Phạm Lê Huy
(hình bìa tác phẩm Tháng
Ba Gãy Súng của Cao Xuân Huy)
Với tôi 30 tháng 3 bảy lăm là ngày cuối của tôi ở Quy Nhơn -
nơi có ông bà, cha mẹ, anh chị em và “một nửa” của mình.
Từ khu vực trách nhiệm, cùng với các đơn vị khác, chúng tôi được
lệnh di chuyển gấp về Quy Nhơn. Đoàn xe chúng tôi lên đường trong tư thế tác
chiến khi di chuyển. Lúc này các sĩ quan trong đơn vị đã trở thành khinh binh
với lựu đạn và M.16 trên tay sẵn sàng nhả đạn, quên đi khẩu Colt.45 vì lúc này
chẳng cần đến nó nữa rồi.
Đến gần ngã ba Phú Tài thì đoàn xe không còn giữ đội hình được
nữa. Vài chiếc xe dân sự chen lẫn vào, tranh nhau qua mặt. Thiếu Tá Tiểu Đoàn
Phó buột miệng : “ĐM… Đánh đấm cái con c…
Đã đánh đâu mà chạy… !”.
“Zooloo… Một gọi… !” -
“Zooloo nghe Một… !” - “Tới đâu rồi ?” - “Chưa gặp được thằng ngang chướng (cầu
Sông Ngang)… !”. Bất ngờ tiếng súng nổ vang, B.40 thổi tới từ đám mía bên
phải ngả ba Phú Tài… Lọt ổ phục kích rồi. Đoàn xe khựng lại một chút rồi bắn
trả quyết liệt khi tiếp tục lao tới. Đâu còn các đơn vị bạn mở đường và an ninh
trục lộ ven đường nữa. Lệnh là phải vô Quy Nhơn cho được để cùng các đơn vị bạn
tử thủ ở đây. Tiếng súng giao tranh mỗi lúc càng dữ dội, càng rát, lại chẳng có
phi pháo yểm trợ… Đơn vị chúng tôi bị cầm chân ở đây khá lâu, cuối cùng phải
chuyển về hướng đèo Cù Mông.
* * *
Ngày mới ra tù, về đến nhà tôi mới chính thức biết em gái
tôi đã qua đời sau khi lên chăm sóc và ở lại với tôi một tuần vì tôi bị sốt rét
ác tính suýt bỏ mạng trong tù. Trước đó, khi còn ở trong tù tôi đã nghe phong
phanh tin này rồi. Em tôi cũng bị sốt rét ác tính như tôi, nhưng bệnh viện thị
xã buổi giao thời ấy thiếu thuốc, thiếu bác sĩ nên em tôi đã ra đi ở tuổi đôi
mươi đầy hoa mộng, để lại bao tiếc thương cho gia đình. Giờ này ngồi đây gõ
những giòng này tôi vẫn nghẹn ngào thương nhớ và biết ơn em tôi vô cùng. “Trời ơi… Sao không chết thằng tôi trên núi
mà chết người em gái của tôi !?”.
Nhớ đâu vào năm 1971, từ căn cứ biên phòng Pleime về thăm
nhà, với số tiền lương chưa xài tới tôi mua cho chị em nó cái radio cassette
hai băng tần hiệu Panasonic. Rồi mỗi khi về phép tôi lại đờn hát thu vào tape
cassette để lại nhà cho mấy chị em nó nghe.
Trở lại chuyện ngày mới ra tù, về đến nhà, suốt ngày tôi
thấy ba tôi trầm ngâm ít nói. Còn má tôi thì cứ vuốt vuốt tóc tôi, vuốt vuốt
lưng tôi như là những cử chỉ an ủi không lời. Má nói : “Con lên gác nằm nghỉ đi con”. Lên gác, tôi nằm nghỉ trên giường
bên cạnh tủ thờ. Mắt lim dim mà có ngủ được chút nào đâu. Tôi ngồi dậy, mở tủ
thờ định bụng lấy một cuốn sách nào đó. Bất ngờ thấy vật gì hình chữ nhật được
gói trong chiếc khăn choàng màu xanh của má tôi. Tôi mở ra coi, thì trời ơi, đó
là tấm hình của em gái tôi, được phóng lớn lên cỡ 18 x 24 từ thẻ học sinh của
nó. Vậy là đúng rồi, em tôi đã ra đi thật rồi. Run bắn người lên, nắm chặt lấy
tấm hình tôi toan xáng mạnh xuống nền gác thì ba má tôi chạy lên kịp lúc cản lại
: “Con, con… Bình tĩnh đi con… !”. Má
tôi nhanh tay giật lấy tấm hình trên tay tôi.
Trong tình cảnh này, bình tĩnh sao được, tôi thè lưỡi ra giữa hai hàm răng…
Đoán được cái ý điên rồ của tôi, ba má tôi vội nói : “Đừng, đừng con… !”.
Lát sau, “một nửa” của tôi đến. Năm ấy chúng tôi chưa làm
đám cưới. Má tôi kéo “một nửa” ấy ra cửa xầm xì gì đó. Rồi “nửa ấy” đến ngồi
xuống cạnh tôi, cầm lấy đôi tay xương xẩu gầy guộc của tôi mà thì thầm an ủi.
Tối đến, với mái tóc thề trong bộ y phục trắng toát, em tôi
đứng bên đầu giường trong giấc ngủ chập chờn của tôi. Tôi lên tiếng gọi tên em
thì nó vụt lướt nhanh về phía bàn thờ rồi biến mất.
Ngọc Hoa (em tôi) và các bạn cũ
(ảnh: Giang Ngọc Tuyết)
(ảnh: Giang Ngọc Tuyết)
* * *
Mấy ngày kế đó, ba tôi vẫn trầm ngâm ít nói. Với vẻ mặt trầm
tư, ba tôi lần mò sắp xếp những thứ vụn vặt trong nhà hoặc chăm sóc những chậu
hoa héo úa trên sân thượng. Má tôi thì từ từ chậm rãi kể lại cho tôi nghe những
ngày cuối tháng 3 năm 75 của Quy Nhơn tôi thật hỗn loạn và bất hạnh hãi hùng ấy.
Mà nào chỉ Quy Nhơn của tôi thôi đâu, cái bóng đen hỗn loạn và bất hạnh hãi
hùng ấy phủ chụp lên từ Bến Hải đến Cà Mau, phủ chụp lên đời sống người dân Việt
vốn hiền hòa đã từng khốn khổ hai mươi mốt năm rồi...
“Từ những ngày
đầu tháng 3 / 75 tôi không có ở nhà, đúng ra là tôi không được về nhà vì chiến
sự đã thật sự bùng nổ ác liệt, bắt đầu từ Ban Mê Thuột.
Ba má tôi kể
lại, đến gần cuối tháng này thì người dân Qui Nhơn đã nhốn nháo, hoảng hốt,
thiếu điều đạp nhau mà chạy. Theo dòng người di tản đông đảo, ba má cùng anh
chị và các em tôi gom góp đồ đạc cá nhân, đồ dùng gia đình với những gì thấy
cần thiết nhất cho cuộc di tản này như hồi tản cư trước năm Năm-Tư. Để lại căn
nhà là cái tổ ấm vững chắc nhất từ hai-mươi-mốt năm nay ở ngay phố chính của
thị xã này với không biết bao nhiêu là hàng hóa - những thứ đã từng có lúc
thịnh lúc suy để nuôi sống gia đình chúng tôi.
Ba tôi thuê hai
chiếc ca-nô để đưa gia đình mình hốt hoảng ra khơi mà chưa biết là sẽ tấp vào
đâu trước đại dương mênh mông sóng cả.
Cùng với ca-nô
của vài gia đình khác, hai chiếc ca-nô gia đình tôi tấp vào bãi biển Cù Lao
Xanh. Liền sau đó, có một người tốt bụng tìm mua giùm được một căn nhà với giá
rẻ để gia đình ba má tôi tạm cư. Nói đúng ra đó chỉ là cái chòi nhỏ với mái và
vách được lợp bằng lá do một ngư dân bán lại để chạy vô Cam Ranh.
Khi tình hình
Qui Nhơn đã ổn định thì mọi người dân di tản lại lục tục kéo nhau trở về”. - (trích Chuyện Anh Tư Râu - PLH).
Cậu em trai tôi
tiếp lời, bãi biển Quy Nhơn lúc bấy giờ là một bãi chiến trường thật tang
thương sau một trận đánh rất ác liệt. Một trận đánh không những chỉ giành giật
nhau từng tấc đất mà còn giành giật nhau từng mạng sống của người lính và thường
dân. Súng ống, quân trang quân dụng hai bên vương vãi khắp nơi. Xe tăng, xe
jeep, GMC… có những chiếc nằm ụ trên cát, có những chiếc ngập một nửa hoặc chìm
nghỉm dưới lòng đại dương.
Những ngày trong
trại tù nghe các bạn đồng đội kể lại, có vài đồng đội của tôi tử trận, rơi
xuống nước từ boong tàu hoặc chìm theo xe bọc sắt M.113. Khu vực Quân Y Viện,
Gành Ráng lại càng thảm thiết hơn. Thú thật, tôi không đủ chữ nghĩa để mô tả lại
cảnh tượng đau lòng khủng khiếp nơi này…
Trời ơi… ! Đồng
đội tôi, bạn bè tôi - họ là những chàng trai oai hùng ngang dọc mới đây, vậy mà
chỉ một sớm một chiều đời họ phải bị bức tử một cách uất nghẹn tức tưởi trong
bối cảnh hỗn quân hỗn quan này sao !
Người người khóc
than réo gọi : “Anh hỡi người trai đi
trong gió sương / Lưu luyến gì không khi xa cố hương / Non sông hoa gấm đang
chờ nơi anh / Mang về vinh quang tự do no ấm…”- (Có
Những Người Anh - Võ Đức Hảo)
Cùng với rất
nhiều người, ông nội và ba tôi lội dọc theo bãi biển, từ Eo Nín Thở qua Xóm Chài
đến Bến Tàu, gặp xác nào cũng lật lên xem có phải tôi hay không. Nỗi đau tận
cùng hằn rõ lên khuôn mặt của nội và ba tôi trong tiếng gọi thất thanh nghẹn
ngào : “Cháu ơi… Con ơi… Cháu đâu rồi…
Con đâu rồi… Cháu ở đâu… Con ở đâu… ?”. Thật tội nghiệp ! Thật đau lòng !
Chẳng nhớ là tôi có khóc cho ông bà cha mẹ tôi lần nào chưa, mà nay ông bà cha
mẹ tôi lại khóc cho mình. Thật đúng là đầu bạc khóc đầu xanh ! Có lẽ khi nội và
ba tôi đang lật xác tìm tôi thì tôi đã vào tới Tuy Hòa rồi.
Và cũng nghe kể lại, gia đình “nửa kia” của tôi đã chạy vào
Nha Trang, Ba Ngòi, Cam Ranh và mất mát khá nhiều. Đâu đâu cũng khói lửa ngập
trời, phố xá hỗn loạn, người người ly tán… Lại khổ và khổ… Lại chết và chết… Rốt
cuộc rồi cũng trở về Quy Nhơn là nơi mà “nửa kia” của tôi đã có lần viết “Nơi nào đẹp nhất - Quê Hương người mình yêu
!”.
“Thưa nội, thưa ba và thưa gia đình… Đơn vị
con đã cố gắng về… Về để giữ Quy Nhơn, về để thăm gia đình, dẫu biết rằng chỉ về một thoáng rồi lại phải ra đi. Nhưng tình hình không thuận lợi. Thật
đau lòng, cách nhau chỉ trong gang tấc mà như nghìn trùng xa cách, mà như xa cách
tới vạn dặm sơn khê. Nhớ những năm con không về thăm nhà được vào các dịp Tết
thiêng liêng, gia đình đã xót ruột trông đứng trông ngồi; huống chi bây giờ
khói lửa mịt mù, chết chóc khắp nơi, người lính chúng con lại càng biền biệt
nơi phương trời xa xôi nào đó để giữ… Mà có giữ được đâu… !”.
Vào ngày đó
chúng tôi đã vội vã chia tay Quy Nhơn rất thân thương của mình mà không kịp vẫy
tay chào chia ly lần cuối. Có phải Tháp Đôi, Núi Một… có phải Vũng Chua, Cù
Mông… đang ngậm ngùi dõi mắt trông theo bóng dáng những đứa con thương yêu quá
đỗi đã một thời gắn bó với mình và mong chúng sớm có ngày trở về trong yên bình
không !?
Xin quý vị xem
đây là tâm sự và nỗi lòng của đứa con, của Người-Lính-Bị-Trói-Tay-Tháng-Ba-Gãy-Súng
nên không làm tròn được trách nhiệm của người trai thời ly loạn.
Phạm Lê Huy
(Los
Angeles , cuối tháng Ba 2015)
Mời quý bạn đọc lại bài này
ReplyDeleteNgày Một Tháng Tư Bảy Lăm tại Tuy Hòa
Cám ơn Anh Huy ! Bài viết thật cảm động và gợi cho P nhớ nhiều về Qui Nhơn yêu dấu trong những ngày cuối cùng mất nước...
ReplyDeleteTội nghiệp Ngọc Hoa phải mất vì lo cho anh trong tuổi đẹp thanh xuân, tội nghiệp Anh Huy và những người trai hùng nước Việt phải vất vả, nổi trôi vì vận nước...
Biết sao nói hết những khổ đau, mất mát mà dân tộc mình đã trải qua trong giai đoạn đó !... Thôi quên đi Anh Huy nhé ! Chúc Anh và "Một Nửa" của Anh luôn Hạnh Phúc.
Hi vọng gặp lại tại Qui Nhơn ngày kỷ niệm đám cưới 40 năm của 2 cặp tụi mình( hay hè năm tới nhé. Thân mến . HDP