Thursday, December 11, 2014

KÍ ỨC ĐỜI TÔI

Đào Thương



*PHẦN MỘT

ĐẢO CHÍNH NHẬT ( 9-3-1945 )
Vào khoảng 10 giờ đêm ngày 9/3/1945 tôi đang ngủ trên tấm phản giữa nhà với cha tôi ở thôn Vĩ Dạ bỗng cùng với mọi người trong nhà chợt thức giấc vì tiếng súng nổ âm vang về phía Tòa Khâm sứ Huế ( Trường Đại Học Sư Phạm Huế ngày nay). Bà con trong thôn la gọi nhau ơi ới “

Bà con ơi! Chạy giặc thôi, Nhật đảo chánh!” Rất may gia đình cụ Chưởng Đam, thân phụ Ông Phán Phương có một chiếc đò cắm trong con hói phía nam Đập Đá dẫn nước về mạn quê tôi, làng An Lưu, Tổng Ngọc Anh ( Xã Phú Mỹ ngày nay ), huyện Phú vang, tỉnh Thừa Thiên Gia đình họ tản cư về  làng Vân Thê phía bên kia con hói. Họ cho gia đình chúng tôi đi nhờ.
Thế là bố mẹ tôi quơ đi ít đồ đạc cần thiết và đưa các anh chị tôi xuồng đò, riêng tôi được bà ngoại cõng. Đò xuôi về phía đông nam chừng hơn 4 giờ là tới. Lúc bấy trời  vừa hừng đông. Cụ từ giữ nhà thờ họ Đào vội mở cửa nhà ngang đón gia đình chúng tôi vào. Tưởng chừng ít hôm là quay về nhà cũ không ngờ tại bước ngoặc quan trọng của lịch sử đất nước, vận mạng của gia đình tôi cũng bị cuốn hút theo. Sau ít ngày khi đã êm tiếng súng, cha tôi quyết định chuyển gia đinh về làng để ở.
Thế là chấm dứt một đoạn đời thơ ấu êm đềm đầy ắp kỷ niệm của tôi nơi thôn Vĩ.

Tôi ra đời vào  ngày 10 tháng 7 năm 1941 ( năm Tân Tỵ - cầm tinh con rắn ) ở nhà thương Huế ( bệnh viện TƯ Huế ngày nay ). Không biết có phải vì thế mà cha tôi đặt tên tôi là Thương hay không nhưng sau này khi tôi hỏi cha tôi về điều đó thì cha tôi bảo rằng “ Cha  đặt tên con là thế để con được người thương và biết thương người”.
Cha tôi hồi còn bé theo học chữ nho ( Hán tự ) với cụ đồ Nguyễn ở làng trên, làng Phúc Linh ) sau đổi sang tân học. Vừa đổ xong Sơ học yếu lược thì ông Nội tôi qua đời vì bạo bệnh (tôi được nghe kể thế) nên phải nghỉ học ở nhà phụ giúp bà nội tôi công việc đồng áng ngoài ra còn làm biện lại cho họ Đào ( Thư ký cho Hội đồng họ ). Cha tôi lập gia đình rất sớm. Mẹ tôi kể lại hồi mới lấy nhau cha mẹ tôi hết sức nghèo, sống trong một căn nhà tranh nhỏ, vách lá đơn sơ, trống trước trống sau, đồ đạc không có gì. Ra riêng nội ngoại không có gì nhiều để cho con cháu làm vốn. Mệ Bếp cho một cái nồi đồng nhỏ, đó là vật quí nhất mà bố mẹ tôi có lúc bấy giờ. Còn ông Cậu Tịnh ( bố của chú Nghĩa) đan một ít rổ rá đi bán để lấy tiền cho cháu trong ngày cưới, đem đến chợ mấy ngày không bán được cuối cùng đành đem cho cháu làm quà.
Cũng theo lời kể của mẹ tôi, rồi trời thương cuộc sống cũng đắp đổi qua ngày, mẹ tôi lần lượt sinh ra các anh, chị tôi.
Cuộc sống chỉ khởi sắc khi cha mẹ tôi quyết định chuyển nhà lên thônVĩ dạ vào cuối thập niên ba mươi. Gia đình tôi ở nhờ đất của cụ Chưởng Đam, cạnh nhà ông Phán Phương. Đối diện với nhà ông Ưng Oanh, Thám tá, Cháu nội của Tùng Thiện Vương gần chợ Mai. Cha tôi làm ruộng ở làng. Ông thường vắng nhà khi vào vụ cấy hái hoặc khi có việc làng, việc Họ, hoặc giỗ chạp bên nội bên ngoại. Khi  không về làng ông thường sang chơi bài Tài bàn, ngũ kiệu hoặc thất kiệu với cụ Chưởng. Mẹ tôi thì làm hàng xáo, hàng ngày bà gánh gạo ( thành phẩm ) ra chợ bán, trưa về cơm nước cho chồng con rồi thì gánh thúng mũng đi về tận Văn giang ( thuộc Phú Thứ sau này để mua lúa. Tối về xay, giả, giần. sàng. Mẹ tôi suốt ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua
năm khác, canh một chưa nằm canh năm đã dậy, tần tảo nuôi chồng nuôi
con. Cuộc sống của bà thật gian nan nhưng mẹ tôi không bao giờ oán trách số phận.

Khu nhà ngang của ông Tham Oanh nuôi tằm, cứ mỗi độ thu hoạch, mẹ tôi thường bảo chị tôi sang mua nhộng tằm về làm món trộn với thanh trà. Mãi mãi tôi không quên được hương vị dân dã vừa béo vừa bùi của nhộng tằm pha lẩn vị ngọt thanh của thanh trà xứ Huế. Thỉnh thoảng tôi chạy sang đó để xem tằm ăn lên  hoặc xem các cô các chị quay tơ hoặc chạy xuống bến sông xem các chị giặt lụa và nghe hò mái đẩy đối đáp trên sông của những thanh niên nam nữ đi đò dọc ngược mạn Tuần, Lương quán hoặc xuôi về phá Tam giang, cửa Thuận an, cửa Tư Hiền …
“ Đò từ Đông Ba đò qua Đập Đá, Đò từ Vĩ Dạ thẳng ngã ba Sình. Lờ đờ bóng ngã  trăng chênh. Tiếng hò vang vọng thắm tình nước non”. Hay
“Tình về Đại lược duyên ngược Kim long. Đến đây là chỗ rẻ của lòng.
Gặp nhau còn biết trên sông bến nào.”
Những câu hò như thế đọng lại trong ký ức tôi từ ngày đó, từ những năm 3, 4 tuổi.

Chị Hoa của tôi chỉ sinh trước tôi hai năm nhưng là con nhà nghèo chị tôi đã biết làm một số việc giúp mẹ tôi như nấu cơm, quét dọn nhà cửa, chị còn tập giần, sàng gạo để giúp mẹ tôi, đi chợ mua thêm hàng vặt, nhưng việc này thường làm chị lo lắng bất an chả là lúc bấy giờ ở chợ Vĩ Dạ có ông Bạo thường tinh nghịch bóp bụ ( vú ) phụ nữ đi chợ vì thế
chị thường bảo tôi đi cùng mặc dù lúc bấy giờ chị tôi mới 6 tuổi làm gì đã có vú.

Vào những ngày trước đảo chánh, lính Nhật đã đóng quân ở thôn Vĩ. Tôi thường cùng các bạn cùng trang lứa đến xem các chú lính “Nhật bổn lùn”, họ ăn cơm với cá mằn chặn như người Việt mình, xem các Sĩ quan Nhật mang kiếm dài thật oai vệ…nhưng không biết những người lính viễn chinh họ nghĩ gì, họ có nhớ người thân của họ nơi quê nhà, họ có hoài bảo gì, họ đem thân vào nơi gió cát đầy hiểm nguy để làm gì? Ở tuổi thơ tôi đã thấy nhiều ngoại nhân, những quan Tây mắt xanh mũi lõ đến từ trời tây, nay lại thấy những người Nhật, đến từ đất nước Phù tang… với đôi mắt tò mò, pha chút  kinh ngạc của trẻ nhỏ.

Tôi còn nhớ rõ trong ký ức vài việc xãy ra vào những năm đó. Như tôi đã nói những ngày rỗi rãnh cha tôi thường hay sang hầu bài cụ Chưởng, những lần như thế tôi cũng lân la sang đó vì mỗi lần thấy tôi cụ thường cho quà vặt, khi thì một mẫu sắn ( củ mì ) được đập mềm trong mo cau, chấm muối mè đường khi thì vài cục kẹo ú , hay kẹo cau, khi thì củ khoai lùi tro nóng…nhưng phải “ dạ “ thật to và thật dài như hát bộ mỗi khi nghe cụ gọi “Thương!”.

À tôi còn nhớ một lần vào một bữa trưa sau cơn mưa giông, nhà ông Phán đang say giấc nồng, tôi đã chạy sang vườn ông ấy hái trộm khế ngọt - cây khế nặng chĩu quả ở những cành rất thấp. Đem về sắp lên phản, “ Trái này phần cha, trái này phần mẹ, trái này phần anh Thọ, trái này phần anh Đê, trái này phần chị Hoa…”, tôi lẩm bẩm nói mỗi lần đem về một quả. Vì việc này tôi đã bị cha tôi quỡ  mắng nghiêm khắc nhưng tôi đọc được trong ánh mắt của cha tôi pha lẩn chút trìu mến. Phải chăng do tôi dù đang còn nhỏ đã không chỉ nghĩ đến mình mà đã biết nghĩ đến các người khác trong gia đình?


ĐàoThương
Phần đầu của "Ký ức đời tôi"


__________________________________________________________________

1 comment:

  1. Chào anh Đào Thương.
    QN rất cám ơn Anh về một bài viết tuy là dạng hồi ức nhưng lồng trong một giai đoạn lịch sử. Rất có ý nghĩa.
    QN xin chúc Anh Đào Thương và chị Cẩm tú Cầu mãi là một đôi vợ chồng hạnh phúc.
    Quí mến ./QN

    ReplyDelete