Mai Thủy – Báo Người Việt
Tin nhắn con viết cho mẹ qua điện thoại, như lá thư dài vuốt lên vuốt xuống đẫm nước mắt. Tin nhắn có nội dung như thế này:
“Mẹ ơi, trong nhà mình không có ai hiểu con hết. Hôm cuối tuần con về con nói với cả ba lẫn mẹ là con có ý định tự vẫn mà cả hai người cứ làm thinh, như không có chuyện gì. Con thấy cô đơn quá. Mẹ ơi, con phải bỏ học một năm ở đại học vì căn bịnh trầm cảm và PTSD. Con phải cứ chui vô phòng vệ sinh khóc hết cả tuần hồi trung học vì chứng bệnh này. Dượng đã lạm dụng tình dục với con từ lúc con lên 6 cho đến 8 tuổi. Con đã nói mấy lần mà ba mẹ không tin con. Bà ngoại không tin con. Ai cũng nói là con đặt chuyện, đã lười học, trốn học rồi dựng hết chuyện này tới chuyện khác. Trong nhà này con không có tiếng nói của riêng mình. Ba mẹ không hiểu con. Ba mẹ hãy coi cái website này nè. Cố gắng hiểu con hơn một chút nữa. Con lúc nào cũng thấy cô đơn hết.”
Thơ dài nhưng tóm tắt lại thì bấy nhiêu.
Tôi dịch tới đâu nước mắt bà mẹ chảy dài tới đó.
Khóc xong, nén nước mắt xuống, bà hỏi: Bệnh trầm cảm và PTSD là bệnh gì mà lâu quá rồi mà sao con bà không hết bệnh?
Việc giải thích này kéo dài cũng hơn nữa tiếng.
Bệnh trầm cảm còn có thể giải thích dễ dàng. Nhưng bệnh PTSD (Post Traumatic Stress Disorder) lại rất khó giải thích, bởi hiện nay trong ngôn ngữ tiếng Việt còn chưa có một từ chuyên môn cho từ này hay có rồi mà tôi kiếm không ra?) Tạm giải thích từng chữ ra là hội chứng trầm cảm căng thẳng đau thương sau những biến cố khủng hoảng xảy ra trong quá khứ. Có người nói ngắn gọn là hậu chấn tâm lý.
Bà mẹ kể: “Chuyện này con tôi đã kể cho tôi nghe từ rất lâu nhưng tôi không có tin. Ai dè càng ngày bệnh nó trở nặng như thế này. Nó ốm nhom. Mặt mày càng ngày càng thất sắc. Mỗi lần về nhà gặp ông dượng thì cứ trừng trừng nhìn vậy rồi bỏ đi. Tới giờ nó cũng chưa có một tấm bạn gái cho đàng hoàng. Lúc nào cũng buồn và rất căng thẳng. Nghe con nói là nó muốn tự tử tôi thấy trong lòng nặng nề mà cũng không biết phải làm sao. Muốn nói mà không phát ra được một lời nào. Làm sao tôi cứu con tôi đây chị?
Tôi mở cái website mà anh con trai gửi “Overcome sex abuse/parents/advise”, coi rồi từ từ dịch cho người mẹ. “Cha mẹ phải tin và hiểu con mình. Sự động viên của cha mẹ trong những trường hợp này là rất quan trọng. Và... những lời khuyên khác.”
Bà mẹ nghe, ngỡ ngàng. Bà nói: “Tôi chẳng bao giờ dám hỏi chuyện này với con tôi. Vì tôi nghĩ chuyện đã quá lâu rồi. Thời gian sẽ nguôi ngoai. Mà tôi cũng không muốn làm lớn chuyện vì không muốn xào xáo trong gia đình của dượng.”
Với vốn hiểu biết của mình, tôi giải thích cho người mẹ hiểu: Chuyện đó xảy ra lâu mà gia đình chỉ quét đống rác vào góc kẹt. Người đứng ra hứng rác là con trai mình. Thử hỏi mới sáu tuổi mà phải đứng nơi góc kẹt hứng rác cho tới bây giờ. Năm này tháng nọ, thui thủi mình ên. Không có bệnh mới là lạ. Hên là nó còn ngoan chưa tham gia cao bồi du đãng mà còn vô được đại học. Nhưng rác còn đó. 100 năm nữa, cũng chẳng bao giờ sạch được. Chỉ có quét sạch đống rác đó ra khỏi nhà thì họa may con mình mới hồi phục.
Nếu chỉ ngồi chờ thời gian không thì chắc chắn thời gian không xóa sạch những vết thương lòng. Càng để lâu, vết thương càng mưng mủ, sưng lở loét từ tận đáy lòng. Cái nguy hiểm nhất là những vết thương lòng không ai thấy được nên không tin hoặc không thấy là quan trọng. Phải mở toang vết thương để nạo hết mủ ra, phơi thoáng trong không khí trong lành mới mong hết bệnh.
Nếu chỉ ngồi chờ thời gian không thì chắc chắn thời gian không xóa sạch những vết thương lòng. Càng để lâu, vết thương càng mưng mủ, sưng lở loét từ tận đáy lòng. Cái nguy hiểm nhất là những vết thương lòng không ai thấy được nên không tin hoặc không thấy là quan trọng. Phải mở toang vết thương để nạo hết mủ ra, phơi thoáng trong không khí trong lành mới mong hết bệnh.
Cách đầu tiên để cứu con là phải hiểu con, nghe được con mình nói. Đưa con đi chữa bệnh tâm lý. (Người mẹ kể anh con trai này lúc học trung học và bây giờ ở đại học cũng đã có đi chữa tâm lý một thời gian nhưng không hết. Tôi đồ rằng tự anh không có sự hỗ trợ của chính gia đình mình và chuyện lạm dụng của ông dượng vẫn còn nằm trong bóng tối).
Làm cha mẹ, nuôi dạy con thành người đã là một chuyện quá khó. Khi phải đụng tới những vết thương dài hạn như thế này, lại càng bối rối không biết làm sao, cũng là điều dễ hiểu. Thế nên cách tốt nhất là đi gặp người chuyên môn, báo cảnh sát, báo cho người có thẩm quyền.
Làm cha mẹ mà không bảo vệ được con trong chính ngôi nhà mình, thì con sẽ mang những chứng bệnh nan y không nói ra được như vậy, uất ức có khi suốt đời.
“Mẹ ơi hãy lắng nghe.” Đó là bước đầu tiên để cứu con mình.
“Mẹ ơi hãy lắng nghe.” Đó là bước đầu tiên để cứu con mình.
Gà Ta sưu tầm
_________________________________________________
No comments:
Post a Comment