Monday, December 15, 2014

Hương xưa còn đọng

Phạm Thiên Thu


Từ trái sang : Cô Vương Thúy Nga - Cựu Hiệu Trưởng Nữ Trung Học Qui Nhơn,
 Cô Đặng Thị Yến (ảnh Giang N.Tuyết / Nữ Trung Học cung cấp)

* Yêu thương gửi theo hương hồn cô Đặng Thị Yến.

Cô Yến thương yêu,

Sáng nay là Chúa Nhật, trời Cali sau những cơn mưa luôn để lại chút không khí giá rét cho những người không quen chịu lạnh như em. Lợi dụng lúc đứa cháu ngoại còn đang say giấc, em tự thưởng cho mình một ly café sữa
nóng và mở laptop ra check email. Em nhận được email của một người bạn gửi đến bài viết của bạn Thanh Thanh gợi lại những tháng ngày cũ bên cô; và cả sự ra đi của cô đã để lại vô vàn buồn thương tiếc nuối trong lòng các học trò của thày cô. Nhìn lại tấm hình của cô đứng cạnh cô Vương Thúy Nga là em lại thấy như cô đang ở trước mặt em, với mái tóc vừa quá vai một chút giống như bọn học trò chúng em thời bấy giờ. Mái tóc của cô vẫn còn bay bay trong hành lang trường Trinh Vương những ngày lộng gió; và nhất là giọng hát tuyệt vời của cô mà cho đến tận giờ này vẫn còn vang vang trong đầu em : “Người ơi, một chiều nắng tơ vàng hiền hoà hồn có mơ xa… ”. Giọng hát cao vút và thật nhẹ của cô đã làm cho không chỉ mình em mà cả cái lớp 11B của chúng em ngây ngất đến lặng người. Tiếng hát của cô đã chiếm giữ hoàn toàn cái thinh lặng của đất trời… “Người ơi đường xa lắm con đường về làng dìu mấy thuyền đò. Còn đó tiếng tre êm ru, còn đó con diều vật vờ. Còn đó những đêm sao mờ hồn ta mênh mông nghe sáo vi vu… ”. Những lời hát thật êm dịu và thanh bình. Em không rõ là lời hát nâng tâm hồn em lên hay chính giọng hát thánh thiện của cô đã làm cho bài hát có hồn ở đó. Em đã từng nghe Lệ Thu, Thanh Lan hát bài Hương Xưa của Cung Tiến, nhưng chính giọng hát cô mới làm cho em thấy yêu bài hát này đến vô cùng cô ạ !

Cô thương yêu,

Em và bạn Thanh Thanh tuy học khác trường, nhưng chắc chắn là chúng em cùng niên khoá với nhau, chỉ có khác là năm đó em đang học ở Sài Gòn. Lúc đó không có điện thoại thuận tiện như bây giờ, nhưng mấy đứa bạn thân của em còn học ở Quy Nhơn, tụi nó biết em rất thương yêu cô, cũng như em còn là “học trò cưng” của thày Tạ Quang Khanh nên đã gửi điện tín báo cho em hay về sự ra đi đột ngột của cô. Nhận điện tín báo tin em như người đang mơ thấy cơn mộng dữ, vì em không thể nào tin được những lời báo tử đó. Người em như tê dại, em chẳng còn nghĩ được gì mà chỉ chợt nhớ đến Khôi, Khiêm và bé Hà (nếu em nhớ không lầm, vì lúc em học Pháp Văn với cô là lúc cô đang mang bầu bé Hà. Thày Khanh đã dạy thay cô môn Pháp Văn và thày còn dạy em Anh Văn là sinh ngữ chính nữa, nên em mới là “học trò cưng của thày” đó chớ).

Cô thương yêu,

Từ khi chuyển vào Sài Gòn để đi học, năm nào em cũng cố tìm mọi lý do để về Quy Nhơn. Sau khi cô mất ít lâu, em đã gặp lại thày Khanh vào một buổi sáng chủ nhật ở ngay cổng nhà thờ Chính Toà Quy Nhơn. Thày lái chiếc Jeep, gương mặt thày gầy, và nét buồn đau vẫn còn vương trong mắt. Sự ra đi của cô quá đột ngột không chỉ là sự mất mát của riêng thày mà còn của ba cháu nhỏ và của tất cả đám học trò chúng em… Hè của năm sau nữa, thày có dịp vào họp hay có công việc gì đó ở Bộ Giáo Dục, thày có ghé vào nhà em ở Thủ Đức và em vẫn còn thấy nét buồn đọng nơi khuôn mặt thày. Em không dám nhắc đến cô vì em sợ làm rướm máu trái tim thày; nhưng mỗi lần nhìn thày là em lại nhìn thấy khuôn mặt cô ở đó; cũng như giọng nói nhẹ nhàng, nghe rất Huế của cô (dù cho cô không phải người Huế). Và từ sau năm 1975 thì em không có lý do gì, và cũng không còn khả năng hay phương tiện để về thăm xứ Nẫu thân yêu một thời thiếu nữ của mình. Thế nên em không biết những người bạn ngày xưa, những thày cô cũ của mình đi về đâu, sống thế nào trong cái thời nhiễu nhương đó nữa. Mãi đến những năm đầu của thập niên 1990, em tình cờ gặp nhỏ Hoàng là sinh viên của lớp em ở trường Đại Học Sư Phạm Kỹ Thuật; rồi tình cờ biết nhỏ ấy ở Quy Nhơn, hỏi ra mới được biết đó là bé út của cô Nhi và thày Độ… Và mãi cho đến năm 2004 em mới có dịp gặp lại cô Kiều Nhi và thày Độ khi em về QN cưới vợ cho cậu em trai của em…

Gặp laị nhau thày trò nhắc chuyện cũ và không sao không nhắc đến cô. Cô cũng biết thày Độ đó, dân Huế mà, thày nói với em : “Nhỏ Yến đó, nó chết vì là ác ôn mà !”. Thày nói với một sự mỉa mai và lên án đối những kẻ đã gây ra cái chết quá oan uổng và tàn nhẫn đối với cô… Thày Độ thương cô như một cô em gái, một người bạn đồng nghiệp quá ư dễ thương và tử tế đó cô ơi !

Cô thương nhớ,

Em thấy mình thật may mắn khi được làm học trò của cả thày và cô. Cũng như nhiều thầy cô khác ở Trinh Vương, em cũng thấy mình vô cùng hạnh phúc khi sau nhiều thập niên trôi qua mà lúc gặp lại các thày cô hay các Soeur ai cũng đều nhận ra em ngay; ngoại trừ thày Tùng dạy môn Vạn Vật là nói không nhớ em, cho dù ngày xưa thày thường hay ghé nhà nhờ em đưa bài thày đã chấm vào trường cho các Soeur. Thời gian quả là liều thuốc tàn nhẫn đối với thày Tùng vì hình như thày Tùng quên rất nhiều học trò ngày xưa từng học với thày đó cô… Cũng vậy, em luôn nhớ đến từng người thày đã dạy em từ hồi tiểu học. Không chỉ nhớ tên, mà còn nhớ luôn những kỷ niệm từng có với các thày cô, hay thậm chí cả những điều gì đó hơi khác người của các thày cô; và em luôn trân trọng những kỷ niệm nhỏ đó. Riêng với cô, ngoài những bài giảng văn phạm Pháp Văn thật khúc chiết thì giọng hát trong trẻo và thật thánh thiện của cô qua bài Hương Xưa của Cung Tiến là một kỷ niệm không thể nào phai nhạt trong em. Cô không chỉ hát một bài Hương Xưa, mà với Đêm Đông, Thu Vàng, Ngọc Lan… bài nào cũng xuất sắc, nhưng với em thì mãi mãi vẫn là Hương Xưa  với “… Vẫn thương muôn đời nàng Quỳnh Như thuở đó… Ôi những đêm dài, hồn vẫn mơ hoài một giấc ai mơ, dù đã quên lời hẹn hò. Thời hoàng kim xa quá chìm trong phôi pha. Chờ đến bao giờ tái sinh cho người. Đời lập từ những đêm hoang sơ, thanh bình như bóng trưa đơn sơ, nay đời tan biến trong hư vô. Chết đầy từng mồ oán thù, máu xương tơi bời nhiều mùa thu… ” “Tình có ghi lên đôi môi, sầu có phai nhoà cuộc đời, người vẫn thương yêu loài người và yên vui sống cuộc sống vui. Đời êm như tiếng hát của lứa đôi... ”.

Cô ơi, em vẫn muốn đời nhớ thương cô, giống như Cung Tiến thương nhớ nàng Quỳnh Như thuở đó và mong một ngày tái sinh cho tất cả chúng em, những người đang tha phương nơi đất khách cũng như những mảnh đời buồn thảm nơi quê nhà, mong một ngày trùng phùng nơi ngôi trường thân yêu cũ để cùng hát lên “Ta như nước dâng, dâng tràn có bao giờ tàn… ”, phải vậy không cô ?!

Bình yên nơi cõi khác và hãy luôn mỉm cười như ngày xưa cô nhé !

Học trò cũ của Thày Cô.

Phạm Thiên Thu

(Cali, Dec. 2014)  


_____________________________________________________

No comments:

Post a Comment