Tam Bách ĐBT
Buổi sáng
hôm nay tôi thức sớm, nằm lim dim mơ màng nghe tin tức đài phát thanh Á Châu Tự
Do (RFA), phát đi từ Hoa Thịnh Đốn. Gần cuối chương trình, cô xướng ngôn Hòa Ái
giới thiệu một giọng nam trẻ, thật ấm áp, truyền cảm trong bản nhạc nổi tiếng
của Ngô Thụy Miên - Riêng Một Góc Trời :
Tình yêu như
nắng, nắng đưa em về, bên giòng suối mơ
Nhẹ vương theo gió, gió mang câu thề, xa rời chốn xưa
Tình như lá úa, rơi buồn, trong nỗi nhớ
Mưa vẫn mưa rơi, mây vẫn mây trôi, hắt hiu tình tôi….
Tiếng hát
dìu dặt vang vang trong buổi sớm tĩnh mịch mùa thu. Ngoài kia sương vẫn chưa
tan, không gian còn mờ ảo. Tôi bỗng nhớ đến những ngày sống ở miền thần kinh xứ
Huế bên quê nhà. Đã hơn năm mươi năm rồi, những kỷ niệm năm xưa tưởng đã phai
mờ theo năm tháng. Nhưng mới hôm qua, bức thư của cô bạn thuở học trò từ nơi xa
xôi ấy, đã gợi lại trong tôi những cảm xúc tưởng chừng đã đi vào quên lãng…
* * *
Cho đến
năm Đệ Tứ, khi những nam, nữ sinh chuẩn bị cuộc đua lấy mảnh bằng Trung Học, tôi
tình cờ gặp một cô Đồng Khánh trong lớp luyện thi năm ấy. May mắn hơn, chúng
tôi cùng ngồi cạnh nhau. Hàng tuần, ngoài giờ học ở mỗi trường riêng biệt,
chúng tôi cùng đến lớp luyện thi để trau dồi thêm hai môn có hệ số điểm cao
trong kỳ thi Trung Học Đệ Nhất Cấp : Toán và Pháp Văn.
Vào hai
ngày cuối tuần, chúng tôi lại họp nhau để cùng ôn bài thi. Nhóm chúng tôi có
bốn người, hai nam sinh và hai nữ sinh - kể cả cô bạn tôi mới quen có hảo ý cho
mượn căn nhà hóng mát ngoài vườn để cùng nhau ôn bài vở… Thuở ấy tôi chỉ là cậu
học sinh chân quê, theo cha mẹ từ miền Nam Trung bộ “dinh tê” về thành phố
Huế. Đối với tôi, đất thần kinh là nơi quyền quý của vua chúa ngự trị một thời;
và người dân xứ Huế - nhất là các cô gái áo trắng thướt tha - là những kẻ cao
sang thanh lịch. Đã hơn một lần, tôi bắt gặp mình đứng nhìn những cô nữ sinh
Đồng Khánh, với dáng dấp thanh tao, với áo trắng bay bay, với chiếc nón bài thơ
e ấp. Vào mỗi buổi chiều tan học, họ như đàn bướm trắng bay qua cầu Trường
Tiền; hoặc đáp xuống chuyến đò Thừa Phủ để sang sông… Trong ba năm theo Trung
Học Đệ Nhất Cấp ở một trường công lập thành phố, tôi chỉ biết lo dùi mài kinh
sử kể bắt kịp những năm học chậm trễ trong vùng Việt Minh. Cho nên việc kết bạn
với các cô gái, nhất là với các nàng áo trắng tóc dài trường Đồng Khánh, đối
với tôi thuở ấy chỉ là giấc mộng…
Đến nay, tôi vẫn chưa quên hình ảnh
cậu học sinh cao gầy, hằng cuối tuần “diện” cho mình chiếc nón cối trắng, đôi
dép da trắng, vội vã đạp xe đến nhà cô bạn mới quen để cùng “học nhóm” với các
bạn. Chúng tôi nêu ra những câu hỏi trong bài, cùng nhau tìm câu giải đáp; hoặc
giúp nhau làm những bài tập khó… Cho nên không khí chuẩn bị thi cử đối với
chúng tôi không còn căng thẳng, đến nỗi phải than “Thi ơi là thi, sinh
mi làm chi?” như trong bài hát của Đỗ Kim Bảng rất phổ thông lúc bấy giờ !
Người ta thường nói : “Học tài thi phận !”. Sau những ngày thi trung học cam go năm
ấy, tôi đến xem bảng kết quả và chỉ thấy hai nam sinh trong toán “học nhóm” có
tên trên “bảng vàng” mà thôi ! Tôi về nhà thông báo niềm vui với Mẹ, nhưng
không dám để lộ nỗi buồn bởi cô bạn học bị hỏng thi. Tôi muốn đạp xe đến nhà
nàng để an ủi nàng, nhưng còn ngập ngừng e ngại ! Vài hôm sau, nàng đến nhà tôi
để “Chúc mừng anh thi đậu”, nhưng cố không để lộ nét buồn rầu vì thi hỏng
như tôi tưởng. Nàng còn nói đùa với nụ cười cay đắng :
- Ánh quen ăn ớt từ nhỏ. Vậy mà kỳ
thi này Ánh thấy cay hơn cả ăn ớt ! Thôi đành phải ráng ôn bài cho kỹ để thi kỳ
sau, kẻo rớt nữa anh chê học dốt !
Ngưng lại giây lát, nàng nhìn tôi
nói tiếp :
- Hôm trước Ánh nghe anh nói sắp
theo gia đình vô Sài gòn. Vậy khi nào anh đi ?
Tôi quay mặt đi để dấu nỗi buồn sắp
xa Huế, xa nàng… rồi đáp :
- Có lẽ cuối tuần này ba tôi mướn xe đưa cả
nhà vào Sài gòn… Hôm nào đi, tôi sẽ đến chào từ giã Ánh. Bằng lòng chứ ?
Nàng gật đầu, buồn bã nhìn tôi,
đoạn dắt xe ra cổng… Khi đi ngang cây ngọc lan, nàng nhìn lên, khen hoa lan
thơm quá ! Hôm ấy không có mẹ ở nhà nên tôi vội leo lên cây, hái một bông hoa
đẹp nhất trao cho nàng. Nàng nhìn tôi mỉm cười, cài cánh hoa lan lên mái tóc,
đoạn đạp xe ra về.
Buổi tối trước khi xa Huế, sau khi
xin phép Mẹ đi gặp bạn bè để chào từ biệt, tôi đạp xe đến nhà Ánh. Đó là một
đêm mùa hạ, trăng lên cao, thật sáng, thật đẹp nhưng trong lòng tôi thật buồn
bã. Ngày mai tôi sẽ rời xa đất thần kinh nhiều kỷ niệm này, xa người bạn gái mà
tôi đã bắt đầu cảm mến. Tôi tự hỏi : “Biết bao giờ mới gặp lại nhau ?”. Khi đến trước cổng, tôi nhìn vào thấy nàng đang ngồi học bài, đầu cúi
thấp, mái tóc thề buông phủ bờ vai. Có lẽ nàng nghe tiếng động, ngẩn lên trông
thấy tôi, vội bước ra nói nhỏ :
- Sao anh lại đến giờ này, tối rồi !
Không chờ đến ngày mai được sao ?
Tôi im lặng, cùng nàng ngồi xuống
chiếc ghế đá trong vườn, dưới cây bông sứ đang đơm hoa thơm ngát. Nàng nói
tiếp, giọng như thì thầm :
- Anh ngồi xuống đây nói chuyện... Vào
nhà ba me thấy, la Ánh lắm đó. Sao thi xong, anh không đến chơi ?
Tôi cảm thấy bối bối trước mặt cô
bạn đang niềm nỡ hỏi chuyện, vội giải thích :
- Ngày mai tôi với gia đình đi
Sài gòn sớm, nên chỉ còn đêm nay đến thăm Ánh thôi...
Cô bạn gái nhìn tôi sững sờ :
- Mai anh đi à ? Vậy bao giờ anh trở
lại ?
Tôi ngập ngừng trả lời, giọng bối
rối :
-
Tôi theo ba me vào ở hẳn trong Sài gòn... Đi xa, chắc sẽ nhớ Huế, nhớ các bạn
lắm...
Bỗng dưng nàng im lặng, đầu cúi thấp, kín đáo lau nước mắt, giọng nghẹn
ngào :
-
Ánh khổ lắm anh biết không ? Vừa mới đau buồn vì hỏng thi, bây giờ lại nghe tin
anh đi xa. Vào Sài gòn nhớ viết thư cho Ánh. Đừng quên bạn cũ... anh hỉ ?
Tôi chợt thấy tim mình se thắt lại. Tôi nhẹ nhàng nắm lấy bàn tay mềm
mại, ấm áp của nàng. Chúng tôi ngồi im lặng bên nhau thật lâu. Ðâu đó trong
vườn, có tiếng giun dế rỉ rả, và xa xa tiếng chó sủa vu vơ dưới ánh trăng
khuya… Bỗng từ trong phòng khách có tiếng chuông đồng hồ thong thả gõ nhịp. Từng
tiếng ngân nga, vang vọng, như muốn phá tan không khí tĩnh mịch trong đêm vắng
ở khu thành nội cổ kính này. Tôi luyến tiếc buông bàn tay bé nhỏ và lạnh lẽo
của nàng, đứng lên an ủi :
-
Thôi tôi về nhé. Nhớ ôn bài cẩn thận cho kỳ thi sắp tới ! Thế nào Ánh cũng thi
đậu kia mà. Khi đó, đừng quên viết thư báo tin vui nhé !
Nàng tiễn tôi ra cổng, giọng buồn buồn :
-
Ánh có linh cảm sẽ không còn gặp lại anh nữa… Thôi anh về đi. Mong anh đừng
quên Ánh.
Thế nhưng, cuộc sống tấp nập ở Sài gòn đã khiến tôi quên hẳn việc viết
thư liên lạc với cô bạn đất thần kinh. Độ một tháng sau, tôi nhận được thư
nàng, thăm hỏi và báo tin nàng… lại thi hỏng. Bố mẹ khuyên nàng hãy gác lại
chuyện thi cử để đi tìm việc làm, và còn sửa soạn chuyện lấy chồng vào năm
tới... Tôi trả lời ngay cho nàng, khuyên đừng buồn, và cứ lo đi tìm việc làm để
khỏi trái ý cha mẹ... Còn chuyện tương lai của nàng, tôi không dám có ý kiến,
dù cảm thấy xót xa trong lòng...
* * *
Một thời gian sau đó, chốn phồn hoa đã khiến tâm hồn chàng thanh niên là
tôi từ một tỉnh miền Trung đã di chuyển vào đô thành dần dần thay đổi. Trái tim
tôi bỗng nhiên rung động với những cảm xúc mới, từ những tà áo màu thướt tha,
những mái tóc uốn cong xinh đẹp, những thân hình quyến rũ... Tuy nhiên những lá
thư của người bạn gái từ xứ Huế xa xôi vẫn đều đặn đến với tôi; và thỉnh thoảng
tôi cũng hồi đáp thư nàng. Hai năm sau, một người bạn cũ từ Huế vào thấy tôi
vẫn tiếp tục viết thư cho Ánh, bèn cười chế nhạo :
-
Nàng đã lấy chồng rồi ông ơi ! Chớ có lãng mạn quá... Ðừng viết thư cho bà ấy
nữa kẻo thằng chồng biết được, nó sẽ vào đây thanh toán ông đó nhé !
Tôi nghe lời người bạn, và từ đó ngưng viết cho nàng. Một hôm tôi nhận
được thư của Ánh, dày hơn những thư khác, bên trong chứa đựng những lời ngọt
ngào lẫn trách móc, kèm theo đóa ngọc lan mà năm xưa tôi đã hái tặng nàng. Ðóa
hoa nay đã khô héo, nhưng chưa tàn lụi theo năm tháng, kể từ ngày tôi hái ở
cổng nhà trước khi xa Huế, xa nàng...
Nhưng rồi, cuộc đời tôi di chuyển như cơn lốc. Tôi thi vào học trường
Hành Chánh Sài Gòn. Ra trường tôi lập gia đình và một tuần sau vào thụ huấn
quân trường Thủ Đức. Biệt phái về lại Bộ Nội Vụ để rồi được bổ nhiệm đi làm
việc ở các địa phương. Từ quận Lộc Ninh, tôi về Định Quán, rồi Xuân Lộc… Trong
cơn lốc của cuộc đời di chuyển như thế, những lá thư xưa của Ánh với đoá hoa
ngày cũ cũng thất lạc, tan biến theo cát bụi thời gian.
Sau biến cố 1975, tôi đi tù “cải tạo” từ Nam di chuyển ra Bắc… Sau đó, tôi
ra khỏi trại, trở về Sài Gòn sống thêm mười năm nữa… Và rồi, như những cánh
chim di thê phải tìm đất sống còn, tôi làm đơn xin đi tỵ nạn và được nước Mỹ mở
rộng vòng tay cưu mang. Với tôi, cuộc sống hoàn toàn thay đổi từ đây… Ngày trở
về quê hương, trong một lần ra Huế, tôi đến thăm người bạn cũ. Lúc tôi chào từ
giã, anh bạn cho biết Ánh vẫn ở nhà cũ của cha mẹ nàng năm xưa… Sau đó tôi thuê
taxi để tìm đến nhà nàng… Người tài xế nghe nói địa chỉ của Ánh, nhìn tôi hỏi :
-
Chắc sau “giải phóng”chú chưa về lại Huế ? Đâu còn đường Đinh Bộ Lĩnh nữa ! Mà
chú nói muốn đến hồ Tịnh Tâm ? Nơi đó có gì đẹp để “tham quan”, hay chú tìm ai ?
Những câu hỏi của người tài xế trẻ có vẻ tò mò, nhưng cách nói của anh
ta đầy vẻ quan tâm đến người khách phương xa… Tôi thành thật đáp :
-
Tôi muốn đến thăm người bạn gái thuở thiếu thời. Có lẽ cũng đến hơn năm mươi
năm tôi chưa gặp lại…
Anh lái xe nhìn khách đầy ngạc nhiên, thành thật “góp ý” :
-
Theo cháu nghĩ, chú làm một công việc vô bổ, kết quả chỉ khiến chú đau buồn
thôi. Nếu cháu chở chú đến đúng số nhà đó mà không có người bạn gái cũ, thì chú
sẽ đau buồn ra về. Còn nếu nhà có người, một bà tóc bạc bước ra nheo mắt
nhìn chú, và chú nhận ra người bạn gái ngày xưa, thì chú cảm thấy đau lòng và
thất vọng không ?
Anh ta chờ cho khách có vẻ “thấm” với những lời góp ý thẳng thắn và hợp
lý đó, rồi tiếp lời :
-
Thôi, chú cho địa chỉ nhà hay khách sạn để cháu chở chú về nơi đó bây giờ !
Bỗng dưng, lời nói của anh tài xế trẻ - có lẽ trẻ hơn thời gian tôi xa
người bạn thuở học trò năm xưa - đã khiến lòng tôi nguội lạnh !
Tôi bước vào xe, ngã người trên băng ghế sau, im lặng và buồn bã. Tâm
trạng của tôi lúc ấy cũng giống như chàng Từ Thức ngày xưa khi trở về trần,
không còn tìm ra cảnh cũ người xưa!
* * *
Huế ngày…
Thưa anh,
Đã lâu lắm, có lẽ cũng hơn năm mươi năm, tôi mới viết thơ này cho anh.
Cũng do một tình cờ tôi mới biết địa chỉ của anh để gởi lá thư cuối cùng sau
hơn nửa thế kỷ bặt tin !
Năm ngoái, nhân buổi họp mặt bạn học cũ, người bạn thân của anh đã cho
tôi địa chỉ này. Anh ấy còn cho biết anh từng có ý định ghé thăm tôi trong một
chuyến về du lịch Việt Nam
! Một năm mong chờ, vô vọng. Một năm suy nghĩ, tủi thân. Và sau một năm dài đủ
để cõi lòng lắng dịu, tôi mới can đảm viết cho anh.
Năm ấy, tôi thi hỏng, lòng nặng trĩu đau buồn. Nỗi buồn “thi không ăn
ớt thế mà cay”, cọng thêm mối u sầu do chia cách tình bạn thân thiết thuở đầu
đời… tất cả đã khiến tôi chán chường vô kể. Để rồi sau đó, vâng lời ba mẹ, tôi
đi lấy chồng. Và cũng như Cô Lái Đò của nhà thơ Nguyễn Bính “Chẳng lẽ ôm cầm
chờ đợi mãi / Cô đành bội ước với tình quân / Bỏ thuyền bỏ lái bỏ dòng sông…”.
Tôi lấy chồng, nhưng vẫn về ở ngôi nhà cũ với ba me, để chồng khỏi bận
tâm khi đi hành quân xa ! Cho nên dòng sông Hương êm đềm thuở ấy đã níu kéo tôi
nơi chốn cố đô thâm u, suốt cả cuộc đời thanh xuân cũng như lúc tuổi đời xế
bóng…
Đã năm mươi năm qua tôi vẫn sống vò võ nơi đây, kể từ khi anh bỏ Huế,
không bao giờ trở lại thăm người bạn bạn cũ nơi đất thần kinh ! Rồi khi miền
Nam thất thủ, người dân lũ lượt ra đi. Và cũng như họ, anh đã đến đất Mỹ, sống
trong bầu không khí tự do như gió thoảng, như chim bay ! Và trong niềm hạnh
phúc nơi thiên đàng hạ giới ấy, có bao giờ anh chạnh lòng nghĩ đến những cuộc
sống hẩm hiu của người bạn cũ nơi quê nhà ?
Tôi đọc hết lá thư của Ánh, người
bạn gái thuở thiếu thời, thẫn thờ nhìn ra bầu trời qua cửa sổ phòng ngủ. Cơn
gió mát từ biển thổi vào làm vơi đi những ưu tư vừa dấy lên trong lòng tôi. Hơn
hai mươi năm sống nơi xứ người, tôi hầu như quên đi những khổ đau của chính
cuộc đời mình trong quá khứ. Với cuộc sống ổn định hiện tại, tôi bỗng lãng quên
bạn bè, đồng môn thân thiết ở quê nhà. Thỉnh thoảng tôi nhận được tin một vài
người bạn bị bệnh trầm kha; hoặc có người đã ra đi về miền miên viễn xót xa ! Chúng
tôi đón nhận, thăm hỏi, chia buồn với tang gia… Kỳ dư, tôi không biết gì về các
bạn khác hiện đang sống trong cảnh nghèo khó hẩm hiu, đi làm thuê làm mướn cực
nhọc… Có thể họ đang ở trong một thôn xóm keo cư ở miền Hậu Giang. Có thể họ
đang sống vất vả trên một mảnh đất khô cằn sỏi đá ở Trung Việt. Đã lâu không ai
biết tin tức gì về họ để có thể thăm viếng, giúp đỡ lúc họ túng quẫn ngặt
nghèo! Bây giờ họ đang ở một góc rời nào đó trên quê hương.
Lá thư của Ánh đã đến với tôi thật
bất ngờ. Nó như cánh chim không mệt mỏi, đã vượt qua nửa vòng trái đất, đánh
thức trong tôi nỗi khắc khoải ưu tư… Trong buổi sáng sớm hôm nay, nghe bản nhạc
tình cảm thiết tha của Ngô Thụy Miên, tôi chợt nhớ đến ánh mắt buồn ray rức của
cô bạn năm nào, khi tôi từ biệt nàng để vào nơi phồn hoa đô hội đất Sài gòn năm
ấy. Và trong lá thư vừa đến tôi mấy hôm trước đây, những lời trách móc của
người bạn gái năm xưa phải chăng cũng giống như tâm trạng của tác giả Riêng Một
Góc Trời mà tôi đã nghe được buổi sáng sớm hôm nay :
Người vui bên ấy,
xót xa nơi này, thương hình dáng ai
Vòng tay tiếc nuối, bước chân âm thầm, nghe giọt nắng phai
Đời như sương khói, mơ hồ, trong bóng tối
Em đã xa xôi, tôi vẫn chơi vơi, riêng một góc trời…
Tam Bách ĐBT
____________________________________________________________________
No comments:
Post a Comment