Phạm Thiên Thu
Anh thương yêu,
Sáng nay thức dậy trời còn tối, không gian thật tĩnh lặng, em chợt
thèm một ly café sữa nóng, đi thật nhẹ ra bếp, vì không chỉ cả khu phố, mà ngay
cả mọi người trong nhà vẫn còn an giấc điệp, cho dù trong phòng má vẫn có chút
tiếng động rù rì của TV chưa tắt, lấy chiếc ly thủy tinh có quai và rót vào
đó chút sữa tươi vừa đủ, bỏ vào microwave, nhấn 2 phút cho sữa thật nóng,
cho vào một gói café ginseng, và nếm một chút bột café hơi đăng đắng trước khi
trút hết cả gói vào trong ly sữa, cái thói quen thích uống café nóng bằng ly
thủy tinh của em không sao bỏ được (người ta chỉ uống đá mới dùng ly thủy tinh
mà thôi, nhưng em không sao uống nổi trong cái ly sứ trắng đến lạnh lùng, dù
rằng nó có sang hay đẹp cỡ nào chăng nữa).
Đưa ly café lên môi, em chợt nhớ vô cùng những ly café sữa nóng
với chiếc bánh croissant mỗi sáng thứ bảy ở La Pagode ngày xưa ghê đi. Em có
thói quen uống Café sữa tươi từ những ngày xa xưa đó, thật ra café sữa ở La Pagode
nhiều người chê vì kiểu pha của nó, một ly café và một ly sữa tươi được đưa ra
cho khách tự pha với mấy viên đường để riêng ngoài đĩa. Người VN thích uống
café filtre với sữa đặc vì nó đậm đà hơn, nhưng em lại thích phong cách của La Pagode,
và vì em thích uống thật nóng nên phải nhờ làm nóng lại sau khi pha chung café
với sữa.
Anh thương yêu,
Chắc anh đang tự hỏi tại sao em lại nhắc đến La Pagode phải không,
nó đâu còn nữa, chỉ còn lại chút ký ức trong lòng người Sài Gòn phải không
anh.
Anh có biết là khi
em tình cờ đi ngang qua góc đường Tự Do, em đã thấy mắt mình cay thật cay khi
mình không còn được nhìn thấy hình ảnh thân yêu cũ của La Pagode, Xuân Thu,
Passage Eden, bánh Givral, và cả bà cụ bán bún riêu ốc, giò heo ở mặt sau của
thương xá (nhìn qua rạp Rex).
Em nhớ vô cùng những buổi trưa rời giảng đường Văn Khoa hay từ bên
đại học Khoa Học ra La Pagode, bỏ những đồng xu vào máy và nhắm mắt lại, hít
mùi thơm của Croissant mới ra lò và nghe France Gall, Silvie Vartan, Francoise
Hardy hay Christophe , Adamo hát những bài nhạc Pháp mà mình yêu thích… Nhớ
những buổi chiều rủ nhau vào hẻm Casino ăn bánh tôm chiên hay chả giò. Nhớ góc
đường Pasteur với gỏi khô bò, bánh ướt nóng, bò bía, mì Hào Huê và ly nước mía
Viễn Đông hay ly Café Liegoise ở quán kem Lan Phương. Nhớ cả đĩa chateubriand
và ly cam vắt sang trọng của Cafeteria Rex mà lúc đó ít có cô cậu sinh viên nào
dám bước chân vào vì e ngại căn bệnh “viêm màng túi” của thời học trò. Nhớ cả món
hoành thánh của quán mì Kỳ Ký ở đường Võ Di Nguy (Sài Gòn), hoành thánh gói
thịt bằm trộn cua biển ngon ơi là ngon, không biết anh còn nhớ không
??? Còn món bánh ngọt hay pâté chaud của Givral thì làm sao mà chê vào đâu
được phải không anh ? À, anh còn nhớ món cà pháo dòn rụm ăn với canh cua rau
đay, và cá chép chiên dòn của quán cơm Bà Cả Đọi chứ (em nghe nói bây giờ quán
cơm Đồng Nhân gì gì đó là gốc của quán Bà Cả Đọi, nhưng em nghĩ là
nói xạo để câu khách mà thôi, làm sao mà có được cái không khí của bữa cơm ngồi
trên phản gỗ trải chiếu cùng nhau hít hà vì canh nóng với ớt cay được chứ), cả
cái hẻm phía bên kia đường Nguyễn Huệ, sao mà món bún thịt nướng hấp dẫn thế
không biết, giờ này ngồi đây mà em vẫn như hít được mùi thơm của thịt nạc dăm
và thịt ba chỉ đang nhỏ mỡ xèo xèo xuống than hồng và món củ cải, carot chua
chua ngọt ngọt với ớt bằm cay cay khiến người ta rỏ rãi nước miếng.
Trời ơi, cái Sài Gòn đó chắc chỉ còn sống riêng trong lòng em mà
thôi, có còn đâu những hình ảnh cũ, cả con đường Gia Long xưa với hai hàng me trĩu
quả, cùng những câu thơ anh Hải chép cho em, bài thơ anh ấy vừa sáng tác
Hôn rách mặt mà sao còn nghi ngại
Nhớ điên đầu sao cứ sợ chia tan
Mỗi lòng người một lý lẽ bất an
Mỗi cuộc chết có một hình thức khác
Mỗi đắm đuối có một mầm gian ác
Mỗi đời tình có một thú chia ly
Chiều nắng âm thầm chào biệt lũ lá me
Lá me nhỏ như nụ cười hai đứa, nhỏ
Tình cũng khó theo thời cơm áo khó
Ta dìu nhau đi dưới bóng nợ nần
Em bắt đầu thấy ân hận chưa em
Vì lỡ nói thương anh, cái thằng quanh năm túng thiếu
Ân hận có thì hãy nên ráng chịu
Hãy xem như cảnh ngộ đã lâu ngày
Như địa cầu không thể ngược vòng quay
Như Phật, Chúa phải gay go trước giờ lên ngôi Phật Chúa
Tình cũng khó theo thời cơm áo khó
Nên mới yêu mà cư xử rất vợ chồng
Rất thật tình khi lựa quán bình dân
Khi nói thẳng anh gọi café đen bởi hụt tiền uống café đá
… … …
(Hai hàng me ở
đường Gia Long của Nguyễn Tất Nhiên)
Rồi không chỉ có vậy, Sài Gòn còn bao nhiêu là niềm nhớ trong
chúng ta. Rạp Ciné Vĩnh Lợi (mà chỉ dám đi khi có đông bạn bè hay chí ít là đi với
anh khi chúng ta bị hụt những bộ film chiếu ở Rex), cùng với quán bánh ngọt
Thanh Bạch với nhiều món bánh hấp dẫn ở kế bên… Rồi cả rạp Ciné Lê Lợi ở đường
Lê Thánh Tôn của chúng mình vào những hôm nghỉ giữa giờ học, buổi trưa chui vào
đó tránh cái nóng nắng của Sài Gòn, sau đó ra đường Nguyễn An Ninh cạnh chợ Bến
Thành để ăn bánh canh cua giò heo gánh, kế bến xe lam đi về Thủ Đức, uống thêm
ly chanh muối của xe nước đặt trước khách sạn Mỹ Xuyên và dĩ nhiên là lên xe
Lam về nhà sau khi đã thỏa mãn cái bao tử… Ý, chút xíu nữa thì lại quên xe bột
chiên ở góc ngã sáu Phù Đổng Thiên Vương nữa chứ, bột chiên được đánh dẹp xuống
và trút lên hai quả trứng gà và nắm hành lá xanh cùng với đu đủ sống bào sợi,
tương ớt và ớt bằm đỏ au cùng với mùi mỡ chiên bánh thơm lừng thật khiến người
ta không thể không nuốt nước miếng phải không anh.
Sài Gòn
còn có Café Brodard của anh nữa chứ, không nhắc thì anh lại “kiện cáo” em cho
mà coi. Đã thế thì lại phải nhắc luôn nhà sách Khai Trí mà không tuần nào em
lại không ghé qua ít nhất một lần, rồi nhà hàng Thanh Thế, nơi hẹn hò của giới
văn nghệ sĩ Sài Gòn, mà hồi đó em và lũ bạn thỉnh thoảng ghé vào vì muốn nhìn
mặt ca sĩ nào mình yêu thích coi thử “khuôn mặt thật ở ngoài đời ” thế nào,
nhất là buổi trưa thì sẽ thấy ở đó nhiều khuôn mặt nghệ sĩ mà mình yêu thich
lẫn không ưa, cũng chẳng vì đâu.
Ôi, còn
bao nhiêu thứ phải nhớ của Sài Gòn nữa đây anh ??? Quán thạch chè Hiển Khánh ở
gần rạp Casino Đa Kao cùng xe bò viên, với cơm thố trước rạp ciné đó anh
có nhớ không, bây giờ hình như chỉ còn quán thạch chè Hiển Khánh gần chợ Bàn Cờ
hay Vườn Chuối gì đó, hôm trước anh có hứa chở em tới đó ăn chè mà chưa
thực hiện được, cho nợ đó nghen bạn hiền… Còn cả phở Quyền ở Phú Nhuận, phở Dậu
ở hẻm 288 Công Lý, được mệnh danh là Phở Nguyễn Cao Kỳ (vì hồi đó ông “Râu Kẽm”
này thường hay ăn ở đó) nhưng sao bây giờ em không còn nghe được cái vị ngon
ngày xưa ở hai nơi này nữa, có lẽ bây giờ quán có hơi khang trang hơn nên cũng
lạ lẫm hơn và ăn cũng không nghe ngon như ngày xưa, vì thế em cũng chẳng muốn
nhớ hai địa điểm này nữa…
Anh
thương yêu,
Mấy hôm
nay tự dưng buồn quá đỗi, lúc nào em cũng có cái cảm giác cô đơn, trống vắng
thế nào ấy, chẳng sao hiểu nổi, và dĩ nhiên là em muốn khóc vô cùng, có phải đó
là dấu hiệu của tuổi già, và của một căn bệnh nào đó sắp xuất hiện hay không
nữa, nhưng… hình như em cũng lờ mờ nhận ra một chút xáo trộn trong em là do tin
tức về một Sài Gòn xưa của em đang hấp hối, chuẩn bị cho những khối béton cao
tầng hiện đại nhưng quá ư xa lạ ngự trị ở những nơi chốn quen thuộc của Sài Gòn
xưa. Crystal Palace chết đi em không có gì buồn tiếc
dù ngày xưa có rất nhiều lần em cùng anh và lũ bạn ăn kem ở đó.
Nhưng
với thương xá Tax bây giờ thì lại khác, khu vực quanh đó còn kéo theo bao nhiêu
kỷ niệm của chúng mình, những lần tha thẩn từ Passage Eden qua công trường Lam
Sơn, đi vòng quanh bồn phun nước, đứng trước tượng Thủy Quân Lục Chiến chụp
hình và ngắm nghía thành phố, ngắm dòng người và xe cộ chạy quanh, nhìn tòa nhà
Quốc Hội, rồi nắm tay nhau tung tăng vào thương xá Tax, leo lên chiếc thang
cuốn đi lên rồi lại chạy qua thang đi xuống, giống như Phúc Thiên bây giờ mỗi
khi đi vào Macy hay vào mall nào có thang cuốn cũng kéo em đi lên rồi đi xuống
tới mấy lần mới chịu thôi. Em nhớ hôm anh đi bay về, ghé vào Văn Khoa đón em và
chúng mình vào Pôle Nord ăn kem, ly kem có chút xíu, chẳng lẽ em lại đòi ăn
thêm vài ly (vì em rất thích ăn kem mà), thế nên lần sau em nhất định không
thèm ăn kem ở Pôle Nord nữa, ở Hội Việt Mỹ VAA kem còn ngon hơn và rẻ hơn
nhiều, một ly kem ở Pôle Nord là em ăn được tới ba ly ở VAA (mà ở đây kem làm
bằng nguyên liệu của Mỹ nên béo lắm, chả thế mà anh cứ nói em tròn như
Babylac).
Thương xá Tax không chỉ với riêng em, mà còn với biết bao người
sống ở Sài Gòn hay chỉ một lần dừng chân ghé thăm cũng không thể nào quên bởi
tuổi đời của nó, và cũng bởi những mặt hàng được bày bán ở đó. Hàng mua ở Tax
tự nó đã có một chút giá trị khác với hàng mua ở những nơi khác.
Nghe nói tháng mười này Tax sẽ bị xóa tên trên bản đồ Sài Gòn.
Em bỗng dưng nghe lòng ngậm ngùi như thể đang nhìn thấy một người thân yêu
của mình vừa bị bác sĩ kêu án tử vì căn bệnh ung thư ở giai đoạn cuối, sự sống
chỉ đếm thoi thóp từng ngày, thậm chí từng giờ… Và em lại không được gặp mặt
người thân yêu này lần cuối, em cứ tưởng tượng những nhát búa đập vào bờ tường
của thương xá mà nghe lòng đau nhói, em quên, chắc đâu cần đập làm gì cho
mệt công tốn sức anh nhỉ, kéo sập xuống và cho xe tới ủi là xong đời lão già
Tax hơn trăm tuổi này rồi.
Không dưng trong đầu em cứ vang vang câu hát
Sài Gòn ơi, tôi đã mất người
trong cuộc đời
Sài gòn ơi, tôi đã hết thời
gian tuyệt vời
Giờ còn đây, những kỷ niệm sống
trong tôi
… ... ...
(Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt – Nam Lộc)
Quả thật bây giờ Sài Gòn chỉ còn trong kỷ niệm, chỉ còn trong
ký ức của Người Sài Gòn cũ, phải thế không anh ???
Buồn và buồn quá đi thôi… !
Phạm Thiên Thu
No comments:
Post a Comment