Tay săn còn khẳng định hành động săn bắn của ông là hoàn toàn hợp pháp. Và, đã trả lời với báo Minneapolis Star Tribune rằng, ông đã không hề biết con sư tử bị hạ sát là con vật nổi tiếng được người địa phương yêu mến. “(Có thể) tui đã bị tay dẫn đường Bronkhosrt đánh lừa?!” Và cũng theo tin của báo Washington Post. Tay săn giàu tiền có sở thích săn thú hoang, có thể bị “dẫn độ” về Châu Phi để xét xử.
Cái bản tin đọc xong. Dẫu đã gắng học cách không bận tâm khi thấu hiểu một điều gì đó của cuộc đời. Tôi vẫn nghe nghẹn. Cuộc hành trình giong ruổi với bầy đàn sư tử Africa vẫn còn là dấu ấn tuyệt vời trong ký ức tôi. Dẫu sự mỏi mệt, có lúc dễ bùng lên như thuốc súng. Trong ánh vàng của hừng đông, tôi nhìn thấy vết thương trên mặt của một con sư tử bờm. Vết thương vẫn rỏng máu. Chẳng phải vì sự tranh chấp trên đống thịt của con trâu rừng. Một cuộc ẩu đả đã xảy ra với một con sư tử khác.
Sung túc hay cằn cỗi. Khô cạn hay ẩm ướt. Và không chỉ là vấn đề tìm kiếm thức ăn và tồn tại mà chính là sự thách thức với môi trường sống để tránh bị tuyệt chủng. Thế nhưng, mọi quan điểm triết lý, rồi cũng thuộc về cái duy nhất: Chẳng gì tồn tại hơn. Chẳng gì tàn phá ghê gớm hơn là bản tính của loài người, cũng đều nằm trong tay những quyền lực vô tâm.
50 năm trước, dân số sư tử còn nửa triệu con, 30 ngàn là con số vừa thống kê về dân số sư tử còn lại thường trú ở các vùng rừng Africa. Là người chuyên viết phóng sự cho tạp chí Wildlife Nature ở Anh Quốc, bà Elizabeth - một tay chuyên chụp ảnh Ðộng vật hoang dã- một đồng hành cùng tôi trong hành trình săn ảnh Africa. Bà luôn thông suốt và cập nhật thường xuyên những dữ kiện về đời sống thú hoang dã Châu Phi. “Chắc chắn, là có những lạm dụng. Mấy tay giàu khoái hưởng thành tích của cái danh hiệu ‘Vua thảm sát’ loài vật. Một quốc gia như Africa mà nhượng bộ săn bắn thì quá nhiều con sư tử phải bị giết hại.” Và ở bà Elizabeth, có những lúc, tư tưởng là một lời cầu nguyện, “Những biến động xã hội và chính trị đã gây khó khăn cho việc bảo vệ động vật hoang dã. Trong những thập kỷ săn trộm thú, bọn con săn đã đột kích vào các khu rừng, công viên quốc gia và tàn sát tập thể voi, hà mã, và sư tử…”
Cuộc đời- tổng hòa của dối trá và sự thật. Luật pháp - quá nhẹ nhàng hoặc quá hà khắc, và thế giới vẫn tồn tại những mưu đồ triền miên. Loài người, vẫn chưa tìm ra liều thuốc cho thói xấu tồi tệ nhất. Sự vô cảm của con người.
Những ngày qua, nỗi buồn cứ lẫy lơi tâm tư tôi. Dù nỗi bất hạnh nảy sinh trên sự sống của một loài thú, cái chết của chúng cũng là một dạng khổ đau đa dạng như con người. Loài vật, chẳng phải không có ý niệm gì về cái chết. Thế giới này chẳng có gì có thể gọi là chắc bẩm. Trừ cái chết và thuế má!
… Trên mô đất, một bộ dạng lu thu vừa như rụt rè, vừa mang vẻ hoảng sợ của một chú sư tử con. Một cái chỏm đầu cỏn con khác thì đang lấp ló giữa rừng cỏ sậy.
“Ah, là Simba đây mà!’ Tôi khoái chí nhắc lại cái tên của chú sư tử con Simba, “ông vua con” của Mufasa-vị vua thống trị thế giới hoang dã Africa trong bộ phim hoạt hình nổi tiếng The Lion King.
“Nhưng sao chúng lại bơ vơ ở đây?” Tôi chú tâm vào những đôi mắt thú con đầy biểu cảm sinh động. Chẳng chút dữ tợn, hệt như một lũ chó con kháu khỉnh.
Tay dẫn đường thổ dân Domi, thành thạo như bàn tay, “Cha mẹ chúng phải đi săn mồi suốt đêm. Ðó là một đại gia đình, với 22 thành viên. Sư tử là loài vật rất bầy đàn và sống trong niềm kiêu hãnh. Chúng lớn lên cùng nhau và tạo nên một gia đình vô cùng gần gũi, những bầy đàn rất thân thiết.”
“Nhưng, ‘lũ trẻ’ sẽ bị những loài thú dữ khác xơi mất trước khi cha mẹ chúng tìm thấy?” Tôi bất chợt xốn xang nỗi thương cảm.
Gã Domi, rải chất giọng pha thổ ngữ Swahili,“Mấy chú sư tử con này chỉ mới 3 tháng tuổi. Tội nghiệp, chúng sẽ rất dễ bị tấn công bởi lũ Linh Cẩu Ðốm, rắn, đại bàng và cả báo Cheetah; có khi lại là những tên sư tử cùng loài. Nên chúng thường dựa vào mẹ để tồn tại.”
Sự tồn tại là cuộc mặc cả lạ lùng. Có cần không, một bản tuyên ngôn dành cho… động vật? Tôi cảm giác bụi xốn trong mắt, “Rồi cha mẹ chúng sẽ về tìm con, phải không?”
“Chúng sẽ về tìm con, đó là bản năng bẩm sinh của loài vật mà.” Domi cười lớn…” (Hồi Ký- “Africa- Những ngày gió bụi” - Đặng Mỹ Hạnh)
Cecil đã không còn. Và có lẽ, nó chẳng bao giờ lo lắng về Thiên đàng hay Ðịa ngục.
ĐMH - Cõi riêng Đặng Mỹ Hạnh
_________________________
No comments:
Post a Comment