Sunday, November 2, 2014

MÙA THU CỦA MỘT ĐỜI NGƯỜI...

                          MÙA THU CỦA NHỮNG NỖI BUỒN
                                                                                             Don Hồ


Khi đang hát, sợ nhất là bị khán giả níu vai và chồm lên nói nhỏ vào tai. Chuyện này có nhiều cơ hội xảy ra khi người ca sĩ cầm microphone rời sân khấu để đi xuống bên dưới. Và tại sao "sợ" ư ? Có thể bạn thắc mắc, chẳng hiểu.

- Thứ nhất: Đang mải lo trình bày một nhạc phẩm, âm thanh đang ầm ầm thì người ca sĩ làm sao có thể nghe kịp và hiểu người kia đang muốn nói gì với mình?

- Thứ hai: Nếu lắng nghe coi nói gì thì bài hát sẽ có khả năng bị khựng lại và có nhiều khả năng bị phân tâm mà quên luôn cả câu hát kế tiếp.

Không tin bạn thử vừa hát vừa lắng nghe ai nói chuyện gì đó thử xem, nếu bạn làm được cả hai chuyện cùng lúc thì có thể bạn là siêu nhân (superman) mà không biết đấy...

Tuần rồi trong một buổi gây quĩ, ban tổ chức nhờ cầm rổ đi xuống dưới khán giả, vừa hát vừa nhận phong bì tiền ủng hộ từ những vị hảo tâm. Một bác lớn tuổi đã níu vai thì thầm gì đó thì vào tai. Dĩ nhiên là đã... chẳng hiểu bác nói gì, phải nói lẹ : "Thưa, cháu chẳng nghe được gì cả ! Ghế bác chỗ nào, khi hát xong cháu xin trở ra tận nơi ạ ?".

Và đúng như đã hứa, hát xong phần mình vào trong lau mồ hôi xong trở lại tìm. 

Được níu lại chụp hình ở một số bàn, nhưng rồi cuối cùng cũng kiếm được. Bác kéo tay bảo : "Trong này ồn quá, ra ngoài bác có tí chuyện xin nhờ đến cháu... ".

Chút hồi hộp lẫn với tò mò. 

Mái tóc gần như bạc phơ, nhìn bác có vẻ lớn tuổi lắm nhưng vẫn còn rất minh mẫn. Dáng người nhỏ nhắn, lịch sự, nói chuyện giọng của những người Bắc di cư giống hệt mẹ. Bác như hơi đắn đo chút rồi bắt đầu :

- Bác xin lỗi có hơi chút đường đột, nhưng bác có chuyện này muốn nhờ đến cháu vì bác nghĩ cháu có thể có khả năng giúp được...

- Dạ... Bác cứ nói, nếu làm được gì cháu sẽ làm.

- Chuyện như thế này...
 

Ánh mắt bác trở nên xa xăm, giọng trầm hẳn xuống : "Bác có đứa con gái nhỏ đi vượt biên năm 1980 rồi bặt tăm tin tức. Gia đình bác nhiều năm đã nhờ rất nhiều nơi để kiếm em nhưng không có kết quả. Không biết cháu có thể giúp bác, mỗi nơi cháu đi qua để mắt kiếm dùm em ?”.

- Thưa...

Dường như bác đã lạc vào một thế giới khác, chẳng còn nghe, còn thấy gì chung quanh...

- Em nó tên là Trần Thị Thanh Lan. Năm ấy em nó mới có 13 tuổi, vẫn còn láu táu lắm, tóc dài chấm vai. Gia đình bác thời ấy chỉ có khả năng cho mỗi một đứa con đi nên mới gởi gấm em đi theo gia đình người bạn quen. Cả tàu không có một tin tức trở về, chẳng biết chết sống thế nào. Nếu em nó còn, năm nay em nó tròn 47...

Tới phiên mình bị đẩy lạc trở về cái khoảng quá khứ đầy mộng mị.

Cũng cuối năm 1980 ấy, con tàu vượt biên nhỏ xíu chật ních những người. Khoang tàu xâm xấp nước biển lẫn lộn cùng chất thải từ cơ thể bấy nhiêu hành khách. Con bé tóc ngắn nằm sát bên cạnh dường như đi một mình, từ lúc đặt chân xuống ghe chẳng nghe mở miệng nói một câu. Mà mở miệng nói với ai bây giờ, cả chiếc ghe bốn mươi mấy người có mấy ai quen ai ! 

Con bé dường như cũng bị say sóng nặng giống hệt mình, cũng ói lên ói xuống ngay tại chỗ và cũng lả đi nằm thiêm thiếp. Một lần quay đi không kịp, con bé ói văng đầy cả vào mặt mình sát cạnh !

Biết được nó còn sống là nhờ có một lần bắt gặp ánh mắt của con bé yếu ớt dòm qua. Ánh mắt dường như muốn xin lỗi. Anh mắt thăm thẳm, lạc lõng, vướng vất nhiều tảng mây xám ngắt chiều thu. Ánh mắt đã đi theo ám ảnh mình suốt cả mươi năm đầu lúc mới tới được Hoa Kỳ...

Con bé chắc còn nhỏ lắm, cũng chỉ cỡ 12, 13 là cùng, và là người con gái đầu tiên bị thằng hải tặc ỡ trần vấn xà-rông xốc cho ngồi lên, rồi chọc thẳng tay vào áo rờ rẫm mà rú lên cười ! 

Con bé cũng là bé gái nhỏ nhất trong nhóm phụ nữ đầu tiên bị bắt chuyền qua tàu hải tặc và chẳng bao giờ còn nghe tin. 

Con bé nằm ngay sát cạnh mình mà chẳng hề biết được tên...

Giọng bà bác ngay sát tai mà như rất mơ hồ đến tự đâu đâu…

- Ba mươi bốn năm rồi đó cháu. Biết đâu con bé tội tình của bác đang sống lưu lạc ở một nơi nào đó trên thế giới mà không có cách nào để tìm lại được gia đình. Biết đâu em nó ở đâu đó trong những thành phố cháu đi qua...

Ôi... Người mẹ tội nghiệp tìm con, đã chừng mấy năm rồi mà vẫn không vơi đi niềm hy vọng dù rất mỏng manh...

Tần ngần hỏi :

- Thưa bác, chị ấy đã... đi từ đâu ?

Giọng hai bác cháu đều trở nên tự lư, nhẹ như tơ tự lúc nào.

- Ghe em nó đi từ Rạch Giá, cháu...

Một phiến đá nặng chặn nghẹn nãy giờ bỗng được nhấc lên khỏi lồng ngực, không phải con bé ấy rồi ! Ghe mình đã xuất phát khời hành từ mũi Cà Mau...

- Anh em cháu cũng vượt biên vào khoảng thời gian ấy, tụi cháu may mắn đã đến được bến bờ. Cháu... chưa biết sẽ phải làm gì, nhưng cháu sẽ ráng...

Trao đổi nhau số phone. 

Bác gái nhũ danh là Trương Thị Hoà, nhà đã ở khu Hoà Hưng Sài Gòn...

Sợ bác sẽ khóc, nhưng nước mắt bác chẳng ra. Chắc những dòng nước mắt đã chảy cạn khô trong suốt ba mươi mấy năm qua rồi, chẳng còn ! 

Bác run run siết chặt đôi bàn tay cảm ơn, xin lỗi đã làm phiền, rồi xiêu vẹo bước trở lại vào khán phòng. 

Mình ngồi thừ lại ở bên ngoài phải cho mãi một thời gian. 

Lâu lắm mới buồn như thế ! 

Và cái buồn chắc chắn sẽ còn vư
ng vất mãi chẳng biết đến bao giờ...

Gần ba mươi lăm năm rồi, khả năng còn sống sót của người con chắc không nhiều nhưng cũng có thể... Biết đâu ở đâu ở nước nào đó trong vùng Đông Nam Á không chừng...

Và không phải chỉ có mỗi chị Thanh Lan này, mà còn biết bao nhiêu người con gái khác cũng mất tích, biết đâu cũng đang lưu lạc ở đâu đó...

Và nếu đúng thế, biết đâu bạn... quen, bạn biết ? Biết đâu bạn có chút tin tức ? 

Hoặc giả nếu như không thấy phiền bạn có thể "share" dùm bài này đến bạn bè như một tờ truyền đơn nhắn tin, tìm kiếm. Biết đâu ở một mảnh đất nào đó có một người con gái cũng bao nhiêu năm mong mỏi tìm được lại gia đình của mình...

Thảm cảnh của cả một đất nước, của cả một dân tộc...

Buồn nhỉ ! 
Giá như mình có thể khóc được...


Don Hồ (Oct. 9, 2014)


_____________________________________________________

1 comment:

  1. Mỗi một người tỵ nạn , đều có một góc khuất, âm u những câu chuyện đau buốn, Thời gian có thể làm mờ những vết sẹo nhưng không thể xoá hẳn. Biết bao nhiêu thãm cảnh đã xảy ra, không chỉ là bé gái này mà cho cả một dân tộc. Ai gây ra những tội ác này? biết bao nhiêu biển, bao nhiêu sông mới rửa sạch được tội lỗi?.
    Đừng hỏi tại sao gần 40 năm rồi mà chúng tôi vẫn không nguôi oán hận, và càng đáng khinh hơn nữa những người ( có đáng được là người không?) ra tới hải ngoại rồi vẫn còn tiếp tay với giặc vì quyền lợi cá nhân.

    Làm gì còn nước mắt để khóc?

    ReplyDelete