Hospice là danh từ mới được dùng trong y khoa vài chục năm nay, khó tìm chữ Việt Nam để dịch. Định nghĩa ban đầu của nó: nhà nghỉ chân cho khách qua đường. Vâng, đây là nơi nghỉ ở cuối con đường đời, giai đoạn mà ai cũng phải trải qua mặc
dù nói đến thì ai cũng không muốn nói. Chúng ta có thể tạm dịch hospice là sự chăm sóc dành cho những người không còn sống bao lâu nữa, mục đích là làm phần cuộc đời còn lại này dễ chịu đựng hơn, cũng như phần tâm linh được thanh thản hơn.
Nếu bạn hoặc người thân bị một căn bệnh “cuối cùng” đã hết cách chữa, đây là lúc nên tìm tới nơi nghỉ chân cuối đường tức “hospice”. Chúng ta nên tìm hiểu cách thức hoạt động của hospice và cách dùng hospice để có được sự thoải mái và hỗ trợ cần thiết cho mình hoặc người thân cũng như gia đình và bạn bè.
Chăm sóc cuối đời (hospice) là gì?
Chăm sóc hospice dành cho những người đang đi đến cuối đời. Dịch vụ chăm sóc người sắp chết này được cung cấp bởi một nhóm chuyên môn nhằm đem đến sự dễ chịu cho một người bị bệnh nan y bằng cách giảm đau và đáp ứng các nhu cầu vật chất, tâm lý, xã hội và tâm linh của họ. Để hỗ trợ gia đình người bệnh, hospice cũng cung cấp dịch vụ tư vấn, chăm sóc thay thế và trợ giúp thiết thực cho gia đình.
Không giống như các chăm sóc y tế khác, hospice không nhắm đến việc chữa bệnh. Mục tiêu của hospice là đem đến phẩm chất đời sống cao nhất có thể cho thời gian còn lại của bệnh nhân.
Hospice dành cho một người bị bệnh nan y dự kiến sẽ chỉ sống sáu tháng hoặc ít hơn. Điều này không có nghĩa là chăm sóc này chỉ kéo dài sáu tháng. Hospice vẫn có thể được cung cấp sau đó khi bác sĩ và nhóm chăm sóc xác nhận rằng tình trạng của bệnh nhân sẽ không kéo dài được.
Chăm sóc hospice không chỉ dành cho những người có bệnh ung thư mà còn có thể cho người có bệnh tim mạch, mất trí nhớ, suy thận hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Hospice đã được chứng minh là làm cho những người có bệnh nan y thấy đỡ hơn và sống lâu hơn. Ghi danh vào hospice sớm có thể giúp bạn hoặc người thân có mối quan hệ tốt với các nhân viên hospice, là những người có thể giúp chuẩn bị cho các nhu cầu cuối cùng của đời người.
Hầu hết các dịch vụ chăm sóc người sắp chết được cung cấp tại nhà - với một thành viên trong gia đình đứng ra làm người chăm sóc chính. Tuy nhiên, hospice cũng có tại các bệnh viện, nhà điều dưỡng, nhà lão và các cơ sở chuyên môn về hospice.
Bất kể hospice được cung cấp tại đâu, đôi khi bệnh nhân cũng cần được nhập viện, nếu một triệu chứng bệnh không thể được giải quyết bởi nhân viên hospice trong khung cảnh gia đình.
Nếu bệnh nhân nhận chăm sóc hospice tại nhà, nhân viên hospice sẽ thăm viếng thường xuyên để cung cấp các dịch vụ. Nhân viên hospice thường trực 24 giờ một ngày, bảy ngày một tuần.
Đội ngũ chăm sóc hospice gồm những ai?
Một đội ngũ chăm sóc cuối đời thường gồm có:
Bác sĩ. Bác sĩ riêng của người bệnh và một bác sĩ hospice hoặc giám đốc y tế sẽ giám sát việc chăm sóc.
Y tá. Y tá sẽ đến nhà để cung cấp dịch vụ chăm sóc. Y tá cũng có trách nhiệm phối hợp công việc của đội ngũ chăm sóc.
Nhân viên y tế phục vụ tại nhà. Những nhân viên này cung cấp những chăm sóc hằng ngày như thay quần áo, tắm rửa và ăn uống.
Tư vấn tâm linh. Linh mục, sư thầy hoặc những người cố vấn tâm linh khác có thể hướng dẫn tâm tinh cho cả gia đình.
Nhân viên xã hội. Nhân viên xã hội cung cấp tư vấn và hỗ trợ. Họ có thể giới thiệu bệnh nhân và gia đình đến các hệ thống hỗ trợ khác.
Dược sĩ. Dược sĩ giám sát việc dùng thuốc và góp ý về những cách hiệu quả nhất để giảm các triệu chứng.
Các thiện nguyện viên. Những thiện nguyện viên đã được huấn luyện về hospice cung cấp các dịch vụ tùy thuộc vào nhu cầu của người bệnh và gia đình, như làm bạn hoặc săn sóc bệnh nhân thay thế cho người nhà để họ được nghỉ ngơi, giúp đỡ với việc chuyên chở hoặc các nhu cầu thiết thực khác.
Các chuyên gia khác, thí dụ như chuyên viên về tiếng nói, thể chất và nghề nghiệp trị liệu, nếu cần thiết.
Tư vấn cho sự mất mát. Những người này cung cấp hỗ trợ và hướng dẫn sau cái chết của người thân được chăm sóc hospice.
Chi phí cho hospice
Medicare, Medicaid, Bộ Cựu Chiến Binh và bảo hiểm tư nhân có thể trả tiền cho việc chăm sóc hospice. Mỗi chương trình có chính sách riêng về việc thanh toán cho sự chăm sóc, nhưng dịch vụ thường được dựa trên nhu cầu chứ không phải khả năng chi trả. Nên hỏi về cách thanh toán trước khi lựa chọn một chương trình hospice.
Để tìm hiểu về các chương trình hospice, nên nói chuyện với các bác sĩ, y tá, nhân viên xã hội hoặc nhân viên tư vấn, hoặc liên lạc với văn phòng địa phương hay tiểu bang về tuổi già. Cũng có thể hỏi bạn bè hoặc hàng xóm. Tổ chức National Hospice and Palliative Care Organization có một danh sách các tổ chức hospice đăng trên mạng.
Đánh giá một chương trình hospice
Để đánh giá một chương trình hospice, nên đặt câu hỏi về các dịch vụ cung cấp. Ví dụ:
Chương trình có được Medicare chứng nhận không? Chương trình có được xem xét và cấp phép bằng cách khác không? Chương trình có được công nhận bởi The Joint Commission không?
Đội ngũ chăm sóc gồm những ai? Huấn luyện và xem xét như thế nào? Người giám đốc y tế có bằng chứng nhận về hospice không?
Chương trình vì lợi nhuận hay không lợi nhuận?
Chương trình có một dược sĩ tốt để giúp điều chỉnh thuốc?
Những dịch vụ nào được cung cấp cho người bị bệnh nan y? Cách làm giảm đau và các triệu chứng khác?
Sau giờ làm việc có người trực để giải quyết vấn đề không?
Mất bao lâu mới được chấp nhận vào chương trình?
Những dịch vụ nào được cung cấp cho gia đình người bệnh? Có những dịch vụ thay thế cho người chăm sóc không? Chương trình có những dịch vụ an ủi người thân sau khi người bệnh chết?
Chương trình có các thiện nguyện viên không?
Nếu hoàn cảnh thay đổi, dịch vụ có thể được cung cấp ở một nơi khác không? Chương trình có hợp đồng với các nhà dưỡng lão địa phương? Có hcương trình tại nàh không?
Các chi phí hospice có được trả bằng bảo hiểm hay các nguồn khác, chẳng hạn như Medicare, không?
Nên nhớ rằng hospice nhấn mạnh vào sự chăm sóc hơn là chữa bệnh. Mục đích là để cung cấp sự thoải mái trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc sống.
Chăm sóc cuối đời
Chăm sóc cho một người thân đang chờ chết không dễ dàng chút nào. Ngay cả khi bạn biết rằng kết thúc đang đến gần, bạn có thể không cảm thấy sẵn sàng. Hiểu được những gì sẽ đến - và những gì bạn có thể làm để tăng sự thoải mái của người thân yêu - có thể giúp bạn đối phó dễ dàng hơn.
Người thân của bạn có thể lựa chọn sự chăm sóc cho những ngày cuối cùng của cuộc sống. Các chọn lựa này có thể gồm:
Chăm sóc tại nhà. Rất nhiều người chọn chết tại nhà mình hoặc tại nhà của một thành viên trong gia đình. Bạn có thể đảm nhận vai trò của người chăm sóc hoặc thuê các dịch vụ chăm sóc tại nhà. Chăm sóc hospice - dịch vụ giúp bảo đảm phẩm chất cao nhất của cuộc sống cho thời gian còn lại - có thể được cung cấp tại nhà.
Chăm sóc bệnh nhân nội trú. Một số người có thể muốn sự chăm sóc toàn thời gian tại một nhà dưỡng lão, bệnh viện hay nhà hospice. Chăm sóc hospice cũng có thể được cung cấp ở các môi trường kể trên.
Khi thảo luận về các chọn lựa với người thân của bạn, hãy xem xét về sở thích của mình cũng như nhu cầu vật chất, tình cảm và tâm lý xã hội đặc biệt. Tính xem có được bao nhiêu sự trợ giúp từ gia đình và bạn bè. Để được giúp chọn chăm sóc tốt nhất, nên nói chuyện với đội ngũ chăm sóc sức khỏe người bệnh hoặc một nhân viên xã hội. Bạn có thể yêu cầu được giới thiệu đến các chuyên gia chăm sóc hospice.
Người bệnh có thể nói về tâm linh hoặc ý nghĩa của cuộc sống. Đừng ép họ nói về những vấn đề này nhưng nếu nó được họ đề cập tới, nên khuyến khích người bệnh nói ra để khám phá và giải quyết cảm xúc của mình. Bạn có thể hỏi người bệnh những câu hỏi mở về niềm tin và kinh nghiệm của mình hoặc những khoảnh khắc ý nghĩa nhất của họ. Bạn có thể mời một vị lãnh đạo tinh thần đến thăm và nói chuyện với người bệnh.
Bạn có thể giúp người bệnh nói ra mong muốn cuối cùng của họ tới gia đình và bạn bè. Khuyến khích người bệnh chia sẻ cảm xúc của mình, lời cám ơn và tha thứ, và cho người thân cơ hội để nói lời tạm biệt. Điều này có thể kích thích thảo luận về những suy nghĩ quan trọng chư từng nói ra, có thể có ý nghĩa cho tất cả mọi người.
Người bệnh cũng có thể muốn để lại một di sản - chẳng hạn như việc tạo ra một bản ghi âm về cuộc sống của mình hoặc viết thư cho những người thân yêu, đặc biệt là liên quan đến những sự kiện quan trọng trong tương lai.
Thật khó để dự đoán chính xác khi nào người bệnh sẽ chết. Tuy nhiên, khi cái chết gần đến, người bệnh có thể biểu lộ các dấu hiệu và triệu chứng cho thấy họ đã đến cuối đời, thí dụ:
Bồn chồn và kích động. Người bệnh có thể thường xuyên thay đổi vị trí.
Khép kín, thu lại. Người bệnh có thể muốn thu rút lại, không còn quan tâm đến bạn bè hoặc các hoạt động yêu thích.
Buồn ngủ. Người bệnh có thể thấy buồn ngủ, ngủ nhiều hơn hoặc có giấc ngủ không liên tục.
Mất cảm giác ngon miệng. Người bệnh có thể ăn và uống ít hơn bình thường.
Dừng hoặc thay đổi hơi thở. Điều này có thể xảy ra khi người bệnh đang ngủ hay thức.
Mặc dù bạn không thể thay đổi những gì đang xảy ra với người bệnh, bạn có thể giúp họ dễ chịu nhất có thể - với sự hỗ trợ của các chuyên gia chăm sóc hospice.
Sau đây là những cách giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn:
Nếu:
- Người bệnh không còn ăn hoặc uống: Giữ miệng ẩm với mẩu nước đá hoặc một miếng bọt biển ướt. Bôi dầu trơn lên môi để bớt khô.
- Khó thở: Đặt đầu về một bên, kê chiếc gối dưới đầu. Oxy hoặc máy tạo độ ẩm phun sương mát (cool humidifier) cũng có thể giúp làm dễ chịup. Hỏi nhân viên y tế xem có thể cho thuốc để bớt khó thở.
- Không kiểm soát tiêu tiểu: Dùng miếng đệm hoặc một ống thông để giữ cho người bệnh khô và sạch sẽ.
- Không nói được: Nói chuyện với người bệnh bằng một giọng nhẹ nhàng.
- Bị kích động hay bối rối: Hãy bình tĩnh và yên tâm. Nhắc nhở cho người bệnh biết họ là ai và đang ở đâu. Hỏi nhân viên y tế để được giúp đỡ nếu người bệnh quá sức kích động.
- Có vẻ đau đớn: Hỏi nhân viên y tế để điều chỉnh thuốc.
Người bệnh có thể trải qua một thời gian ngắn đột tăng năng lượng và trở nên tỉnh táo như bình thường. Đây là một phần thường có của cái chết đang đến. Nếu điều này xảy ra, nên tận dụng thời gian tỉnh thức còn lại của người thân và nói lời tạm biệt cuối cùng.
Đối với nhiều gia đình, luôn có mặt và cầu nguyện bên giường bệnh của người thân là một cách để thể hiện sự hỗ trợ và tình thương yêu. Nếu bạn quyết định có mặt, nên tiếp tục nói chuyện với họ. Nếu bạn nghĩ rằng người bệnh muốn chia sẻ thời gian này với những người khác, nên mời các thành viên gia đình hoặc bạn bè thân thiết đến để tỏ lộ sự hỗ trợ. Bày tỏ tình yêu của bạn đến người bệnh, nhưng cũng cho người bệnh biết rằng họ có thể ra đi thanh thản. (sk)
(VienDongDaily.Com - 06/09/2014)
_______________________________________________________________________
No comments:
Post a Comment