Thursday, February 5, 2015

Một chiều đông

Phạm Lê Huy

(ảnh: Internet)
Khoảng tháng Giêng tháng Hai này tuy Cali đất trời đang vào Xuân, nhưng thỉnh thoảng cũng rỉ rích vài cơn mưa và gió lạnh; nhất là vào giấc chiều tối vì bị ảnh hưởng bởi tiết trời mưa đông giá buốt thổi đến từ miền Đông-Bắc Mỹ.

Tôi vào youtube… “Chiều nay nghe chơi vơi / Nhìn chiếc lá sắp rơi mưa giăng đầy trời…” - Nhạc phẩm Một Chiều Đông của nhạc sĩ lão thành tài hoa Tuấn Khanh nhẹ nhàng thoảng lên qua giọng ca trầm ấm thư thả của Duy Quang, nghe gần gũi, ấm áp, tha thiết làm sao !



Thuở ấy, tôi từ mặt trận có được bốn-mươi-tám giờ phép quí báu về thăm nhà. Một cơn mưa nhẹ rỉ rích
xuống Quy Nhơn của tôi kèm theo chút gió lạnh như thế này, lạnh như bây giờ. Một người bạn nhỏ đến chơi và tặng tôi, à không, cho tôi chép lại bản nhạc này. Tôi cắt “ngòi bút” bằng vỏ h
ộp diêm có năm mũi nhọn, chấm mực xạ rồi kẽ khuông nhạc, viết lời ca. Tôi bắt chước nét chữ dịu dàng thanh thoát của Lê Ngọc Thanh - bạn học tôi, các mẫu tự trong một từ được viết liền nét nhau, đặc biệt nét sau của chữ “h” kéo dài thêm một chút thật bay bướm. Nhưng tôi vụng quá không “nhái” được, nên chỉ thấy nét chữ của tôi nghệch ngoạc trên bản nhạc ấy thôi.

Bạn tôi thong thả rải arpère một hợp âm rời trên dây đàn, khẽ hát, bắt đầu từ điệp khúc “Một chiều đông bên sông / thuyền lênh đênh cặp bến / đừng qua em ơi, sông nhuốm sương chiều…”. Giọng hát bạn mộc mạc nghe ấm lòng l
àm sao, tôi nhớ mãi đến giờ và tôi cũng thuộc luôn bài hát ấy đến giờ.

Hết phép, giọng hát ấy và bài hát chép tay ấy theo tôi ra đơn vị. Trong bước quân hành, ở bất cứ nơi nào, mỗi khi có mưa có gió thì tôi lại nhớ người bạn nhỏ ấy vô cùng, tôi lại khẽ hát “… Chiều nay nghe chơi vơi / Nhìn chiếc lá sắp rơi mưa giăng đầy trời…”. Thuở ấy mưa gió đâu có thấm vào đâu so với sức trai hai-mươi / hăm-mấy 
đầy nhựa sống và nhiệt huyết của chúng tôi. Chúng tôi đã chắc tay súng và hát vang trong mưa rừng giá rét trên tiền đồn Kon Xơm Lũ / bắc Kontum “… Mưa, mưa mãi thấm lòng người trai nơi sa trường / Hạt mưa vui như hồi vỗ tay ca / Mưa, nhưng vẫn ấm lòng người trai đi xa nhà / Mưa cho tình thương mến thêm đậm đà !... ” - (Hạt Mưa Trên Poncho - Trầm Tử Thiêng).

Được biết bây giờ người bạn nhỏ của tôi đang có một mái ấm gia đình sung túc và hạnh phúc nơi quê nhà. Thật mừng cho bạn biết bao !

Đồng thời tôi cũng có mấy người bạn mà giờ không biết đang ở nơi nao… Trên rừng già, dưới biển sâu hay trong lòng đất lạnh; hoặc đang lưu vong nơi nào đó trên trái đất này hay trong manh áo phong phanh đang lây lất “lưu vong” ngay trên chính quê hương của mình… Chúng tôi đã bặt tin nhau từ lâu… Tôi nào biết… Tôi nào hay ! 

Phần tôi, chiều nay trong tiết mưa lạnh xứ này, đang ngồi đây ôm cái tuổi hưu của mình, nheo mắt đăm chiêu nhìn về bóng chiều cuối ngày… Sao ngày qua mau quá !? Rồi lại đăm đăm nhìn về cuối con đường trong trí tưởng của mình… Sao con đường phía trước ngày càng không xa mấy… !? Mỗi bước chân ch
ệnh choạng bước tới là mỗi tấc đường ngắn lại… Có khác mấy không so với những năm tháng trước bảy-lăm “Chupao ai oán hờn trong gió. Mỗi chiếc khăn tang một tấc đường” - (Thơ Lâm Hảo Dũng). 

Bên ngoài cửa sổ, nơi sân nhà kia, trên mấy cành cây khẳng khiu, những chiếc lá yếu ớt đang lẩy bẩy run rẩy trong gió… Những chiếc lá sắp rơi trong mưa giăng đầy trời… Tôi lại nhớ đến câu mà tôi đã đọc được ở đâu đó “Đời người như chiếc lá, khi đã không còn nhựa sống thì nó sẽ khô héo đi, sớm muộn gì rồi cũng sẽ lìa cành”.

Đời người ngắn ngủi như thế nên tôi thường khuyên nhủ, nhắc nhở các con tôi hãy cố gắng làm việc, giữ việc và thăng tiến nghề nghiệp vì thời buổi này tìm việc làm không dễ. Có việc làm ổn định, đời sống mình mới thoải mái hơn, khỏi phải lo tháng đủ tháng thiếu. Để mai sau khỏi phải lo âu nhiều khi tuổi già sồng sộc kéo tới; dẫu biết rằng Sinh Lão Bệnh Tử là chuyện đời thường không ai tránh khỏi.


* * *

Lớp Tôi (ảnh: PLH)

Từ Giáng Sinh 2014, Hà Vang từ Pháp gởi email gợi ý nhóm bạn cũ chúng tôi hãy nhắc lại những chuyện cũ là những kỷ niệm thân thương của thuở học trò, của thời thanh thiếu niên đầy hoa và mộng. “Vang tôi xin trích vài lời trong sách Phật: Hãy sống với hiện tại, đừng trông chờ tương lai (và hãy quên đi quá khứ mà Vang tôi cố tình không nói đến), vì nếu không nói đến quá khứ thì chúng ta còn gì để kể cho nhau nghe khi không có cơ hội găp nhau !!!” – “Hoan hô Hà Vang… Một bông hồng thật tươi thắm trao mày”. 

Và nhiều bạn hưởng ứng. Những chuyện cũ / mới được hào hứng nhắc lại, những tấm hình mới / cũ dù có lu mờ theo thời gian cũng được gởi lên. Trong một email của Kim Lan có đoạn “Các bác thân… Không biết các bác sao chứ tôi thì đọc những hoài niệm về lớp chúng mình là thích lắm, như lại được trở về cái không khí vô tư lự, thân ái, hồn nhiên, đùa giỡn bạ đâu nói đó. Nếu có giận hờn chắc cũng chỉ thoáng qua, cái tình cảm quí báu là mình cảm thấy một cách rất tự nhiên là chấp nhận và được chấp nhận... Thời gian… Ôi thời gian dĩ nhiên làm cho chúng ta không còn tươi mát nữa, thì cùng quay lại những khúc phim xưa trong đó mỗi đứa chúng ta đã đóng một vai để bồi hồi một chút, để tim rộn lên một chút, để cười ha ha ha... Vậy thì có lời nào thất thố, xin hãy "gửi gió cho mây ngàn bay" đi nhé!” – “Cám ơn chị… Cám ơn những lời chân tình của chị. Và một bông hồng thật tươi thắm trao chị đây”.

Còn Hồng Quốc Anh - Trưởng Lớp Muôn Năm kiêm Đại Huynh của chúng tôi – xưa nay vốn kín tiếng nay bỗng “sung” lên, góp vài chuyện cũ thật hấp dẫn của mình, rồi bỗng ngưng ngang xương, khiến ai nấy đều tiếc hùi hụi và chờ đợi “hồi sau” xem sao.

Nói thiệt, thời gian gần đây tôi thấy lòng mình vui lắm và mùa đông nơi này cũng ấm lên qua những mẫu chuyện vụn vặt của thời xa xưa ấy.

Các bạn ơi… Đoạn đường phía trước của tụi mình đang ngắn dần lại đó… Hãy tiếp lời nhau đi để sưởi ấm mùa đông này và làm ấm lên đoạn đường ngắn ngủi còn lại của tụi
 mình !

À... Còn nữa, vài hôm nữa là đến Valentine’ s Day rồi, chẳng phải đây là dịp tốt để tụi mình nhắc lại thật nhiều về những mẫu chuyện nho nhỏ của những ngày xưa thân ái ấy sao !? 

Và,

“Ta chúc nhau những gì đẹp lòng nhau
Dù thời gian có phôi pha ta không bao giờ quên… ”

(Ngày Tạm Biệt – Lam Phương)

Thân ái !

Phạm Lê Huy
(Los Angeles, Feb. 2015)

____________________________________________________________________________

7 comments:

  1. Anh Huy , Bài viết thật cảm động. thật đúng với tâm trạng của tuổi chớm già.
    Thời gian qua mau quá, có khi nghĩ tới tương lai .. em thấy có chút sợ hãi... không biết mai này nếu hai vợ chồng còn lại một người thì sẽ ra sao? Em vẫn hay nói với nhà em, mong rằng em là người đi trước...
    Thôi thì ngày nào còn khỏe mạnh thì vui sống, tìm an ủi , sớt chia với bên bạn bè. Bây giờ ai cũng rảnh rang nên có nhiều cơ hội gặp gỡ. Nếu tháng sáu dưới đó tổ chức có lẽ vợ chồng em sẽ về dự họp mặt.
    Chúc Anh chị vui./
    QN

    ReplyDelete
  2. QN thân quí,

    LH đang chệnh choạng bước vào tuổi hưu. Bước đầu thấy sao lạc lỏng quá. Vợ con đi làm hết, một mình ở nhà mới thấm thía cái cô đơn của người nghỉ hưu. Thế rồi buồn tay cứ loay hoay với việc này việc nọ, những việc mà trước đây mình không rớ tới. Lại buồn miệng mà... "thập thảnh" món này món kia. May mà mỗi chiều LH thường đến 24-hour Fitness tập vật lý trị liệu. Nơi này có nhiều nam nữ đủ hạng tuổi đến tập; có người tập để phục hồi sức khỏe, có người tập để có một thể hình đẹp và trẻ trung. Quang cảnh ở đây làm cho mình thấy vui và không bị cô đơn. Đôi ba tuần thì có người bạn học cũ vể hưu sớm đến nhà chơi, chuyện trò cũng đỡ buồn...

    Đại Hội hằng năm của Liên Trường QN bên này thường rơi vào tháng 7 (không phải tháng 6) khi nào có ngày chính thức LH sẽ thông báo cho các bạn biết sớm. Lâu lắm rồi, rất mong anh em mình gặp nhau lần nữa.

    Thân chúc gia đình QN lúc nào cũng vui - khỏe.

    ReplyDelete
  3. Anh Huy ơi. Anh dùng từ "chệnh choạng" làm QN thấy thương tâm. .. quá chừng ,
    Những gì anh đang đi qua, QN cũng đã trải qua 5 năm trước. Ở cái tuổi vừa qua 50 mà quyết định nghĩ hưu chắc không mấy người. Nhưng thật ra QN không thấy buồn vì con người mình hiếu động, tuy không đi làm ngoài xã hội nhưng cũng không thiếu việc ở nhà,

    Cũng nhờ có thì giờ nên QN mới thực hiện được những gì mình thích làm mà trước kia vì quá bận bịu không có cơ hội . Cũng nhờ vậy mà Blog QN11 ra đời, cũng nhờ vậy mà QN có thời giờ học hỏi computer ... trồng cây, nấu ăn....đi biển , làm nước mắm...

    Nói chung lúc đầu hơi lúng túng vì chẳng biết làm sao cho hết giờ. Thời gian đó QN là khán giả trung thành của phim bộ Đại hàn, phim sản xuất không kịp để phục vụ QN.coi..ngày .. coi đêm.
    Trường hợp QN cũng giống như Anh, vì ông xã còn đi làm nên mình cứ phải loanh quanh, phải chi hai người nghĩ cùng lúc thì thuận tiện hơn nhiều.

    Rồi cũng quen thôi Anh Huy à, từ từ rồi anh sẽ tìm được sự an nhiên tự tại trong khoảng thời gian hưu trí mà người ta gọi là tuổi vàng. Nhất là mình được sống trên đất Mỹ , nơi có điều kiện y tế tốt & quyền lợi hưu bỗng khá đầy đủ.và có thời gian làm những điều mình thích , Có thể nói đây là một ân sũng của thượng đế ban tặng .

    Nếu .. " Lại buồn miệng mà... "thập thảnh" món này món kia." thì nhớ chia sẻ lên trang nhà nhé, biết đâu QN11 lại thêm một tay bếp cừ khôi là Phạm Lê Huy thì hay quá , cạnh tranh với QN , chị Gà Ta. cùng các chef cook khác .. ha ! ha ! ha..

    Năm mới cũng sắo đến, QN chúc Anh chị luôn vui khoẻ, riêng anh chóng thích ứng được cuộc sống mới, an hưởng tuổi vàng.
    Có thể tháng bảy tới Anh em mình lại gặp nhau..

    Thân quí ./QN

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chào tác giả.
      Có lẽ tác giả cũng trạc tuổi của tôi, thôi thì có vài lời chia sẻ với nhau: chúng mình cùng một lứa bên trời lận đận, quê hương điêu linh nên mới trôi dạt trên xứ người, nghĩ cho cùng đã là thế thì gắng vui mà sống, không nên suy nghĩ nhiều mà tổn hại tinh thần. Đoạn đường này tôi và Anh cũng như nhiều người khác đang và sẽ đi qua, chỉ mong giữ mình , đợi được tới ngày đất nước thanh bình, bè lũ cộng sản xuống hỏa ngục hết, và mình được gởi nắm xương tàn trong lòng quê hương thì hạnh phúc biết bao!
      Còn bằng không thì : " Ở đây thôi ở đây đành.."
      Mọi chuyện rồi sẽ dần quen. Anh biết đấy trước đây, mình bận rộn quá trở thành thói quen và bây giờ , rãnh rỗi quá nhưng rồi cũng quen thôi Anh.
      Chúc Anh Vững tinh thần và vui sống
      TVT

      Delete
    2. Cám ơn bạn Thao Tran đã thấu hiểu và chia sẻ tâm trạng và nỗi lòng "tuổi này" của chúng mình.
      Như bạn nói, thời gian đầu quả thật tôi thấy mình hụt hẩng trống vắng lắm; nhưng rồi cũng quen dần đi.
      Chân thành cám ơn quý bạn hữu, thân hữu và độc giả vẫn thường có mặt bên cạnh, an ủi nâng đỡ tôi.

      Delete
  4. Vậy mà anh đã bị bệnh tám tháng nay rồi, lẹ quá !
    Qua cơn bạo bệnh ấy, anh bị "chệnh choạng" mấy tháng qua cả thể chất lẫn tinh thần. Giờ thì tạm yên rồi. Nhờ tích cực tập tành qua physical therapy và cardiac rehab mà bước đi của anh đang dần dần trở lại bình thường, thật mừng.
    Năm trước Hanna Đỗ nói là cuối năm 2014 hay Giáp Ngọ sẽ qua Cali, vậy đã qua chưa, sao không nghe nói gì hết.
    Ừ, tháng Bảy này mời hai vợ chồng em qua đây chơi nghen.

    ReplyDelete
  5. Anh Huy,

    Lúc sau này những bài viết của anh đượm màu tôn giáo theo chiều hướng bi quan và yếm thế. Anh viết: "Phần tôi, chiều nay trong tiết mưa lạnh xứ này, đang ngồi đây ôm cái tuổi hưu của mình, nheo mắt đăm chiêu nhìn về bóng chiều cuối ngày… Sao ngày qua mau quá !?".

    Thường thì ai cũng vậy, nhất là khi tuổi đã cao và phải trải qua những căn bịnh ngặt nghèo như anh và tôi. Tôi không phản đối hay chỉ trích vì mỗi người tự chọn cho mình một suy tư, một triết lý, một lối sống. Tuy nhiên với tư cách là một đồng nghiệp cùng sở với anh, tôi nêu ra đây cái nhân sinh quan của tôi: “Dù với đức tin nào của tôn giáo, Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo... tôi nghĩ cái già, cái chết là một điều cần thiết để đạt đến cái cao hơn, cái đẹp hơn, cái cao đẹp nhất. Đó là Niết bàn, Thiên đàng... Với niềm tin như vậy, tôi thấy cái đau, cái bịnh, cái khổ, cái buồn là những đóng góp, chia xẻ mà một con người cần có trách nhiệm phải nhận lãnh”.

    Anh Huy ơi! Đừng bi quan nữa nhen! Hể khi nào cái yếm thế nó len lén đến ôm anh (cái từ ÔM là của anh đó), anh cứ nhớ đến người bạn hay bông đùa lúc hai đứa còn làm chung ở Magtek.
    … … …

    Trần Quốc Công

    ReplyDelete