Sunday, December 7, 2014

Hút thuốc để thấy đời bớt căng thẳng

 Châu Huỳnh
Nguon: Nguoivietonline




Tôi từng có những bài “đánh phá quyết liệt” người hút thuốc lá viết ở nhiều thời điểm khác nhau. Giờ “phun nước miếng” nói lại nha: "Hút thuốc lá ok. Chỉ đừng có hút trước mặt tôi là được. Hút đâu cứ tránh xa tôi ra là được rồi."
Tại sao tôi lại quay ngược 180 chục độ như vậy? Xin được thưa ba câu chuyện như sau:


1.
 Chuyện xảy ra từ dạo năm ngoái.  Trong công ty có một phong trào vận động bỏ thuốc lá cho tất cả khách hàng và nhân viên trong công ty.  Phong trào được tiền bảo trợ 100% của quận King, làm rầm rộ hết gần năm tháng chuẩn bị đủ thứ.  Tới ngày cuối Tháng Năm, mọi người không được hút thuốc ngay bên ngoài khuôn viên của công ty.  Ai muốn hút thì phải đi thật xa, băng tít qua đường mà hút. Người nào bỏ được hút thuốc trong vòng năm tháng đó, được thưởng một cái iPad thứ thiệt xịn.

Tôi làm việc đa phần với người có chứng Schizophrenia (tâm thần phân liệt).  Bệnh này hiện nay chưa có thuốc chữa.  Chỉ có uống thuốc làm giảm bớt những triệu chứng tâm thần thôi.  Đa số những người bệnh này phải uống thuốc có những chất hóa học giúp cân bằng hệ thần kinh.  Thuốc có tốt mấy cũng có những phản ứng phụ rất là "nasty".  Nhức đầu, buồn ngủ, ói mửa và cả mấy chục cái phản ứng phụ khác.  Uống thuốc cả đời không hết bệnh nhưng chắc chắn sẽ mắc một đống những bệnh khác.

 Đa số những người bệnh này hút thuốc lá.  Những nghiên cứu khoa học rút ra kết luận là chất nicotine trong thuốc lá làm dịu xuống những phản ứng phụ gây ra vì uống thuốc.  Giúp cho người bệnh cảm thấy thoải mái, bớt lờ đờ và vì vậy tập trung vào những việc cần làm hàng ngày hơn.  Kết luận rút ra đang còn đem ra bàn cãi tùm lum.  Người ta đang nghiên cứu sử dụng chất nicotine trong thuốc lá để hy vọng chế ra những loại thuốc chữa bịnh hiệu nghiệm hơn trong tương lai.

Lớp vẽ của tôi hết 50% là người mắc bịnh này.  Họ là những người rất dễ thương, hiền lành, có tình và có khiếu vẽ rất đẹp.  Cứ tới giờ giải lao, lại kéo nhau ra ngoài chia nhau điếu thuốc rồi vô vẽ lại.

Cái ngày công ty chính thức ra chỉ thị cấm hút thuốc, những người này không ngồi yên mà vẽ được. Tay chân co giựt, táy máy thấy mà thương luôn. Rồi nghe nói là thay vì bỏ hút, lúc về nhà hút gấp haigấp ba lần. Tôi báo cáo lại với xếp. Xếp cũng lắc đầu. Chịu. Từ từ rồi tính. Rồi biết sao không. Mấy người đó cũng biết đường mà "cân bằng" cái chuyện tôn trọng lịnh cấm và thỏa mãn cái thói quen cá nhân.
Nghĩa là thay vì tới giờ giải lao, thay vì nói to: "cô giáo, đi ra ngoài hút thuốc đây” thì giờ khe khẽ "đi băng qua đường một chút." Hầu hết tất cả khách hàng không ai bỏ thuốc, tàn thuốc thay vì vứt đầy trước khuôn viên công ty, giờ thì cứ trước trạm xe bus cách đó chừng 1/2 block đường là xong. Chỉ có duy nhất một người thành công bỏ được thuốc, được thưởng cái iPad. Nhưng người đó chỉ ghiền chứ không bị tâm thần phân liệt.

Sau vụ việc này, tôi thấy hút thuốc không hẳn là việc tồi tệ. Hút thuốc giúp cho những người bệnh như vậy có khả năng sống một cuộc đời bình thường như những người khác.

2.
Những người vô gia cư. Họ cũng hút thuốc là dữ lắm.  Tôi làm việc hàng tuần với họ.  Tôi cũng thấy chuyện hút thuốc lá là một cách đối phó với đời.  Với cái khí hậu Mùa Đông buốt giá.  Không nhà không cửa.  Có điếu thuốc làm ấm lại chút đỉnh, bớt căng thẳng bớt cô đơn, đỡ lắm chứ.  Tiếng Anh kêu là "Self- medication," hút để đối phó. 

Cuộc đời “out of control,” chả có gì tự chủ được.  Làm gì cũng phải xếp hàng.  Ăn sáng cũng xếp hàng.  Ăn trưa cũng có người kiểm tra ID coi có tiêu chuẩn ăn ở đây không.  Dạo này đông người tới ăn quá, xếp hàng mà mặt lao tháo thoi thóp nhìn người đầu bếp múc cơm.  Hồi hộp đợi tới tên mình. Nhiều khi chờ cả 30 tới 45 phút.  Ông đầu bếp kêu. Hết đồ ăn.  Méo mặt mà chửi thề chứ biết làm sao.  Nham nhở hở hang lắm chứ.  Tắm giặt tiêu tiểu và đi ngủ cũng phải xếp hàng cả tiếng mới được.  Làm chi lớ quớ một chút là bị cảnh sát tới hỏi.  Làm chi to tiếng mích lòng một cái là có security tới liền tống ra ngoài.

Chỉ có mỗi chuyện hút thuốc là không phải xếp hàng.  Chỉ có phì phèo điếu thuốc là không ai kiểm tra, không ai nạt và cũng không ai đuổi đi.  Đời chỉ vì có điếu thuốc cầm tay mới thấy đáng sống.  Ai kêu homeless bên Mỹ sướng.  Tôi chẳng thấy sướng chi.  Mỗi lần thấy họ xếp hàng lấy đồ ăn, tôi nhớ tới cảnh ngày xưa xếp hàng thịt gạo, dầu lửa và bánh mì.  Rùng hết cả mình.  Thấy lấp ló đâu đó cái XHCN ở trong những nơi phục vụ homeless ở Mỹ đây.

Bữa có một ông ngồi vấn thuốc lá bằng tay với cái máy bằng nhựa thô sơ nho nhỏ.  Ông có một hộp giấy với cái filler vàng vàng làm sẵn.  Lấy thuốc lá bỏ vô cái khuôn dài dài trong cái máy nhỏ, đút hai ống giấy vô.  Kéo qua cái rẹt.  Xong hai điếu thuốc.Cũng gọn gàng như mua trong tiệm.  Mấy ông kia đứng xung quanh chờ mua.  Ông nói với tôi, “Tôi chỉ bán có $3 /20 điếu thôi.  Vô tiệm Seattle giờ bán $8- $ 9/ bao.  Ai mà mua cho nổi".

Ông nói: "Tôi thích ngồi làm vậy á.”  Mấy người xung quanh ngồi dòm ổng làm hàn huyên nói chuyện tỉ tê hàng giờ vậy đó.  Làm bao nhiêu cũng được.  Tôi thấy cái cảnh đó, cũng na ná như chơi cờ tướng hay đánh bài tiến lên.  Cuộc đời hà khắc tàn nhẫn có những giờ phút tỉ tê như vậy.  Mới có thể níu kéo con người ta sống.  Dù chỉ thêm một ngày nữa thôi.

Coi ổng ngồi vấn thuốc như vậy.  Chợt nhớ tới Ba tôi.  Hồi xưa ba hay đi chợ mua thuốc lào, loại nặng nặng á.  Rồi cũng ngồi vấn thuốc vậy mà hút.  Tôi cũng có cái bài kể về chuyện ba tôi bị ung thư phổi mà chết.  Ở đây.  Mà giờ lại ước ao.  Phải chi ông còn sống, nhất định tôi sẽ mua tặng ông cái máy vấn thuốc lá y chang như thế này.  Giờ viết tới đây, lại ngẩn ra tiên tiếc.  Suốt một đời, tôi chưa từng mua cho ba tôi một món gì hết.

Ông ngồi vấn thuốc nghe tôi hỏi lông bông.  Hỏi lại, “Chắc cô không thuốc thuốc lá.” “Tôi không hút nhưng ngày xưa ba tôi hút rồi bị ung thư phổ chết lâu rồi.”  Ông nói “Ừa, đã không hút thì đừng hút, ung thư đó.  Tránh xa thuốc lá đi nhá.”  Cả đám mí ông kia gật gù.  Ừa, đừng hút.

Cuộc đời oái oăm là thế.  Đừng hút.  Nhưng phải cứ hút.  Để cho con người ta sống đối sống phó vớicái hiện tại.  Tương lai trước sau cũng sẽ chết nhưng cũng chưa biết lúc nào mới chết.  Giờ không có điếu thuốc, sống thế nào cho hết 10 phút sắp tới đây. 

Thiệt ra, hút thuốc cũng chưa phải là cái lý do hàng đầu giết người ta.  Một nghiên cứu nào đó liệt kê dân số người Nhật hết hơn 60% hút thuốc lá.  Trong khi dân Mỹ chỉ có khoảng trên dưới 20% người hút thuốc.  Nhưng tuổi thọ dân Nhật sống cao hơn.  Dân Mỹ chết sớm hơn.  Lý do là vì stress, căng thẳng và chết vì tim mạch nhiều hơn là vì hút thuốc.  Hút thuốc hóa ra lại làm giảm căng thẳng.

3.
Lúc dọn lên Seattle tôi đi bộ nhiều lắm.  Đi làm đi học nói chung cuốc bộ hàng ngày nhiều hơn lái xe. Đi bộ chứng kiến nhiều thứ cũng làm thay đổi suy nghĩ.  Đi làm hay đi ngang qua một cái nursing home, nhà chung cư cho người già.  Tôi hay gặp một già một trẻ mẹ con với nhau.  Bà già to đùng ngồi trên xe lăn.  Ông con trai cũng to đùng, râu ria bờm xờm, nhìn bặm trợn với cái quần jean lụng thụng lem nhem.  Tới thăm mẹ.  Chuyên nghề đẩy bà mẹ ra khỏi chung cư, tới đầu đường, đứng đó nói chuyện và hút thuốc với nhau.  Cả hai mẹ con. Xong điếu thuốc rồi để mẹ vô lại vào trong.  Cũng ân cần lắm.  Trong nursing home làm gì có chuyện cho hút thuốc như thế.  Đang cơn thèm, có ai mà đẩy ra ngoài cho mà hút.  Chỉ có ông con.  Nhiều khi, tình mẹ tình con dịu dàng đơn giản với nhau chỉ có thế thôi.

Nói thế không có nghĩa là tôi cổ vũ cho chuyện hút thuốc.  Hút thuốc để đối phó với đời là chuyện làm tiêu cực.  Nếu được lựa chọn, thiếu giống chi những chuyện đối phó lành mạnh khác.  Nhưng giờ tôi hiểu và thông cảm.  Người chứ không phải thánh mà có thể cứ hoàn hảo được.  Có những tình thế bế tắc chỉ có điếu thuốc giải quyết được ngay lúc đó.  Nhưng tôi ghét nhất là chuyện hút thuốc xả dàn ngay trước mặt tôi.  Vì làm như thế là rất thiếu ý thức và không có tôn trọng người không hút thuốc.

Cứ hút đi.  Chết trước chết sau không quan trọng.  Hút để thấy cuộc đời bớt căng thẳng thì cũng nên hút.  Ý. Mà đừng có hút trước mặt tôi là được rồi./



Gà Ta (chuyển tiếp)

_________________________________________________________________


1 comment: