Wednesday, October 21, 2015

Bệnh Ung Thư Máu

BS Nguyễn Thị Nhuận


 
Trên toàn nước Mỹ hiện nay có khá nhiều bệnh nhân ung thư máu gốc Việt Nam đang chờ tìm được tế bào gốc thích hợp. Người Việt thường chỉ “match” với người Việt hay những người Á Đông khác. Thông thường tỷ số “match” là 1/50000 nhưng chỉ có khoảng
20000 người Việt có tên trên bảng tình nguyện hiến tế bào. Khác với truớc đây, hiện nay người ghi danh hiến tế bào không cần phải đưa tay cho rút máu mà chỉ cần quẹt 4 bên má phía trong miệng. Và khi được “match”, không cần phải chịu đau đâm kim vào xương chậu vì hiện nay chỉ cần ngồi yên vài tiếng để được lọc lấy một số tế bào gốc từ trong máu mình mà thôi. Kỹ thuật mỗi năm đều có tiến bộ nên việc hiến tế bào gốc cho bệnh nhân ung thư máu hiện nay là một việc vô cùng dễ dàng, không có hại chút nào cả.

Tôi ghi danh đã hơn 15 năm nay nhưng thất vọng thay, chưa có ai “match” với mình cả. Chuyện có người “match” mình để mình được làm phước là một chuyện vô cùng hãnh diện và đáng mong ước. Quý độc giả có thể gọi Hội Ung Thư Việt Mỹ (714) 751- 5805 hoặc Hội Hiến Tủy (888) 236- 4673 để ghi danh và làm thủ tục hiến TB gốc.

Xin quý bạn đọc bài sau đây để tìm hiểu về bệnh ung thư máu, một bệnh ung thư hiếm hoi có thể được chữa lành nếu có điều kiện.
Ung thư máu là bệnh ung thư của những mô chế tạo ra máu, gồm có tủy xương và hệ bạch huyết, thường bắt đầu trong những bạch huyết cầu. Bạch huyết cầu là những “cơ quan” chống nhiễm trùng rất hiệu quả. Bạch huyết cầu phát triển, chia ra thành nhiều tế bào khác theo một trật tự có sẵn tùy theo nhu cầu đòi hỏi của cơ thể chúng ta. Khi chúng ta bị ung thư máu, tủy xương chúng ta làm ra một số lớn những bạch huyết cầu bất bình thường, không làm việc được.

Có 4 loại ung thư máu chính, mỗi loại lại chia thành nhiều loại nhỏ khác nhau. Bệnh ung thư máu có thể xẩy ở bất cứ tuổi nào.

Triệu chứng
Mỗi loại bệnh có triệu chứng khác nhau. Tuy nhiên nói chung những triệu chứng thông thường gồm có:
-Sốt hay ớn lạnh
-Cảm thấy mệt, yếu sức kéo dài lâu
-Hay bị nhiễm trùng
-Không ăn được, xuống cân
-Hạch bạch huyết, gan hay lá lách sưng lên
-Dễ bị chảy máu hay bầm
-Dễ bị mệt, thở hổn hển khi vận động, dù chỉ là leo ít bậc thang lầu
-Nổi mẩn đỏ nhỏ xíu trên da (petechiae)
-Ra mồ hôi dữ dội, nhất là ban đêm
-Xương bị đau

Triệu chứng nặng hay nhẹ là tùy số lượng bạch huyết cầu bất bình thường và nơi chúng tụ tập. Triệu chứng bệnh ung thư máu nhiều khi bị bỏ qua vì chúng quá giống triệu chứng những bệnh thông thường như cảm cúm, ói mửa..

Phân loại
Có 2 cách phân loại bệnh ung thư máu
Phân loại theo tốc độ tiến triển bệnh

1.Ung thư máu cấp tính (acute leukemia): Những tế bào bất bình thường là những tế bào máu còn non (blasts). Chúng chẳng những không làm việc gì cả mà còn sanh sôi nẩy nở rất nhanh khiến bệnh nặng lên nhanh. Bệnh này cần được chữ a trị nhanh và tới nơi tới chốn.

2.Ung thư máu mãn tính (chronic leukemia): Loại này gồm những tế bào máu trưởng thành hơn. Chúng sanh sôi và tụ tập chậm hơn và có thể cũng “làm việc” bình thường được một thời gian. Một vài loại bệnh này không gây ra triệu chứng gì và không được định bệnh trong một thời gian rất lâu, có thể nhiều năm.

Phân loại theo tế bào

1.Ung thư tế bào bạch huyết: Loại UT này tấn công những loại tế bào bạch huyết, thành phần chính trong hệ miễn nhiễm, có thể được tìm thấy trong nhiều phần của cơ thể con người, gồm cả hạch bạch huyết, lá lách và cụ c thịt dư nơi cổ họng (tonsils).

2. Ung thư tế bào tủy (myelogenous leukemia): Loại UT này tấn công những tế bào tủy gồm cả những tế bào sẽ phát triển thành hồng huyết cầu, bạch huyết cầu và tiểu cầu.

Những bệnh UT máu chính
-Acute myelogenous leukemia (AML): Thường thấy nhất, xẩy ra ở cả trẻ em và người lớn. Còn có tên là Acute nonlymphocytic leukemia.

-Acute lymphocytic leukemia (ALL): Thường xẩy ra ở trẻ em nhỏ tuổi nhất, chiếm 75% tất cả những UT máu của trẻ em.

-Chronic lymphocytic leukemia (CLL): Thường xẩy ra nơi người lớn. Bệnh nhân có thể cảm thấy khỏe mạnh, không có triệu chứng gì trong nhiều năm, xẩy ra nhiều nơi người Do Thái gốc Nga hay Đông Âu. Ít khi xẩy ra nơi trẻ em.

-Chronic myelogenous leukemia (CML): Thường chỉ xẩy ra nơi người lớn, có thể do một bất bình thường nơi nhiễm sắc thể. Bệnh nhân có thể vẫn khỏe mạnh trong nhiều năm trước khi bệnh phát tác nhanh.

Nguyên nhân
Hiện vẫn chưa tìm được nguyên nhân rõ ràng tại sao con người bị bệnh UT máu.
Ung thư cấp tính thường bắt đầu từ 1 hay nhiều bạch huyết cầu có phần DNA hư hỏng và cứ giữ dạng chưa trưởng thành gọi là blasts, nhưng vẫn có khả năng sanh sôi ra nhiều. Vì chúng không trưởng thành và chết đi như những bạch huyết cầu bình thường khác, chúng tụ tập lại và ảnh hưởng đến chức năng của những cơ quan trong thân thể và sau cùng, chiếm chỗ những tế bào bình thường.

Ung thư mãn tính thường tấn côn những tế bào trưởng thành. Chúng sinh sôi và tụ tập chậm hơn nên bệnh tiến triển chậm nhưng cuối cùng cũng gây ra cái chết.

Vì những tế bào bình thường bị ít hẳn đi, cơ thể chúng ta sẽ bị nhiễm trùng, thiếu máu hay chảy máu nhiều. Nhiều tế bào bất thường quá sẽ đưa đến việc tủy xương ngưng làm việc và các tế bào UT xâm nhập những cơ quan của thân thể. Bệnh nhân thường chết vì nhiễm trùng hay chảy máu.
Những yếu tố sau đây có thể dễ làm ta bị ung thư máu:

-Đã được chữa bệnh ung thư khác bằng phóng xạ hay hóa trị.
-Di truyền: những hư hoại trong các yếu tố di truyền có thể đưa đến UT máu.
-Ở gần những nơi có phóng xạ hay những chất hóa học độc hại
Tuy nhiên, nhiều người có những yếu tố trên lại không bị UT máu và nhiều bệnh nhân UT máu lại không hề có những yếu tố trên.

Chữa bệnh
Khác với những ung thư khác thường là một cục bướu mà bác sĩ có thể mổ lấy ra được, ung thư máu được chữa trị bằng nhiều phương pháp khác nhau, rất rắc rối và kéo dài. Những phương pháp hiện được dùng chữa UT máu gồm có:

-Hóa trị: là phương pháp chữa trị chính yếu, gồm nhiều loại thuốc khác nhau để giết những tế bào ung thư hoặc giúp hệ miễn nhiễm tăng lên.

-Phóng xạ: Tia phóng xạ được dùng làm các tế bào ung thư ngưng phát triển.

-Ghép tủy xương: Bệnh nhân được truyền thuốc hay chiếu phóng xạ để diệt hoàn toàn tủy xương bệnh, sau đó được truyền tủy xương khỏe mạnh từ người hiến tủy vào. Tùy xương của người cho tủy phải “match” với bệnh nhân.

-Ghép tế bào gốc: Thay vì truyền tủy, bệnh nhân được truyền những tế bào gốc đã được lọc ra từ máu củ a người cho. Tủy xương khỏe mạnh của người cho tế bào có thể làm lại những tế bào gốc dễ dàng. Hiện nay các bác sĩ dùng phương pháp ghép tế bào gốc nhiều hơn là ghép tủy vì thời gian phục hồi của bệnh nhân ngắn hơn và ít bị nhiễm trùng hơn. Bệnh nhân được ghép tế bào gốc hay tủy xương thường lành bệnh hoàn toàn.

Tự săn sóc và tìm hỗ trợ
Có một đứa con hay chính mình bị ung thư máu là một chuyện rất đau khổ và bất ngờ. Người bệnh và gia đình có thể đối phó với bệnh dễ dàng hơn nếu biết tìm cách tự săn sóc và có sự hỗ trợ của những người chung quanh. Những cách sau đây có thể giúp bệnh nhân:
-Tìm hiểu về bệnh, cách chữa cũng như những tác dụng phụ từ bác sĩ, các hội Ung Thư như National Cancer Institute, Leukemia & Lymphoma Society, American Cancer Society và Hội Ung Thư Việt Mỹ.
-Đóng vai chủ động trong việc tìm hiểu và chữa trị bệnh
-Tìm sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè, Hội Ung Thư. Đừng tự cô lập.
-Đặt những mục tiêu gần, nho nhỏ và thực hiện chúng
-Có thể tiếp tục công việc vẫn làm nhưng nghỉ ngơi nhiều hơn


BS Nguyễn Thị Nhuận
(VienDongDaily.Com - 16/10/2015)

 ________________________________________________

No comments:

Post a Comment