và hành trình tìm cha
Tác giả: Ngô.Giao@nguoi-viet.com
Chánh lục sự Orange County Hiếu Nguyễn |
Công việc chứng nhận và lưu trữ giấy tờ hoàn toàn không đơn giản như người ta thường tưởng. Từ thứ Hai đến thứ Sáu, cả thảy hơn 100 nhân viên làm việc luôn tay mà không khi nào bớt việc trong khi số người phải xếp hàng ngày càng đông hơn.
Thấy thế, ông Hiếu tự biết rằng mình không thể lắc đầu bó tay như bao nhiêu viên chức chính phủ khác.
“Hàng năm văn phòng tôi giải quyết hơn 1,000,000 hồ sơ,” ông Hiếu cho biết.
Do đó, ông Hiếu tự nguyện mở cửa văn phòng thứ Bảy, một lần một tháng – không lương. Ông được chính phủ liên bang ghi nhận đóng góp này.
Phó lục sự Najeep Siddiqui nói: “Tôi làm ở đây 26 năm rồi mà chưa thấy ai thân thiện và thương người như ông Hugh.”
“Tôi thích giúp người khác,” ông Hiếu nói với nụ cười thân thiện.
Cô Nadia Obadi, một nhân viên tại văn phòng Santa Ana, gật đầu tán thành: “Anh Hiếu tốt lắm. Tốt với nhân viên và tốt với những người đến đây xin đơn. Ai anh cũng giúp đỡ hết.”
Trên giấy khai sinh của tất cả trẻ em ra đời tại Orange County từ năm 2013 trở về sau đều phải có chữ ký của ông thì mới hoàn tất. Thế mà trên giấy khai sinh của chính ông, phần tên cha lại không được hoàn chỉnh. Tên cha: Khuyết danh.
Chính vì vậy, ông Hiếu, 47 tuổi, đang tìm cách sửa đổi sự thiếu sót này.
Long đong từ thuở bé
Ra đời tại Việt Nam năm 1967, ông Hiếu không có cái may mắn là được cha bồng ẳm. “Tôi là “war-child,” đứa con chiến tranh, đứa trẻ lạc loài,” ông chua chát cười.
Khi ấy, mẹ ông chỉ là một cô gái 16 tuổi. Qua lời mẹ kể, cha ông là một quân nhân Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đóng ở Nha Trang. Sau khi biết đã mang thai, bà tìm đến căn cứ quân đội để báo tin cho ông thì mới vỡ lẽ rằng ông đã thiệt mạng vì xe Jeep cán mìn trước đó vài ngày với mấy người bạn đồng ngũ khác.
Được ông bà ngoại và người dì tên Nhâm nuôi dưỡng tại Saigon từ hồi mới ba tháng, chú bé Hiếu mới hay rằng không có cha mà mẹ lại không nuôi được (vì quá trẻ) chỉ mới là mở đầu của sự bất hạnh.
Ông kể: “Từ hồi ba tuổi, những đứa trẻ lối xóm luôn luôn ăn hiếp tôi, đánh đập tôi đau lắm.” Vừa đánh vừa chửi rủa tôi vì "cái tội con lai." Tôi cũng rất mặc cảm vì nhìn không giống ai chung quanh," ông Hiếu tâm sự.
Ông dừng, như để kềm chế cảm xúc: “Bao nhiêu đêm tôi không ngủ được vì rất giận cha tại sao lại để mình lây lất ở đây.”
Nhưng rồi nụ cười dễ dàng lại trở về trên môi ông: “Rồi tôi sực nhớ rằng cha tôi đâu có biết tôi đang hiện diện trên cõi đời này đâu.”
Không biết oán hờn
“Dĩ nhiên lúc đầu tôi rất thù những người ăn hiếp tôi chứ. Nhưng tôi không để lâu trong bụng,” ông Hiếu lắc đầu hiền hòa.
“Có nhiều đêm nằm trong mùng tưởng tượng đến lúc được trả thù, đánh lại mấy người đó, tôi sướng lắm.”
Ông Hiếu hạ giọng: “Giấc ngủ của tôi hồi nhỏ toàn là nhớ mẹ, trách cha và trả thù thôi.”
“Thấy tôi bị người ta đánh đập, chửi bới hoài, ông bà ngoại gởi tôi vô căn cứ quân đội của người chú tên Đạt,” ông Hiếu thở dài cam chịu.
Ngày thường tôi đi học trường dành cho trẻ mồ côi, cuối tuần thì ở với chú Đạt trong trại lính ở Long Khánh.”
Rồi ông cười to: “Thấy chưa, mấy người ăn hiếp tôi, họ đâu có giết được tôi đâu. Tôi đang sống để lo cho gia đình tôi và giúp đỡ người khác nè.”
Ông tiếp: “Cuối cùng thì tôi không muốn trách móc hay thù ghét ai hết. Như vậy nhẹ bụng hơn.”
Sống sót nhờ tình thương
Trước ngày Saigon thất thủ, gia đình ông Hiếu nghe tin Việt Cộng sẽ chiếm Saigon và giết sạch những ai là con lai nên họ đã phải tìm cách đưa ông, lúc đó bảy tuổi, và người em bốn tuổi tên Linda, tị nạn Cộng Sản.
Ông bà ông ngoại muốn chú bé Hiếu và em Linda theo các bà dì phước đi Mỹ theo chương trình giải cứu trẻ mồ côi chiến tranh Việt Nam, Operation Babylift. Suốt hai ngày ròng rã, em Linda, chỉ ôm chân tôi mà khóc sướt mướt,” ông Hiếu hồi tưởng.
Năm 1975, Hiếu 7 tuổi, Linda 4 |
“Ông bà nói “nếu trời bắt chết thì chết hết,”" mắt ông Hiếu long lanh xúc động.
Quyết định “nếu chết, chết hết” của ông bà ngoại đã cứu mạng hai anh em ông.
Ông Hiếu ngưng một lát như suy tư: “Vừa về nhà thì hôm sau, ngày 4 Tháng Tư, chiếc máy bay C-5A Galaxy của chương trình giải cứu trẻ mồ côi Operation Babylift cất cánh từ phi trường Tân Sơn Nhất.”
“Chỉ 12 phút sau, một cánh cửa máy bay bị thổi văng ở độ cao 29,000 feet, phải đáp khẩn cấp. Hơn 30 nhân viên và 78 trẻ em thiệt mạng.” Ông Hiếu như vẫn không tin.
“Lên máy bay khó lắm. Gia đình tôi toàn người già, đàn bà với con nít chen lấn với người lớn nên không biết có đi được không. Máy bay thì chật mà người ta cứ bám bên ngoài, đu theo lủng lẳng. Sợ lắm.” Có lúc tưởng máy bay sắp rớt như chiếc kia,” ông Hiếu vẫn lo sợ.
Lần này, ông và gia đình an toàn vượt thoát.
Gia đình ông đã được trực thăng đưa ra hàng không mẫu hạm USS Midway rồi cùng hơn 3,000 người Việt tị nạn sang Mỹ năm 1975.
Rời nơi chôn nhau cắt rốn để tìm về quê cha
“Khi được đinh cư ở El Centro, tôi lại bị những đứa trẻ người Mỹ bắt nạt, cũng vẫn đánh đập và chửi bới tôi nữa. Cũng vì tôi không giống họ.”
“Tôi không ngờ chuyện này lại tiếp diễn ở đây,” ông Hiếu lắc đầu. “Tuy vậy, tôi vẫn hãnh diện được mang dòng máu Việt.”
“Chỉ có điều là càng lớn, tôi càng không chấp nhận chuyện bị bắt nạt được nữa."
Năm 1979, gia đình ông dọn về Quận Cam.
Ông cười tự hào: "Rồi sau cùng thì tôi đã đánh lại những người gây chuyện với tôi. Từ đó về sau, không ai dám trêu ghẹo tôi nữa.”
Không dừng lại ở đó, ông Hiếu hăng say rèn luyện thân thể và kỹ năng để rồi trở thành thủ quân đội tuyển bóng rổ trường trung học Saddleback ở Santa Ana năm 1987. Với đà tiến lên đó, năm 1993, ông được nhận làm nhân viên phòng lục sự Orange County.
Và năm 2013, ông chính thức nhiệm chức giám đốc sở lục sự Orange County.
Tìm lại cội nguồn
Chứng kiến những bước nhảy vọt của khoa học DNA, ông Hiếu quyết định phải tìm cách lấy hai chữ “Khuyết danh” ra khỏi khai sinh mình.
Tấm hình duy nhất của cha ông Hiếu Nguyễn (áo trắng - bên trái, phía sau). |
“Tôi sẽ nhờ một công ty chuyên tìm thân nhân qua DNA,” ông Hiếu tuyên bố. “Hiện giờ tôi chỉ có tấm hình cha tôi,” ông nói về một tấm hình vàng úa cũ kỹ.
“Và dòng máu ông đang chảy trong chảy trong mạch máu tôi.”
Mẹ ông, bà Vân Nguyễn, nhỏ nhẹ: “Không nuôi được con tôi nhưng tôi mừng vì ông bà ngoại và cô Nhâm đã chăm lo cho Hiếu. Và bất cứ gì Hiếu làm tôi thấy đều có tình người. Tôi hãnh diện về con tôi.” “Mong cho con tôi toại nguyện.”
Ông Najeep, phó lục sự, nói: “Anh Hugh nắm trong tay ba triệu hai trăm ngàn hồ sơ, lý lịch của Orange County mà chính ông, hồ sơ lại không đầy đủ. Tôi cầu nguyện cho anh ấy.”
Ông Mike Desai, chuyên viên IT, trầm lắng: “Biết Hugh bao nhiêu năm rồi, tôi hiểu rằng nếu không tìm được gia đình cha, ông ấy sẽ không bao giờ có được cảm giác trọn vẹn.”
Ông Hiếu thổ lộ: "Từ năm 14 tuổi đến giờ, đến ngày Father's Day là tôi mua quà, mua card cho chú Jim Tripodes, là chồng dì tôi. Chú Jim là người cha tốt.”
Ông Jim, chồng cô Nhâm, người nuôi Hugh từ 14 tuổi, cảm nhận rõ sự “trống vắng” trong tâm hồn một người không biết đến cha: “Dường như có sắp xếp (bề trên) nên chúng tôi không có con. Vì thế chúng tôi coi Hugh và Linda như con ruột và Hugh luôn là người con ngoan. Tôi hiểu nỗi lòng của Hugh muốn tìm nguồn gốc, ở thăm thẳm tâm can mỗi chúng ta, nếu không biết nguốn gốc của mình thì chỗ trống trải này của tâm hồn sẽ làm mình luôn cảm thấy không trọn vẹn.”
Có chú Jim thương yêu, Hiếu "vẫn muốn tìm kiếm cha ruột,” ông nói như phân trần.
“Vợ tôi và hai con tôi đều muốn biết thêm về tôi qua cha tôi hay gia đình ông.”
Ông mô tả sự dằng co nội tâm: “Trong lòng tôi đầy mâu thuẫn. Một nửa mong là cha tôi còn sống để được kể cho tôi nghe những gian truân cũng như thành tựu của tôi.”
“Nửa kia, tôi mong rằng mẹ con tôi đã không phải sống trong một sự dối trá suốt 47 năm qua,” ông Hiếu gãi đầu.
“Tôi chỉ mong mỏi có bất cứ ai trong gia đình cha tôi nhận ra ông trong tấm hình này và liên lạc với tôi.”
Kevin Phùng, nhân viên 15 năm sở lục sự, chia sẻ: “Tôi và các đồng nghiệp đều coi anh Hiếu như người anh trong nhà.”
Ông Hiếu nhìn tấm hình cũ kỹ: “Bao nhiêu đêm tôi nằm nghĩ đi, nghĩ lại đến cảnh được là một thành viên trong gia đình bên nội; được biết tên cha tôi, được nghe kể về những kỷ niệm ấu thơ của ông,”
Ông Hiếu chợt lắng xuống: “Hoặc được so sánh tôi với cha tôi như giống ông cái mũi, khác ông cái tai hay gò má tôi na ná giống gò má ông.”
Ông giấu xúc động: “Mẹ và tôi đều thích bún bò Huế. Tôi muốn biết cha tôi thích món gì.”
“Nếu ông còn sống, tôi không cần xin gì của ông. Chỉ xin được biết về ông.”
“Người ta, ai cũng cần phải có cội nguồn.”
Nhưng, “muốn hiểu tương lai thì phải biết quá khứ của mình,” ông Hiếu thở dài.
Ông kết: “Người Mỹ rút ra khỏi Việt Nam (năm 1973) nhưng đã bỏ lại bao nhiêu oan khiên."
Gà Ta - chuyển tiếp
__________________________________________________________________
No comments:
Post a Comment