Phản công
Phản công là phản ứng của một lực lượng quân sự sau khi bị tấn công, để tái chiếm lãnh thổ bị địch chiếm, hoặc để gây tổn thất cho địch. Nã Phá Luân viết, "Phút nguy hiểm nhất là phút mừng chiến thắng," vì đó cũng là phút địch phản công.
Nga lên án Hoa Kỳ lôi kéo Saudi Arabia vào chiến lược đánh gục nền kinh tế Nga bằng cách gia tăng quá đáng số lượng dầu bơm lên khỏi lòng giếng để tạo ra tình trạng thặng dư -số cung nhiều hơn số cầu- khiến xăng, dầu mất giá đến gần một nửa, và đồng ruble của Nga cũng mất giá theo.
Nhiều cơ quan truyền thông Hoa Kỳ cho là lập luận này có phần đúng, ký giả Mỹ Andrew Higgin đồng ý với lời buộc tội đó; anh viết, "Không thể chối cãi dụng ý của Hoa Thịnh Đốn trong việc làm xăng, dầu mất giá; chỉ riêng việc gia tăng sản xuất của Hoa Kỳ cũng đã đủ tạo tình trạng xăng, dầu tràn ngập thị trường."
Thật ra, dù không cố ý, mức sản xuất xăng, dầu của Hoa Kỳ vẫn gia tăng nhờ việc bành trướng kỹ thuật bơm dầu từ những lớp đá trong lòng đất (shale); kỹ thuật này khiến đang từ vai trò nhập cảng nhiên liệu, Hoa Kỳ trở thành một quốc gia có khả năng xuất cảng xăng, dầu, và khí đốt; những thứ này vốn vẫn đem lại cho Nga gần một nửa tổng sản lượng quốc gia.
Tình trạng thặng dư nhiên liệu trên thị trường thế giới tạo ảnh hưởng tai hại cho Nga là điều không thể tránh, dù Hoa Kỳ muốn tránh; đằng này Hoa Kỳ lại không muốn tránh mà còn muốn gây áp lực kinh tế, đòi Nga nhả bán đảo Crimea của Ukraine mà họ vừa thôn tính.
Cơ quan United States Energy Information -Tin Tức Về Năng Lượng Mỹ- cho biết năm 2008 Hoa Kỳ có khả năng sản xuất mỗi ngày 5 triệu thùng dầu thô, năm nay họ sản xuất 9 triệu thùng -gần gấp đôi. Mức gia tăng đó khiến Hoa Kỳ sản xuất nhiều dầu hơn cả Iraq lẫn Iran, và không thể không gây xáo trộn sinh hoạt trên thị trường xăng, dầu.
Tổng Thống Barack Obama chủ trương gia tăng vai trò lãnh tụ thế giới của Hoa Kỳ, trong lúc giảm thiểu tổn thất sinh mạng của người lính Mỹ; ông thể hiện chủ trương đó bằng chiến lược "không chạm gót xuống đất" và chiến lược "bóp nghẹt kinh tế" đối phương.
Chiến lược không chạm gót xuống đất đang giúp 6,000 người lính Mỹ -2% khả năng quân sự của Hoa Kỳ- đánh bại lực lượng IS (Islam State) giúp đem lại thắng thế cho cả 4 quốc gia Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Kurd, và Syria; riêng Syria -chủ trương thù nghịch với Hoa Kỳ- nhưng vẫn hưởng lợi trong việc Hoa Kỳ gây tổn thất nặng nề cho IS -lực lượng chính trong cuộc nội chiến Syria.
Tác chiến trên chiến trường Trung Đông, nhưng 6,000 người lính Mỹ lại không ăn, không ngủ trên bãi cát sa mạc, không đối diện với mìn bẫy, và không là mục tiêu cho xe bom Ả Rập tàn sát. Họ ăn thức ăn nóng, ngủ trong phòng lạnh, đọc sách trong thư viện, xem chiếu bóng, đánh bóng rổ trên Hàng Không Mẫu Hạm Vinson, rồi cũng từ đó cất cánh bay vào chiến trường tấn công những cánh quân IS đang di chuyển, hoặc đánh bom những căn cứ họ ẩn trốn trên lãnh thổ 2 nước Iraq và Syria; tấn công địch quân, tiêu diệt hàng chục, hàng trăm sinh mạng, mà họ nhẩn nha, nhàn hạ như những viên chức đi làm công sở.
Chiến lược "không chạm gót xuống đất" chỉ tuyệt diệu trên chiến trường Trung Đông; nhưng để đối phó với một đối thủ có khả năng quân sự lớn lao như Nga, chiến lược gia Obama tránh không dùng đến quân đội, vì một cuộc giao tranh giữa quân Mỹ và quân Nga tạo ra nguy cơ rất gần với một cuộc thế chiến, trong đó nguy cơ tàn sát bằng võ khí nguyên tử là điều có thể xẩy ra.
Tuy cần tránh nguy cơ thế chiến, nhưng Hoa Kỳ cũng không thể để Nga đi vào con đường lấn chiếm lân quốc như Đức Quốc Xã đã lấn chiếm 80 năm trước -cuộc lấn chiếm đã làm bùng nổ Thế Chiến Thứ Nhì.
Để tránh chiến tranh quân sự, Hoa Kỳ sử dụng chiến lược siết chặt, bóp nghẹt kinh tế Nga; mỗi ngày đòn kinh tế một siết chặt hơn, bóp nghẹt hơn, mặc dù Ủy Ban đặc trách Chính Sách Tài Chánh của Ngân Hàng Anh Quốc báo động Hoa Kỳ đừng quá mạnh tay, vì chính Hoa Kỳ và Liên Âu cũng đang gặp khó khăn do tình trạng giá xăng dầu hạ quá thấp.
Nhưng Obama vẫn không để lực lượng đối lập với Hoa Kỳ -Nga, Iran và Venezuela- thoát khỏi cảnh suy thoái kinh tế, trước khi họ gục ngã, như chế độ Cộng Sản Nga đã gục ngã năm 1989, vì suy thoái kinh tế.
Cựu tổng trưởng ngân khố Nga, ông Aleksei L. Kudrin, một trong những người thân thiết của tổng thống Nga Vladimir V. Putin, vừa lên tiếng khuyến cáo Putin nên cải thiện bang giao với Hoa Kỳ và Liên Âu trước khi tình hình kinh tế Nga trở thành xấu hơn.
Học giả Edward N. Luttwak -người đã viết nhiều tác phẩm về chiến lược kinh tế, và cũng là cố vấn của Ngủ Giác Đài- nhận định, "Mỹ đang loại nhiều cường quốc đối nghịch, mà không bắn một viên đạn nào cả."
Tại Iran -một trong 3 quốc gia chống Mỹ- tình trạng thâm thủng ngân sách nghiêm trọng đến mức Iran đang cho phép những thanh niên đến tuổi quân dịch không phải nhập ngũ nữa, vì ngân sách quốc phòng không còn đủ để đón nhận thêm tân binh.
Kinh tế gia Iran, ông Hossein Raghfar tuyên bố với tờ báo Etemaad, "Chúng ta đang lâm vào cảnh cực kỳ túng quẫn; chính phủ cần tiền, rất cần tiền, nhưng không tìm đâu ra tiền."
Venezuela, cũng không khá gì hơn, vì 95% tổng sản lượng quốc gia là tiền bán dầu; ỷ lại vào thế ngồi trên giếng dầu lớn nhất thế giới, Venezuela giúp đỡ Cuba bằng cách bán dầu rẻ, và thực hiện nhiều chương trình xã hội rộng rãi trong nước để giúp đỡ người nghèo. Giờ này họ đang thiếu ngân khoản cần thiết để tài trợ những chương trình xã hội đó.
Không bán được dầu, thiếu ngoại tệ nhập cảng hàng hóa, nên Venezuela thiếu thốn đủ thứ trên thị trường; thiếu đến cả những nhu yếu phẩm thông thường nhất như xà bông giặt quần áo, đồ gia dụng, và đến cả thực phẩm cũng trở nên khan hiếm, khiến quần chúng phải xếp hàng để mua.
Nhưng, khốn đốn nhất vẫn là Nga; quần chúng mất tin tưởng vào giá trị đồng ruble -đang mỗi ngày một mất giá hơn- mọi người đổ xô đi mua hàng, mua bất cứ thứ gì để tiêu cho hết những đồng tiền đang trở thành giấy lộn.
Không phải là một kinh tế gia, Putin tìm cách giải quyết tình trạng tuyệt vọng kinh tế bằng một giải pháp quân sự cũng tuyệt vọng không kém: hôm thứ Sáu 12/26 ông ký ban hành một bản "đường hướng quân sự" mới, nhận định là lực lượng NATO (North Atlantic Treaty Organization-Tổ Chức Liên Phòng Bắc Đại Tây Dương) là kẻ thù số 1, và đang trở thành mối hiểm họa cho Nga, ông nói thêm là nhận định này có thể bắt buộc Nga sử dụng loại vũ khí có đặc tính chính xác để đối phó với NATO.
Bản đường hướng quân sự chỉ trích chủ trương bành trướng của NATO tạo tình trạng mất thăng bằng cho Nga và khuyến khích bọn khủng bố tấn công Nga. Bản đường hướng quân sự cũng nêu đích danh Hoa Kỳ như một trong những đe dọa cho Nga, và xác định là Nga có thể sử dụng vũ khí nguyên tử để tự vệ chống một cuộc tấn công quân sự.
Chắc chắn cả NATO lẫn Hoa Kỳ sẽ không tấn công Nga bằng lực lượng quân sự; chiến lược kinh tế và vũ khí dầu hỏa đã đủ mạnh để đốt nóng cái ghế tổng thống Nga của Putin. Ông không thể ngồi lâu trên mặt ghế quyền lực đó mà không bị đốt cháy.
Ông chỉ còn một khoảng thời gian rất ngắn để -hoặc trở về sinh hoạt trong trật tự chung của thế giới, hoặc làm loạn- gây ra một cuộc thế chiến vô cùng khiếp đảm, như Nã Phá Luân viết "phút nguy hiểm nhất là phút mừng chiến thắng." (nđt)
(VienDongDaily.Com - 29/12/2014)
___________________________________________________________________
No comments:
Post a Comment