Thanh Thanh
Từ trái sang : Cô
Vương Thúy Nga, Cựu Hiệu Trưởng trường Nữ Trung Học Qui Nhơn , cạnh là Cô Đặng
Thị Yến (ảnh từ trang Giang N.Tuyết Nữ Trung Học)
(Kính dâng hương hồn Cô Đặng Thị Yến. Thân tặng các bạn 12A2, niên khóa 1971-1972)
Năm học 1971-1972 tôi
học lớp 12. Cô Đặng Thị Yến là Giáo Sư Cố Vấn lớp 12A2 của chúng tôi. Cô Yến
còn dạy Sinh Ngữ 2 đó là môn Pháp Văn.
Cô Yến có vóc người thon thon, cô thường mặc những chiếc
áo dài kiểu “cổ áo Ngô Đình Nhu”. Cô có giọng nói pha Quảng Nam nhè nhẹ.
Cái vóc dáng đó cộng thêm giọng hát thánh thót ngọt ngào của cô đã thổi vào tâm
hồn chúng tôi những cô học trò tuổi 17,18 một luồng không khí mới. Làm sao
chúng tôi quên được giọng hát của cô cất lên trong những buổi chiều đông : “Chiều chưa đi màn đêm rơi xuống. Đâu
đây buông lững lờ tiếng chuông. Đôi cánh chim bâng khuâng rã rời. Cùng mây xám
về ngang lưng trời… ” – (Đêm Đông – Nguyễn Văn Thương). Còn riêng tôi, cô đã làm
tôi bắt đầu say mê dòng nhạc của Cung Tiến : “Chiều hôm qua lang
thang trên đường. Hoàng hôn xuống chiều thắm muôn hương. Chiều hôm qua mình tôi
bâng khuâng. Có mùa thu về tơ vàng vương vương… ” – (Thu Vàng – Cung
Tiến). Đến lớp, bên cạnh chúng tôi, cô luôn luôn nhắc nhở khuyên nhủ nên cả lớp
chăm lo học hành. Thời gian trôi đi, Tết xong tất cả chúng tôi bắt đầu lao vào
học thi Tú Tài 2.
Một buổi sáng, cô Yến
nói với cả lớp :
– Chiều nay,
trường cử một số lớp đi dự đêm lửa trại tại sân vận động. Lớp chúng ta được cử
đứng hai bên làm hàng rào danh dự để đón chào Đại Tá Tỉnh Trưởng và phái đoàn.
Buổi chiều, tôi đến
trường. Một lát sau, thầy Khanh chở cô Yến đến. Cô xuống xe, thầy cũng vội vã
đi theo vì hôm nay thầy cũng đi dự. Hôm đó, cô mặc chiếc áo dài màu xanh sậm.
Chiếc áo ôm lấy người cô với chiếc eo thon, trông cô lại càng duyên dáng.
Chúng tôi xúm xít chung quanh cô nói chuyện vui vẻ. Lúc đó, tôi mới biết được
rằng ông Tỉnh Trưởng Nguyễn Văn Chức muốn gặp mặt sinh viên, học sinh, các đoàn
thể Hướng đạo… nên mới tổ chức đêm đốt lửa trại họp mặt này.
Hồi đó, người dân
trong thị xã truyền miệng nhau rằng, Đại Tá Chức là một trong những người liêm
khiết chống tham nhũng và kể một câu chuyện như sau: Khi ông mới về nhậm chức
thấy một đường trong thị xã bị hư hỏng mà không được sửa chữa . Ông hẹn với ông
Trưởng Ty Công Chánh vào khoảng 11, 12 giờ trưa gì đó, tài xế chở Đại Tá đến
đón ông Trưởng Ty Công Chánh mời ông lên xe lái đi khắp các con đường quanh thị
xã. Trước khi đi, Đại Tá đã dặn anh tài xế rằng không tránh mà cứ lao xuống
những ổ gà có trên đường. Thế là trưa hôm ấy, vừa đói vừa bị xốc bụng, ông
Trưởng Ty Công Chánh bị một phen mệt lả cả người, tự khắc biết mình phải làm gì
và có trách nhiệm như thế nào đối với những con đường đã bị hư hỏng đó. Tôi
không biết những lời truyền miệng kia có đúng không; nhưng cứ nghe quan chức mà
chống tham nhũng là mình thấy phục rồi. Cũng vì thế nên tôi háo hức mong được
thấy mặt con người ấy.
Đúng giờ chúng tôi có
mặt tại sân vận động, tôi và các bạn đứng hai dãy đón Tỉnh Trưởng và phái đoàn.
Khi phái đoàn đến chúng tôi theo sau và hòa vào cùng với các bạn sinh viên, học
sinh.
Vòng tròn trong cùng là các Sói Con của Hướng Đạo, rồi đến
học sinh các trường Cường Để, Trinh Vương, Nữ Trung Học, Kỹ Thuật, Sư Phạm… Cô
Yến, cô Tùng đứng với chúng tôi. Màn đêm bắt đầu buông xuống, trời tối dần, củi
được đốt lên, người quản trò bắt các bài hát, chúng tôi cùng hát vang : “Ta như nước dâng dâng
tràn có bao giờ tàn, đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang… ”, “Việt
Nam, Việt Nam
nghe tự vào đời. Việt Nam
hai câu nói trên vành môi. Việt Mam nước tôi…”. Những khuôn mặt bừng
bừng của tuổi trẻ, vô tư, hồn nhiên yêu đời ngời ngời trong ánh sáng của ngọn
lửa đêm.
Phái đoàn ngồi trên
khán đài, Tỉnh Trưởng đứng lên nói chuyện với sinh viên học sinh. Giọng miền Nam cất lên
những lời chân thành khuyên các em học sinh hãy chăm học vì tuổi trẻ là tương
lai của đất nước.
Càng về đêm, ngọn kửa
càng bùng sáng, tiếng nổ tí tách của than củi hòa với tiếng hát, tiếng vỗ tay
vang vang cả một khoảng sân vận động.
Vòng tròn càng lúc càng bị thu hẹp lại, ngọn lửa càng bùng
to hơn. Không khí trở nên nóng và ngột ngạt, sợ những cô học trò yếu ớt mệt nên
cô Yến bảo chúng tôi : “Các em thay nhau đi
ra ngoài một chút cho thoáng”. Vâng lời cô, tôi và một số bạn bước ra ngoài. Bên ngoài
trời mát mẻ dễ chịu. Vừa lúc đó, Đại Tá Chức bước xuống khán đài cầm micro hòa
với không khí vui vẻ của các học sinh rồi cất tiếng hát : “Các anh đi, ngày ấy
đã lâu rồi. Các anh đi đến bao giờ trở lại, Xóm làng tôi, trai gái vẫn chờ
trông. Làng tôi nghèo nho nhỏ ven sông. Gió bấc lạnh lùng thổi vào mái rạ. Làng
tôi nghèo gió mưa tơi tả. Trai gái trong làng vất vả ngược xuôi …” – (Các Anh đi – Văn
Phụng).
Nghe giọng hát của Đại Tá cất lên, chúng tôi vội vã quay
lại vòng tròn để xem. Tôi vừa bước vài bước thì một tiếng nổ long trời lở đất
vang lên : “Ầm… !”, lửa bắn lên cao, tỏa ra cả vòng tròn,
tung tóe khắp một vùng rồi tất cả mọi người hoảng loạn chạy ùa ra. Sân vận động
lúc bấy giờ chỉ có một cổng trổ ra đường Võ Tánh và Tăng Bạt Hổ. Tôi bị dòng
người đẩy đi, bên tai tôi chỉ nghe :
– Chạy nhanh lên ! Lựu
đạn nổ !
Rồi tôi ra tới cổng
lúc nào không biết. Gặp chị tôi ở cổng (lúc đó là Giáo Sinh năm Thứ Nhất Sư
Phạm Qui Nhơn), chị kể rằng : "Trường Sư Phạm đã ra khỏi vòng tròn xếp hàng
chuẩn bị đi về vì phần đông họ ở nội trú, nhưng nghe Đại Tá hát nên chần chừ
đứng lại nghe". Nhìn thấy tôi không dép guốc, áo dài trắng dính đầy máu, chị mất
hồn, nhưng khi nhìn thấy tôi không hề hấn gì, hai chị em mừng quá. Hình như bạn
nào đó bị thương nên máu vương vào áo tôi. Hai chị em đứng một bên cổng sân vận
động để nghe tin tức về thầy cô và bạn bè mình như thế nào.
Tiếng còi hụ của xe
cấp cứu vang lên. Rồi quân cảnh, cảnh sát dàn hàng ngang ở sân vận động để lập
lại trật tự và nhanh chóng chuyển những người chết, bị thương đến bệnh viện.
Nên chúng tôi đành lủi thủi ra về. Tôi thấy hai bên đường phố, dân chúng nhốn
nháo hẳn lên. Hầu hết không ai hiểu hay biết chuyện gì đã xảy ra. Phụ huynh,
người thân có con em đi dự ở sân vận động cũng dáo dác chạy đến. Thị xã Qui
Nhơn thì nhỏ bé , có mấy trường học thì đa số đã đi dự tối hôm đó nên gây ra
một chấn động lớn đến tột cùng trong lòng người dân. Ba tôi cũng đạp xe lên đón
chị em chúng tôi.
Đêm đó, tôi cứ trằn
trọc mãi, không biết thầy cô, bạn bè có ai bị gì không. Hồi đó đâu có điện
thoại, đâu có phương tiện thông tin đại chúng nhanh chóng như bây giờ nên cũng
đành chịu chờ đến sáng mai. Sáng hôm sau, tôi đang ở nhà thì các bạn tôi chạy
đến báo tin dữ :
– Cô Yến mất rồi !
Tôi lặng người, hai
hàng nước mắt lăn dài trên má. Tôi không tin. Cô Yến mới nói, mới cười với
chúng tôi hồi hôm đây mà. Cô còn lo lắng, sợ chúng tôi mệt sẽ ảnh hưởng đến
chuyện học. Tôi vội vàng mặc nhanh chiếc áo dài trắng, cùng các bạn đi lên nhà
cô.
Khi chúng tôi đến, thì
thấy cô nằm bất động dưới tấm vải trắng như người đang ngủ. Chúng tôi bật khóc
:
– Cô ơi ! Vậy là cô đã
thật sự bỏ chúng em rồi sao cô ?
– Cô ơi ! Ai đã giết cô ?
– Cô ơi ! Ai đã giết cô ?
Rồi không ai bảo ai
chúng tôi quì xuống bên cô, nước mắt ràn rụa, qua làn nước mắt tôi nhìn thấy
các con cô, hai cháu trai, đứa lớn khoảng bốn, năm tuổi, đứa bé khoảng hai, ba
tuổi đang ngơ ngác nhìn mọi người và một em bé gái cỡ mấy tháng tuổi, chị giúp
việc đang bồng cho bú sữa bình. Tôi lại nghe tin thầy Khanh, chồng cô bị thương
rất nặng, đang nằm bệnh viện Thánh Gia. Nhìn cảnh bơ vơ, côi cút của chúng, ai
cũng thấy đau lòng, không cầm được nước mắt.
Buổi trưa, cả lớp
chúng tôi có mặt đông đủ để đưa cô về nơi an nghỉ cuối cùng. Mọi người đến rất
đông. Ngôi nhà của cô không đủ để có thể chứa một số lượng lớn người đến viếng
nên họ đứng từ trong nhà ra đến ngoài đường. Vị Linh Mục làm Lễ Cầu Hồn và Lễ
Di Quan. Lớp 12A2 chúng tôi đứng nghiêm trang nghe lời dạy của Chúa và cầu
nguyện cho linh hồn của cô sớm về với Chúa.
Đã đến giờ từ giã cô
và đưa cô về với đất. Chúng tôi mỗi người một vòng hoa đi bên linh cữu của cô.
Đó là một buổi chiều mà tôi nhớ mãi. Một buổi chiều nắng nhẹ, trời thật buồn,
từng cơn gió thổi đìu hiu, cả một đoàn người lặng lẽ chầm chậm nối đuôi nhau đi
từ ngôi nhà của cô ở phía sau trường Mẫu Giáo Đồng Tiến đường Nguyễn Thái Học
(Khu 6) tiến về nghĩa trang Công Giáo. Tôi không nhớ nhiều vì nước mắt tôi cứ
lăn dài trên má suốt đoạn đường đi.
Làm sao tôi không
thương tiếc được, khi mà tôi phải từ biệt một cô giáo hiền hậu, dịu dàng,
thương yêu học sinh như cô. Làm sao mà quên được khuôn mặt với nụ cười tươi
vui, làm sao quên được giọng hát ngọt ngào của cô và làm sao quên được những
giờ học Pháp Văn với giọng Pháp dễ thương của cô. Cô Yến đã đến với tôi nhẹ
nhàng như mùa thu, êm đềm như trưa hè, vui tươi như mùa xuân đến và bây giờ lại
ra đi để lại trong tôi những u buồn như ngày đông giá rét…
Khi xe tang đến ngả rẽ
tiến về nghĩa trang thì một chiếc trực thăng xuất hiện trên bầu trời, tôi nghe
ai đó nói lớn lên :
– Đại Tá Tỉnh Trưởng
kìa!
Chúng tôi nhìn lên
thấy có một người đứng ở cửa, đưa tay chào rồi một băng lụa màu tím buông rủ
dài xuống đong đưa chào giã biệt. Chiếc trực thăng bay vòng vòng mấy dạo rồi
bay đi. Tôi ngoái đầu nhìn lại phía sau, cả một đoàn người dài đưa tiễn. Vị
Linh Mục làm thủ tục Lễ An Táng, cuối cùng linh cữu của cô được đưa xuống
huyệt. Từng bàn tay ném xuống những cành hoa thương tiếc tiễn biệt cô. Thế là
chúng tôi mất cô vĩnh viễn từ đây !
Chiều xuống chầm chậm,
mọi người lần lượt ra về, chúng tôi những học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn
vẫn còn đứng lại quanh ngôi mộ mới đắp, lòng buồn như lúc hoàng hôn :
– Cô ơi ! Bây giờ cô ở
đâu ? Chắc cô vẫn còn luyến
tiếc vì đã để lại những đứa con thơ dại và đàn học sinh thân thương bơ vơ trên
cõi đời này.
Tôi ngước lên bầu trời
mờ tối :
– Quả lựu đạn thật oan
nghiệt ! Đã cướp đi cô Giáo Sư Cố Vấn thân yêu của lớp tôi ! Quả lựu đạn đó
cũng có thể đưa một số người nào đó lên đài danh vọng. Nhưng bên cạnh đó, quả
lựu đạn cũng đã gây không biết bao nhiêu cái chết đau thương cho những người
dân vô tội, để lại hậu quả vô cùng đau đớn cho biết bao nhiêu gia đình.
Tôi chắp tay cầu
nguyện sự bình yên cho các con của cô, cho tôi, cho người thân, cho thầy cô,
cho bạn bè và cho tất cả mọi người trên đất nước Việt Nam thân yêu này.
Thanh Thanh
(Sài Gòn, tháng 10/2011)
(Sài Gòn, tháng 10/2011)
No comments:
Post a Comment