Cung Nhật Thành
Hai mươi năm trước đây, tôi lái xe tắc xi để kiếm
sống.
Một đêm kia, có người gọi xe ở khu chung cư vào lúc 2 giờ
30 sáng. Tôi đến nơi, các dẫy nhà đều chìm lẫn trong bóng đêm ngoại trừ ánh
sáng mù mờ từ khung của sổ kéo màn kín. Trong trường hợp này, các người lái xe
thường nhấn còi một hay hai lần và chờ khoảng một phút, nếu không thấy động
tĩnh gì là họ lái xe đi...
Nhưng tôi cũng biết rất nhiều người nghèo không có xe cộ
gì cả và tắc xi là phương tiện di chuyển duy nhất mà họ trông cậy trong những
hoàn cảnh đặc biệt hay trong những giờ giấc bất thường.... Trừ khi linh cảm có
gì nguy hiểm ngăn cản, tôi thường ra khỏi xe và đi đến tận cửa, tự nhủ biết đâu
có người đang cần tôi giúp...
Nghĩ như thế tôi bước tới gõ cửa.
“Xin chờ một chút”
giọng nói rõ ràng là của một người già nhưng vẫn có phần trong trẻo và tôi có
thể nghe tiếng của các vật dụng dường như đang bị kéo đi trên sàn nhà... Vài
phút sau, cửa mở, một bà cụ khoảng 80 tuổi đứng ngay trước mặt tôi. Cụ mặc chiếc
áo đầm dài in hoa, đội cái mũ trắng xinh xắn với dải lụa gài chung quanh,
trông giống y như một người nào đó từ cuốn phim của những năm 1940 chợt bước
ra, với chiếc va ly vải bên cạnh. Sau lưng cụ, căn phòng chung cư trống trải
như quanh năm không có ai cư ngụ, tất cả bàn ghế đều được phủ kín bằng những
tấm trải giường. Liếc nhìn qua vai cụ, không có bất kỳ vật dụng nào trên quầy
trong bếp hay trên tường cả và sát chân tường trong góc phòng tôi có thể thấy
mấy cái thùng giấy đầy những ly tách và khung ảnh sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp.
- Phiền ông mang
giúp tôi cái va ly này ra xe…
Tôi đem chiếc va ly cất ở thùng xe phía sau và quay trở
lại giúp bà cụ. Cụ nắm cánh tay tôi và từng bước một, tôi dìu cụ xuống đường
hướng về chiếc xe... Cụ luôn miệng nói cám ơn... “Không có chi, thưa cụ” - tôi nói, “cháu coi những người lớn tuổi như là mẹ của cháu vậy... ” - Cụ trả
lời: “Ông tử tế lắm.... ”.
Sau khi giúp cụ yên ấm trên băng ghế sau, tội ngồi vào ghế
lái và nổ máy xe. Cụ đưa cho tôi tờ giấy ghi địa chỉ nơi cụ muốn đến và hỏi
tôi, rất nhỏ nhẹ:
- Ông có thể chạy
ngang qua dưới phố cho tôi một chút không...
Liếc mắt vào tờ giấy ghi địa chỉ, tôi buột miệng:
- Nếu lái xuống phố
thì đường xa hơn và lâu hơn nhiều...
- Cứ thong thả, ông
à, không có gì vội vã cả, Tôi chỉ đi tới hospice thôi... (hospice: nhà dành cho những người sắp từ giã cuôc sống).
Tôi ngước mắt nhìn, qua tấm gương chiếu hậu, đôi mắt cụ
long lanh trong bóng tối.
- Tôi không còn ai
thân thích trên cõi đời này, và bác sĩ đã nói tôi cũng chẳng còn bao lâu nữa,
hai hay ba tuần là nhiều...
Vói tay tắt cái máy ghi khoảng cách và tính tiền, tôi
hỏi một cách nhỏ nhẹ:
- Thưa cụ muốn đi
qua đường nào trước...
Trong hơn hai giờ kế tiếp, chúng tôi hầu như đi lanh quanh
qua từng con đường trong các khu phố.
Cụ chỉ cho tôi toà nhà nhiều tầng mà một thời cụ đã làm
người điều khiển thang máy.
Tôi lái xe qua một khu phố với những căn nhà nhỏ đã cũ
nhưng xinh xắn, cụ nói với tôi ngày trước khi mới lập gia đình cụ đã ở trong
khu này, và chỉ cho tôi căn nhà loang loáng dưới ánh đèn đêm...
Nhìn ánh mắt lưu luyến của cụ, tôi như thấy một trời quá
khứ thương yêu đằm thắm của đôi vợ chồng trẻ.
Cụ ra hiệu cho tôi ngừng xe trước nhà kho của cửa tiệm bán
giường tủ, bàn ghế, nhẹ nhàng bảo tôi trước đây chỗ này là một vũ trường sang
trọng và nổi tiếng, cụ đã từng hãnh diện đến đây khiêu vũ lần đầu khi là một
thiếu nữ mười sáu tuổi...
Trong giọng nói cụ tôi thấy thấp thoáng hình ảnh một thiếu
nữ trẻ trung sáng ngời với bộ dạ phục xinh đẹp và nụ cười tươi tắn hân hoan...
Đôi khi, cụ bảo tôi đậu xe trước một toà nhà nào đó hay ở một góc phố khuất nẻo
không tên.... và cụ im lặng thẫn thờ trong bóng tối như đắm chìm với cả một dĩ
vãng xa xăm bao la và sâu thẳm...
Khi trời chập choạng trong ánh sáng đầu tiên của ban ngày,
cụ nói với tôi khẽ khàng như một hơi thở nhẹ:
- Thôi, mình đi...
Tôi lái xe trong im lặng đến khu nhà hospice. Đó là một
dẫy nhà thấp, kín đáo, ngăn nắp và gọn gàng. Tôi vừa ngừng xe là đã có hai
người xuất hiện với chiếc xe lăn như là họ đã chờ đợi từ lâu rồi. Tôi bước
xuống mở thùng xe phía sau để lấy chiếc va ly nhỏ của cụ mang tới để ngay cửa
chính, xong quay trở ra đã thấy cụ đã được đỡ ngồi ngay ngắn trên chiếc xe lăn.
- Bao nhiêu tiền vậy
cháu? - Cụ vừa hỏi vừa mở cái bóp nhỏ...
- Cháu không lấy
tiền bác đâu… - tôi trả lời.
- Nhưng cháu phải
kiếm sống chứ...
- Đã có những khách
hàng khác, thưa bác...
Gần như không tính toán so đo, tôi cúi xuống ôm lấy bờ vai
cụ. Đáp lại, cụ ôm tôi thật chặt:
- Cám ơn cháu đã cho
cụ già này khoảng thời gian thật quý giá và đầy ý nghĩa.
Tôi xiết chặt tay cụ và quay bước đi trong ánh sáng mờ nhạt của
một ngày mới đến. Sau lưng tôi có tiếng cửa đóng. Tôi cảm thấy như cả một cuộc
đời vừa được khép lại phía sau.
Tôi không có thêm người khách nào khác trong buổi sáng đó.
Tôi chạy xe loanh quanh không có mục đích và dường như tôi cũng chẳng biết mình
đi đâu nữa...
Suốt cả ngày hôm đó hầu như tôi không thể nói được với ai
lời nào cả... Chuyện gì sẽ xẩy ra nếu cụ già gặp phải một người tài xế đang ở
cuối buổi làm, nóng nẩy chỉ muốn chóng xong việc để còn về nhà... Chuyện gì sẽ
xẩy ra nếu tôi từ chối không nhận đón người khách là cụ hay tôi không bước
xuống gõ cửa mà chỉ ngồi trên xe nhận kèn một lần rồi lái xe đi...
Tự nhiên, tôi bỗng nghiệm thấy trong quãng đời trẻ trung ngắn
ngủi của mình, dường như là tôi chưa làm được chuyện gì có ý nghĩa hơn là
chuyện tôi đã làm trong buổi sáng hôm ấy.
Chúng ta luôn luôn nghĩ rằng cuộc đời sẽ có những khúc
quanh quan trọng, đánh dấu bằng những sự việc to lớn, dễ dàng ghi nhớ...
Nhưng thật ra, đẹp nhất vẫn là những phút giây nhỏ bé bất
ngờ nhưng có xúc cảm mãnh liệt khiến ta phải bàng hoàng đến tê dại cả tâm
hồn...
Xin chia xẻ câu chuyện nhỏ này với các bạn, hy vọng vì thế
cuộc đời chung quanh chúng ta sẽ ấm cúng và có ý nghĩa hơn.
Cung Nhật Thành - lược dịch tháng 10-2009
__________________________________________________________________
No comments:
Post a Comment