Tố Yên
Lần đầu tiên làm Mẹ
Bàn tay em vụng về
Đêm khuya con khóc nhè
Nào việc thay tã lót
Nào việc bồng bế con
Em như thể chim non
Lần đầu vươn đôi cánh
Bộn bề bao gánh nặng
Đêm khuya giấc chẳng tròn
Thân em như chỉ còn
Niềm vui và tình Mẹ
Sống xa quê hương, thỉnh thoảng lúc một mình, tôi vẫn
thường nhớ lại những bài thơ ba sáng tác khi tôi còn là một bé gái tí hon mới
lọt lòng Mẹ. Lúc còn ở nhà, Mẹ cũng hay kể tôi nghe về cái ngày xửa ngày xưa ấy
- những ngày tháng mà tôi - đứa con gái đầu lòng của Mẹ còn chưa biết
nghe, chưa biết hiểu lòng Mẹ, khuya nào cũng oe oe vòi Mẹ dỗ dành.
Nhanh thật, nhìn qua rồi ngoảnh lại, tôi giờ đã là một thiếu nữ
hai muơi hai tuổi, cái tuổi mà không ít các nàng đã lên xe bông về nhà chồng,
rồi đôi khi đã sắp sửa đón nhận thêm một thiên thần bé nhỏ. Hai mươi hai tuổi,
cũng là cái tuổi mà Mẹ tôi lúc ấy đã để những cuộc vui, những tiếng cười giòn
tan của lứa tuổi đôi mươi qua một bên, để nhường chỗ cho một trọng trách vĩ đại
hơn tất cả: thiên chức làm Mẹ. Nhìn lại mình, tôi chưa đến lúc đón nhận cái
vinh dự đó nên thật chẳng thể hiểu được sự vất vả của Mẹ. Chính ba cùng
những dòng thơ đã đưa tôi ngược dòng thời gian về với ngày thơ ấu ấy - tôi nhìn
thấy Mẹ rưng rưng lệ ôm tôi vào lòng dỗ dành, đôi mắt hằn rõ sự mỏi mệt vì
những đêm mất ngủ nhưng lại ngân ngấn những giọt lệ hạnh phúc…
Hai mươi mấy năm trời, tôi đã nghe, biết, thấy và đôi khi đã nếm
được phần nào những vị đắng, cay, mặn mà Mẹ từng nếm trải từ lúc tôi chào đời.
Mẹ tôi không may mắn khi được sinh ra vào cái thời đất nước còn
loạn lạc, ông bà ngoại còn nghèo, miếng cơm manh áo đôi khi còn thiếu thốn chứ
chưa nói đến việc học hành. Vì lẽ vậy, Mẹ cũng chẳng phải là tuýp người phụ nữ
có vị thế trong xã hội mà chỉ là một người phụ nữ bình thường, cũng phải
bươn chải, lăn lộn với cuộc sống để phụ ba tôi (một công chức với đồng lương ít
ỏi lúc bấy giờ) để nuôi nấng tôi và sau này là em gái tôi – hai cục vàng của Mẹ
như Mẹ vẫn thường nói vui.
Nhìn Mẹ bây chừ, ở nhà cao cửa rộng, cuộc sống tuy không giàu có
khấm khá như người ta nhưng cũng đủ để gọi là ăn chắc mặc bền, chắc không ai
dám nghĩ Mẹ tôi đã từng lăn lộn qua không biết bao nhiêu cái nghề để mà sống,
mà nuôi nấng hai chị em tôi. Từ một cô công nhân xếp quần áo đến người bán vé
hội chợ, từ lúc bán chè đầu ngõ, bán bánh canh cuối xóm cho đến lúc bán từng
viên kẹo, cuốn vở cho trẻ nhỏ.
Cuộc đời thăng trầm của Mẹ trong mắt tôi hiện ra như một cuốn tiểu
thuyết không biết đến lúc nào sẽ có hồi kết, cứ triền miên như thế với đầy rẫy
những sóng gió của cuộc đời.
Tôi còn nhớ, khi em gái tôi sinh ra được một thời gian ngắn cũng
là lúc ba bệnh. Trong đôi mắt của đứa trẻ lên năm, lên sáu, tôi vẫn có thể nhận
ra Mẹ tôi như ngày một hao mòn giữa cái dòng xoáy oan nghiệt mà ông trời đã thử
thách. Vừa phải chạy ngược chạy xuôi lo cho ba, vừa phải lo kiếm tiền trang
trải cho cuộc sống, đôi vai Mẹ lúc ấy tôi tưởng chừng như nặng trĩu đến mức đôi
chân sẽ phải ngã quỵ. Nhưng, Mẹ tôi đã kiên cường giấu những giọt nước mắt vào
trong để thay ba gánh vác cả một gia đình, vì Mẹ thương ba cha con, Mẹ hiểu ba
cha con cần Mẹ nhất.
Đâu đã hết, từ nhỏ đến lớn, có thể nói chị em tôi đã không biết
bao lần làm Mẹ khóc hết cả nước mắt. Những đứa trẻ con luôn như vậy, nào là sốt
cao, rồi té, ngã, trượt, va chạm, chảy máu, nằm viện, hầu như ai cũng đã trải
qua khi còn là trẻ thơ. Những lúc đó, Mẹ luôn là người yếu đuối và mau nước mắt
nhất, bởi lẽ có tình thương nào giành cho con lớn hơn tình Mẹ?
Thật thế, hai chữ “làm Mẹ” luôn gắn liền với sự vất vả, lo lắng,
cực nhọc mà chỉ có tình thương của một người Mẹ mới đủ lớn để giúp vượt qua tất
cả. Như Mẹ tôi vẫn hay tâm sự, lúc con còn nằm trong bụng Mẹ, Mẹ lo không biết
con có lành lặn chăng? Khi con chào đời và đã cất được tiếng khóc oe oe, Mẹ nôn
nóng nhìn xem mắt mũi miệng con gái có xinh không? Rồi con đươc mười mấy tháng
tuổi, Mẹ lại mong được chứng kiến những bước đi chập chững đầu đời. Con lớn
thêm chút nữa, Mẹ lại phải dạy cho con bập bẹ “Ba
Ba… Mẹ Mẹ…”. Con chậm
nói hơn những em bé khác, Mẹ cũng sốt ruột không yên lòng.
Còn ngày đầu tiên con đến lớp, Mẹ phập phồng lo sợ bé con có khóc
nhè hay không, rồi chẳng biết con học hành có theo kịp chúng bạn không? Đã thế,
từng kỳ thi đến, con hồi hộp một, Mẹ cả mười, mong con thành công để con vui,
để Mẹ tự hào… Và thời gian trôi, đến một ngày nào đó, con gái phải đi lấy
chồng, phải đi xa Mẹ, Mẹ vẫn cầu mong cho con gặp được người đàn ông tử tế, yêu
thương con thật lòng như ba thương mẹ. Mẹ còn phải dõi theo con, lo lắng cho
con dài dài nữa dù con không còn ở cạnh Mẹ mỗi ngày như lúc xưa…
Thật vậy, tôi giờ đã bay xa ra khỏi vòng tay của Mẹ mất rồi. Xa Mẹ
đã hơn một năm trời, đối với tôi như mười năm đằng đẵng nhưng chưa bao giờ tôi
cảm thấy thiếu vắng sự quan tâm của Mẹ, dù cho mỗi ngày, sóng điện thoại chỉ
kết nối hai Mẹ con tôi chừng mươi phút. Nơi xứ người xa xôi, tôi thèm lắm những
món ăn Mẹ nấu, thèm ly nước cam không đường chua lè Mẹ vắt dù cho cam Mỹ có
vàng, có ngọt. Tôi thèm được nũng nịu vòi Mẹ gội đầu bằng nước nóng những
lúc lười biếng; thèm được Mẹ khen chê trắng đen, mập ốm, mặt mụn hay răng
vàng; thèm và còn thèm nhiều nhiều thứ nữa…
Bỗng nhớ lại những câu hát trong bài Nhật Ký Của Mẹ:
Một ngày con lớn, một ngày con
khôn,
một ngày con phải đi xa Mẹ,
Bước chân vững vàng, khó khăn
chẳng màng,
biển rộng trời cao con
vẫy vùng,
Một ngày chợt nắng, một ngày
chợt mưa,
lòng Mẹ chợt nhớ con vô bờ
Nhớ sao dáng hình, nhớ sao nụ
cười,
nhớ con từng giây phút cuộc
đời...
Con gái là vậy, không sớm thì muộn,
cũng sẽ có một ngày phải đi xa Mẹ. Tôi đọc được nỗi nhớ con chất chứa trong
lòng Mẹ. Và, tôi cũng vậy, chưa bao giờ nguôi nỗi nhớ nhà, nhớ Mẹ. Giờ đây, khi
tôi đã chẳng còn là một bé con ngày nào hồn nhiên bên Mẹ nữa, tôi đã có thể
sống tự lập và cũng bắt đầu có những thành công nho nhỏ trên đường đời. Tôi cảm
thấy biết ơn Mẹ vô cùng, chính vì trên mọi ngả đường tôi băng qua đều thấp
thoáng hình bóng của Mẹ tôi.thì
Có lẽ rằng, hai từ “Cám ơn” không thể nào đủ để tôi bày tỏ lòng
mình với Mẹ và những điều Mẹ đã hy sinh cho tôi quá nhiều để tôi có thể tóm gọn
sau hai tiếng “Cảm ơn”. Nên, Mẹ ơi, con thật sự chỉ muốn cảm
ơn Mẹ vì Mẹ là Mẹ của con.
Gửi đến Mẹ hàng ngàn cái ôm từ phương xa nhân ngày lễ
Vu Lan.
Yêu Mẹ nhiều.
Tố Yên
(25/3/2015)
_______________________________________________________
No comments:
Post a Comment