú Tám, mấy chị em ở sát kề nhau, đi bộ qua lại dễ dàng. Chúng tôi mê nhất là nhà chú Tám, lúc đó chú còn độc thân, là quân nhân biệt phái về làm hiệu trưởng một trường trung học trong quận. Bà Nội ở với chú nên mỗi khi về là chúng tôi về thẳng nhà chú.

Đám nhóc tì chúng tôi mê ơi là mê cái chuồng có mấy con bò phía sau nhà, chưa kể đàn gà chọi mà mỗi lần về thằng em tôi quên cả ăn, chỉ mê mẩn ngồi ngắm và loay hoay chơi với chúng. Vườn sau nhà chú Tám cứ như một nông trại thiên nhiên, chim cu, gà , vịt, heo, bò .. thêm mấy bụi tre, mấy đụn rơm thật lớn tha hồ cho chúng tôi chạy nhảy chơi trò cút bắt.

Tôi nhớ, gần sát nhà chú Tám, có một nhà hàng xóm chuyên làm đường tán. Ngôi nhà mái tranh vách đất thấp lè tè, nhưng ngay gian giữa một chảo đường lớn luôn sôi sục. Thỉnh thoảng chán những trò chơi sau vườn, chị em tôi lân la sang nhà ấy. Thấy lạ mắt với cảnh bà luôn tay quậy chảo đường với một đôi đủa lớn dài, thỉnh thoảng bà lại châm thêm củi. Mỗi lần chúng tôi sang, bà cho mỗi đứa một cục đường, loại vụn không bán được. Trời ơi! dân thành phố mấy khi ăn đuợc đường đen, đường tán, nên đối với chúng tôi nó lạ và ngon lắm, ngon đến nỗi mấy mươi năm sau, bây giờ ngồi viết bài, tôi vẫn còn nhớ như in cái vị ngọt đậm, ngọt dịu của thỏi đường mía..

Bà Nội tôi năm ấy đã lớn tuổi nhưng còn khỏe mạnh, Hể Ba tôi thích ăn món gì là bà đi mua về làm cho Ba ăn. Những món mà chúng tôi thường được ăn khi về Phù mỹ là món nhộng xào xúc bánh tráng nướng và xác đậu chiên cuốn bánh tráng rau sống. Nhất là măng luộc với lá giang chấm mắm cái ăn với cơm thì Ba tôi thích vô cùng.

Những con nhộng vàng ươm, béo ngậy mềm tan trong miệng hồi đó ăn mà đâu biết là con gì, hể ngon thì ăn lấy, ăn để thôi .. Bây giờ biết là con nhộng, một loại sâu tằm, thỉnh thoảng bên này đi chợ thấy họ bán trong ngăn đông lạnh. Nhưng cha mẹ ơi! giờ biết rồi, nhìn là sợ làm sao dám ăn?  có mua về ăn chắc gì đã thấy ngon như ngày ấy!. Xác đậu, không biết ngoài chợ họ bán như thế nào, nhưng khi dọn lên mâm, thấy bà nội tôi chiên từng miếng vuông, hơi xém hai mặt sắp đầy lên một cái mâm lớn, cắn vào cũng mềm tan, béo ngậy, ngọt hậu... kèm theo mâm rau sống có đủ loại rau thơm, rau dại, đọt xoài trong vườn, thêm ít giá sống trắng tươi trộn lẫn. Ở quê, măng tươi là món không hề thiếu trong mỗi mâm cơm, đĩa măng trắng tinh luộc chung với lá giang. Rau măng xắt sợi dòn ngọt thêm vị chua của lá .. gắp một đũa chấm vào chén mắm nêm sủi bọt.. Chu cha, ngon quá xá là ngon luôn, phải nói cơm ăn mấy nồi cũng hết..

 Những tưởng cuộc sống êm đềm mộc mạc ấy sẽ được dài lâu, nhưng rồi nước mất, nhà tan... những món ăn năm xưa cũng chìm vào dĩ vãng, đã mấy mươi năm tôi chưa hề được ăn lại, chưa hề sống lại cảnh đầm ấn an vui của một đại gia đình, của một dòng tộc. Hình như những món ăn chân chất ấy khi ăn, phải đúng chỗ đúng nơi, phải có nước chấm quê hương, tâm tư giao hoà với đất trời thì mới cảm nhận được hết cái tinh túy, mặn mòi, thơm ngon của nó.

Sau bao nhiêu lần trốn chạy CS, đại gia đình chúng tôi chẳng còn gì, cơ nghiệp của Ông Bà nội đã tan tành mây khói. Khoảng thời gian 45- 54, ông bà bị đấu tố dữ dội. Nghe nói ông Nội lúc đó làm chức Bang Tá, là một đại điền chủ, hiển hách một thời. Ông mất sau đó không lâu do bệnh tật, do hậu chấn của những trận đấu tố dã man. Mà ác lắm, họ "lập"  bàn hội nghị, bắt vợ con sắp hàng đứng đó chứng kiến. Ông bị đấu tố,đánh đập cho tới lúc như cái xác mềm oặc, mới cho gia đình khiêng về thuốc thang. Ít lâu sau thấy hơi khỏe lại một chút lại kêu ra đấu tố tiếp. Mấy lần như thế không chịu nổi, Ông tôi qua đời.

Chôn cất Ông xong, cả gia đình: Bà nội cùng các cô chú bỏ quê tìm đất sống. Ông cô độc nằm lại một mình trong nấm mồ hoang lạnh. Con cháu không dám về thắp nhang, có chăng thoảng hoặc, thình lình chú Tám liều mình về thắp cây nhang, nhỗ vội cỏ dại rồi rời đi ngay lập tức. Thời đó Diêm Tiêu thuộc vùng tranh tối tranh sáng, ban ngày quốc gia, ban đêm cộng sản. Tuy vậy ban ngày cộng sản nằm vùng dày đặt, vẫn có thể mất mạng bất cứ lúc nào.

Thời gian qua, lâu rồi Bà nội cũng đã mất, các Chú, các Cô cũng như Ba tôi nay đều đã già, ai cũng như đợi ngày đoàn tụ cùng Ông Bà nội. Hôm tôi về có ghé qua Phù Mỹ, hỏi thăm đường chạy xuống Diêm Tiêu thăm mồ mả ông. Thật tình, lòng xót xa khi thấy nấm mồ ông hiu quạnh, chơ vơ. Ông nằm một mình ngay trên đất nhà, nhưng nay đã thuộc về người khác. Người cháu xa, mang cùng họ Đỗ đang sống ở đó và việc chăm sóc nấm mồ của Ông được giao cho người này. Mỗi năm các cô chú gửi tiền về biếu xén. 

Vì được báo trước, có lẽ biết tôi sẽ ghé nên mộ Ông hôm đó được quét vội một lớp vôi mới, thêm hai chậu bông vạn thọ cằn cỗi để kế bên cho có vẻ ngày tết ... dù vậy tôi vẫn cảm được nỗi quạnh hiu của Ông, thương Ông mà ứa nước mắt.

Cũng đã có lúc các Chú, Bác có ý định dời mộ ông vào miền nam, nhưng rồi nghĩ lại, có lẽ Ông yên vui hơn trên mảnh đất nhà, nơi chôn nhau cắt rún, nơi Ông một đời gầy dựng cơ nghiệp, ruộng vườn. Hơn nữa các nghĩa địa thành phố trong miền nam, sau 75 cứ bị giải toả, di dời để chính quyền lấy đất bán cho nước ngoài, hay lập các công trình lấy tiền chia nhau. Do vậy cuối cùng mộ Ông vẫn còn ở đó.

Sau 75, toàn bộ gia đình các Cô Chú lại một lần nữa tha phưong, bỏ nhà cửa tài sản thay tên đổi họ mà thoát lấy thân, nghe nói tại địa phương lúc đó có dựng tấm bia căm hờn dòng họ Đỗ. Năm ấy về thăm mộ Ông, có ghé qua Phù Mỹ, tôi cũng muốn xem thử tấm bia căm hờn kia viết những gì? nhưng tìm không thấy, hay có lẽ đã không còn. 40 năm rồi còn gì nữa, dù bia miệng, hay bia đá chắc cũng đã bị sự thật xói mòn nếu có.

Chiếc mặt nạ đã bị lật, lớp phấn son nhem nhúa đã trôi, những tấm áo phường tuồng cũng đã mục. Sự thật đã phơi bày rành rành... Giờ biết ai căm thù ai đây?.

Quinhon11

___________________________________________________
 

2 comments:

  1. Hom do theo anh chi ve PM, tiec la ko tham duoc mo cua ong noi chi, khong biet con so CS hay tieu lam ma anh Anh noi tui ko phai ho Do nhen,,,the la em choi loanh quanh nha ..roi di tiep ra Bong son, gio long cam thay mot chut hoai niem ve mien dat ay,,,

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cám ơn Ch.. đã chia sẻ
      Sợ CS ư ? không bao giờ.

      Delete