Friday, September 11, 2015

HOA TỪ BI

Andy Trần - Pháp danh: Nguyên Thông 



Xuân-Hạ-Thu-Đông, bốn mùa thay nhau đến rồi đi. Như thiên y khoác lên cõi trần gian bốn màu áo, thêu đầy những hoa thơm cỏ lạ muôn ngàn hương sắc. Kỳ diệu thay, hoa có tự bao giờ? - Từ khai thiên lập địa. Hoa lung linh sắc màu, tươi cười
trong nắng gió như để đón chào từng kiếp nhân sinh; vô thường, ngắn ngủi và chia sẽ những nỗi khổ đau giữa cuộc đời đầy ô trọc. Nếu không có hoa, cuộc sống sẽ không có muôn màu, khác gì địa ngục “Kiếp con người nhẫn nhục nếm chua cay”. Xin cảm ơn Đất Trời cao đẹp, thể hiện trong từng cánh hoa thơm đầy hương sắc, đối xứng viên dung!

 Thi sĩ Tô Thùy Yên, trong bài thơ “Ta Về” có câu: “Cảm ơn hoa đã vì ta nở”. Ý thơ mới tuyệt làm sao! Cái cảm xúc thiêng liêng mang đầy tính triết lý. Mới hay cái nhỏ nhiệm, đơn sơ giữa trần đời lại toát lên một chân lý sáng ngời, thoát tục. Nhưng hoa bao dung độ lượng hơn nhiều. Hoa là của mọi người, chẳng phải vì ai mà nở. Hoa là sự kết tinh khí của đất trời. Hoa trả ơn cuộc đời bằng tấm lòng sắc son, thanh khiết, nhu hòa. Không vì danh lợi; không phân biệt kẻ xấu người tốt, bằng một tình yêu cao cả vô điều kiện. Hoa chỉ nở và nở thế thôi. Nếu chúng ta tin vào thuyết vạn vật hữu linh hay đồng nhất thể, ta nhận thấy hoa biểu hiện đầy đủ tính cách Chân-Thiện-Mỹ. 

 Từ ngàn xưa, con người đã biết thưởng thức và yêu quý hoa. Biểu tượng của sự tinh khiết, luôn hiện diện trong những nghi thức tế lễ của mọi tôn giáo. Trong thế giới danh-sắc, con người luôn luôn tìm đủ mọi cách định danh và phân loại cho tất cả mọi thứ nếu có thể. Nơi đâu cũng có sự phân biệt sang giàu, nghèo hèn… Hoa cũng không ngoại lệ. Cho nên giới thưởng ngoạn phân chia các loài hoa ra nhiều đẳng cấp khác nhau như: Hoa lan vương giả, mẫu đơn phú quý, v.v để so sánh với muôn ngàn loài hoa hoang dã khác. Dường như là để tự đề cao phẩm giá, nhân cách của mình hơn là cho hoa(?) Dựa trên màu sắc, dáng vẻ và tính cách, người ta đặt cho mỗi loài hoa một ý nghĩa tượng trưng, một ngôn ngữ ước lệ nào đó. Hoa Hồng biểu tượng cho tình yêu, hoa Sen thanh khiết, từ bi, hoa Mai cao thượng. Về ý nghĩa ngôn ngữ: Hoa Lài – tình bạn ngát hương. Phong Lan – với bạn tôi là người thành thật, Hải Đường – sao lại thờ ơ lạnh lùng, hoa Hồng Vàng – một tình yêu kiêu sa, rực rỡ. 

 Ngày nay, không những nâng cao trình độ nghệ thuật thưởng thức hoa, con người cũng sớm biết lợi dụng, điều kiện và thương mại hóa. Bằng cách cho lai tạo để tăng thêm chủng loại, có thể nở quanh năm và mang nhiều sắc thái khác nhau. Dần theo năm tháng, thị hiếu con người cũng đã thay đổi vì sự hấp dẫn, quyến rũ bởi những vương giả, phú quý chi hoa. Chúng ta vô tình quên đi những loài hoa hoang dại, bình dị khác. Tuy không rực rỡ, kiêu sa, nhưng vẫn tô điểm cho đời thêm tươi đẹp mà ta vẫn thường bắt gặp đâu đó trên những nẻo đường thiên lý. Thiên nhiên không bạc đãi, thiên vị bất cứ loài hoa nào. Chúng ta đã không công bằng với những loài hoa “hương đồng gió nội”. 

Nhưng chính nhờ những loài hoa này, cùng với giai nhân – sắc nước hương trời, tao nhân mặc khách, hoa hiển nhiên đi vào thi ca. Chỉ có những tâm hồn lãng mạn, yêu thiên nhiên; yêu cái đẹp thật sự, mới nhận thấy hoa gai Mắc Cở thẹn thùng e ấp của tuổi mười sáu, đôi mươi trong thơ Huy Cận “Nắng chia nửa bãi; chiều rồi. Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá sầu” lại bỗng hóa thành nàng “Hoa Trinh Nữ” bẽn lẽn, yêu kiều trong bài hát của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Hoặc “Hoa Cỏ May” của nhà thơ Nguyễn Bính: “Hồn anh như hoa Cỏ May, một chiều cả gió bám đầy áo em”. Hay trong bài “Mùa Thu Chết” của Phạm Duy phổ từ bài thơ Pháp “L’adieu”, nổi tiếng từ thập niên 70:

“Ta ngắt đi một cụm hoa Thạch Thảo em nhớ cho mùa Thu đã chết rồi”.

 Có một giống cây tựa như nho dại mọc leo men theo tường rào, hoa nở có hai màu trắng hồng nhỏ xíu, tên là hoa Ti-gôn cũng cho chúng ta một bài thơ bất hủ: “Hai Sắc Hoa Ti-gôn” của TTKH.“Bảo rằng hoa dáng như tim vỡ, anh sợ tình ta cũng vỡ thôi”. Tùy theo cảm xúc của mỗi tâm hồn, mỗi loài hoa đều mang một tính cách riêng biệt. Như nàng Dạ Lý Hương, hoa này hương thơm ngào ngạt, bay rất xa. Trong đêm tối, khó xác định được hoa ở chỗ nào, “Hương bay một nẻo hoa rình một nơi”. Hoa Quỳnh cũng là loài hoa nở về đêm, mau tàn hơn cả Phù Dung. Đặc biệt là giống Quỳnh Hương, từ lúc nở đến khi tàn chỉ vài tiếng đồng hồ. Mỗi năm chỉ nở một lần, mỗi lần chỉ một đóa hoa. Hoa Quỳnh Hương thơm ngát, rất dịu như thắm vào tận đáy tâm hồn người thưởng ngoạn. Đây mới đích thực là Quỳnh Hoa quý hiếm có nhiều huyền thoại. Cùng bạn tri âm, tri kỷ đối ẩm, làm thơ; chờ trăng lên, ngắm Quỳnh Hương nở là một thú vui tao nhã bậc nhất. 

 Cuộc đời, dù có những khoảnh khắc tươi đẹp như hoa kia rồi cũng sẽ chóng tàn. Một đời hoa cho ta nhiều triết lý sống. Danh - sắc chỉ có vậy thôi! Đời người có khác gì đâu? “Xuân không nhuộm lại hoa lòng héo. Và Hạ về lòng chẳng ấm chi”. Trong Phật Giáo, nổi tiếng nhất có thể nói là “Niêm Hoa Vi Tiếu” (Đức Phật cầm một đóa hoa đưa lên, tôn giả Ca Diếp mỉm cười). Vạn pháp là vô thường, huyễn ảo không thể dùng con mắt phàm tục mà hiểu được; phải có con mắt trí huệ để thấy được chân tướng – thực tại tuyệt đối. Hoa chính là biểu tượng của tâm thức khai mở. Tôn giả Ca Diếp dùng huệ nhãn nhìn thấy cái Tâm – vô vi mà không phải là Hoa – hữu vi. Với “nụ cười Thánh Nhân” ông đã thể hiện được sự lĩnh hội yếu chỉ tâm pháp bí truyền từ Đức Phật. Đó là “Chánh Pháp Nhãn Tạng, Niết Bàn Diệu Tâm” khởi đầu Thiền Tông, tâm ấn. Nhưng có một loài hoa thiêng liêng, khoảng ba ngàn năm mới nở một lần, đó là hoa Ưu Đàm thế gian hiếm có. Theo kinh Phật, hoa Ưu Đàm chỉ xuất hiện như là một điềm lành báo cho biết sẽ có Phật hay Thánh Nhân lâm phàm nhập thế, phổ độ chúng sinh. Cho dù cuộc đời có khổ đau bao nhiêu, con người sống không thể thiếu hy vọng. “Hồn ta tiếng suối lưng đèo ấy. Và tiếng chim ca vẫn đợi chờ” 

Trong khi chờ đợi, mỗi tâm hồn chúng ta hãy tự mình là một đóa hoa tươi đẹp. Sống có ý nghĩa bằng tất cả trái tim mình đối với tha nhân. Dẫu biết rằng đời là bể khổ, đầy dối trá, tham cầu. Tự cổ chí kim vẫn còn biết bao người với tấm lòng Từ Bi, Bác Ái; phụng hiến, quên mình. Đó cũng là bản hoài của chư vị Thánh Hiền và Đức Sư Tổ Dasira Narada. Khi tấm lòng độ lượng bao dung rộng mở, chính là những đóa “Hoa Từ Bi” thanh cao, tôn quý hơn tất cả mọi loài hoa. Xin mượn ý bốn câu thơ trong bài “Ta Về” của thi sĩ Tô Thùy Yên: 

                         Ta về cúi mái đầu sương điểm
                         Nghe nặng từ tâm lượng đất trời 
                        Cảm ơn hoa đã vì ta nở 
                        Thế giới vui từ mỗi lẻ loi.


Gà Ta - Chuyển tiếp


_______________________________________________

No comments:

Post a Comment